Wednesday, May 24, 2023

Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân - Chọn người rồi sau hãy gây dựng

 CHỌN NGƯỜI RỒI SAU HÃY GÂY DỰNG


Dương Hổ làm tướng nước Vệ, phải tội, chạy trốn sang nước Tấn, vào yết kiến Triệu Giản Tử, nói rằng:

- Tự nay giở đi, ta nhất quyết không gây dựng cho ai nữa.

- Triệu Giản Tử hỏi: Vì cớ gì mà ông lại nói thế?

- Dương Hổ nói: Khi tôi ở nước tôi, các quan hầu cận nhà vua, tôi gây dựng cho quá nửa, các quan ở triều đình tôi cũng gây dựng cho quá nửa, đến cả các quan ở biên thuỳ, tôi cũng gây dựng cho quá nửa. Thế mà bây giờ các quan hầu cận nhà vua thì dèm pha tôi, các quan triều đình thì đem pháp luật trị tội, các quan biên thuỳ thì dùng binh khí hiếp tôi. Thế cho nên tự nay giở đi, tôi nhất quyết không gây dựng cho ai nữa.

- Triệu Giản Tử bảo: Ông nói câu ấy thì nhầm. Ai giồng cây đào, cây mận thì mùa hè được bóng mát nghỉ, mùa thu được quả ngon ăn. Ai giồng cây tật lê, thì mùa hè bóng mát không có, mùa thu chỉ được những chông gai, Cứ như vậy, thì có phải là tại do như cây mình giồng lúc trước không? Nay ông sở dĩ đến nỗi thế, là vì ông gây dựng toàn cho những kẻ không ra gì cả. Cho nên người quân tử phải chọn người trước, rồi sau mới gây dựng.

HÀN THI NGOẠI TRUYỆN

GIẢI NGHĨA

- Dương Hổ: tức là Dương Hoá, người nước Lỗ thời Xuân Thu làm quan nước Lỗ là người quyền thần chuyên chính.

- Vệ: tên một nước nhỏ thời Xuân Thu ở vào một phần đất tỉnh Trực Lệ ngày nay.

- Tấn: tên một nước nhớn đời Xuân Thu, ở vào tỉnh Sơn Tây ngày nay.

- Triệu Giản Tử: một người danh thần nước Triệu đời Xuân Thu.

- Yết kiến: xin nói để đến hầu ai.

- Nhất quyết: khăng khăng giữ một mực.

- Hầu cận: ở gần vua.

- Triều đình: nói các quan chầu vua để bàn việc nước.

- Biên thuỳ: nơi bờ cõi hai nước giáp nhau.

- Hiếp: dùng sức mạnh bắt phải theo.

- Tật lê: loài cây mọc ở chỗ bãi bể, lau xuống mặt đất thân nhỏ, lá đối nhau, quả có gai và dùng làm vị thuốc.

LỜI BÀN

Dương Hổ gây dựng cho người ta, mà về sau, lại bị người ta quay lại hại mình, thật chẳng khác nào như nuôi ong tay áo, nuôi hổ để vạ, đáng tức giận lắm vậy. Cho nên phàn nàn với Triệu Giản Tử và có ý như thề rằng thôi từ rày không làm ơn cho ai nữa, vì loài người đã bội bạc lại còn thêm độc ác. Triệu Giản Tử bác đi mà giảng giải thế, là có ý qui cái tội cho Dương Hổ, là cái tật cứ gia ân bậy bạ, không biết chọn người trước rồi hãy gia ân.

Ôi! Làm ân mà phải chọn người trước, kể cũng là hẹp hòi lắm. Tuy vậy làm ơn thế mà rất quan hệ. Nếu ta làm ơn cho những kẻ gian ác, nhất là gây dựng cho nó có địa vị, có quyền thế, thực chẳng những ta không được báo ơn, mà thường lại mang hại cho cả thân ta, cả nước ta nữa. Cho nên nhời Triệu Giản Tử bảo Dương Hổ là có nhẽ lắm.


No comments:

Post a Comment