Friday, May 19, 2023

Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân - Đọc sách cổ

 ĐỌC SÁCH CỔ


Vua Hoàn Công đọc sách ở nhà trên. Có người thợ mộc đang đẽo bánh xe ở nhà dưới, nghe tiếng học bỏ, chàng, đục, chạy lên hỏi vua rằng:

Cả dám hỏi nhà vua học những câu gì thế?

- Hoàn Công đáp: Những câu của Thánh nhân.

- Thánh nhân hiện nay còn sống không?

- Đã chết rồi.

- Thế thì những câu nhà vua học chỉ là những tao phách của cổ nhân đấy thôi.

- À anh thợ xẻ! Ta đang đọc sách sao dám được nghị luận? Hễ nói có nhẽ thì ta tha, không có nhẽ thì ta bắt tội.

- Người thợ mộc nói: Tôi đây cứ lấy việc tôi làm mà xem, khi đẽo cái bánh xe, để rộng, thì mộng cho vào dễ, nhưng không chặt; để hẹp, thì mộng cho vào khó, nhưng không ăn. Còn làm không rộng, không hẹp, vừa vặn đúng mực, thì thật tự tâm tôi liệu mà nẩy ra tay tôi làm như đã có cái phép nhất định, chớ miệng tôi không có thể nói ra được. Cái khéo ấy tôi không có thể dạy được cho con tôi, con tôi cũng không thể học được tôi. Bởi thế tôi năm nay đã bảy mươi tuổi mà vẫn giữ nghề đẽo bánh xe.

Người đời cổ đã chết thì cái hay của người cổ không thể truyền lại được, cũng đã chết cả rồi. Thế thì những câu nhà vua học thật chi là những tao phách của cổ nhân mà thôi.

TRANG TỬ

GIẢI NGHĨA

- Hoàn Công: Vua giỏi nước Tề về đời Xuân Thu.

- Thánh nhân: bậc người cách rất cao làm khuôn phép cho người ta được.

- Tao phách: cặn bã rượu, vật thừa thãi bỏ không dùng nữa.

- Nghị luận: bàn bạc chê bai.

LỜI BÀN

Đọc sách cũng như xem người, xem người mà cứ câu nệ hình, sắc, danh, thanh, thì không bao giờ biết rõ được “tình” người, mà có khi lại phải người ta làm cho ngu nữa. Ta học mà cứ bo bo ở như ngôn ngữ, văn tự thì bao giờ biết hết được ý sách vì cái hay nhiều khi miệng không thể nói ra được, bút không thể tỏ hết được. Ta đọc sách mà tâm ta không lĩnh hội được cái ý ở ngoài câu nói của cổ nhân, thì ta không thể tu kỷ, không thể trì nhân được, chẳng qua chỉ làm cho loạn cái tính của ta thôi. Những kẻ hay mượn bã giả của cổ nhân để buông những học thuyết dông dài làm ra sách vở để dạy đời, ta tưởng cũng nhầm lắm.

Trong bài này ý Trang Tử cũng như ý Tuân Tử, muốn phản kháng lại cái lổi học của các cụ xưa chỉ biết lẩy "cổ" làm cốt, mà quên bỏ mất "kim" chí biết cho thánh nhân những Nghiêu Thuấn tự đời nào là phải, chớ không cho người chính thời nay còn được địa vị nào nữa. Như thế thì không khỏi gọi là thiên vậy.


No comments:

Post a Comment