Thursday, May 25, 2023

Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân - Cơ Tâm

 CƠ TÂM


Thầy Tử Cống đi qua đất Hán âm thấy một ông lão làm vườn đang xuống giếng ghính từng hũ nước, đem lên tưới rau.

- Thầy Tử Cống nói: Kia có cái máy một ngày tưới được hàng trăm khu đất, sức dùng ít, mà công hiệu nhiều. Cái máy ấy đằng sau nặng, đằng trước nhẹ, đem nước lên rất dễ và tên gọi là "Máy lấy nước".

- Ông lão làm vườn nói: Máy tức là cơ giới, kẻ có cơ giới tất có cơ sự, kẻ có cơ sự tất có cơ tâm. Ta đây có phải không biết cái máy ấy đâu, chỉ nghĩ xấu hổ mà không muốn dùng vậy.

TRANG TỬ

GIẢI NGHĨA

- Tử Cống: học trò đức Khổng Tử giỏi về khoa ngôn ngữ.

- Hán âm: tên đất hiện ở vào phủ Hưng An, tính Thiểm Tây bây giờ.

- Công hiệu: nói dùng làm được nhiều việc.

- Cơ giới: đồ dùng có máy móc.

- Cơ sự: những việc dối giá, tai quái bầy ra để lừa hại người ta.

- Cơ tâm: lòng gian trá bí mật nghĩ để hãm hại người ta.

LỜI BÀN

Cái đời gọi là văn minh. Âu Mỹ bây giờ chính là nhờ ở máy móc cả. Bao nhiêu đồ vật cần dùng từ cốc rượu uống, cái kim may áo cho đến cái súng trái phá, máy bay trên không, tầu ngầm dưới bể, nghĩa là tự cái đồ gây dựng cho đến cái đồ phá hoại cũng là tự máy móc chế ra rất là tinh xảo, thiên hạ đua nhau khen cho là thần diệu, thiên hạ xô nhau dùng cho là tiện lợi, tưởng như chỉ có thế, loài người mới được gọi là sung sướng.

Cái lẽ đang nhiên. Nhưng xét lại phàm người đã đặt ra máy móc, tất là người phải có cơ tâm, mà khi đã có cơ tâm, ngờ nhau từng ly, lừa nhau từng miếng, thì còn đời nào mà hoà thuận, tin yêu nhau được. Ôi! Trang Tử đây thác vào kẻ làm vườn mà nói lấy “cơ tâm” làm xấu hổ cũng là có nghĩa vậy. Người ta quí nhất là giữ được thiên chân, toàn được bản tính. Nếu không, thì tư tưởng, hành vi làm sao cho tránh khởi được điều trí trá, kiểu sức, quỉ quyệt, nham hiểm, gian mà giống như ngay, nịnh mà giống như trung, giả mà giống như thật, trái mà giống như phải, thực là tai hại cho người mà tai hại cho chính cả mình nữa. Cơ tâm mình tự dối mình trước để sau dối người, hay trái lại mình đã dối người quen, sau thành dối cả mình, thì còn đâu là lương tâm để làm lành, làm phúc nữa?

No comments:

Post a Comment