Saturday, May 27, 2023
Friday, May 26, 2023
Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống
43. CÂY GẬY NGẮN CỦA SHUZAN
Shuzan [Thủ Sơn TỈnh Niệm: Shuzan Shonen (J); Shoushan Xingnian (C), 925-993 - LND] đưa cây gậy ngắn ra và bảo: "Nếu ngươi gọi nó là đoản trượng, ngươi phản thực tại. Nếu ngươi không gọi nó là đoản trượng, ngươi coi thường thực tế. Bây giờ ngươi muốn gọi nó là cái gì nào?"
Lời bàn của Vô-Môn: Nếu ngươi gọi nó là đoản trượng, ngươi phản thực tại. Nếu ngươi không gọi nó là đoản trượng, ngươi coi thường thực tế. Không thể diễn đạt bằng lời, và cũng không thể diễn đạt mà không dùng lời. Bây giờ, hãy nói ngay cái gì vậy.
Kệ rằng:
Đưa cây gậy ngắn ra,
Ngài phán sự sống và chết.
Dương và Âm xoắn chặt,
Ngay cả Chư Phật và Chư Tổ cũng chẳng thoát được.
Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân - Không đợi trông cũng biết
KHÔNG ĐỢI TRÔNG CŨNG BIẾT
Hứa Kính Tôn có tính kiêu ngạo khinh ngưòi, tiếp ai xong, nhiều khi quên ngay, sau người ta có đến, lại không rõ là ai nữa.
Hoặc có kẻ chê Kính Tôn là người không được thông minh.
Kính Tôn nói:
"Cái đó là tự người ta làm cho người ta khó nhớ đấy thôi. Ví bằng ta gặp được những bực tài giỏi như Hà, Lưu, Thẩm, Tạ, thì dù sờ trong xó tối, ta cũng có thể biết mà nhớ ra được".
TUỲ ĐƯỜNG NHAI THOẠI
GIẢI NGĨA
- Hứa Kính Tôn: người đời nhà Đường đỗ tú tài, văn chương giỏi, làm quan đến Tể tướng.
- Kiêu ngạo: khoe mình, khinh đời
- Thông minh: nghe hiểu ngay, trông biết ngay.
- Hà, Lưu, Thâm, Tạ: bốn nhà hiền tài cùng thời với Hứa Kính Tôn.
LỜI BÀN
Khinh thế, ngạo vật vốn không phải là hay. Khinh đi, khinh lại, khinh người, người khinh, có quí gì cái thói khinh người. Nhưng Hứa Kính Tôn đây, văn chương đã giỏi, quan chức lại to, chắc giao tiếp nhiều người, nhớ sao cho xiết hết được, mà chẳng quên. Nên ta cũng chưa thể cho cái quên ấy là thực khinh người. Xem ngay như câu nói của Hứa Kính Tôn, thì ta lại có thể cho là người biết người và có bụng trong những người tài giỏi.
Vả chăng ở đời, cái thói khinh người tuy không nên có, nhưng cái cách biết phân người đáng trọng, kẻ nên khinh, không nên rằng không có. Câu cổ "Tố nhân bất khả hữu ngạo thái, nhiên bất khả vô ngạo cốt" (Làm người không nên có cái dáng khinh ngạo, nhưng cũng không nên không có cái cốt khinh ngạo) cũng ám hợp với cầu của người Pháp: "Il ne faut pas mépriser, mais il faut savoir dédaigner".
Thursday, May 25, 2023
Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống
42. CÔ GÁI XUẤT KHỎI THIỀN ĐỊNH
Vào thời của Đức Phật Thích Ca, Manjusri (Văn Thù Sư Lợi - LND) đi đến chỗ phó hội của chư Phật. Khi vừa đến nơi thì cuộc hội đã tan, và mỗi vị Phật đều đã trở về nước Phật của mình. Chỉ còn lại một cô gái an nhiên trong thiền định sâu xa.
Manjusri hỏi Đức Phật Thích Ca làm sao mà một cô gái có thể đạt đến bậc này, mà ngay cả ngài còn chưa thể đạt tới. "Hãy đưa nàng ra khỏi tam-bồ-đề mà hỏi cho rõ," Đức Phật trả lời.
Manjusri bước vòng quanh cô gái ba lần và búng tay. Nàng vẫn còn đắm trong thiền định. Ngài bèn vận dụng thần lực đưa nàng lên tầng trời cao hơn và cố hết sức gọi nàng, nhưng vô ích.
Đức Phật Thích Ca bảo: "Ngay cả trăm ngàn Manjusri cũng không thể quấy động nàng, nhưng ở dưới nơi này, cách đây mười hai trăm triệu thế giới, có vị Bồ tát tên là Mo-myo (Võng Minh Bồ Tát - LND), mầm ảo tưởng. Nếu ông ấy đến đây, nàng sẽ thức dậy."
Đức Phật nói chưa dứt câu thì vị Bồ tát đã nhảy vọt lên từ mặt đất, cúi đấu đảnh lễ Phật. Đức Phật dẫn ngài đến để đánh thức cô gái. Vị Bồ tát đến trước cô gái và búng tay, tức thì nàng xuất ra khỏi thiền định.
Lời bàn của Vô-Môn: Lão Bụt dàn cảnh kém quá. Này chư tăng, ta muốn hỏi các ngươi: Nếu Manjusri, vị được coi là bậc thầy của bảy vị Phật (có nơi viết ' bảy vị bồ tát ' - LND) đã không thể đem cô gái này ra khỏi thiền định, thì cớ sao chỉ một Bồ tát, là kẻ mới bắt đầu, (Bồ tát sơ địa - LND) lại có thể làm được?
Nếu ngươi hiểu được chỗ này tường tận, ngươi có thể đi vào đại định trong khi đang sống ở thế giới ảo tưởng.
Kệ rằng:
Một người không thể đánh thức nàng, kẻ khác lại có thể.
Cả hai đều là diễn viên kém.
Một kẻ mang mặt nạ của thần, kẻ kia quỷ sứ.
Giá mà cả hai đều thất bại, thì vở kịch trở nên khôi hài.
Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân - Cơ Tâm
CƠ TÂM
Thầy Tử Cống đi qua đất Hán âm thấy một ông lão làm vườn đang xuống giếng ghính từng hũ nước, đem lên tưới rau.
- Thầy Tử Cống nói: Kia có cái máy một ngày tưới được hàng trăm khu đất, sức dùng ít, mà công hiệu nhiều. Cái máy ấy đằng sau nặng, đằng trước nhẹ, đem nước lên rất dễ và tên gọi là "Máy lấy nước".
- Ông lão làm vườn nói: Máy tức là cơ giới, kẻ có cơ giới tất có cơ sự, kẻ có cơ sự tất có cơ tâm. Ta đây có phải không biết cái máy ấy đâu, chỉ nghĩ xấu hổ mà không muốn dùng vậy.
TRANG TỬ
GIẢI NGHĨA
- Tử Cống: học trò đức Khổng Tử giỏi về khoa ngôn ngữ.
- Hán âm: tên đất hiện ở vào phủ Hưng An, tính Thiểm Tây bây giờ.
- Công hiệu: nói dùng làm được nhiều việc.
- Cơ giới: đồ dùng có máy móc.
- Cơ sự: những việc dối giá, tai quái bầy ra để lừa hại người ta.
- Cơ tâm: lòng gian trá bí mật nghĩ để hãm hại người ta.
LỜI BÀN
Cái đời gọi là văn minh. Âu Mỹ bây giờ chính là nhờ ở máy móc cả. Bao nhiêu đồ vật cần dùng từ cốc rượu uống, cái kim may áo cho đến cái súng trái phá, máy bay trên không, tầu ngầm dưới bể, nghĩa là tự cái đồ gây dựng cho đến cái đồ phá hoại cũng là tự máy móc chế ra rất là tinh xảo, thiên hạ đua nhau khen cho là thần diệu, thiên hạ xô nhau dùng cho là tiện lợi, tưởng như chỉ có thế, loài người mới được gọi là sung sướng.
Cái lẽ đang nhiên. Nhưng xét lại phàm người đã đặt ra máy móc, tất là người phải có cơ tâm, mà khi đã có cơ tâm, ngờ nhau từng ly, lừa nhau từng miếng, thì còn đời nào mà hoà thuận, tin yêu nhau được. Ôi! Trang Tử đây thác vào kẻ làm vườn mà nói lấy “cơ tâm” làm xấu hổ cũng là có nghĩa vậy. Người ta quí nhất là giữ được thiên chân, toàn được bản tính. Nếu không, thì tư tưởng, hành vi làm sao cho tránh khởi được điều trí trá, kiểu sức, quỉ quyệt, nham hiểm, gian mà giống như ngay, nịnh mà giống như trung, giả mà giống như thật, trái mà giống như phải, thực là tai hại cho người mà tai hại cho chính cả mình nữa. Cơ tâm mình tự dối mình trước để sau dối người, hay trái lại mình đã dối người quen, sau thành dối cả mình, thì còn đâu là lương tâm để làm lành, làm phúc nữa?
Wednesday, May 24, 2023
Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống
41. BỒ-ĐỀ ĐẠT-MA AN TÂM
Bồ-Đề Đạt-Ma ngồi diện bích. Kẻ kế vị ngài trong tương lai [Huệ Khả: Taiso Ekai (J); Dazu Huike (C), 487-593 - LND] đứng trong tuyết giá và dâng một cánh tay bị chặt lìa. Y khóc: "Tâm của con không an. Đại sư, xin ngài an tâm cho con."
Bồ-Đề Đạt-Ma nói: "Nếu ngươi đem cái tâm đó ra đây ta sẽ an cho."
Người kế vị bảo: "Khi tìm tâm, con chẳng nắm bắt được."
Bồ-Đề Đạt-Ma nói: "Vậy thì tâm ngươi đã an rồi."
Lời bàn của Vô-Môn: Cái lão sư chà và sún răng, Bồ-Đề Đạt-Ma, mất công vượt biển cả hàng ngàn dặm từ Ấn Độ đến Trung Hoa tưởng có gì kỳ diệu. Lão sư cứ như là sóng nổi chẳng cần gió. Sau bao năm lưu lại Trung Hoa, lão sư chỉ có mỗi một môn đồ, mà lại là kẻ cụt tay dị dạng. Than ôi, từ đấy lão sư có toàn đệ tử vô trí.
Kệ rằng:
Tại sao Bồ-Đề Đạt-Ma đến Trung Hoa?
Đã bao năm tăng chúng cứ bàn chuyện này mãi.
Mọi điều lôi thôi đeo đuổi từ bấy giờ
Do ông thầy và môn đồ đó.
Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân - Chọn người rồi sau hãy gây dựng
CHỌN NGƯỜI RỒI SAU HÃY GÂY DỰNG
Dương Hổ làm tướng nước Vệ, phải tội, chạy trốn sang nước Tấn, vào yết kiến Triệu Giản Tử, nói rằng:
- Tự nay giở đi, ta nhất quyết không gây dựng cho ai nữa.
- Triệu Giản Tử hỏi: Vì cớ gì mà ông lại nói thế?
- Dương Hổ nói: Khi tôi ở nước tôi, các quan hầu cận nhà vua, tôi gây dựng cho quá nửa, các quan ở triều đình tôi cũng gây dựng cho quá nửa, đến cả các quan ở biên thuỳ, tôi cũng gây dựng cho quá nửa. Thế mà bây giờ các quan hầu cận nhà vua thì dèm pha tôi, các quan triều đình thì đem pháp luật trị tội, các quan biên thuỳ thì dùng binh khí hiếp tôi. Thế cho nên tự nay giở đi, tôi nhất quyết không gây dựng cho ai nữa.
- Triệu Giản Tử bảo: Ông nói câu ấy thì nhầm. Ai giồng cây đào, cây mận thì mùa hè được bóng mát nghỉ, mùa thu được quả ngon ăn. Ai giồng cây tật lê, thì mùa hè bóng mát không có, mùa thu chỉ được những chông gai, Cứ như vậy, thì có phải là tại do như cây mình giồng lúc trước không? Nay ông sở dĩ đến nỗi thế, là vì ông gây dựng toàn cho những kẻ không ra gì cả. Cho nên người quân tử phải chọn người trước, rồi sau mới gây dựng.
HÀN THI NGOẠI TRUYỆN
GIẢI NGHĨA
- Dương Hổ: tức là Dương Hoá, người nước Lỗ thời Xuân Thu làm quan nước Lỗ là người quyền thần chuyên chính.
- Vệ: tên một nước nhỏ thời Xuân Thu ở vào một phần đất tỉnh Trực Lệ ngày nay.
- Tấn: tên một nước nhớn đời Xuân Thu, ở vào tỉnh Sơn Tây ngày nay.
- Triệu Giản Tử: một người danh thần nước Triệu đời Xuân Thu.
- Yết kiến: xin nói để đến hầu ai.
- Nhất quyết: khăng khăng giữ một mực.
- Hầu cận: ở gần vua.
- Triều đình: nói các quan chầu vua để bàn việc nước.
- Biên thuỳ: nơi bờ cõi hai nước giáp nhau.
- Hiếp: dùng sức mạnh bắt phải theo.
- Tật lê: loài cây mọc ở chỗ bãi bể, lau xuống mặt đất thân nhỏ, lá đối nhau, quả có gai và dùng làm vị thuốc.
LỜI BÀN
Dương Hổ gây dựng cho người ta, mà về sau, lại bị người ta quay lại hại mình, thật chẳng khác nào như nuôi ong tay áo, nuôi hổ để vạ, đáng tức giận lắm vậy. Cho nên phàn nàn với Triệu Giản Tử và có ý như thề rằng thôi từ rày không làm ơn cho ai nữa, vì loài người đã bội bạc lại còn thêm độc ác. Triệu Giản Tử bác đi mà giảng giải thế, là có ý qui cái tội cho Dương Hổ, là cái tật cứ gia ân bậy bạ, không biết chọn người trước rồi hãy gia ân.
Ôi! Làm ân mà phải chọn người trước, kể cũng là hẹp hòi lắm. Tuy vậy làm ơn thế mà rất quan hệ. Nếu ta làm ơn cho những kẻ gian ác, nhất là gây dựng cho nó có địa vị, có quyền thế, thực chẳng những ta không được báo ơn, mà thường lại mang hại cho cả thân ta, cả nước ta nữa. Cho nên nhời Triệu Giản Tử bảo Dương Hổ là có nhẽ lắm.
Tuesday, May 23, 2023
Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống
40. NGHIÊNG BÌNH NƯỚC
Hyakujo [Bách Trượng Hòai Hãi: Hyakụo Ekai (J); Baizhang Huaihai (C), 720-814] muốn cho một môn sinh ra lập một tự viện mới (ở núi Đại Qui - LND). Ngài phán với cả đám rằng nếu kẻ nào trả lời thông suốt được một câu hỏi thì sẽ được giao trọng trách. Đặt một bình nước trên mặt đất, ngài hỏi: "Ai có thể nói nó là cái gì mà không được gọi tên của nó?"
Vị tăng trưởng (chức thủ tòa - LND) nói: "Không ai có thể gọi nó là chiếc guốc."
Isan [Qui Sơn Linh Hựu: Isan Reiyu (J), Guishan Linyou (C), 771-853 - LND], vị tăng lo việc bếp núc (chức điển tòa - LND), dùng chân làm ngã chiếc bình rồi bỏ đi.
Hyakujo cả cười bảo: "Tăng trưởng thua rồi." Và Isan trở nên thiền sư của tự viện mới.
Lời bàn của Vô-Môn: Isan bạo gan thật, nhưng ngài không thoát khỏi trò đùa của Hyakujo. Rốt lại, ngài bỏ một việc nhẹ mà nhận một việc nặng. Tại sao, ngươi không thấy ư, ngài bỏ chiếc nón êm ái để tra chân vào vào cùm sắt.
Kệ rằng:
Từ bỏ nồi niêu xoong chảo,
Hạ được kẻ lắm mồm,
Tuy thầy của ngài dựng chướng ngại thử thách
Chân ngài sẽ đạp ngã mọi thứ, kể cả Phật.
Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân - Bỏ quên con sinh
BỎ QUÊN CON SINH
Họ Công Sách sắp tế. Trong các lễ vật bỏ quên không đặt con sinh. Đức Khổng Tử nghe thấy chuyện nói rằng:
- Trong hai năm nửa, họ Công Sách thế nào cũng mất quan.
Năm sau, họ Công Sách quả nhiên mất quan thật.
Môn nhân hỏi rằng:
- Trước họ Công Sách sắp tế bỏ quên con sinh mà nhà thầy nói độ trong hai năm thì mất quan, nay sự quả nhiên. Dám hỏi vì nhẽ gì mà nhà thầy biết trước như vậy?
- Đức Khổng Tử nói:
Việc tế là việc người con có hiếu tỏ hết lòng thương nhớ cha mẹ, mà lúc sắp tế, bỏ quên con sinh, thì các công việc khác bỏ quên, bỏ sót chắc nhiều lắm. Như thế mà không mất quan thì không có nhẽ.
GIA NGỠ
GIẢI NGHĨA
- Công Sách: học trò một ông quan đời Xuân Thu.
- Lễ vật: những thứ dùng để tế lễ.
- Sinh: con mông dùng làm việc tế lễ, như lợn, dê, trâu, bò.
- Môn nhân: học trò của một ông thầy.
LỜI BÀN
Việc tế đã là việc rất cẩn trọng, con sinh lại là đồ tế rất thiết yếu, mà đến lúc tế, lại quên cả con sinh thì sự sơ suất không phải là nhỏ vậy. Xét một sự mà suy ra muôn sự, đức Khổng Tử thực là vì chịu suy xét mà biết, há có phải là tiên tri đâu. Nhưng suy xét chắc chắn mà phán đoán, trúng việc thì có khác gì tiên tri.
Monday, May 22, 2023
Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống
39. LẠC LỐI CỦA UMMON
Một thiền sinh nói với Ummon [Vân Môn Văn Yển: Ummon Bun'en (J), Yúnmén Wényăn (C), 864-949 - LND]: "Hào quang của Đức Phật chiếu sáng toàn thể vũ trụ."
Trước khi y chưa dứt câu thì Ummon hỏi: "Ngươi đang ngâm thơ của kẻ khác phải không?" [của Trương Chuyết tú tài: Chõetsu Yusai (J); Zhangzhuo Xiucai (C) - LND]
"Vâng," thiền sinh trả lời.
"Người trật đường rồi," Ummon bảo.
Về sau có vị thiền sư khác tên là Shishin hỏi môn sinh của mình: "Ở điểm nào thì thiền sinh kia trật lối?"
Lời bàn của Vô-Môn: Nếu kẻ nào nhận ra được diệu xão của Ummon, hắn sẽ biết được ở điểm nào thì thiền sinh kia trật lối, và hắn sẽ là một bậc thầy của người và thần. Nếu không, hắn cũng chẳng nhận ra được chính hắn.
Kệ rằng:
Khi con cá thấy lưỡi câu.
Nếu nó tham thì sẽ mắc câu.
Khi nó mở miệng
Thì đời đã tàn.
Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân - Đây Mới Thật Là Thầy
ĐÂY MỚI THẬT LÀ THẦY
Từ Tuân Minh, người ở Hoa âm thân thể to nhớn, bồ côi từ thuở nhỏ, tính hiếu học, mười bảy tuổi theo Mao Linh Hoà sang học Vương Thông ở Sơn Đông. Học một năm thi từ biệt. Rồi sang Yên, Triệu, lại học ông Trương Ngô Quý. Học trò ông Ngô Quý rất đông. Tuân Minh dụng tâm học vài tháng. Sau nói chuyên riêng với người bạn rằng:
Thầy ta đây danh tiếng tuy lừng lẫy song nghĩa lý không được quán triệt. Phàm những câu ngài giảng thuyết, phần nhiều chẳng được thoả lòng ta. Ta muốn lại tìm thầy khác.
Rồi bèn cùng Điền Mánh Lược sang Phạm dương, thụ nghiệp ông Tôn Mãi Đức, Nhưng học vừa được một năm, lại muốn bỏ đi. Mãnh Lược bảo Tuân Minh rằng:
Anh tuổi còn trẻ, theo thầy học hành, chẳng chịu chuyên học một thầy, cứ nay thầy này, mai thầy khác, nay tìm đến, mai bỏ đi, nghìn dặm xa xôi, sách vở mang cắp, học hành như vậy, sợ không thành được. - Tuân Minh nói: Ta nay mới biết chồ ở của ông thầy đích thật là ông thầy.
- Mãnh Lược nói: Ở đâu?
- Tuân Minh chỉ vào "tâm" nói: Đây, chính ở chỗ này.
Rồi tự bấy giờ Tuân Minh học lấy một mình, hết sức suy nghĩ, sáu năm không ra khỏi nhà. Khi mỏi mệt, thường đàn địch để di dưỡng tính tình. Sau thành một bực đại nho.
NGUỴ THƯ TỪ TUÂN MINH TRUYỆN
GIẢI NGHĨA
- Tử Tuân Minh: một bực đại nho đời hậu Nguy.
- Cả Mao Linh Hoà, Vương Thông, Trương Ngô Quý, Điển Mãnh Lược, Tôn Mãi Đức cũng là mấy bực đại nho thời bấy giờ.
- Hiấu học: thích học.
- Sơn đông: tên tính ở vảo hạ lưu sống Hồng Hà.
- Từ biệt: từ giã ai để đi nơi khác.
- Dụng tâm: chăm chăm để bụng định làm một việc gì.
- Quán triệt: thấu suốt không sót nhẽ gì.
- Giảng thuyết: giảng giải và nói rõ ràng cho người ta nghe ra.
- Phạm dương: tên đất ở vảo tỉnh Trực Lệ ngày nay.
- Thụ nghiệp: đến học một nghề gì của thầy.
- Tâm: quả tim, đời cổ cho là một cơ thể, tư lự, ý thức, tinh thần của người ta đều ở đấy ra cả.
- Di dưỡng tính tình: làm cho tính tình vui hả.
LỜI BÀN
Học cần phải có thầy, cần phải có sách, cái đó là nhẽ thường, ai đi học cũng khó vượt được hai điều ấy. Song khi học đã quá cao lên, nhất về mặt văn chương, triết lý, bảo muốn tìm cho thực có thầy giỏi để thụ nghiệp, không phải là dễ vậy.
Bấy giờ tất nhiên phải như Từ Tuân Minh đây, lấy "tâm" làm thầy là hơn cả. Vì cỗi rễ muôn nghìn điều phải, điều lành đểu do ở như tâm. Học thế nào cho thấy tâm được yên thoả, được quang minh như gương sáng, như nước lặng, ngoại vật lại chang rối, ngoại vật đi chẳng lưu, mới gọi là học vậy.
Sunday, May 21, 2023
Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống
38. CÂY TÙNG GIỮA SÂN
Một vị tăng hỏi Joshu [Triệu Châu Tùng Thẩm: Joshu Jushin (J) Zhaozhou Zongshen (C), 778-897 - LND] tại sao Bồ Đề Đạt Ma lại đến Trung quốc.
Joshu bảo: "Một cây tùng giữa sân."
Lời bàn của Vô-Môn: Nếu ai thấy được câu trả lời sáng tỏ của Joshu, thì không có Phật Thích Ca Mâu Ni trước hắn và chẳng có Phật tương lai sau hắn nữa.
Kệ rằng:
Lời nói chẳng thể diễn tả được mọi điều
Tâm pháp chẳng thể truyền bằng lời.
Nếu ai say mê chữ nghĩa thì sẽ bị lạc lối,
Nếu cố giải thích bằng lời, thì hắn không thể giác ngộ được trong đời này.
Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân - Học bắn cung
HỌC BẮN CUNG
Kỷ Xương vào hầu Phi Vệ, xin học phép bắn cung. Phi Vệ bảo:
- "Anh phải học không chớp mắt trước rồi sau mới học bắn được".
Kỷ Xương vâng nhời giở về, ngày ngày nằm dưới cái khung cửi của vợ, giữa chỗ gọng máy, đưa lên, đưa xuống. Hai năm sau, thành quen mắt, cho đầu dùi đâm vào, cũng không chóp nữa.
Kỷ Xương đến thưa chuyện với Phi Vệ.
Phi Vệ bảo:
- Chưa được. Anh còn phải học nhìn. Bao giờ nhìn vật nhỏ như to, nhìn vật tối như sáng, thì bấy giờ đến đây, ta sẽ dạy.
Kỷ Xương lại vâng nhời giở về, bắt một con rận treo trước cửa sổ, ngày đêm ngảnh mặt vào đó mà nhìn. Sau mười hôm, mỗi ngày nhìn thấy một to. Sau ba năm thì nhìn thấy to bằng cái bánh xe. Bây giờ trông vật gì cũng to như núi, như gò cả. Kỷ Xương bèn làm một chiếc cung nhỏ bằng sừng, mũi tên bằng đầu kim bắn trúng giữa bụng con rận, rồi đến thưa chuyện với Phi Vệ.
Phi Vệ nhẩy lên vỗ vào bụng nói rằng:
- Anh học được rồi đó.
LIỆT TỬ
GIẢI NGHĨA
- Bằng cái bánh xe: có ý nói to lắm.
- Trúng: nhắm vào giữa không sai.
- Vỗ vào bụng: có ý vui thích.
LỜI BÀN
Nói dùi đâm vào mắt mà không chớp, ta có thể tin được, nhưng nói trông con rận to bằng cái bánh xe, tựa hồ như ngoa ngôn khiến ta lấy làm ngờ vực. Song ta ngờ vực, vị tắt đã là phải, vi ta chưa ai đã chịu khó luyện được mắt như Kỷ Xương, nhìn con rận trong những ba năm giời, ôi! Chịu khó luyện tập được như Kỷ Xương rất là hiếm. Tác giả lấy Kỷ Xương làm cái gương chịu khó chuyên tâm cho ta rất là đáng vậy. Ở đời đã kiên tâm không còn việc gì khó nữa, thì chuyên tâm cũng không có việc gì là việc không học được.
Saturday, May 20, 2023
Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống
37. MỘT CON TRÂU RA KHỎI CHUỒNG
Goso [Ngũ tổ Pháp Diễn: Goso Hōen (J); Wuzu Fayan (C), 1024-1104 - LND] bảo: "Khi một con trâu ra khỏi chuồng đến bên bờ vực. Cặp sừng, đầu và móng chân đều qua khỏi, nhưng tại sao cái đuôi lại mắc kẹt?"
Lời bàn của Vô-Môn: Nếu ai mở một mắt thấy được điểm này và nói một lời thiền, thì hắn sẽ được thưởng ngay, và không những thế, hắn còn cứu vớt cả chúng sinh bên dưới. Nhưng nếu hắn không nói được một lời chân thiền, hắn nên quay lại với cái đuôi.
Kệ rằng:
Nếu con trâu chạy, nó sẽ rơi vào hố;
Nếu nó quay trở lại, nó sẽ bị làm thịt.
Cái đuôi nhỏ bé đó
Là một điều thật lạ.
Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân - Mất Dê
MẤT DÊ
Người láng giềng nhà Dương Chu mất một con dê, đã sai hết cả người nhà đi tìm, lại sang nói với Dương Chu mượn một người đầy tớ đi tìm hộ.
Dương Chu nói: Sao mất có một con dê mà cho những bao nhiêu người đi tìm?
- Người láng giềng đáp: Vì đường có lắm ngã ba
Khi những người tìm dê đã về, Dương Chu hỏi:
Có tìm thấy dê không?
- Người láng giềng nói:
- Không.
- Sao lại không tìm thấy?
- Tại đường đã lắm ngã ba, theo các ngã ba đi một chốc lại có nhiều ngã ba khác. Thành không biết đi vào đường nào để tìm thấy dê, phải chịu về không cả.
Ấy đường cái, chỉ vì lắm ngã ba mà dê mất không tìm thấy. Người đi học cũng vậy, chỉ vì dễ mê muội, mà mất cả lương tâm.
LIỆT TỬ
GIẢI NGHĨA
- Dương Chu: người thời Chiến quốc xướng lên học thuyết "Vị ngã" trái lại với học thuyết "Kiêm ái" của Mặc Tử.
- Ngã ba: chỗ con đường đi ra ba ngả khác nhau.
- Lương tâm: lòng lành giời phú cho người ta, tự nhiên như thế.
LỜI BÀN
Người đi học mà cứ tìm tòi vơ vét cái gì cũng tham muốn biết cả, thì không bao giờ học cho thực đến nơi đến chốn được! Vì cái tâm con người có một, cái sức hoạt động của người cũng có hạn, nếu phân tâm ra nhiều nơi, dùng sự hoạt động vào nhiều việc, tuy rằng học nhiều, biết nhiều thật, nhưng chẳng qua chỉ choèn choèn trên mặt, gọi là biết qua loa ít chút thôi. Sao cho bằng chỉ chuyên tâm học về một mặt nào, mà học cho đến kỳ cùng, thì sự học, sự biết mới thực là chắc chắn sâu sa và có giá trị vậy. Sự học cũng như nhiều sự khác vẫn “qui hồ tinh" hơn là "qui hồ đa".
Friday, May 19, 2023
Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống
36. GẶP MỘT THIỀN SƯ TRÊN ĐƯỜNG
Goso [Ngũ tổ Pháp Diễn: Goso H?en (J); Wuzu Fayan (C), 1024-1104 - LND] bảo: "Khi ngươi gặp một Thiền sư trên đường, ngươi không thể nói chuyện với ngài, ngươi không thể đối diện trong lặng thinh. Vậy ngươi phải làm gì nào?"
Lời bàn của Vô-Môn: Trong trường hợp ấy, nếu ngươi có thể trả lời ngài một cách tường tận thì sự giác ngộ của ngươi đẹp tuyệt. Nhưng nếu không thể được, thì ngươi nên nhìn bâng quơ làm như không thấy gì cả.
Kệ rằng:
Gặp một thiền sư trên đường,
Không thể nói không thể im.
Thì nện cho ngài một đấm
Và ngươi sẽ được gọi là ngộ thiền.
Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân - Đọc sách cổ
ĐỌC SÁCH CỔ
Vua Hoàn Công đọc sách ở nhà trên. Có người thợ mộc đang đẽo bánh xe ở nhà dưới, nghe tiếng học bỏ, chàng, đục, chạy lên hỏi vua rằng:
Cả dám hỏi nhà vua học những câu gì thế?
- Hoàn Công đáp: Những câu của Thánh nhân.
- Thánh nhân hiện nay còn sống không?
- Đã chết rồi.
- Thế thì những câu nhà vua học chỉ là những tao phách của cổ nhân đấy thôi.
- À anh thợ xẻ! Ta đang đọc sách sao dám được nghị luận? Hễ nói có nhẽ thì ta tha, không có nhẽ thì ta bắt tội.
- Người thợ mộc nói: Tôi đây cứ lấy việc tôi làm mà xem, khi đẽo cái bánh xe, để rộng, thì mộng cho vào dễ, nhưng không chặt; để hẹp, thì mộng cho vào khó, nhưng không ăn. Còn làm không rộng, không hẹp, vừa vặn đúng mực, thì thật tự tâm tôi liệu mà nẩy ra tay tôi làm như đã có cái phép nhất định, chớ miệng tôi không có thể nói ra được. Cái khéo ấy tôi không có thể dạy được cho con tôi, con tôi cũng không thể học được tôi. Bởi thế tôi năm nay đã bảy mươi tuổi mà vẫn giữ nghề đẽo bánh xe.
Người đời cổ đã chết thì cái hay của người cổ không thể truyền lại được, cũng đã chết cả rồi. Thế thì những câu nhà vua học thật chi là những tao phách của cổ nhân mà thôi.
TRANG TỬ
GIẢI NGHĨA
- Hoàn Công: Vua giỏi nước Tề về đời Xuân Thu.
- Thánh nhân: bậc người cách rất cao làm khuôn phép cho người ta được.
- Tao phách: cặn bã rượu, vật thừa thãi bỏ không dùng nữa.
- Nghị luận: bàn bạc chê bai.
LỜI BÀN
Đọc sách cũng như xem người, xem người mà cứ câu nệ hình, sắc, danh, thanh, thì không bao giờ biết rõ được “tình” người, mà có khi lại phải người ta làm cho ngu nữa. Ta học mà cứ bo bo ở như ngôn ngữ, văn tự thì bao giờ biết hết được ý sách vì cái hay nhiều khi miệng không thể nói ra được, bút không thể tỏ hết được. Ta đọc sách mà tâm ta không lĩnh hội được cái ý ở ngoài câu nói của cổ nhân, thì ta không thể tu kỷ, không thể trì nhân được, chẳng qua chỉ làm cho loạn cái tính của ta thôi. Những kẻ hay mượn bã giả của cổ nhân để buông những học thuyết dông dài làm ra sách vở để dạy đời, ta tưởng cũng nhầm lắm.
Trong bài này ý Trang Tử cũng như ý Tuân Tử, muốn phản kháng lại cái lổi học của các cụ xưa chỉ biết lẩy "cổ" làm cốt, mà quên bỏ mất "kim" chí biết cho thánh nhân những Nghiêu Thuấn tự đời nào là phải, chớ không cho người chính thời nay còn được địa vị nào nữa. Như thế thì không khỏi gọi là thiên vậy.
Thursday, May 18, 2023
Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống
35. HAI LINH HỒN
"Seijo (Thanh - LND), cô gái Tàu," Goso [Ngũ tổ Pháp Diễn: Goso Hōen (J); Wuzu Fayan (C), 1024-1104 - LND] nhận xét, "có hai linh hồn, một luôn bệnh hoạn ở nhà và phần kia thì ngao du phố sá, một người đàn bà có chồng và hai con. Phần nào là linh hồn thật?"
Lời bàn của Vô-Môn: Khi người nào hiễu điều này thì hắn sẽ biết rằng người ta có thể lột xác được, cứ như là dừng chân nơi quán trọ. Nhưng nếu hắn không hiễu thì khi lâm chung, tứ đại phân lìa, chẳng khác gì con cua đang bị luộc, quơ quào với lắm chân tay. Trong tình huống đó, hắn có thể bảo rằng: "Vô-môn đã chẳng chỉ cho ta đi hướng nào!" nhưng than ôi đã muộn.
Kệ rằng:
Mặt trăng trên tầng mây vẫn là một,
Núi và sông bên dưới lại hoàn toàn khác.
Mỗi thứ đều hạnh phúc trong hòa hợp và muôn vẻ.
Cái này là một, đây là hai.
Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân - Hiếu tử, trung thần
HIẾU TỬ, TRUNG THẦN
Vương Tôn được bổ làm Thứ sử châu Ích. Quan Thứ sử trước ở đây là Vương Dương, lúc đi kinh lược trong hàng châu, qua một con đường núi nít cheo leo, than rằng:
- Thân ta là thân của cha mẹ ta. Ta nỡ nào xông pha vào những nơi nguy hiểm này.
Bèn quay lại, không đi, rồi cáo bệnh về nhà.
Lúc Vương Tôn đến thay Vương Dương, đi tuần phòng, cũng phải qua con đường ấy, hỏi nha lại rằng:
Có phải con đường này là con đường quan Thứ sử trước sợ không dám đi không?
- Nha lại thưa: Phải.
- Vương Tôn quát bảo xe cứ đi và nói rằng:
- Vương Dương trước là người hiếu tử, Vương Tôn đây là người trung thần.
HÁN THƯ VƯƠNG TÔN TRUYỆN
GIẢI NGHĨA
- Thứ sử: chức quan cai trị một châu, một quận đời cổ.
- Ích: tên một châu tức lả Tứ Xuyên đời này.
- Kinh lược: đi xét qua việc trị an trong hạt mình cai trị.
- Nguy hiểm. cheo leo, không được yên ổn vững vàng.
- Cáo bệnh: nhân có bệnh không làm được việc quan xin về nghỉ để chữa.
- Tuần phòng: đi tuần để phòng bị các sự xảy ra.
- Nha lại: những người theo làm việc tại dinh các quan.
- Hiếu tử: người con ăn ở hết lòng với cha mẹ.
- Trung thần: bầy tôi hết lòng đem thân giúp vua, giúp nước.
LỜI BÀN
Đối với gia tộc, Hiếu là trọng; đối với quốc gia, Trung là quí. Người ta ở đời, đáng nhẽ ai cũng phải cố giữ cho trọn niềm cả Trung lẫn Hiếu. Nhưng khốn có lắm cảnh ngộ khiến cho ta thực khó mà giữ cho cả Trung, Hiếu được lưỡng toàn: được hiếu thì mất trung, được trung thì mất hiếu.
Kể như bài này, Vương Dương vì gia tộc mà giữ thân cũng là phải, nhưng so với Vương Tôn, thì Vương Tôn có phần phải hơn. Vì cứ theo cái chủ nghĩa “ở đời thân ta không phải là của riêng của ta, lúc nhỏ là thân của cha mẹ, lúc nhớn là thần của quốc gia, lúc già là thân của thiên hạ, hậu thế trông mong vào đấy” thì lúc ta đã ra làm được việc cho nước, là chính lúc thân ta thuộc về quốc gia, ta há lại còn tiếc mà không làm cho trọn vẹn nghĩa vụ của ta đối với quốc gia hay sao!
Wednesday, May 17, 2023
Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống
34. HỌC CHẲNG PHẢI LÀ ĐẠO
Nansen [Nam Tuyền Phổ Nguyện: Nansen Fugan (J) Nanquan Puyuan (C), 738-835 - LND] bảo: "Tâm chẳng phải Phật. Học chẳng phải Đạo."
Lời bàn của Vô-Môn: Nansen già rồi nên không biết ngượng. Lão sư thật thối mồm và vạch áo cho người xem lưng. Tuy vậy, chẳng có nhiều người cảm kích được mối từ tâm của ngài.
Kệ rằng:
Khi trời quang đãng, vầng dương ló dạng,
Khi đất khô cằn, mưa sẽ rơi.
Ngài nói toạc ra với cả tấm lòng,
Nhưng với lợn và cá thì nào có ích gì.
Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân - Cười người ta khóc
CƯỜI NGƯỜI TA KHÓC
Cảnh Công nước Tề đi chơi núi Ngưu Sơn, trèo lên mặt thanh, đứng ngắm trông rồi tràn nước mắt vừa khóc, vừa nói:
- Đẹp quá chừng là nước ta! Thật là sầm uất, thịnh vượng! Thế mà nỡ nào một tuổi một già, bỏ nước này mà chết đi. Giả sử xưa nay, người ta cứ sống mãi, quả nhân quyết không nỡ bỏ nước Tề mà đi nơi khác.
Lũ Sử Không, Lương Khưu Cứ thấy vua khóc, cũng khóc và nói rằng:
- Chúng tôi đội ơn vua có cơm rau mà ăn, có ngựa hèn, xe xâu mà cưỡi, củng còn chẳng muốn chết, huống chi là nhà vua.
Một mình Án Tử đứng bên cạnh cứời.
Cảnh Công gạt nước mắt, ngoảnh lại hỏi Án Tử rằng:
- Quả nhân hôm nay đi chơi thấy cảnh mà buồn. Không với Cứ đều theo quả nhân mà khóc, một mình nhà ngươi cười là cớ làm sao?
Án Tử thưa:
- Nếu người giỏi mà giử mãi được nước này thì Thái Công, Hoàn Công đã giữ mãi. Nếu người mạnh mà giữ được nước này, thì Linh Công, Trang Công đã giữ mãi. Mấy vua ấy mà giữ mãi, thì vua nay chắc đang mặc áo tơi, đội nón lá, đứng ở giữa cánh đồng lo việc làm ruộng, có được đâu chỗ này đứng, còn rỗi đâu mà lo đến cái chết. Chỉ vì hết đời này đến đời kia, thay đổi mãi mới đến lượt nhà vua mà nhà vua lại than khóc thì thật là bất nhân. Nay tôi thấy vua bất nhân, lại thấy bày tôi síểm nịnh cho nên tôi cười.
Cảnh Công nghe nói lấy làm thẹn, rót chén rượu tự phạt, rồi phạt Không, Cứ mỗi người một chén.
LIỆT TỬ
GIẢI NGHĨA
- Ngư Sơn: tên núi ở huyện Làm Chi, tỉnh Sơn Đông ngày nay.
- Sầm uất: rậm rạp đông đúc.
- Quẩ nhân: người ít đức, tiếng vua tự xưng một cách nói khiêm.
- Sử Không, Lương Khưu Cứ: cận thần của cảnh Công.
- Án Tử: người nước Tề thời Xuân Thu làm tướng vua Cảnh Công, ông là người kiệm phác, trung thành, giỏi việc chính trị có tiếng thời bây giờ.
- Thái Công, Hoàn Cõng, Linh Công, Trang Công: các bậc tiền quân của cảnh Công.
LỜI BÀN
Tham sinh, là cái thói thường ở đời. Nhưng cứ mong sổng ở đời mãi, tiếc đời đến nỗi than thở khóc lóc như cảnh Công đây cũng là quá. Trong vũ trụ, cái gì là không có chế hạn, huống chi là cái đời người rất mỏng manh, mau chóng. Không hiểu cái nhẽ ấy, chang là người không đạt ru? Nên Án Tử cười Cảnh Công rứt là phải. Án Tử lại bác cả Sử Không, Lương Khưu Cứ lại là phải nữa. Hai bác chẳng qua tà người a rua xiểm nịnh chớ thực có gì là đặc kiến giúp được cảnh Công.
Tuesday, May 16, 2023
Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống
33. TÂM NÀY CHẲNG PHẢI PHẬT
Một vị tăng hỏi Baso [Mã tổ Đạo nhất: Baso Doitsu (J); Mazu Daoyi (C), 709-788 - LND]: "Phật là gì?"
Baso bảo: "Tâm này chẳng phải Phật."
Lời bàn của Vô-Môn: Kẻ nào hiễu được, là đã ngộ Thiền.
Kệ rằng:
Nếu ngươi gặp một kiếm sư giữa đường, nên biếu ông ta cây gươm của ngươi,
Nếu gặp một thi sĩ, hãy tặng ông ta bài thơ của ngươi.
Khi ngươi gặp kẻ khác, chỉ nói một phần những gì mình muốn nói.
Chớ nên bao giờ cho hết mọi thứ một lần
Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân - Bài trâm của người làm quan
BÀI TRÂM CỦA NGƯỜI LÀM QUAN
Người gây phúc thì thanh đạm mà lâu dài, kẻ cầu phúc thì nồng nàn mà ngắn ngủi. Sĩ đại phu nên vì đời mình mà tiếc danh, không nên vì đời mình mà mua danh.
Có học thức, chuộng khí tiết, lấy, cho phải cẩn thận, uy nghi phải trang trọng, ấy thế là tiếc danh.
Tưng bốc lẫn nhau, a rua những kẻ quyền quí, làm ra kiểu cách khác thường, lờ mờ hai mặt, ấy thế là mua danh.
Người tiếc danh thì yên lặng mà hay, kẻ mua danh thì rực rỡ mà dở.
Sĩ, đại phu nên vì con cháu gây phúc, không nên vì con cháu cầu phúc.
Nghiêm giữ phép nhà, chuộng sự tiết kiệm, chất phác, dạy cho chúng biết chữ, cho chúng có nghề, chứa nhiều ấm đức, ấy thế là gây phúc.
Mua nhiều cửa nhà, ruộng đất, giao kết với những người quyền thế, tranh lợi nhỏ mọn với dân, mua công danh cho con cháu, ấy thế là cầu phúc.
Sĩ, đại phu nên vì một nhà dùng của, không nên vì một nhà hại của.
Giúp cho họ hảng, làng nước, tiêu rộng rãi về việc học, cứu kẻ khốn cùng, chăm giúp việc nghĩa, ấy thế là dùng của.
Ăn mặc hoang, xướng hát nhiều, yến hội luôn, tụ tập lắm đồ châu báu, ấy thế là hại của.
Người biết dùng của tuy thiệt mà vẫn có thừa, kẻ không biết dùng của tuy thừa mà vẫn thiếu.
Sĩ, đại phu nên vì thiên hạ nuôi thân, không nên vì thiên hạ tiếc thân.
Bớt thị dục, giảm lo nhiều, ít phẫn nộ, tiết ẩm thực, ấy thế là nuôi thân.
So kè lợi hại, xa tránh khó nhọc, tham quyền cố vị, chăm chăm việc vợ con, nhà cửa, ẩy thế lả tiếc thân.
Người nuôi thân thì im lặng mà to, kẻ tiếc thân thì thoả thuê mà nhỏ.
GIẢI NGHĨA
- Trâm: nhời nói hay thể văn dùng để khyên răn người ta.
- Sĩ, đại phu: người có chức tước làm quan.
- Phép nhà: phép độ, qui tắc trong một nhà nào, kẻ trên người dưới đều phải tuân theo.
- Tiết kiệm: vừa phải tằn tiện.
- Chất phác: thật thà mộc mạc.
- Âm đức: công việc phúc đức làm mà không để ai biết.
- Khí tiết: chí khí, tiết tháo, phẩm cách một người không chịu tha, có chí tự lập mà không sợ chết.
- Trang trọng: nghiêm trang, trọng hậu.
- Tụ tập: góp nhặt vơ vét.
- Thị dục: nhữhg điều ham muốn thoả thích.
- Phẫn nộ: bực tức giận dữ.
LỜI BÀN
Bốn đoạn bài này dạy một người làm quan muốn vì thân mình, vì con mình, vì nhà mình, vì thiên hạ, nên làm như thế nào là phải. Mỗi đoạn cân nhắc tách bạch lợi hại, rồi lại bày tỏ tinh tường sự kết quả của cả đôi đường hay dở thực là xác đáng lắm. Ta tưởng bài trâm này chẳng những riêng cho một người làm quan, mà aí nấy đã có chút công danh của cải muốn cho được yên vui sung sướng cũng nên ngâm đọc, hay làm bộ tứ binh qúi báu treo luôn bên mình mà soi ngắm hàng ngày vậy.
Monday, May 15, 2023
Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống
32. MỘT TRIẾT NHÂN HỎI ĐỨC PHẬT
Một triết nhân hỏi Đức Phật: "Vô thuyết, và cũng chẳng vô thuyết, Ngài có thể nói đến chân lý được chăng?"
Đức Phật vẫn giữ yên lặng.
Triết nhân cúi chào cảm tạ Đức Phật, nói: "Với lòng đại từ bi của Ngài, con đã xóa được mê lầm và bước vào chánh đạo."
Sau khi vị triết nhân đi khỏi, Ananda hỏi Đức Phật rằng ông ấy đã đạt được gì.
Đức Phật trả lời: "Một con ngựa giỏi, phi nước đại ngay khi nhác thấy bóng roi."
Lời bàn của Vô-Môn: Ananda là đại đệ tử của Đức Phật. Dù thế, nhận định của ngài cũng chẳng khá hơn kẻ ngoại cuộc. Này chư tăng, ta muốn hỏi các ngươi: Có gì khác lắm chăng giữa môn đồ và kẻ ngoại cuộc?
Kệ rằng:
Để giẫm trên cạnh sắc của lưỡi gươm,
Để chạy rong trên mặt băng trơn,
Chẳng cần phải theo vết chân ai.
Cứ thong dong bước ra khỏi bờ vực.
Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân - Phẩm trật ông quan, phẩm giá con người
PHẨM TRẬT ÔNG QUAN, PHẨM GIÁ CON NGƯỜI
Phẩm trật ông quan là phẩm trật có một đời, phận có, khắc có. Phẩm giá con người là phẩm giá lưu truyền trăm đời, tự mình không cố gây dựng cho mình, thì không bao giờ có.
Sĩ quân tử ta trông thấy giời ở ngoài giời, biết rõ người ở trong người, hiểu thấu đến cái vật ngoài vật chất ở đời, nghĩ xa đến cái thân sau thân hiện tại, thì biết đằng nào ngắn, đằng nào dài, đằng nào còn, đằng nào mất, chắc không ham mê cái này mà quên bỏ cái kia.
CHÚC TỬ
GIẢI NGHĨA
- Phẩm trật: bậc trên dưới của hàng quan lại tự tòng cửu đến chánh nhất.
- Phận: số mệnh giời phú cho người ta tốt hay xấu.
- Phẩm giá: tự cách danh dự của từng người.
- Lưu truyền: để được đời này sang đời khác.
- Trăm đời: ý nói lâu dài mãi mãi.
- Sĩ quân tử: nói người có học thức.
- Cái này: tức chỉ quan phẩm.
- Cái kia: tức chỉ nhân phẩm.
LỜI BÀN
Cái phẩm giá người ta là chung đối với cái phẩm giá ông quan là riêng, nên cái phẩm giá người đáng tôn quí gấp bao nhiêu lần. Cho nên người làm quan đã có phẩm trật ông quan mà lại giữ được phẩm giá con người thì mới là đáng trọng. Chớ nếu làm quan mà để cho cái danh lợi làm mất hết cái nhân cách, phẩm trật quan làm trôi mất phẩm giá người, thì danh tuy gọi là quan mà thực không bằng người bạch đinh vẫn còn giữ trọn phẩm giá. Ôi! Người làm quan chẳng nên đọc Chúc tử, cân nhắc đôi bên phẩm trật và phẩm giá mà tư tưởng hành động cho phải hay sao!
Sunday, May 14, 2023
Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống
31. JOSHU ĐIỀU TRA
Một vị tăng đang vân du hỏi một bà lão về con đường đến núi Taizan (Đài Sơn - LND), một tự viện nổi tiếng là ai đến cầu nguyện đều được ban cho sự khôn ngoan. Cụ bà nói: "Cứ đi thẳng phía trước." Khi vị tăng đi được vài bước, bà tự bảo: "Y chỉ là một kẻ đi chùa xoàng thôi."
Có người kể lại chuyện này cho Joshu [Triệu Châu Tùng Thẩm: Joshu Jushin (J) Zhaozhou Zongshen (C), 778-897 - LND] nghe, Ngài bảo: "Hãy đợi cho đến khi ta đi điều tra." Hôm sau ngài đến và hỏi cùng câu hỏi, và bà lão cũng đáp cùng câu trả lời.
Joshu nhận xét: "Ta đã điều tra xong bà lão đó."
Lời bàn của Vô-Môn: Bà lão rành về chiến lược, nhưng không rõ làm sao mà gián điệp lại lẻn vào trại của bà được. Lão sư Joshu chơi trò tình báo để lật ngược thế cờ, nhưng lão sư không phải là một ông tướng tài. Cả hai đều có khuyết điểm. Chư tăng, bây giờ ta muốn hỏi các ngươi: Đâu là trọng điểm trong việc điều tra của Joshu về bà lão?
Kệ rằng:
Khi câu hỏi là bâng quơ
Thì câu trả lời cũng bâng quơ.
Khi câu hỏi là cát trộn trong bát cơm
Thì câu trả lời là một cái que xốc trong bãi bùn.
Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân - Cậy người không bằng chắc ở mình
CẬY NGƯỜI KHÔNG BẰNG CHẮC Ở MÌNH
Văn Công nước Đằng hỏi thầy Mạnh Tử rằng: - Nước Đằng ta là một nước nhỏ ở vào khoảng giữa nước Tề và nước Sở là hai nước nhớn, kể phận thì phải thờ cả hai nước, nhưng kể sức thì không thể thờ được cả. Thờ nước Tề chăng? Thờ nước Sở chăng? Ta thực không biết nên nương tựa vào nước nào để cho nước ta được yên ổn. Nhà thầy mưu tính hộ cho ta.
Thầy Mạnh Tử thưa:
- Phàm việc mà cứ trông cậy vào người thì không thể chắc được. Thờ Tề thì Sở giận, thờ Sở thì Tề giận; mưu ấy chúng tôi không thể nghĩ kịp. Xin nói chỉ có một cách là tự giữ lấy nước, đào hào cho sâu, đắp thành cho cao, cai trị một cách cố kết lòng dân, cùng dân mà giữ nước. Hoặc như có biến cố gì xảy ra, vua đã liều chết mà giữ nước, thì chắc dân cũng liều chết mà giữ nước, không nỡ bỏ vua. Thế là ta dùng cái lòng dân để giữ lấy đất nước, tự cường mà lo toan lấy việc nước. Còn thờ Tề hay thờ Sở thì tôi không thể quyết được.
MẠNH TỬ
GIẢI NGHĨA
- Đằng: tên một nước nhỏ thời Chiến quốc tức là huyện Đằng tỉnh Sơn Đông bây giờ.
- Mưu tính: trù liệu đắn đo một việc gì rồi mới bàn.
- Cố kết: cố: bền, kết: buộc.
- Biến cố: hoạn nạn bất thường xảy ra.
- Tự cường: tự làm cho mình có sức mạnh, tự cường mà tiến lên.
LỜI BÀN
Người làm vua, điều cần nhất phải giữ kết “nghĩa“ làm vua, và thương yêu “dân”. Cái chính sách thờ kẻ mạnh chỉ là nhờ cái thế của người; cái chính sách tự làm cho mạnh mới là toàn bằng cái lý ở mình. Vì rằng mình tựa vào người, tất người khinh mà mình phải sợ. Đã gặp cái cảnh khinh, cảnh sợ không chóng thi chầy an toàn sao cho được. Đã đành rằng, nước nhỏ phải trọng nước nhớn, cũng là một cách giao tế không thể thiếu được. Nhưng đây vì Văn Công chỉ chăm chăm việc thờ kẻ mạnh, mà không có chí tự làm cho mình mạnh, nên ông Mạnh mới bảo như thế. Đó là chuyên trọng về Luân lý mà thôi. Nếu bàn một cách rộng ra nữa, thì thiết tưởng việc tự làm cho mình mạnh là việc cốt nhất, chẳng nên quên giây phút nào; còn việc giao thiệp với các nước mạnh thì nhời mềm, lý cứng, cũng cần phải có lắm.
Saturday, May 13, 2023
Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống
30. TÂM NÀY LÀ PHẬT
Daibai [Đại Mai Pháp Thường: Daibai Hojo (J); Tamai Damei Fachang (hay) Ta-mei Fachang (C), 752-839 - LND] hỏi Baso [Mã tổ Đạo nhất: Baso Doitsu (J); Mazu Daoyi (C), 709-788 - LND]: "Phật là gì?"
Baso bảo: "Tâm này là Phật."
Lời bàn của Vô-Môn: Nếu ai hiểu được khái quát như thế thì hắn đang mặc y của Phật, đang ăn thực phẩm của Phật, đang nói lời của Phật, đang hành xử như Phật, hắn là Phật.
Tuy vậy, câu chuyên vui này đã làm cho không ít thiền sinh mắc bệnh hình thức. Nếu ai hiểu được rốt ráo, thì sau khi nói đến chữ "Phật", hắn sẽ súc miệng luôn ba ngày liền, và hắn sẽ bịt tai mà chạy xa khi nghe "Tâm này là Phật."
Kệ rằng:
Dưới bầu trời xanh, trong nắng sáng,
Không việc gì phải tìm quanh.
Mà hỏi Phật là gì
Cứ như là dấu đồ ăn cắp trong túi mà xưng mình vô tội.
Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân - Không phục nước Tần
KHÔNG PHỤC NƯỚC TẦN
Nước Tần đe đánh nước Ngụy. Vua Ngụy sợ, sai Tân Viên Diễn sang nói với vua Triệu, ý muốn cùng tôn nước Tần lên làm đế để đỡ việc chiến tranh.
Lỗ Trọng Liên được tin ấy, đến bảo Diễn rằng:
- Nước Tần là nước bỏ hết cả lễ nghĩa, chỉ chăm việc võ lực chinh chiến, như thế mà tôn làm đế, thì thực là không còn ra làm sao nữa. Tần sau này mà thắng thế, có làm được đế, thì Liên đây đành bước ra Bể Đông mà chết, chớ không chịu làm dân nước Tần.
Diễn đứng dậy nói rằng:
- Tôi nay mới biết tiên sinh là bực thiên hạ sĩ. Từ rày tôi không dám nói tôn nước Tần làm đế nữa.
CHU THƯ
GIẢI NGHĨA
- Tân Viên Diễn: tướng quân nước Ngụy về thời Chiến quốc.
- Đế: hiệu gọi một người làm vua nhất thống cả nước Tần.
- Lỗ Trọng Liên: người nước Tề về thời Chiến quốc tính khảng khái, cao thượng, thích vì người bài phân, giải nạn, vua Tề phong tước, ông không nhận, khi Tần nhất thống, ông ra ẩn ở Bể Đông.
- Thắng thế: thế mạnh, lấn át được các nước khác.
- Thiên hạ sĩ: bậc học thức tài giỏi có tiếng trong thiên hạ.
LỜI BÀN
Khi thấy một nước mạnh hơn nước mình, mà mình cần giao hiếu, thì cũng là thường tình, vì như thế, tức là vừa giữ cho mình còn lại vừa được thêm vây cánh nữa. Nhưng mình phải biết khi giao hiếu với nước tàn bạo, tức là như mình muốn xui giục cho nó càng tàn bạo thêm lên. Điều ấy rứt không nên, vì như thế chẳng những không lợi gì cho mình mà lại thường nguy cho mình nữa. Nó đã tàn bạo, tất nó không để mình yên, mà dù cho nó có để mình yên nữa, thì cái trò tàn bạo không bên được lâu, chẳng bao lâu nó đổ thì mình tất cũng phải đổ theo.
Lỗ Trọng Liên nói trong bài đây dù sau có phải tự đem thân ra ẩn Bể Đông, thế nhà Tần quả cũng như nhời Trọng Liên đã nói, không được bền lâu, chỉ qua hai đời trong vòng bốn mươi năm là mất.
Friday, May 12, 2023
Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống
29. KHÔNG PHẢI GIÓ, KHÔNG PHẢI PHƯỚNG
Hai vị tăng đang tranh luận về một lá phướng. Một vị nói: "Lá phướng đang động." Vị kia cải: "Gió đang động."
Lục-tổ [Đại Giám Huệ Năng: Daikan E 'no (J); Daijian Huineng (C), 638-713 - LND] tình cờ đi qua. Ngài bảo họ: "Chẳng phải gió, chẳng phải phướng; tâm đang động."
Lời bàn của Vô-Môn: Lục-tổ bảo: "Gió chẳng động, phướng chẳng động. Tâm đang động." Ngài ngụ ý gì vậy? Nếu ngươi hiểu tường tận thì ngươi sẽ thấy rằng hai vị tăng nọ đang mua sắt mà được vàng. Lục-tổ không cam thấy hai cái đầu đần nên mới xen vào.
Kệ rằng:
Gió, phướng, tâm động,
Đều hiểu như nhau
Khi mở miệng nói
Thì sai cả.
Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân - Khó được yết kiến
KHÓ ĐƯỢC YẾT KIẾN
Tô Tần sang nước Sở, chầu trực suốt ba ngày mới được vào yết kiến vua Sở.
Đến khi được yết kiến, nói xong câu chuyện là xin cáo biệt ngay.
Vua bảo: Quả nhân nghe tiếng tiên sinh quí như nghe tiếng một bậc cổ nhân. Nay tiên sinh đã không quản xa xôi, đến chơi với quả nhân, lại không chịu ở lại là cớ làm sao?
- Tô Tần thưa: Tôi xem ra bên nước Sở ta đồ ăn đắt hơn ngọc, củi thổi đắt hơn quế, quan khó được trông thấy như ma, vua khó được yết kiến như giời. Nhà vua nay muốn bắt tôi ở lại ăn ngọc, thổi quế, nhờ ma để thấy giời hay sao?
- Vua nói: Xin mời tiên sinh cứ ở lại. Quả nhân nghe đã hiểu ra rồi.
CHIẾN QUỐC SÁCH
GIẢI NGHĨA
- Tô Tần: một nhà du thuyết giỏi thời Chiến quốc đi nói sáu nước đồng minh để cự lại nước Tần.
- Yết kiến: xin vào hầu, vào ra mắt.
- Cáo biệt: nói để từ biệt về.
- Tiên sinh: tiếng dùng để gọi thầy hay người đáng tôn kính.
- Quả nhân: người ít đức, tiếng vua tự khiêm để gọi mình.
- Cổ nhân: đây là nói người hiền tài đời cổ.
LỜI BÀN
Lắm người có được chút quyền chức khiến cho người khác phải cầu đến mình, thì tự làm ra khó khăn hình như không muốn cùng ai xúc tiếp nữa. - Họ làm như thế, tưởng là nâng giá mình cho cao lên, có biết đâu lại là làm cho chức quyền mình kém đi vậy. Vì khi đã làm khó, ít cho người đến gần, tức là lấp đường không cho chân lý, không cho điều khuyết điểm của chức vụ mình đạt được đến mình nữa. Ôi! Như Tô Tần là bậc tài giỏi mà vua Sở làm cho khó yết kiến thì chỉ có phần thiệt cho vua, chớ có hại gì cho Tô Tần.
Thursday, May 11, 2023
Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống
27. CHẲNG PHẢI TÂM, CHẲNG PHẢI PHẬT, CHẲNG PHẢI PHÁP
Một vị tăng hỏi Nansen [Nam Truyền Phổ Nguyện: Nansen Fugan (J) Nanquan Puyuan (C), 738-835 - LND]: "Có pháp môn nào mà chưa có ai thuyết bao giờ?" Nansen bảo: "À, có."
"Là pháp môn nào vậy?" vị tăng hỏi.
Nansen đáp: "Chẳng phải tâm, chẳng phải Phật, chẳng phải pháp."
Lời bàn của Vô-Môn: Lão sư Nansen bố thí lời quí báu của Ngài. Đáng ra thì Ngài phải phật lòng lắm.
Kệ rằng:
Nansen quá nhân từ đã đánh mất báu vật.
Thật ra lời nói chẳng có mãnh lực nào.
Cho dù núi cao thành biển cả,
Lời nói chẳng thể khai tâm cho kẻ khác được.
Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân - Vua tôi bàn việc
VUA TÔI BÀN VIỆC
Vũ Hầu nước Ngụy cùng với quần thần bàn việc, việc gì bàn cũng phải, quần thần không ai giỏi bằng.
Lúc lui chầu, Nguy Hầu ra dáng hớn hở lắm.
Ngô Khởi bèn tiến lên nói:
- Cận thần đã ai đem câu chuyện Sở Trang Vương nói cho nhà vua nghe chửa?
Vũ Hầu hỏi:
- Câu truyện Sở Trang Vương thế nào?
Ngô Khởi thưa:
- Khi Sở Trang Vương mà bàn việc phải hơn quần thần, thì lúc lui chầu lo lắm. Có người hỏi: Sao vua lại lo? - Sở Trang Vương nói: Ta bàn việc mà quần thần không bằng được ta cho nên ta lo. Cổ nhân có câu: "Các vua chư hầu ai có thầy giỏi, thì làm được vương, ai có bạn giỏi, thì làm được bá, ai có người quyết đoán cho mọi việc ngờ vực, thì còn nước, ai bàn việc lấy không còn ai bằng mình, thì mất nước". Ta nghĩ ngu như ta mà quần thần cũng không ai bằng thì nước ta có nhẽ mất mất. Bởi thế ta lo...
Ấy cùng một việc giống nhau, Sở Trang Vương thì lo mà nhà vua thì mừng.
Vũ Hầu nghe nói áy náy vái tạ rằng:
- Giời sai nhà thầy đến bảo cái lỗi cho ta.
TỪ TUÂN
GIẢI NGHĨA
- Ngô Khởi: người nước Vệ thời Chiến quốc, trước làm tướng vua nước Ngụy, sau làm tướng vua nước Sở là một nhà dùng binh giỏi có tiếng.
- Cận thần: những bầy tôi ở gần vua.
- Vương: chúa tể thiên hạ.
- Bá: vua đàn anh các vua nước chư hầu.
LỜI BÀN
Mình làm chúa một nước tất mình phải tài giỏi hơn người, sáng công việc hơn người. Tuy vậy, khi mình đã dùng bầy tôi, là mình muốn mong cậy ở như người còn có nhiều khi giúp được mình như người ngoài giúp nước cờ vậy. Nếu mà bầy tôi không có ai hơn mình cả, thì là bọn ăn hại còn mong cậy gì được mà chẳng đáng lo, Nên nhời Ngô Khởi nói đây rất là phải. Đã hay rằng người ta ở đời phải cầu ở mình hơn nhờ ở người, nhưng lắm lúc cũng phải có người ngoài giúp đỡ thêm cho mới lo toan được công việc. Những bậc vua chúa cần phải có thầy giỏi, tôi hay là vì cái nhẽ thế.
Wednesday, May 10, 2023
Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống
26. HAI VỊ SƯ KÉO TẤM RÈM
Thiền sư Hōgen [Pháp Nhãn Văn Ích: Hōgen Bun'eki (J); Fayan Wenyi (C), 885-958 - LND] thuộc tự viện Seiryo (Thanh Lương tự - LND) nhìn thấy tấm rèm tre thường hạ xuống để tọa thiền chưa được kéo lên khi ngài sắp sửa thuyết pháp trước buổi cơm tối. Ngài chỉ tấm rèm, và có hai vị tăng từ giữa thính chúng đứng dậy kéo rèm lên.
Hogen bảo sau khi quan sát các động tác: "Tăng sinh trước khá, tăng sinh sau kém."
Lời bàn của Vô-Môn: Ta muốn hỏi các ngươi: Giửa hai tăng sinh ai được ai thua? Nếu trong đám các ngươi có kẻ chột, thì hẳn đã thấy sự thất bại nơi ông thiền sư. Tuy vậy ta không bàn đến được và thua.
Kệ rằng:
Khi tấm rèm được kéo lên, bầu trời mở ra,
Mà bầu trời thì nào có tùy theo Thiền quán.
Tốt hơn nên quên đi bầu trời bát ngát
Và chẳng màng đến gió thoảng.
Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân - Cău nói của người đánh cá
CÂU NÓI CỦA NGƯỜI ĐÁNH CÁ
Vua Văn Công nước Tấn đi săn ham đuổi một con thú mải theo quá chân, thành lạc vào trong cái trầm nhớn không biết lối ra.
Vua gặp một người đánh cá, bèn bảo rằng:
- Ta là vua đây. Ta lạc đường, nhà ngươi chỉ lối cho ta ra, rồi ta hậu thưởng.
- Người đánh cá nói: Bầy tôi muốn dâng nhà vua một câu.
- Vua bảo: Cứ đưa ta ra khỏi trầm đã, rồi muốn nói gì hãy nói.
Khi người đánh cá đưa vua ra khỏi trầm, vua phán rằng:
- Nào câu gì mà nhà ngươi muốn nói với quả nhân lúc nãy, thì nói đi nghe.
- Người đánh cá thưa: Chim hồng, chim hộc ở bờ sông, bể, chán sông bể mà vào đầm thời tất mắc phải dò bẫy. Thuồng luồng, ba ba ở đáy vực sâu, chán vực sâu mà ra chỗ bãi nông, thời tất bị phải chài lưới. Nay nhà vua đi săn, sao quá chân vào đến tận đây như thế?
- Vua Văn Công bảo: Ngươi nói phải lắm.
Đoạn, ngoảnh lại truyền quan hầu ghi tên người đánh cá để sau ban thưởng.
Người đánh cá nói:
- Nhà vua bảo ghi tên bầy tôi làm gì. Xin nhà vua cứ tôn kính thiên địa, xã tắc, phòng giữ biên thuỳ, thương yêu muôn dân, đánh nhẹ thuế má, tự khắc là bầy tôi được dự hưởng ơn huệ của nhà vua rồi. Nếu nhà vua chẳng tôn kính thiên địa, xã tắc, chẳng phòng giữ biên thuỳ, chẳng chăm công việc, bên ngoài không khéo xử với các nước, bên trong mất cả lòng muôn dân, để đến nước mất, dân khổ, thì dù bầy tôi có được hậu thưởng cũng không thể sao giữ mà hưởng một mình được.
Người đánh cá cố từ, xong rồi lại nói:
- Xin Vua mau mau về nước, tôi đây cũng về chỗ kiếm cá của tôi.
TÂN TỰ
GIẢI NGHĨA
- Văn Công: vua giỏi nước Tấn về đời Xuân Thu.
- Tấn: nước to đời Xuân Thu ở vào tỉnh Sơn Tây ngày nay.
- Trầm: một làn nước rộng và nông có nhiều cây cỏ.
- Hậu thưởng: thưởng một cách hậu hĩ.
- Quả nhân: người ít đức, tiếng vua dùng để tự xưng mình một cách khiêm tốn.
- Hồng: loài chim ở bờ sông, bãi bể, lưng xám, cánh đen, bụng trắng, tính hùng dũng và nhanh nhẹn.
- Hộc: loài ngỗng giời, toàn thể sắc trắng hay vàng, bay cao tiếng kêu to.
- Xã tắc: xã: nền đất để tế Hậu thổ (Thần đất), tắc: nơi tế Thần lúa. Xã tắc dùng có nghĩa như Quốc gia.
- Biên thuỳ: chỗ bờ cõi hai nước giáp giới nhau.
LỜI BÀN
Người đánh cá đây là người hiền có ý khuyên vua Văn Công hai điều là: không nên say mê chơi bời săn bắn quá độ mà có khi hại đến tính mịnh; - giữ gìn bổn phận làm vua cho muôn dân được nhờ.
Còn người đánh cá từ chối không nhận thưởng nói cái nhẽ như thế cũng là lo xa, nghĩ cao vậy. Quả thế khi tổ chim đã đổ thì trong còn có cái trứng nào lành; nước đã bị phá tan thì nhà còn toàn vẹn sao được để mình còn hòng riêng hưởng cuộc yên vui.