Nể Hành
Tào Tháo đòi Nễ Hành đến yết kiến. Nghi lễ yết kiến xong, Nễ Hành không được mời ngồi, bèn ngước mặt lên trời than:
- Trời đất tuy rộng rãi, sao lại không có được một người!
Tào Tháo liền hỏi:
- Thủ hạ của ta có mấy chục người đều là bậc anh hùng đời nay, sao gọi là không người được?
Nễ Hành bảo:
- Xin cho nghe tên tuổi.
Tào Tháo kể:
- Tuân Dục, Tuân Du, Quách Gia, Trình Dục mưu trí sâu xa dẫu cho Tiêu Hà, Trần Bình cũng không kịp. Trương Liêu, Hứa Chử, Lý Điển, Nhạc Tiến vũ dũng vô địch, dẫu cho Sầm Bành, Mã Vũ cũng không hơn được. Lữ Kiền, Mã Sủng làm chức tùy sự, Vu Cấm, Từ Hoảng làm chức tiên phong, Hạ Hầu Đôn là bậc kỳ tài trong thiên hạ, Tào Tử Kiến là phúc tướng của thế gian. Như thế sao gọi là không có người được?
Nễ Hành cười đáp:
- Ông nói sai rồi. Bọn người ấy tôi biết rõ lắm. Tuân Dục có thể sai đi viếng đám ma, đi thăm người bệnh. Tuân Du có thế sai giữ mả giữ mồ. Trình Dục có thể sai đóng cửa đóng ngõ. Quách Gia có thể đọc phú ngâm thơ. Trương Liêu có thể sai gõ chuông đánh trống. Hứa Chử có thể sai dắt ngựa chăn trâu. Nhạc Tiến có thể sai đưa thư truyền hịch. Hạ Hầu Đôn có thể gọi là ông tướng không tróc vẩy trầy da. Tào Tử Hiếu nên gọi là quan Thái thú ưa vàng ham bạc. Ngoài ra đều là phường giá áo, túi cơm, thùng rượu, bị thịt mà thôi.
Tào Tháo giận, hỏi:
- Mi có tài chi ?
Nễ Hành đáp:
- Thiên văn, địa lý không chuyện gì là không thông. Tam giáo cửu lưu, học thuyết xưa nay, không một điều gì không hiểu. Trên có thể giúp vua xây sự nghiệp Nghiêu Thuấn, dưới có thể sánh với Khổng Tử, Nhan Uyên. Há đem ta sánh bàn cùng người đời được sao?
Trương Liêu đứng bên cạnh, hằm hằm rút gươm muốn giết. Tào Tháo bảo:
- Ta đương thiếu một viên quan đánh trống. Nay mai có yến tiệc khách hạ, để sai Nễ Hành làm chức ấy.
Nễ Hành không từ chối, dạ dạ lui ra. Trương Liêu hỏi:
- Thằng ấy nói năng vô lễ, sao Thừa tướng không giết đi?
Tào Tháo đáp:
- Hắn vốn có hư danh, xa gần đều biết. Nếu ta giết hắn, thiên hạ sẽ chê ta độ lượng hẹp hòi. Hắn tự cho là có tài, ta sẽ cho làm tên đánh trống để làm nhục cho bỏ ghét.
Hôm sau, Tào Tháo mở tiệc lớn. Quan khách đến đông đủ, Tào Tháo truyền lệnh gióng trống. Viên quan coi việc đánh trống bảo Nễ Hành thay áo mới. Nễ Hành không đáp, mặc áo cũ đi thẳng đến giá để trống, gióng ba hồi theo điệu Ngư Dương. Âm điệu du dương réo rắt như tiếng khách tiếng chuông, khác ngồi trên tiệc đến cảm xúc, bồi hồi, có kẻ đến rơi lệ.
Bọn lính hầu thét:
- Sao không thay áo?
Nễ Hành từ từ trút bỏ quần áo cũ, thân thể trần truồng. Tân khách đều che mặt. Nễ Hành lại ung dung vận khố lên, nét mặt không hề thay đổi. Tào Tháo mắng:
- Trên chốn miếu đường sao ngươi dám vô lễ quá thế?
Nễ Hành bình tĩnh đáp:
- Khinh mạn nhà vua, lừa dối người trên, mới gọi là vô lễ. Ta chỉ để lộ hình hài cha mẹ để cho rõ tính chất trong sạch của ta mà thôi.
Tào Tháo hỏi:
- Mi trong sạch, vậy chớ ai là người ô trọc?
Nễ Hành đáp:
- Nhà ngươi không biết kẻ hiền, người ngu, ấy là mắt ô trọc. Không đọc Kinh Thi, Kinh Thư, ấy là miệng ô trọc. Không nghe lời nói thẳng, ấy là lỗ tai ô trọc. Không thông hiểu sự việc xưa nay, ấy là tấm thân ô trọc . Thường nuôi mộng cướp ngôi cướp nước, ấy là trái tim ô trọc. Ta là kẻ sĩ có danh trong thiên hạ. nhà ngươi sai ta làm chức đánh trống, thế có khác gì Dương Hóa dám khinh Khổng Tử, Tang Sương dám nói xấu Mạnh Tử không ? Muốn dựng thành nghiệp vương nghiệp bá, mà lại khinh người hiền như thế sao?
No comments:
Post a Comment