Friday, May 9, 2014

Phật Học Vấn Đạo - Trên phương diện nhận thức thì cái đã qua, cái chưa tới, cái đang hiện hữu có tạo thành khác biệt?

 Hỏi: Trên phương diện nhận thức thì cái đã qua, cái chưa tới, cái đang hiện hữu có tạo thành khác biệt? - 

(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 5-5-2014, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Giác Đẳng: Đối với Phật học, sự nhận thức của chúng ta đối với quá khứ nó thuộc tưởng tri, tức là cái biết của hồi ức, cái biết của kinh nghiệm. Và cái biết của kinh nghiệm này dựa lên trên một số yếu tố. Với một ví dụ như là có một lần nào đó chúng ta đi đâu bị mấy con khỉ nó cào nó tấn công mình thì sau này khi mình gặp những con khỉ mình sợ cảm thấy sợ, không thích khỉ, thấy khỉ rất là sợ. Thì cái sợ đó nó liên hệ đến quá khứ, chuyện đã qua trong quá khứ và cái đó liên hệ đến ký tính hay hồi ức của mình. Nhiều khi phải mất nhiều năm tháng hay gặp trường hợp gì đặc biệt để nó có thể làm xóa mờ đi hay làm thay đổi cái kinh nghiệm trải qua trong quá khứ mà đạo Phật gọi là tưởng tri. 

Cái biết mà của tương lai của chúng ta nó có tính cách suy diễn, sự suy diễn ở đây như trong tiếng Anh là speculation. Sự suy diễn ở đây là vì cái đó nó chưa tới mà chúng ta không biết chúng ta mườn tượng nó là như thế này mườn tượng như thế kia. Thì dĩ nhiên, những người tương đối suy diễn rất chính xác về điểm này. Nhưng, cũng có những người không có chính xác lắm về điểm đó. Và do vậy chúng ta khó có thể biết được một cách chính xác chuyện gì xảy ra phần lớn dựa trên suy luận thì cái suy luận này đôi khi nó tạo thành sự mơ hồ, do cái mơ hồ đó mà chúng ta sanh ra hoài nghi. 

Còn hiện tại thường thì chúng ta biết ảnh hưởng đến ngũ quan tức là mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm, thân xúc chạm. Và, hiện tại có nhiều khi nó thuộc về ý, dĩ nhiên ý chắc chắn biết cảnh hiện tại. Nhưng đối với người bình thường chúng ta hiện tại hay bị chi phối bởi những cái gì thuộc về ngũ quan hay nói cách khác ngũ dục.

 Thì với một hành giả nên hiểu là hồi ức cũng như sự suy diễn hoặc giả là sự chi phối của hiện tại nó tuy đều là nhận thức. Nhưng sự nhận thức đó có khác biệt, nó không phải là một, nó không giống nhau. 

Nên chúng ta nói về thời gian quả thật có chi phối chúng ta và chi phối rất lớn, chi phối không nhỏ. Thời gian quả thật ảnh hưởng chúng ta, nhưng chúng ta không biết không thấy được mà thôi. 

Điều này ảnh hưởng lớn đến người tu thiền. Ví dụ như một người tu tập Chánh Niệm thì cái biết đó cái biết của Chánh Niệm, là cái biết về cái đang xảy ra hay vừa xảy ra. 

Người tu tập Chánh Niệm không dành nhiều thì giờ để suy tưởng về quá khứ. Chuyện của quá khứ trừ khi nó là cái gì cần nhớ lại hồi tưởng lại để cho việc gì đó của hiện tại nhưng không ngồi miên man sống với quá khứ. 

Và người tu tập Chánh Niệm cũng thừa hiểu rằng cái gì chúng ta nghĩ về tương lai nó chỉ là sự suy diễn chừng mực nào đó chúng ta không nên quá tin, và đối với hiện tại thì sự phát triển Chánh Niệm nó là cơ sở của sự không có biên kiến không có định kiến. Chỉ để tâm nghĩ biết là cái gì đang xảy ra. 

Và mấu chốt của chánh niệm vẫn là hơi thở, hơi thở ra, hơi thở vào. Tại vì ở đó tâm của chúng ta rất khách quan và hơi thở là cái gì đang diễn ra. Nói một cách khác thì sống với hiện tại sống trong từng giây phút thì đặc biệt trong trường hợp chúng ta ngồi nhìn vào hơi thở có một ý nghĩa rất lớn./.

No comments:

Post a Comment