Hỏi: Quán niệm thực tướng của cảm thọ
(Bài giảng trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 26-3-2014, Minh Hạnh chuyển biên)
TT Giác Đẳng: Đề tài hôm nay nói về cảm thọ, và có lẽ ngôn ngữ bình thường của chúng ta gần nhất để chúng ta hiểu đó là cảm xúc; cảm xúc của vui, của buồn, và của không vui không buồn. Nói đơn giản hơn, chúng ta thường xem vui hoặc khổ cũng như không vui không khổ là một sự an bày, mình may mắn thì được vui mà số phận hẩm hiu hay vận hạn không tốt thì mình khổ, và có khi thì chúng ta hoan hỉ với sự bình thản nhưng có nhiều khi chúng ta cảm thấy chán nản nếu cuộc sống luôn luôn ở trong mức độ tương đối là chậm là buổn nản.
Với một người đọc kinh sách và đặc biệt là chúng ta có sống với pháp hành thì chúng ta hiểu rằng cảm thọ là một đề tài lớn, quan trọng ở đây đó là thái độ đối với cảm thọ. Nói một cách khác, một người tu tập phản ứng đối với vui như thế nào, phản ứng đối với khổ như thế nào, phản ứng với không vui không khổ như thế nào, nó nói lên sự trưởng thành của người đó đối với sự việc.
Khi chúng ta gặp niềm vui thì chúng ta hay tin tưởng 100% đây là điều tốt cho mình, đây là điều may mắn cho mình, đây là điều hoàn toàn nên có. Và bởi vì chúng ta thấy hoàn toàn nên có nên chi chúng ta ôm chầm lấy nó chúng ta khăng khăng không buông không bỏ nó ra, nhất định là mình phải được vui. Và cái gì làm cho mình không vui thì mình buồn mình chống đối. Và mình xem cảm giác sung sướng vui vẻ là một cảm giác nhất định mình phải có và không ai có thể từ chối mình điều đó được.
Thật ra, hạnh phúc không đơn thuần chỉ là cảm xúc cho dù cảm xúc rất vui. Chúng tôi lấy ví dụ, có một người nào đó họ không hiểu về chúng ta nhiều nhưng họ khen chúng ta một câu rằng chị đẹp quá, anh tài quá hay thầy nói pháp hay quá và chúng ta nghe như vậy chúng ta cảm thấy rất sung sướng. Ở trên thực tế, người khen và người chê chúng ta chưa chắc là họ đã biết rõ về chúng ta và chưa chắc lời khen đó đã thành thật và lời khen đó không hẳn làm cho chúng ta tốt hơn và rất có thể làm cho chúng ta xấu hơn nhưng chúng ta chỉ sung sướng khi chúng ta được khen.
Nếu mình có dịp đọc tiểu thuyết hay xem phim thì thấy có những người sống ở trong những gia đình giàu có, hầu như họ muốn gì được đó suốt ngày chỉ ăn chơi nghĩ đến tiêu tiền mà không làm việc gì hết. Nhìn ở bên ngoài thì họ rất hạnh phúc, nhưng kỳ thực hạnh phúc đó là hạnh phúc tình cờ, hạnh phúc của họ là thứ hạnh phúc làm cho mình hư thân làm cho mình mất đi nghĩa khí, hạnh phúc đó là một thứ hạnh phúc hoàn toàn lệ thuộc, lệ thuộc vào cha vào mẹ vào tài sản được thừa kế. Tất cả những điều đó ảnh hưởng và chi phối cuộc sống của chúng ta rất lớn.
Nên chi thái độ đối với cái vui đã như vậy rồi tới khi chúng ta gặp khổ thì có nhiều người gặp khổ rất là sợ. Chúng ta chỉ muốn được bình an, chúng ta không muốn những điều trái ý nghịch lòng. Mình đang có chuyện vui mà đi đường gặp cảnh sát cho vé phạt mình cũng buồn. Đồng thời mình sống cố gắng làm tốt cho đời nhưng tai bay họa gởi thị phi làm cho chúng ta nản lòng thì chúng ta cũng buồn.
Nói cách khác, chúng ta rất sợ khổ sợ tai họa bất trắc. Chúng ta sợ cảm giác khổ vì vậy chúng ta luôn luôn bao che phủ lên mình những quần áo tốt nhất để mình ra ngoài mình hãnh diện và luôn luôn mình muốn có sự bảo vệ để mình có cảm giác an toàn không lo lắng và luôn luôn mình muốn khổ không có xảy ra. Do vậy mình ngồi một lúc cảm thấy ê ẩm tay chân thì mình đứng dạy, đứng mỏi chân thì mình ngồi xuống, chúng ta luôn luôn chạy trốn cảm giác không thoải mái. Cảm giác chạy trốn né tránh đó cũng là một phần rất căn bản ở trong thái độ của chúng ta.
Cảm giác không khổ không lạc, có nhiều người không quan trọng điều này, chúng ta quan trọng về vui hay khổ thôi, nhưng kỳ thực cái không vui không khổ nó ảnh hưởng chúng ta nhiều lắm. Có nhiều người xem không vui không khổ là vô vị lạt lẽo, người ta hay dùng chữ "lạt như nước ốc", chúng tôi sống ở miền quê chúng tôi thấy nước ốc cũng không lạt như người ta nghĩ "lạt như nước ốc". Và rồi có nhiều người bám vào cảm giác thanh thản sau một quãng đời quá nhiều thăng trầm quá nhiều phiền lụy đến từ con cháu. Họ muốn tu theo chữ "nhàn" của Lão Trang là làm sao mình giữ được tâm bình lặng. Và rồi có nhiều người xem tâm thanh thản là lý tưởng, là hoài bão lớn trong cuộc sống hướng đến.
Kỳ thật, những điều chúng tôi vừa kể, thái độ chúng tôi vừa đề cập đến những thái độ đó được Đức Phật Ngài dạy là thái độ của kẻ vô văn phàm phu tức là một người phàm nhân không thông hiểu đạo lý của bậc Thánh.
Bây giờ, chúng ta bước qua phần tiếp theo. Khi nói về cảm thọ hay cảm xúc thì còn có một thứ khác quan trọng đó là thái độ đối với chúng ta, thái độ của chúng ta đối với cảm xúc.
Ở đây Đức Phật Ngài đơn cử ra ba trường hợp:
- Thứ nhất lạc thọ là khổ: Bậc thiện trí hay người có trí tuệ sẽ thấy rằng chính lạc thọ cũng là khổ, chính hạnh phúc là khổ. Chúng ta lấy một ví dụ như vầy, là người thì thích ăn uống nhưng ít có ai nhận thấy rằng ăn uống là cái hệ lụy, đến lúc nào đó mà mình cảm thấy chuyện ăn uống nó là một hệ lụy thì lúc đó chúng ta mới hiểu nó là khổ. Có nhiều người nghĩ rằng mình thủ đắc tài sản lớn là hạnh phúc nhưng cũng có những người thấy rằng tài sản lớn chỉ là đối tượng dòm ngó tranh chấp thị phi, nhiều gia đình rất khổ không phải vì nghèo mà khổ mà vì có tài sản nằm xuống chia chác cho con cái đã là vấn đề khổ rồi, mình sống mình tất bật để làm tạo dựng tài sản khi chết thì con cháu dành giựt chia chác tài sản.
Có những người quan niệm hạnh phúc là có cái gì sang trọng, như lái xe rất sang, ở căn nhà tốt, sài cái gì rất qúi giá. Chúng tôi biết là ở trên thị trường có những món khó diễn tả như là một cái đồng hồ, một cái điện thoại Android Phone rất sang trọng có thể trị giá 20,000 cho tới 50,000 dollars và người ta có những chiếc đồng hồ chúng tôi đã tận mắt thấy tại Genève đồng hồ Patek Philippe trị giá 50,000 Mỹ kim. Nhưng những thứ cao sang đắc đỏ nó mang cho chúng ta bao nhiêu cảm giác hạnh phúc của sự tự tôn tự hào mà bên cạnh đó là sư lo lắng bị mất, bên cạnh đó mình có nhiều lý do khác để đắn đo để lo lắng. Cái rõ nhất, xã hội Mỹ là một nền văn hóa, xã hội Mỹ là một nền kinh tế cho người ta rất nhiều như nhà, xe hơi và có được sự bảo đảm này bảo đảm khác, nhưng bù lại thì chúng ta phải trả giá cho những cái mà mình có. Người ta nói rằng đời người làm việc cực như con trâu, không biết có con trâu nào cày hai job không nhưng chúng tôi đã thấy ở bên Mỹ có người làm hai việc người ta gọi là đi cày 2 job, thì thiệt sự cực.
Lạc thọ có cái giá phải trả của nó. Và cụ Nguyễn Du thường nói: "Chữ tài liền với chữ tai một vần" hay là : "Lạ gì bỉ sắc tư phong, trời xanh quen thói má hồng đánh ghen". Người ta nói là "tài mệnh tương đấu", cái này có thì sanh ra liền cái khác chứ không hẳn là mình chỉ có hạnh phúc không thôi. Chính thực ra, Ngài Buddhaghosa đã nói: "hầu hết những cảm thọ lạc của chúng ta giống như con chó cắn chủ, mình tưng tiu mình thích con chó nhưng lâu lâu nó táp mình" thì chính cảm thọ hạnh phúc cảm thọ lạc nó làm cho chúng ta khổ rất nhiều. Nhiều người sống trong cuộc đời không có tình yêu thì thôi nhưng có tình yêu thì chính tình yêu làm cho mình khổ, khổ quá đôi khi bất an, phải chi mình biết tình yêu khổ như vậy thì mình không yêu. Hay có nhiều người họ ham mê một địa vị nào đó họ bằng cách này cách khác để có được điều đó nhưng khi điều đó không còn nữa thì họ rất khổ. Mình nhìn những người đó mình nghĩ rằng phải chi những người đó họ không có những thứ đó thì bây giờ họ không khổ nhiều như vậy.
Đời sống của chúng ta là như vậy, đời sống hạnh phúc đó và khổ đau đó. Mấy hôm nay chúng ta nghe nói đến những người thân nhân của những hành khác trên máy bay MH 307, chuyến bay đó cho đến giờ này người ta vẫn chưa biết nó rớt ở đâu một cách chính xác, rớt ở đâu đó ở miền nam của Ấn Độ Dương, thật sự thân nhân của họ rất khổ. Và khi chúng ta thấy thân nhân của họ khổ thì chúng ta có thể mường tượng được một điều rằng những người khổ nhất là những người có quan hệ rất tốt đẹp. Một người có bạn trai đi trên chuyến đi đó người này chỉ cầu mong chiếc máy bay đừng rớt ngoài biển mà rớt đâu đó trong rừng và những người này bị bắt làm con tin và chính phủ sẽ tìm cách cứu họ v.v... Và khi chúng ta nhìn thấy được ở trong cái gì mà xa hoa mỹ lệ, ở trong quan hệ mặn nồng, ở trong cuộc sống càng nhiều khoái lạc thì nó hứa hẹn sự khổ, nó hứa hẹn cái giá chúng ta phải trả rất cao. Và đồng thời những thứ đó cũng làm cho chúng ta bớt đi khả năng để định hướng ở trong cuộc sống. Đó là chúng ta nói mặt trái của lạc thọ mà Đức Phật dạy đó là quán tưởng lạc thọ là khổ.
Nhưng bên cạnh đó nó có một thứ nữa đó là chữ khổ trong đạo Phật được định nghĩa Dukkha là rỗng không là bất toàn là không thoả mãn. Cái không thoả mãn này là cái gì nó tự nhiên, trong cuộc sống chúng ta không có cái đó thì mình muốn có cái đó, mà muốn có cái đó rồi thì mình không thoả mãn được. Thế giới là khát ái, thế giới là nô lệ cho tham ái là như vậy, là nô lệ cho khát ái là như vậy.
Nói một cách khác, hành giả ở trong trường thiền tu tập khi gặp bữa ăn rất ngon thì thay vì hoan hỉ với bữa ăn đó thì nhớ rằng nếu mình quá thích thú về những bữa ăn đó, bữa ăn sau nếu không được như vậy mình sẽ thất vọng, mình sẽ nản sẽ buồn sẽ không ăn ngon miệng nữa.
Rồi chúng ta cũng nói đến một cái sự kiện khác về lạc thọ là rỗng không, lạc thọ là không làm được cho chúng ta hài lòng hoàn toàn. Bất cứ điều gì trong đời sống mà chúng ta nghĩ rằng tốt nhất, đẹp nhất, hay nhất chúng ta muốn nhiều nhất mình may mắn có được thì hãy nhìn thử xem chúng ta vui với cái đó bao lâu. Có những lần chúng tôi nhìn thấy Chư Tăng qua Mỹ ở chùa mà gửi xin sở Di Trú giấy thường trú mà sở Di Trú chấp nhận visa 3 năm vị đó mừng lắm, rồi sau 3 năm xin thẻ xanh được thẻ xanh cũng mừng lắm và khi thi được quốc tịch cũng mừng lắm. Nhưng chúng ta nhớ như vầy, nhiều lúc mình xem cái đó là một lý tưởng tuyệt đối là mình được như vậy mình không còn cần cái gì nữa mình chỉ cần chừng đó thôi nhưng thật ra chúng ta tiếp tục mong cầu, và chính hạnh phúc nó cũng là trở ngại cho hành giả tu tập ở trên phương diện sự đòi hỏi bản thân mình phải có được cái này mình phải có được cái kia. Và cái mà hạnh phúc mình mong mỏi mình được cái này mình được cái kia nó cũng khiến cho ở trong sự tu tập không tập trung được.
- Điểm thứ Hai. Bây giờ Đức Phật Ngài dạy khổ thọ là mũi tên. Mũi tên là cái gì đâm vào trong người tạo nên sự nhức nhối và nó tạo nhu cầu cấp thiết là phải nhổ mũi tên đó ra. Chúng ta thấy rõ ràng chuyện đó là chuyện đau buốt. Thí dụ có dịp nào đó chúng ta mất cái gì mà chúng ta rất là qúi mình cảm thấy nuối tiếc khôn cùng hay hoặc giả tự nhiên một người rất tử tế với mình bây giờ mình nghe tin họ phản bội mình, mình cảm thấy rất buồn, cái buồn đó như là không có gì diễn tả được. Hay gặp cảnh sanh diệt, một người rất thân của mình mà người đó ra đi thì thật sự nó như một mũi tên đâm vào trong người. Đức Phật dạy hình ảnh mũi tên Đức Phật Ngài cho chúng ta biết là nó bắn vào trong da trong thịt chúng ta không thể ngồi yên được chúng ta phải giải phẩu lấy nó ra và lúc chúng ta giải phẩu lấy nó ra thì chúng ta chỉ xử nó một cách rất trực tiếp mũi tên thì mình phải lấy nó ra đơn giản như vậy.
Một hành giả tu tập không phải chỉ biết khuôn mặt với thái độ hợp tình hợp lý đối với lạc thọ mà còn đối với khổ thọ nữa. Chúng ta thử lấy thí dụ.
Thí dụ về ngồi thiền, khi tay chân vừa mỏi vừa tê chút xíu là chúng ta cảm thấy nản trí liền, cảm thấy muốn rút lui liền, cảm thấy muốn mở mắt coi giờ xem gần tới giờ chưa để mình có thể đứng dậy. Các vị thiền sư thường khuyên rằng nếu mình cứ thay đổi tư thế hoài nó chỉ lợi là nó bớt đau một chút nhưng nó làm cho chúng ta sợ hãi và né tránh cảm thọ khổ. Thật ra mình tu tập mình phải tập hạnh làm lơ hay làm lì với cái khổ, kệ nó tê chân một chút nhưng mình ráng một chút. Và cái khổ nó đến thì mình có nhu cầu cấp thiết là mình nhổ mũi tên đó ra, mình chỉ đơn giản nhổ mũi tên đó ra đừng liệu toan lo lắng gì khác.
Thật ra, bài học về khổ là bài học lớn trong Phật Pháp. Đức Phật Ngài dạy về điều này với nhiều bối cảnh khác nhau và cho đến ngày hôm nay thì chúng tôi cũng nói với qúi vị là một người bình thường chưa chắc đã hiểu rõ cái khổ mà Đức Phật định nghĩa cái khổ như thế nào, nhưng một hành giả tu tập thì có điều như vầy là biết cái khổ thọ đang gây sự nhức nhối cho mình như một người bị mũi tên và do vậy chúng ta phải tin tấn làm việc gì đó.
- Điểm thứ ba: mà chúng ta đề cập ở tại đây cảm giác không khổ không lạc thì Đức Phật Ngài dạy chúng ta nên quán là cảm thọ là vô thường.
Cái thú vị ở đây trong bài học này là 3 cảm thọ Đức Phật dạy ở trong 3 thái độ khác nhau:
Cảm thọ lạc nên xem nó là khổ, nên thấy mặt trái của nó, và hiểu tại sao nó đem đến cho chúng ta khổ.
Cảm thọ khổ như là mũi tên có nhu cầu cần thiết để chúng ta nhổ mũi tên đó ra.
Nhưng cảm thọ không khổ không lạc, tức là cảm thấy bình thường nó là cái gì dễ làm cho chúng ta ngủ quên làm cho chúng ta say sưa, làm cho chúng ta cảm thấy hờ hững và cảm giác đó không lâu.
Có những người nói; sau mấy mươi năm lăn lộn ở trong cuộc đời để dành được một số tiền rồi chỉ muốn sống cho yên ả không cần làm chuyện gì chỉ cần yên ả tuổi già, người đó đinh ninh rằng mình có thể ôm trọn cái tâm tư thanh thản đó, con lớn rồi ra ngoài rồi bây giờ mình không phải lo, mình đã về hưu rồi không có tất bật với công ăn việc làm và bây giờ bạn bè đều chết rồi mình không còn phải suy nghĩ. Nhưng Đức Phật dạy rằng chính cái cảm giác không khổ không lạc như chúng ta thấy bình thường nó cũng làm cho chúng ta thối thất là tại vì chúng ta không thấy rằng nó vô thường, cuộc sống luôn luôn bị chi phối rất nhiều thứ và nó không có gì để yên cho chúng ta hoài. Cái cảm giác thanh thản nhẹ nhàng coi vậy mà khó lắm. Khó để cho chúng ta nhận ra, khó để cho chúng ta có phản ứng hợp tình hợp lý, khó để chúng ta không bị thối thất. Nên biết là cảm giác đó không lâu, cái cảm giác thản nhiên, cảm giác của cảm thọ quả thật là nó không tồn tại lâu bởi vì không có cái này cũng có cái kia chi phối.
Và trong bài học này thì đặc biệt trong đời sống hàng ngày thì nó cũng tốt, nhưng lợi lạc nhất cho người hành Tứ Niệm Xứ. Như chúng ta được biết rằng trong 4 lãnh vực để quán niệm, trong bốn cảnh giới đối tượng để quán niệm là thân, thọ và tâm và pháp. Thọ là lãnh vực lớn, cảm thọ là một yếu tố lớn chi phối đời sống của chúng ta và cảm thọ đó cần được đưa vào chánh niệm, cần được nhận thức, cần được liễu tri. Trong kinh Tứ Niệm Xứ Đức Phật Ngài đặc biệt Ngài nhấn mạnh tới.
Do vậy, khi một hành giả tu tập về Tứ Niệm Xứ thì không thể không nằm lòng bài học về cảm thọ và chúng tôi biết chắc rằng nhiều vị thường hay bỏ quên cảm thọ ở trong đề mục tu thiền của mình nhưng trước sau gì sớm muộn chúng ta phải đối diện với nó. Tại vì sao vậy? Cuộc sống luôn luôn có vui có khổ và có những giờ phút không vui không khổ qua đó chúng ta thấy sự vô thường, qua đó chúng ta thấy sự khổ và cũng qua đó chúng ta thấy sự vô ngã của cuộc sống, qua đó chúng ta thấy sự vô chừng của tâm tư của chúng ta, và qua đó chúng ta sẽ bớt chuyện đổ lỗi cho người này cho người khác.
Một cách tốt để một người hiểu được cảm thọ của mình đó là hành giả khi ngồi thiền hay trong đời sống hàng ngày thử cho mình một thách thức mà qua đó chúng ta có thể hiểu được. Chúng tôi nhớ lần đầu tiên ở trường thiền Ngài Ajahn Chah. Từ bên Mỹ qua người ta sắp xếp cho chúng tôi ở trong một thiền thất, ở trong thiền thất mà cái thiền thất đó thật sự nhỏ lắm, cái giường ngủ để vừa vào đầu giường cuối giường không có dư, mà nó là một góc vuông, qúi vị không thể tưởng tượng. Nhưng cái khổ nhất là nó không có điện thì mình không thể sạt điện, cái gì cần thì sài pin, đem pin đi nhưng pin không cung cấp nhiều và do vậy sau một ngày ở trong cái thiền thất chúng tôi học ra điểm đầu tiên là mình cảm thấy rất là vô vị rất là chán, tự nhiên mình ngồi đó mình nghĩ không biết phải làm gì. Và khi chúng tôi lên đảnh lễ Ngài thiền sư và trình bày với Ngài về ý nghĩ của chúng tôi thì Ngài trả lời "chuyện đó là bình thường", ban đầu thì mình quen với đời sống có TV có báo chí có internet có cái này cái kia bây giờ sống không có tự nhiên cảm thấy trống trải. Qúi vị muốn biết cái đó thì ngày nào qúi vị bỏ điện thoại cầm tay ở nhà đừng đụng tới internet đôi khi có nhiều vị chịu không nổi.
Và đối với chúng ta thì cảm thọ nó là một đề tài quan trọng nhưng đối với hành giả tu tập thì phải biết cách xử lý. Thí dụ như mình đang ngồi thiền chân mình bị tê hay đang ngồi thiền cảm thấy khó chịu những cái khó chịu nhỏ thôi nhưng ảnh hưởng chúng ta nhiều.
Chúng tôi nhớ hồi xưa chúng tôi có quen với một vị sư người Úc, Sư đó rất phiền não một chuyện là Sư đó lên chánh điện ngồi thiền mà có ông ngồi kế bên, ông là cư sĩ vô chùa tu, ông đó ngồi thiền bữa nào cũng ngủ quên mà ngáy rất lớn, và khi ông ngáy lớn như vậy thì ông làm cho vị sư người Úc khó chịu, mình tu thiền mà lên ngồi ngủ trong giờ hành thiền thì không thể chấp nhận được rồi mà còn ngáy lớn nữa thì nó chi phối người chung quanh. Thì vị Sư người Úc chỉ nói như vậy rồi có một ngày Sư đem chuyện đó nói với Thầy Cả trong chùa, Thầy Cả mỉm cười Thầy nói rằng ở trong những trường hợp như vậy mình lấy đó để mà quán tưởng.
Đức Phật dạy đề tài cảm thọ là đề tài lớn. Và ở đây Đức Phật gợi ý cho chúng ta rất nhiều:
- Nên quán lạc thọ là khổ, chúng ta thấy được thực tướng, thấy được bề trái của nó, và đừng để quá khổ về nó.
- Thứ nữa chúng ta thấy khổ thọ là mũi tên nhắc cho chúng ta biết về cái tướng trầm kha của đời sống một căn bịnh mang tánh cách cấp tính và chúng ta phải làm cái gì đó hơn là đoán mũi tên và không làm gì hết.
- Và sau cùng thì chúng ta nên biết cách để xử lý biết cách để có thái độ hợp tình hợp lý với cái cảm giác không khổ không lạc. Có nhiều người nhìn cảnh không khổ không lạc là cái buồn chán nhưng cũng có những người lại dính mắc vào trạng thái đó ngày lại qua ngày bình thường, bình thường là cái mà chúng ta thích.
Chúng tôi muốn cùng với tất cả qúi Phật tử đọc lại một lần ở trong bài học ngày hôm nay mà chúng tôi nghĩ rằng đây là những lời được dạy rất đẹp do bà Khujjuttara ghi nhớ lại lời dạy của Đức Phật và sau này Chư Tăng đã trùng tụng kết tập Tam Tạng và trở thành tác phẩm gối đầu giường như qúi vị biết rằng khi chúng ta phân bộ phận kinh điển khi Đức Phật còn trụ thế thì cũng đã được đề cập đến và đây là bài học ngày hôm nay:
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, có ba cảm thọ này. Thế nào là ba? Lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ. Này các Tỷ-kheo, lạc thọ cần phải được xem như là khổ. Khổ thọ cần phải được xem như là mũi tên. Bất khổ bất lạc thọ cần phải được xem như là vô thường. Vì rằng này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đã xem lạc thọ như là khổ, đã xem khổ thọ như là mũi tên, đã xem bất khổ bất lạc thọ như là vô thường, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo này gọi là bậc Thánh đã chơn chánh thấy, đã chặt đứt ái, đã giải toả kiết sử đã chơn chánh thắng tri mạn, đã đoạn tận khổ đau.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Ai thấy lạc là khổ,
Thấy khổ là mũi tên,
Thấy bất khổ bất lạc
Thọ ấy là vô thường,
Tỷ-kheo ấy thật sự
Ðã thấy thật chơn chánh,
Chính tại ở nơi đây,
Từ đấy được giải thoát.
Thành tựu được thắng trí,
Bậc ẩn sĩ an tịnh
Chắc chắn đã vượt qua
Các ách nạn trói buộc.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
Đó là vài điều chúng tôi muốn chia sẻ với qúi vị về ý nghĩa bài học ngày hôm nay liên quan đến 3 cảm thọ./.
No comments:
Post a Comment