Hỏi: Lấy cái khổ làm điểm tựa làm sức bật để tu tập.
(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 13-5-2014, Minh Hạnh chuyển biên)
TT Giác Đẳng: Nói về khổ. Đây là một tâm sự ở trong lòng chúng tôi. Mỗi lần chúng tôi gặp những khó khăn những khổ sở thì chúng tôi luôn nghĩ là những điều này giúp cho mình tha thiết hơn mong mỏi hơn để hướng cầu Niết-bàn. Do đó chúng tôi nghĩ đó là một điểm tựa.
Và những người quen với chúng tôi thường nói rằng Sư Giác Đẳng có vẻ là lạc quan. Thật ra chúng tôi không phải lạc quan theo kiểu bình thường nhưng chúng tôi thấy rằng cảnh thuận thì mình cũng hoan hỉ, nếu cảnh nghịch thì nó làm cho mình đến gần với tiêu chí giải thoát hơn, mỗi lần nghĩ về.
Và chúng tôi nghĩ rằng nếu trong cuộc sống mà nghĩ như vậy thì mình sẽ không bao giờ tuyệt vọng, mình sẽ không bao giờ cảm thấy cuộc đời đi vào chỗ cùng cực bế tắt.
Đọc trong kinh điển thấy các đệ tử của Đức Phật thường thường khi các vị đối diện với cái khổ và những cái khổ mà hầu như không chịu được nữa thì các vị vẫn luôn luôn tìm thấy một khai lộ. Khai lộ đó là nhìn cái khổ đó để làm điểm tựa làm sức bật, làm một trợ lực để đứng dạy.
Và do vậy chúng ta hãy tin tưởng và mạnh mẽ tin tưởng một điều là với một người học Phật và hiểu Phật Pháp thì ở trong mọi hoàn cảnh nếu chúng ta chịu khó tận dụng, nếu chúng ta chịu khó mở mắt và nếu chúng ta chịu khó suy nghĩ thì không có trường hợp nào bế tắt.
Bài học về khổ có một ý nghĩa rất sâu sắc là sự khổ có thể là cái gì dìm chúng ta xuống nhưng mà sự khổ cũng là điểm tựa để giúp chúng ta đứng dạy. Thì quan trọng là mình chọn thái độ nào.
Và nếu mình chọn được thái độ dùng cái khổ làm điểm tựa đứng dạy thì chúng tôi tin rằng ở đó chúng ta thấy Phật Pháp nhiệm màu cho chúng ta rất nhiều sự an ủi cho chúng ta rất nhiều sự nâng đỡ ./.
No comments:
Post a Comment