Hỏi: Đặc điểm một hành giả thường gặp khi hành thiền, đó là 5 pháp triền cái.
(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 28-4-2014, Minh Hạnh chuyển biên)
TT Giác Đẳng: Một ở trong những đặc điểm chúng ta thường gặp phải khi hành thiền ở trong các trường thiền đó là 5 triền cái, hay là 5 pháp ngăn ngại, trong rơom qúi vị thường nghe Chư Tăng gọi là 5 pháp cái. Có một lần một vài Phật tử nghe TT Pháp Đăng nói về tham cái, sân cái, hoài nghi cái, phóng dật cái, thì hỏi chúng tôi rằng tại sao những phiền não lại là giống cái mà không phải giống đực.
Thật sự, chữ cái ở đây không phải là chỉ về giống cái, chữ cái ở đây đơn thuần chỉ về sự ngăn ngại, nói cho đủ là triền cái. Sự ngăn ngại, ngăn che, làm uế nhiễm tâm vị hành giả. Nhưng 5 pháp triền cái này cũng là 5 pháp đặc biệt đối với hành giả tu tập thiền định thường phải đối diện tham dục, sân hận, hôn thùy (hôn trầm thụy miên), hoài nghi, phóng dật.
Bây giờ chúng ta không hành thiền, ngồi đây nghe pháp. Khi nói đến điều này thì chúng ta cũng biết rằng đó là những thứ phiền não. Tuy vậy, gọi là phiền não ngăn ngại thì thật sự cũng có ngăn ngại mà chúng ta không thấy được và nói rõ là lúc chúng ta hành thiền, thí dụ như người hành thiền cần có được sự hướng tâm tức là:
Tầm cần có sự áp sát,
Dán chặt lên đối tượng gọi là Tứ.
Trạng thái hân hoan gọi là Hỉ.
Trạng thái nhẹ nhàng gọi là Lạc.
Sự tập trung tâm ý gọi là Định
Năm pháp này không phát triển được và bị ngăn ngại bởi vì 5 triền cái là tham dục, sân hận, hôn trầm, thùy miên, hoài nghi và phóng dật.
Bất cứ một hành giả nào vào trường thiền trừ những vị rất hiếm tức là những vị có lợi căn có túc duyên đầy đủ ngoài ra thì phải phấn đấu rất nhiều. Nhiều khi có những ham muốn trong đời sống hàng ngày rất nhỏ nhưng trong lúc hành thiền thì trở lên rất lớn .
Thí dụ, sự ham muốn về thực phẩm, ông Joseph Goldstein về kinh nghiệm của ông chúng tôi vẫn thường nhắc là; hàng ngày người Tây Phương buổi sáng ăn bánh mì nướng nhưng trong lúc ông ở một trường thiền của Ấn Độ và người ta không có bánh mì nướng, ngày hôm đó bỗng nhiên ông lại nhớ và rất thèm bánh mì nướng, nhớ một cách dai diết, thèm một cách thôi thúc nhưng mà bình thường thì miếng bánh mì nướng đó không là cái gì để mà thèm như vậy.
Tương tự như vậy, trạng thái sân hận bực mình những cơn giận của một người nhiều ngày không giận hay ít khi giận nhưng khi bộc phát lên thì rất mạnh. Lấy ví dụ như chúng tôi nhớ có một thiền sinh khi vào trường thiền tu thiền, trong khi đang toạ thiền có một vị thiền sinh khác có tật là trong lúc hành thiền hay ngủ gục và khi ngủ thì gáy rất lớn, không phải nhiều lần mà nhiều lần, chuyện đó xảy ra làm cho vị thiền sinh này cảm thấy rất bực mình đến đỗi có một ngày vị này yêu cầu vị Thiền Sư đuổi vị thiền sinh hay ngủ gục kia đi với thái độ rất hằn học, cũng may đó là thiền đường, vị Thiền Sư giải thích cho vị thiền sinh đó rằng vị thiền sinh hay ngủ gục vốn dĩ có một vấn đề mà vị này cần phải vượt qua đó là hôn trầm thụy miên, nhưng ngược lại thì vị thiền sinh yêu cầu Thiền Sư đuổi vị thiền sinh kia thì cũng có vấn đề đó là sân hận.
Sân hận và hôn trầm thụy miên vốn đều là những phiền não giống nhau.
Thì ở đây, Đức Phật Ngài đề cập đến 4 oai nghi; đi, đứng, nằm, ngồi chúng ta gọi là 4 đại oai nghi hay là trong 4 tư thế. Trong ngôn ngữ của thiền định chúng ta đề cập đến 4 oai nghi có 3 hàm ý:
1. Hàm ý thứ nhất, đây là phương pháp tu tập thiền Vipassana thiền Tứ Niệm Xứ, trong khi thiền chỉ người ta không tu tập ở trong thế đi, đứng, nằm, ngồi, mà họ chỉ tập trú vào lúc ngồi và hướng vào đề mục duy nhất. Và trong thiền định tu tập mà đề cập đến đi, đứng, nằm, ngồi thì đó là thiền Tứ Niệm Xứ.
2. Một điểm khác, khi nói rằng trong lúc đi, đứng, nằm, ngồi, hễ quán sát và chế ngự những pháp triền cái, thì đó cũng là một phương pháp thiền Tứ Niệm Xứ. Trong pháp Thiền Chỉ người ta không đối trị phiền não như vậy, người ta chỉ ngồi và tập trú vào một đề mục gì đó với tất cả sự cố gắng nỗ lực.
3. Và ở đây, có một dấu hiệu khác chúng ta tìm thấy, Đức Phật Ngài dạy đây là pháp hành thiền như một bước kế tiếp sau khi một người đã thành tựu sự nghiêm trì giới hạnh. Thì đó cũng là một nền tảng của thiền Minh Sát.
Với ba điểm này, chúng ta nên khẳng định rằng đây là phương pháp thiền Tứ Niệm Xứ mà hành giả đối diện với 5 triền cái trong 4 oai nghi của mình. Có những thứ phiền não với một người bình thường không phải là phiền não lớn chuyện như buồn ngủ, uể oải, dã dượi thường gọi là hôn trầm thụy miên. Với một người tu tập thiền Tứ Niệm Xứ thì hôn trầm thụy miên là hai pháp mình sẽ vật lộn rất nhiều. Bởi vì trong pháp gọi là tinh tấn đòi hỏi một hành giả bớt ăn và bớt ngủ, không thể nào trong lúc chúng ta tu thiền chúng ta ngủ cũng với thời lượng như chúng ta thường ngủ hàng ngày là 8 tiếng hay 7 tiếng. Tại các thiền đường, thiền đường nào cũng vậy, giấc ngủ được cắt giảm đến mức vị thiền sinh có thể chịu đựng được, đi ngủ lúc 10 giờ tối 3 giờ sáng đã thức dậy.
Có nhiều lý do, lý do thứ nhất là giấc ngủ càng lâu thì con người càng giảm tinh tấn. Điều này qúi vị cảm thấy lạ, tại sao mình ngủ nhiều mà mình giảm tinh tấn? Tất cả những vị thiền sư đều cho chúng ta biết khi hành thiền mình ngủ nhiều ngủ đủ, thí dụ như thay vì mỗi đêm mình ngủ 5 tiếng thì trong lúc hành thiền mà ngủ 7 tiếng hoặc 8 tiếng thì hành thiền không có kết quả tại vì sự giảm thiểu ngủ là nói lên sự tinh tấn.
Nhưng ở đây nó tạo ra một sự việc khác đó là nó tạo ra tình trạng thiếu ngủ, một đêm ngủ chỉ có 5 tiếng đồng hồ, 5 tiếng đồng hồ là nhiều thường thì 4 tiếng, 10 giờ tối đi ngủ 3 giờ sáng thức dậy và nếu ngủ nhiều thì không có sự tiến bộ trong sự tu tập mà ngủ ít thì tự nhiên cơ thể sanh ra uể oải buồn ngủ. Thời gian đầu chúng ta phải nương nhẹ về điều này, chúng ta phải chấp nhận. Và lúc mình đi hành thiền vì thiếu ngủ do đó rất uể oải buồn ngủ trong lúc đang hành thiền trong lúc đang ngồi, sự việc đó một hành giả tu tập phải để ý và phải biết. Nhưng đây là thời gian đầu, thời gian đầu chúng ta chấp nhận thấy uể oải để được sự tiến bộ và sự tiến bộ ở đây là sự tăng trưởng niềm hân hoan. Tăng trưởng niềm hân hoan có nghĩa là ban đầu mình ngồi thiền cảm thấy mệt mỏi chán nản với cái ngồi, nếu ngồi chút xíu đã đau chân mệt mỏi chán nản với thời khóa biểu ít ăn ít ngủ nhưng dần dà chúng ta chuyển sang trạng thái quen thuộc dể chịu và cảm thấy không có vấn đề gì hết, nó như vậy thì chúng ta chấp nhận nó như vậy, thì lúc bấy giờ đó là dấu hiệu của sự được tiến bộ.
Một hành giả khi đề cập đến oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi, thì trong đó có một hàm ý là luôn luôn trung thành, luôn luôn tiếp tục, và luôn luôn tu tập thiền quán cho dù đó là giờ ăn, giờ đó là giấc ngủ, cho dù đó là đi, là đứng, nằm, ngồi, những người hành thiền chỉ thì có thể là hành thiền ở trong một giờ giấc cố định nhưng khi Đức Phật Ngài dạy tu tập ở trong 4 oai nghi điều đó có nghĩa là mình ngồi đến mức độ mỏi, đến mức độ không thể được thì mình có thể đi kinh hành, trong lúc đi kinh hành mình thỉnh thoảng đứng và ngay cả khi mình nằm trước khi ngủ thì mình vẫn giữ chánh niệm thì đó là phương pháp của người hành Tứ Niệm Xứ là đòi hỏi tính cách liên tục.
Một người mới hành thiền thì thường bị một tình trạng gọi là trả nợ qủi thần, người ta cũng ngồi và mình ngồi, và trong lúc mình ngồi thì mình ráng ngồi, ngồi cho hết giờ để mình được nghỉ không phải ngồi nữa, và khi rời chỗ ngồi thì mình không muốn phát triển Chánh Niệm, mình nghĩ rằng: mình ngồi được một giờ là tốt rồi, Nhưng kỳ thật ở đây đòi hỏi tánh cách liên tục nghĩa là rời chỗ ngồi trong lúc đứng lên cũng ghi nhận, trong lúc có ý định đi kinh hành cũng ghi nhận, trong lúc đang đi kinh hành cũng ghi nhận. Nói một cách khác là, trong cả 4 trường hợp đi, đứng, nằm, ngồi, trường hợp nào cũng cần có Chánh Niệm và cũng cần có yếu tính liên tục. Nhờ sự liên tục đó giúp cho chúng ta đi xa hơn trong thiền quán.
Và ở đây có một điểm. Đối với trạng thái hoài nghi. Hoài nghi là sự phân vân lưỡng lự. Hoài nghi là một pháp ngăn ngại hay pháp cái thì ở trong đó bao gồm hoài nghi Phật, hoài nghi Pháp, hoài nghi Tăng, hoài nghi Tam Thế, hoài nghi Thiền Định. Để đối trị với những hoài nghi này là thái độ khẳng định, sự khẳng định ở đây là đừng để cho tâm suy nghĩ vớ vẩn, khẳng định ở đây là mình phải trở về với Chánh Niệm. Không ngồi suy nghĩ lung tung. Và thái độ khẳng định đó giúp cho chúng ta vượt qua thái độ trù trừ và trù trừ đó giống như là hoài nghi. Một khi hành giả tu tập thì dù vui, dù khổ, dù thuận, dù nghịch, dù thích hay không thích tất cả đều là đối tượng của thiền định và cứ như vậy mà làm. Khi chúng tôi nói cứ như vậy mà làm thì điều đó có nghĩa là một thái độ khẳng định, một thái độ quyết tâm và sự khẳng định đó giúp cho chúng ta diệt trừ hay giảm thiểu hoài nghi.
Và thưa qúi vị, có một trạng thái chúng ta gọi là trạo cử. Ở trong danh sách thì trạo cử đi trước hoài nghi. Chữ trạo cử là chữ tương tự với chữ phóng dật, ở phương diện nào phóng dật là ném và tung lên, mình tưởng tượng hình ảnh của đống tro mình ném cục đá vào thì đống tro bị tán loạn điều này gọi là phóng dật. Cũng như, trạo cử là hình ảnh của mái chèo khua tan mặt hồ đang phẳng lặng, cái mái chèo khua làm gợn sóng lăn tăn. Thì tương tự như vậy, ở trong cuộc sống của chúng ta có những giây phút bấn loạn giao động, tâm không an tâm, không ổn định. Không an, không ổn định vì nhiều lý do, nhưng người hành thiền biết rằng đây là trạng thái tâm phóng dật một trạng thái tâm bất an. Một cách vị này giảm thiểu được phóng dật là người này thật sự phát triển một số lãnh vực như là niềm tin Phật Pháp Tăng qua những giờ lễ bái, hay vị này niệm Tâm Từ hoặc giả vị này làm tăng sự tiến bộ của mình đối với khả năng bám sát đề mục thiền định ./.
No comments:
Post a Comment