Monday, May 5, 2014

Phật Học Vấn Đạo - Phật tử căn cơ nào nên tu theo Tịnh Độ Tông, căn cơ nào nên tu theo Mật Tông, và căn cơ nào nên tu theo Thiền Tông.

 Hỏi:; Phật tử căn cơ nào nên tu theo Tịnh Độ Tông, căn cơ nào nên tu theo Mật Tông, và căn cơ nào nên tu theo Thiền Tông.

(Câu hỏi trong lớp Diệu Pháp, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Giác Đẳng: Thật ra chúng tôi rất ngại về điểm này, khi chúng tôi trình bày ở đây về câu hỏi này, chúng tôi sợ qúi vị ở trong room có thể cảm thấy mích lòng khi chúng tôi nêu lên một vấn đề.

Chúng ta muốn hiểu chữ Tịnh Độ Tông , chữ Mật Tông, chữ Thiền Tông trong ý nghĩa dản dị hơn để chúng ta có thể nói chuyện với nhau ở đây. Ví dụ chúng ta nói Tịnh Độ Tông chuyên trì danh hiệu Phật, chúng ta nói đến Mật Tông là chúng ta tập trung vào sự luyện định lực và thiền Tông thì chúng ta nói đến tuệ lực.  Thật ra cả ba điều đó nếu chúng ta hiểu theo tinh thần đại loại như vậy, thì bất cứ một hành giả tu thiền nào đều cần đến cả ba điều đó, bởi vì chúng ta biết sự quân bình của năm căn.  Năm căn là: tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn, thì những sự niệm Phật hay suy niệm ân đức Tam Bảo là cái gì rất có lợi cho chúng ta.  

Nếu nói về chuyên trì đạt đến định lực cao, chúng ta thường thấy như một trong tinh hoa của Mật Tông cũng nằm trong định căn, và Thiền Tông được hiểu rất gần với tuệ căn.  Thì năm căn đó, đối với cái nhìn của các vị Thiền Sư là điều phải có ở trong đời sống của chúng ta, có tín, có tấn, có niệm, có định, có huệ.

Sở dĩ chúng tôi sợ quí vị cảm thấy phiền là chúng tôi không có ý gom cả ba phương pháp đó vào, bởi vì mỗi phương pháp nó đã phát triển trở thành một bộ phận,  bộ phận hết sức lớn ở trong bối cảnh toàn diện của Phật Giáo.

 Mật Tông ngày hôm nay đã là một Tông phái lớn, nằm chiếm một địa vị rộng ở trong chung quanh chân núi Hy Mã Lạp Sơn và luôn cả Mông Cổ, và cũng được thực hành ở tại nhiều quốc gia nhưng mà có tiếng nhất đó là Tây Tạng. 

Tịnh Độ Tông, được xem như là một tông phái mà có mức độ quần chúng đông nhất ở tại Trung Hoa và Nhật bản.

Thiền Tông cũng có con số bàn bạc đâu đó.

Chúng ta không nói về địa dư, không nói về số lượng, mà chúng ta phải nói ở tại đây rằng sự hành trì đặt biệt của Tịnh Độ Tông đó là khả năng nhất tâm niệm Phật, là cái trì niệm ân đức của Phật, và dĩ nhiên trong truyền thống Tịnh Độ trì niệm ân đức của Đức Vô Lượng Thọ Phật, tức là Đức A Di Đà. Rồi Mật Tông thì có thể chuyên trì thần chú, ấn quyết và một số các phương pháp để nhập thiền. Rồi Thiền Tông được xem như là khả năng đốn phá tất cả để đạt đến tình trạng gọi là kiến tánh thành Phật, thấy được chân tướng của vạn pháp để mà giác ngộ thành Phật.

Trong cái nhìn đại loại mà chúng ta đem yếu nghĩa chung chung, chúng tôi tin rằng cả ba điều đó đều rất cần cho một vị hành giả để làm quân bình năm căn của mình, và dĩ nhiên là phương pháp thực hành nó lại có những dị biệt từ cá nhân này đến cá nhân khác.

Nhưng chúng tôi phải thưa với qúi Phật tử là hiện nay ở tại các đại học đường Âu Mỹ, người ta đã bắt đầu nói đến cái lằn ranh phi lý giữa các môn học, như là người ta nói đây là xã hội học, đây là nhân chủng học, đây là tâm lý học, nhưng mà rồi những ngành đó đều có quan hệ mật thiết với nhau.  Như chúng ta nói về xã hội học thì chúng ta không thể thiếu về tâm lý học, hay chúng ta không thể nói tâm lý học nó nằm ngoài cái nhân chủng học và xã hội học được.

Cái sự liên đới với nhau nó càng rõ ràng, nên trở lại các tông phái trong đạo Phật đôi lúc chúng ta cũng cố ý để vẽ một lằn ranh cho nó rõ ràng giữa phái này và phái kia, giữa cách hành trì này và cách hành trì khác.  Nhưng với các vị hành thiền, chúng tôi phải nói rằng ngay cả Tổ Ấn Quang là một trong những vị được xem là khuôn mặt lớn của Tịnh Độ Tông, Tổ Ấn Quang vẫn có nhiều cái nhìn, nhiều nghiên cứu về kinh điển cũng giống như hành trì của Thiền Tông, chứ không hẳn chỉ là về Tịnh Độ Tông không.

  Do vậy chúng tôi biết là câu trả lời này không có thể nào thoả mãn cho câu hỏi của  người hỏi, là Phật tử nào, căn cơ nào tu tập Mật Tông, rồi Tịnh Độ Tông, rồi Thiền Tông.  Chúng tôi chỉ trả lời trong cái nhìn của chúng tôi, thì nếu lấy cái tinh hoa của ba sự hành trì đó đều rất cần để quân bình năm căn cho bất cứ hành giả tu tập nào, và dĩ nhiên điều này có thể không trả lời trực tiếp cho câu hỏi, và chúng tôi không muốn làm một công việc tách biệt ba cách hành trì đó, do đó chúng tôi không đưa ra ba trường hợp biệt lập.

Dù sao thì phải nói rằng Tịnh Độ Tông là một tông phái rất hợp với những người nặng về đức tin , và Mật Tông thì rất tốt cho những người có sở trường về tâm định, và Thiền Tông thì rất tốt cho những người mạnh về tuệ căn.  Nhưng mà nói về sự quân bình thì chúng ta cần cả ba, và dĩ nhiên Mật Tông, Tịnh Độ Tông, Thiền Tông mà chúng tôi nói ở đây là chúng tôi nói cái tinh hoa, chứ chúng tôi không nói đi vào chi tiết như là các tông phái đó.  Đó là điều mà chúng tôi chia sẻ ./.

No comments:

Post a Comment