Hỏi: Phải chăng trong một số trường hợp sự tự hào, ngã mạn có lợi cho sự tăng tiến bản thân? Thí dụ sự tự hào về gia thế hay địa vị khiến người ta phấn đấu
(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 9-4-2014, Minh Hạnh chuyển biên)
TT Pháp Tân: Ngã mạn là một pháp tiềm ẩn ở trong mỗi chúng sanh rất khó để diệt trừ. Nhưng để kiềm chế ngã mạn thì cũng có cách nếu như mình nhận thức được điều ngã mạn đang sanh khởi, hoặc sự ngã mạn đang có, hoặc đó là sự nguy hại cho đời sống tu tập của mình.
Ở đây, nếu như một người tự hào về cái gì mình đang có, về danh vọng, về địa vị, về kiến thức trí tuệ, về sức khỏe, về những điều đó thì không phải là mình lấy điều đó làm sự kiêu hãnh như là câu nói "mục hạ vô nhân" nghĩa là dưới mắt mình không có một ai xứng đáng bằng mình thì điều đó không nên.
Nhưng, thí dụ, mình thấy gia đình của mình là gia đình trí thức không phải lấy điều đó để rồi mình tự hào mình đứng một chỗ không học hành thì sự thật cha mẹ có làm thầy mà con không học hay không trở thành người trí thức thì cũng như là một người đốt sách mà thôi.
Như vậy, mình tự hào một điều gì đó nếu như điều đó đúng. Thí dụ như, một người Phật tử mình tự hào mình là một người Phật tử. Thật ra, nếu như thái độ của mình cho rằng không ai xứng đáng bằng mình thì thái độ đó không nên bởi vì điều đó làm chựng lại sự tiến bộ đời sống tu tập của mình. Mình cho rằng là không ai bằng mình và mình cũng không cần phải học hỏi những cái gì tốt hơn từ ở nơi một người khác. Sự suy nghĩ về việc không ai bằng mình thì rõ ràng là pháp làm cản trở không có được sự tiến bộ.
Nhưng nếu như một người có tự hào mà quả thật là mình là người xứng đáng được như vậy có nghĩa là nói về kiến thức tri kiến thì mình có như vậy, mình xứng đáng như vậy, người ta ca tụng mình thì mình cảm thấy điều đó là điều tự hào.
Tại vì, trong A Tỳ Đàm thì tâm ngã mạn không đi với tà kiến. Và khi một người nhận thức rằng điều đó là sự thật, và điều đó làm cho mình giữ vững được có nghĩa là vì sự tự hào đó cái ngã mạn thật sự rất khó bỏ nhưng mình quả thật là mình nhận thấy rằng mình là xứng đáng được như vậy, xứng đáng ở vị trí đó mình giữ được.
Thí dụ, một người có được danh hiệu cao qúi trong xã hội, được xã hội công nhận, được một tập thể công nhận, hay được một nhóm người tổ chức nào đó công nhận, người đó được như vậy thì họ phải cố gắng để gìn giữ điều mà họ có. Như mình được mọi người khen tặng gọi mình là một người Phật tử thì mình cũng tự hào mình là một người Phật tử mình phải cố gắng giữ làm sao đúng vai trò mình là người Phật tử. Một vị tu sĩ cũng phải nhận thức rằng mình là tu sĩ thì làm việc gì là một người tu sĩ thì mình nên làm và mình sống như là một người tu sĩ chân chánh do sự tự hào đó cho nên là mình giữ danh hiệu đó.
Thì thái độ này là một điều làm cho mình có được sự tiến bộ. Và làm sao mình được có suy nghĩ rằng cần phải phấn đấu hơn phấn đấu thêm bởi vì có câu: "Núi cao thì còn có núi khác cao hơn" hoặc "Cao nhân tất hữu cao nhân trị" mình giỏi thì có người giỏi hơn mình, mình thấy như vậy để rồi mình có được sự phấn đấu. Thì sự tự hào này mạn này làm cho họ có được sự phấn đấu mà là phấn đấu trong sự tích cực. Còn nếu như mình tự hào hay mình ngã mạn mà mình thấy rằng dưới mắt mình không bằng ai không ai bằng mình thì rõ ràng là không phải là như vậy nếu như mình có suy nghĩ đó thì thật sự ra mình không có học hỏi đưọc những cái gì tốt hơn.
Một điều chúng tôi xin thưa đó là đối với ngã mạn rất là khó bỏ. Nhưng trong lúc tâm mình sanh khởi ngã mạn mình có nhận thức đây là ngã mạn thì kịp thời chấn chỉnh lại, hoặc mình làm cho tâm hạ bớt sự ngã mạn bởi vì sự ngã mạn đó làm không tốt. Nhưng nếu mình nghĩ rằng mình phải phấn đấu hơn và mình giữ vững được vị trí hay một danh hiệu mà người ta khen tặng thì trường hợp này có thể chấp nhận. Còn nếu như mình có suy nghĩ không ai bằng mình thì rõ ràng là mình không có sự tiến bộ mà vô hình chung mình có thể làm người khác không thích mình hay không hoan hỉ về việc làm của mình, cách sống của mình, thì như vậy cũng không phải là tốt./.
No comments:
Post a Comment