Hỏi: Người Phật tử nên biết ba pháp: bố thí, trì giới và tu tiến.
(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 23-4-2014, Minh Hạnh chuyển biên
TT Giác Đẳng: Đây là đề tài chúng ta cần đi qua để chúng ta có thể thấy được rằng đây là ba pháp chúng ta có thể thực hành rất nhiều. Đó là bố thí, trì giới và tu tiến.
Những từ vựng bố thí, trì giới và tu tiến ở trong paltalk này dịch theo kinh điển. Nếu dịch nôm na trong đời sống hàng ngày là mình biết cho, biết gìn giữ, và biết tu tập.
1. Bố thí - biết cho
Riêng về biết cho, có nhiều cách cho, đừng có nghĩ rằng chỉ có một cách là mình phải có nhiều tiền, mình trúng số hay mình phải để dành số tiền lớn mới bố thí cho người nghèo đó mới là cho, không phải như vậy. Mình nghe pháp ở đây, sau khi nghe pháp xong chúng ta ngồi xuống hồi hướng đến Chư Thiên ngự chung quanh nhà, chúng ta hồi hướng công đức cho những người đã quá vãng, cho những bậc hữu ân, cho những người chúng ta quen biết nào đó, hồi hướng phước cũng là một cách cho. Rồi khi nào mình thấy mình có thể làm công quả trong chùa, hay tạo điều kiện pháp thí. Pháp thí ở đây là mình thỉnh pháp sư thuyết pháp hay in kinh sách hoặc giả mình nói đạo cho người khác nghe, như vậy cũng là pháp thí. Ái ngữ cũng rất tốt, người khác đang khổ mình nói những lời ái ngữ với họ, đó là sự ban bố. Ở trong cuộc sống hàng ngày, thí dụ như mình nuôi con chó trong nhà, mình đi mua thức ăn chó cũng có cái dở cái ngon mình mua về cho nó, đó cũng là sự bố thí. Hay qúi Phật tử có dư bánh mì đem ra biển cho chim ăn cũng là bố thí.
Nói chung, là nếu mình thích bố thí thì có nhiều cách mình để ý hàng ngày mình cho. Cái cho nó nuôi dưỡng lòng từ của mình và nó nuôi dưỡng thói quen của mình là cuộc sống mình không ích kỷ.
Cuộc sống con người mà chỉ biết nhận, chỉ biết đến tôi, tôi được, tôi có, tôi hưởng thế này thế kia thì cuộc sống của chúng ta buồn chứ không vui. Để ý như vầy, có nhiều người lúc nào cũng trách móc người khác, trách móc con cái không để ý đến mình, trách móc người khác không thương mình. Thật ra, mình chờ người khác cho mình nó không bằng mình cho người khác, mình cho người khác mình cũng vui, thay vì mình ngồi đó mình chờ người khác, cầu mong người khác. Thí dụ, tại sao Phật tử họ không lo cho mình. Tại sao bà con không lo cho mình.
Mình cứ lo cho cuộc đời đi, khi mình đi lo cho cuộc đời, mình ban bố cho cuộc đời. Một khi mình vui với sự cho của mình thì mình sẽ bớt đi cảm giác cô đơn và cảm giác người khác cho mình. Những người lúc nào cũng mặc cảm, cũng buồn phiền cũng trách móc thật ra đa phần vì chúng ta không cho nhiều, một khi chúng ta đã quen ban bố do quen chia sẻ thì mình được cái trạng thái là mình không cầu cạnh mình không đòi hỏi mình không có mong đợi. Thật ra trong sự cho nó tạo nên niềm vui cho chúng ta, chúng ta để ý lâu ngày chúng ta thấy mình cho là một chuyện rất là vui.
2. Biết gìn giữ giới.
Nhiều khi trong đời sống chúng ta hơi khó giữ giới làm việc hoàn cảnh vì cuộc sống. Nhưng tại các quốc gia Phật giáo khi người Phật tử làm lễ trai Tăng họ thường phát nguyện giữ giới. Nếu y mình bố thí trai tăng mình có tri giới thì ngày đó mình có phước nhiều hơn.
Ở trong kinh Đức Phật dạy rằng người bố thí mà có giữ giới sẽ làm cho sự bố thí đó phước báu thù thắng hơn hơn người bố thí không giữ giới. Người thọ nhận có giữ giới thì phước báu thù thắng hơn người thọ nhận không có giới.
Thành ra ngày nào mình làm phước, thí dụ như là ngày hôm đó quyết định trai tăng thì buổi sáng sớm đúng ngày hôm đó mình đứng trước bàn thờ Phật phát nguyện thọ ngũ giới ngày hôm đó. Mình đừng xem thường những chuyện đó, lâu ngày thì chúng ta sẽ cảm thấy rất hoan hỉ là mình đang làm việc thiện bằng tâm giữ giới. Hoặc trong chuyến đi hành hương, như sắp đi hành hương Ấn Độ 3 tuần lễ, qúi vị nguyện đến chùa hay đứng trước bàn Phật nguyện giữ hạnh không nói dối cũng được suốt thời gian đi hành hương thì cái đó có lợi.
Ở những quốc gia Phật giáo, người Phật tử trước khi làm một việc thiện sự cho dù một ngày hay vài ba ngày hay một tuần hay một tháng hay ba tháng họ thường phát nguyện giữ giới. Sự giữ giới nó làm đẹp tâm của chúng ta làm chúng ta tự tin nhiều hơn. Thành ra biết giữ giới hay Bát Quan Trai giới hay giữ thập thiện. Như mình có khẩu nghiệp không tốt thì mình phát nguyện là ở trong 3 tháng Chư Tăng an cư mình giữ giới chánh ngữ cho tốt. Tức là mình không nói dối, không nói độc ác hung dữ, không nói đâm thọc chia rẽ, không nói lời nhảm nhí phù phiếm và mình cố gắng để ý chuyện đó, mình tu tập chánh ngữ trong suốt ba tháng, đó cũng là một cách giữ giới.
Thì mình biết cho cũng là một cách tạo phước, biết gìn giữ giới cũng là một cách tạo phước nhưng chính cách giữ giới làm cho nội tâm của chúng ta đẹp. Thật ra cảm giác này rất là khó, bây giờ qúi vị nói rằng mình cho đi mình hạnh phúc thật ra người khác không biết, họ khó cảm nhận được cái hạnh phúc của người cho, chỉ có người nào thường cho mới cảm thấy mình hạnh phúc. Thì người không giữ giới nghĩ rằng giữ giới mình bực bội nhưng khi mình giữ giới rồi mới thấy những ngày giữ giới thật sự là an lạc thật sự là tạo cho mình lòng tự tin.
3. Biết huân tu
Là biết đem chất thiện để thanh lọc nội tâm của mình. Có nhiều cách để huân tu. Thí dụ như mình niệm tâm từ hay mình quán tưởng về sự chết hay quán tưởng về vô thường hay quán tưởng về sự vô ngã. Những pháp tưởng Đức Phật Ngài dạy chúng ta có thể niệm. Trong các pháp niệm và định làm cho chúng ta tăng trưởng sự tu tiến tăng trưởng sự thanh lọc nội tại.
Ở đây, chúng tôi thường kể một ví dụ đơn giản là mình lên một chiếc xe bus đi chung với mọi người, hay lên chiếc máy bay khi ngồi xuống thay vì nghĩ vẩn vơ hay thay vì mình ngồi bực bội khó chịu, mình ngồi xuống nhắm mắt lại và nguyện cho tất cả những người trên chuyến máy bay hay trên chiếc xe bus được an lạc, mong cho tất cả mọi người trên phi cơ này được dứt trừ mọi oan trái, mong cho tất cả mọi người trên máy bay này được thanh thản. Một ý tưởng tốt nghĩ đến những người chung quanh hay chúng ta bước vào một ngôi chánh điện Phật tử đang ngồi nghe pháp hay sắp đến giờ hành lễ tụng kinh chúng ta mong rằng những người chung quanh được an lạc. Hay mỗi buổi sáng qúi vị vào trong rơom nghe pháp, trong rơom này có 3, 4 chục người thì qúi vị nhắm mắt một chút và nguyện mong cho ngày hôm nay mong cho tất cả những người ở đây được an lạc. Đừng bao giờ xem thường những ý tưởng thầm kín những ý tưởng đó rất tốt cho đời sống của mình. Cuộc sống của chúng ta mà chỉ nghĩ chuyện mong cho người khác được an lạc cái đó là chúng ta gieo cái hạt giống lành ở trong khu vườn tâm, cái đó có lợi cho mình nhiều lắm.
Hay hoặc giả là mình quán tưởng về sự chết, lâu lâu mình đi đâu nghe nói về một đám tang hay có người thân mất chúng ta ngồi xuống quán tưởng rằng tất cả những người thân hay không thân, gần hoặc xa, già hoặc trẻ đều chết và chính mình cũng chết như vậy, quán tưởng về sự chết, ban đầu thì mình sợ nhưng lâu ngày cho chúng ta một ý thức rất tỉnh táo về giá trị của cuộc sống. Hay là quán tưởng về Vô Thường, về Vô Ngã. Chúng tôi rất thích cái cách quán tưởng này. Phải nói trong cuộc sống chúng tôi một giáo lý mà chúng tôi thường tâm niệm đó là giáo lý Duyên Khởi và giáo lý Vô Ngã.
Duyên khởi tức là do cái này sanh nên cái kia sanh. Thí dụ, người ta chửi mình, mình hiểu tại sao người ta chửi mình, tại vì mình làm công việc đó vai trò đó người ta chửi mình. Thì cái này có cái kia có.
Giáo lý Vô Ngã được hiểu một cách rất đơn giản là mỗi thứ do nhiều nhân nhiều duyên. Như ngày hôm nay chúng tôi đang nói chuyện qúi vị nghe rõ là; do qúi vị vào trong rơom, do các vị giảng sư, do internet tốt, do paltalk không có vấn đề - nó có nhiều lý do.
Giống như mình ngồi trên xe hay máy bay mà nó chạy được là do nhiều bộ phận, một bộ phận trục trặc thôi thì nó không chạy thì nó không có một yếu tố độc tôn, không có một yếu tố duy nhất.
Con người hay phiền não là mình hay xé lẻ, mình hay nghĩ rằng "tôi giỏi" "tôi hay" "tôi quyết định tất cả" hay tại người này tại người kia tại thế này tại thế nọ.
Nhiều khi chuyện xảy ra bây giờ mình nghĩ cái này là do nguyên nhân quá khứ. Cái xấu hiện tại là do nguyên nhân của quá khứ, do họ tạo nghiệp ác và cũng có thể là do quả xấu của mình mà mình không biết. Chuyện mình thấy thì ít mà chuyện không thấy thì nhiều.
Khi mình nghĩ đến chuyện Vô Ngã mình se thấy cuộc sống bớt đi sự đòi hỏi là mọi việc phải như ý mình.
Đức Phật dạy:
- Này Chư Tỳ Kheo, nếu sắc uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn là của ta thì có thể nói rằng xin cho các uẩn như thế này đừng như thế kia. Này các tỳ kheo, các uẩn là vô ngã nên người đời không thể nói xin sắc uẩn như thế này hoặc đừng như thế kia".
Cái mà mình muốn như thế này hoặc đừng như thế kia, mấy cái đó hoàn toàn là mình nghĩ rằng nó phải như ý mình nhưng thật sự mình không làm chủ nó được. Thí dụ mình nói thời tiết mình cũng không chủ được nó hoàn toàn. Mình nói về cái thương cái ghét chung quanh mình cũng không làm chủ nó hoàn toàn. Cái thân của mình nó mạnh nó đau mình cũng không làm chủ được hoàn toàn. Trong cuộc sống, mình thường quán tưởng như vậy để tâm mình bớt đòi hỏi. Nhiều khi cái khổ của mình là mình cực đoan quá, cái khổ của mình là cương quyết, nó không phải như vậy, mình nuốn đặt ở đâu thì nó phải ngồi đó, tôi muốn thế này nó phải thế này, tôi muốn thế kia nó phải thế kia, cái đó là cái làm cho mình khổ. Mình nên quán tưởng Vô Ngã. Sống thì cứ sống làm thì cứ làm qúi vị để ý như vậy thì tâm mình an lạc.
Thì quán tưởng về sự Chết, quán tưởng về Vô Thường, quán tưởng về Khổ, quán tưởng về Vô Ngã hoặc giả là Niệm Tâm Từ v.v... Đó là cách để thanh lọc nội tâm.
Người không biết Phật Pháp thì không nói chi. Mình biết Phật Pháp thì mình phải có một số phương pháp để trị tâm, điều phục tâm của mình, một số phương pháp để tu tập tâm mình. Như qúi Phật tử khi làm việc gì cần có đồ nghề, không có đồ nghề thì không làm được, một người khi tu tập thì phải có một vài kỷ sảo một vài pháp môn để bỏ túi để phòng thân trong trường hợp đó mình phải ứng phó như thế nào.
Thật ra, việc tu có thể đến từ hiện tại, như bây giờ ai chê mình chuyện gì đó, do lời chê mình cảm thấy phiền não cảm thấy rất buồn. Nhưng khi mình tu tập mình hiểu rằng đây là giờ phút rất tốt để quán tưởng về tại sao mình khổ. Tại vì mình muốn mọi người nghĩ mình tốt, mình muốn mọi người khen mình. Bây giờ người ta chê mình, người ta nói mình dở, người ta nói mình thế này thế kia mình buồn. Mình nên quán tưởng và mình đem trở về .
Nếu chúng ta đọc ở trong kinh kỹ thì thấy rằng những cái chướng duyên, những cái khổ là những cái không như ý, nó là dịp để cho mình thắp sáng trí tuệ. Đừng để cho những thứ đó trở thành phong ba bão tố vùi dập cuộc đời mình. Hãy dùng những thứ đó là phân là nước để trưởng dưỡng hạt giống trí tuệ. Nó là những chất xúc tác làm cho trí tuệ tăng trưởng. Trí tuệ làm cho mình thấy được đây là Vô Thường, đây là Khổ, đây là Vô Ngã.
Nên riêng đối với người Phật tử, ba pháp này; biết cho, biết gìn giữ, biết huân tu đó là những lãnh vực mình có thể nên phát triển xem mình thiếu cái nào mình cần cái nào mình có được thứ đó thì đời sống mình được an lạc ./.
No comments:
Post a Comment