Stephen Hawking
Bài sưu tầm
Stephen William Hawking (stee-ven haw-king; 8 tháng 1 năm 1942 - 14 tháng 3 năm 2018) là một nhà vật lý lý thuyết, vũ trụ học, tác giả viết sách khoa học thường thức người Anh, nguyên Giám đốc Nghiên cứu tại Trung tâm Vũ trụ học lý thuyết thuộc Đại học Cambridge. Trong số những công trình khoa học quan trọng của ông, nổi bật nhất là sự hợp tác với Roger Penrose về lý thuyết kỳ dị hấp dẫn trong khuôn khổ thuyết tương đối tổng quát, và tiên đoán lý thuyết hố đen phát ra bức xạ (tức bức xạ Hawking). Hawking là người đầu tiên khởi đầu một nền vũ trụ học dựa trên sự thống nhất giữa thuyết tương đối tổng quát và cơ học lượng tử. Ông là người ủng hộ mạnh mẽ cách diễn giải nhiều thế giới về cơ học lượng tử.
Qua đời ở tuổi 76, Stephen William Hawking không chỉ để lại di sản khoa học giá trị, mà còn truyền cảm hứng vượt qua mọi giới hạn và chinh phục đỉnh cao tri thức cho thế hệ sau.
Niềm vui thích học tập, nghiên cứu đã giúp Stephen Hawking vượt qua căn bệnh hiểm nghèo để trở thành thiên tài và truyền cảm hứng cho hàng triệu người trên thế giới.
Tượng đài của lòng say mê
Stephen William Hawking là nhà vật lý lý thuyết, nhà vũ trụ học vĩ đại người Anh. Ông nằm trong top 3 nhân vật ảnh hưởng nhất toàn cầu 2018 theo xếp hạng của Globalinfluence.
Trong toán học, ông cũng đóng vai trò chủ chốt khi thống nhất thuyết tương đối của Albert Einstein và lĩnh vực lượng tử.
Ông nỗ lực đóng góp cho sự phát triển xã hội. Nhà vật lý lý thuyết Raphael Bousso (học trò Stephen Hawking) trả lời tờ Nature rằng, thầy ông không chỉ là nhà bác học kiệt xuất, mà còn truyền tải khoa học đến đại chúng một cách xuất sắc.
Những ngôi trường mang tên Stephen Hawking
Từ thuở ngồi trên ghế nhà trường, Stephen Hawking đã là một học sinh khác biệt, thích dành thời gian với máy móc và những trò chơi trí tuệ. Niềm say mê học tập của ông không những không mất đi khi gặp tai biến ở tuổi 21, mà còn tiếp tục được nuôi dưỡng, đưa ông trở thành nhà vật lý lỗi lạc. Cách Stephen nuôi dưỡng sự vui thích trong học tập và phương pháp học tích hợp của ông đã truyền cảm hứng cho cộng đồng thành lập những ngôi trường mang tên Stephen Hawking.
Hiện nay, hầu hết ngôi trường mang tên ông tại các nước phát triển đều chú trọng nuôi dưỡng tình yêu học tập cho con trẻ và áp dụng phương pháp giáo dục tích hợp STEM hoặc STEAM. Trong đó, STEM là chữ viết tắt tiếng Anh của 4 từ Science (khoa học), Technology (công nghệ), Engineering (kỹ thuật) và Math (toán học), còn STEAM là phương pháp bổ sung Art (nghệ thuật). Cả hai phương pháp này đều đề cao phong cách học hỏi sáng tạo bằng cách tích hợp linh hoạt những lĩnh vực trên.
Cụ thể, tại các ngôi trường này, trẻ được học cách chế tạo một phi thuyền bằng thùng các - tông. Suốt quá trình, trẻ học cơ chế phi thuyền hoạt động (khoa học), thiết kế mô hình phi thuyền (kỹ thuật), tính toán thông số và khoảng cách bay (toán học) và được hỗ trợ thông tin bay giả lập bằng thiết bị thông minh (công nghệ). Bằng cách học này, STEM giúp trẻ nuôi dưỡng sự hào hứng khám phá, rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề, hợp tác nhóm, được phép sai và sửa trong môi trường an toàn của công nghệ.
Từ mẫu giáo, những đứa trẻ học theo phương pháp STEM đã được động viên để biết tự hào về công trình nghiên cứu, phát minh của mình, từ đó tự tin chia sẻ, thuyết trình trước đám đông. Nhờ cách học tích hợp, trẻ biết chủ động liên hệ kiến thức được học với sự vật hiện tượng ngoài đời thực. Điều này lý giải những trẻ học theo phương pháp STEM thường có thu nhập cao hơn khi trưởng thành, dù không làm trong các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, toán học hay công nghệ - theo một khảo sát của Bộ Thương mại Hoa Kỳ.
Trong những ngày này, khi cả thế giới nhắc đến Stephen Hawking, thương tiếc vì ông đã dừng lại cuộc đời tuyệt vời ở tuổi 76, vẫn còn rất nhiều người đang tiếp bước nhà vật lý lý thuyết, khơi gợi cảm hứng học hỏi trong giới trẻ để gieo mầm cho những Stephen Hawking tương lai.
No comments:
Post a Comment