Thực hành tâm linh từ nhỏ khiến cơ thể khỏe mạnh hơn
Theo một nghiên cứu của Harvard được công bố trên số ra tháng 11/2018 của Tạp chí Dịch tễ học Mỹ, những người thực hành tâm linh từ thời thơ ấu và thiếu niên có thể khỏe mạnh hơn trong giai đoạn mới trưởng thành.
Nghiên cứu phát hiện, những người tham gia vào các hoạt động tôn giáo tín ngưỡng, cầu nguyện hay thiền định trong thời thơ ấu và tuổi thiếu niên có mức độ hạnh phúc cao hơn so với những người ít khi hoặc không có hoạt động tín ngưỡng tâm linh nào.
Những người có tín ngưỡng sẽ dễ cảm thấy hài lòng về cuộc sống hay có cái nhìn cuộc đời tích cực hơn. Họ cũng ít hút thuốc, sử dụng các loại thuốc bất hợp pháp, hay mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Ying Chen, tác giả đầu tiên của nghiên cứu cho biết trong một bài báo ra mắt ngày 13/9: “Nhiều trẻ em được nuôi dưỡng lớn lên với tín ngưỡng, và nghiên cứu của chúng tôi cho thấy điều này có thể ảnh hưởng mạnh mẽ đến thói quen, sức khỏe tâm thần, và hạnh phúc tổng thể và sự lành mạnh của một người. Những phát hiện này rất quan trọng cho sự hiểu biết của chúng ta cả về sức khỏe lẫn việc nuôi dạy con cái”.
Nghiên cứu được công bố vào tháng 11/2018 trên tạp chí Dịch tễ học Mỹ và được xuất bản lần đầu tiên ngày 13/9.
Các nhà nghiên cứu muốn tìm hiểu tần suất thực hành tín ngưỡng tâm linh – các hoạt động tôn giáo, cầu nguyện hoặc thiền định – trong thời trẻ có ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe thể chất và tinh thần của con người. Trong nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu từ 5.000 trẻ em từ hai nghiên cứu dài hạn. Các trẻ em này được các nhà nghiên cứu theo dõi mọi lúc mọi nơi từ 8 đến 14 năm.
Các nhà nghiên cứu đã kiểm soát nhiều biến số, bao gồm cả “tình trạng sức khỏe, kinh tế xã hội, và tiền sử lạm dụng dược chất hoặc các triệu chứng trầm cảm của người mẹ”.
Theo kết quả, những người tham gia các hoạt động tôn giáo ít nhất một lần/tuần thời còn trẻ có thể sẽ cảm thấy hạnh phúc ở độ tuổi mới trưởng thành – từ 23-30 tuổi. Khả năng tham gia tình nguyện trong cộng đồng của họ cũng cao hơn 29% so với những người không bao giờ thực hành tâm linh.
Những người cầu nguyện hoặc thiền định hàng ngày thời còn trẻ có thể cảm thấy hạnh phúc trong giai đoạn mới trưởng thành cao hơn 16% so với những người chưa bao giờ cầu nguyện hoặc thiền định. Khả năng quan hệ tình dục khi còn quá trẻ ở những người này thấp hơn 30%, do đó, khả năng bị nhiễm các bệnh lây qua đường tình dục cũng thấp hơn 40%.
Người ta cũng phát hiện mối liên hệ giữa những người cầu nguyện hay thiền định hàng ngày với sự hài lòng trong cuộc sống và lòng tự trọng cao hơn, khả năng đăng ký bỏ phiếu cao hơn, ít triệu chứng trầm cảm hơn và nguy cơ hút thuốc thấp hơn.
Tyler VanderWeele, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết: “Mặc dù đối với những thanh thiếu niên đã có niềm tin vào tôn giáo thì sức khỏe không phải là yếu tố chính giúp định hình những hành vi tôn giáo, nhưng việc khuyến khích họ tham gia các hoạt động hay thực hành tâm linh một mình cũng mang ý nghĩa giúp chống lại một số hiểm nguy tuổi vị thành niên như trầm cảm, lạm dụng dược chất hay tham gia những hành động mạo hiểm”.
VanderWeele nói thêm: “Ngoài ra, những thực hành này có thể góp phần khiến họ cảm thấy hạnh phúc, thúc đẩy tinh thần tình nguyện, có trách nhiệm, sống có mục đích, và dễ dàng tha thứ hơn”.
Trong nghiên cứu, các tác giả cho biết thực hành tâm linh có thể đóng vai trò tích cực theo nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như giúp những người trẻ tuổi hình thành “nhân phẩm giúp duy trì sự tự chủ” khi đối mặt với những hành vi nhất định, và giúp họ chủ động đối phó với căng thẳng bằng cách khuyến khích họ tập bao dung và thiền định.
Các tác giả cũng nói rằng, các nhóm tôn giáo có thể giúp kết nối những người trẻ tuổi với cộng đồng, cũng như cung cấp cho họ sự hỗ trợ từ xã hội.
Những hạn chế của nghiên cứu Harvard
Các tác giả cũng thừa nhận một vài hạn chế trong nghiên cứu. Nghiên cứu chủ yếu tập trung vào trẻ em của những bà mẹ da trắng, tất cả đều làm việc trong lĩnh vực điều dưỡng. Như vậy, kết luận rút ra từ nghiên cứu có thể không phù hợp để khái quát hóa số lượng dân số lớn hơn. Một nghiên cứu trước đây của VanderWeele vào năm 2016 đã gợi ý rằng ảnh hưởng của việc hoạt động tôn giáo đối với người lớn thể hiện rõ rệt hơn ở dân số da đen, so với dân số da trắng.
Một hạn chế khác là nghiên cứu này không xem xét ảnh hưởng của cha mẹ và bạn bè cùng tuổi đối với việc thực hành tín ngưỡng tôn giáo của thanh thiếu niên.
Hồng Liên, theo Epoch Times
nguon: tinhhoa.net
No comments:
Post a Comment