Hỏi: Nhìn sự việc bằng tuệ quán.
(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma, Minh Hạnh chuyển biên)
TT Giác Đẳng: Có bao nhiêu lần chúng ta nhìn thấy sự thay đổi trong đời sống này? Chúng ta đã nhìn thấy sự thay đổi từ thưở còn tấm bé, chúng ta nhìn thấy sự thay đổi của những lúc ăn uống hỷ hả cho đến lúc bụng đó cào, chúng ta nhìn thấy sự thay đổi của những người thân rời khỏi chúng ta, chúng ta nhìn thấy sự thay đổi của thể chế, sự thay đổi của một dân tộc, sự thay đổi của một trào lưu, sự thay đổi của khuynh hướng.
Nói về đất nước Việt Nam thôi, một người nào bốn mươi tuổi, sống bốn mươi năm qua nhìn lại đất nước Việt Nam thì có trăm ngàn thứ thay đổi. Nhưng, điều khác biệt giữa đạo và cái nằm ngoài đạo lý, đó là người hiểu đạo rồi họ nhìn sự vô thường bằng trí tuệ, nhưng đối với chúng ta không hiểu đạo thì chúng ta sẽ nhìn sự vô thường bằng một tâm tư ảm đạm, bằng những giọt nước mắt, bằng nỗi bi lụy, bằng nỗi bi ai.
Và phải nói rằng, Đức Phật dạy rằng với tuệ quán nhìn sự vật là như vậy đó là Ngài mở ra cả một chân trời mới. Chân trời đó Ngài dạy rằng cái nhìn của trí tuệ có khác với cái nhìn của bình thường chúng ta. Chúng ta nhìn sự vật, thì phần lớn đến từ cảm xúc, đến từ tinh thần vị ngã, và đến từ sự chấp thủ, nó phải như vậy, nó không thế thứ khác được. Lấy ví dụ chúng ta có một người thân, rất thân, rồi bây giờ người đó bỗng dưng không còn thân với chúng ta nữa, người đó có thể thân thiết với một người khác, người đó có thể thay đổi cái nhìn về chúng ta, và rồi chúng ta thật buồn, buồn lắm và uất hận, và tức tối nghĩ rằng ; tại sao nó lại như vậy, đáng lẽ nó phải như thế này, nó phải như thế kia, mà tại sao có chuyện thay đổi, sự thay đổi đó có thể là sự thay đổi của tình yêu, sự thay đổi những lời cam kết, sự thay đổi trong cách đối sử.
Nhưng cho dù đó là sự thay đổi gì, chúng ta cũng xác nhận rằng tâm tư của con người vốn là thay đổi. Người đời không thay đổi thì tâm tư của mình cũng thay đổi và trong sự thay đổi đó, thì nó là một điều rất tự nhiên. Nếu bảo rằng lúc nào cũng như vậy, thì đó là vấn đề của chúng ta, bởi vì chúng ta lúc nào cũng đòi hỏi sự việc phải tiếp tục như vậy nó không được thay đổi. Đức Phật gọi cái nhìn đó không phải cái nhìn của trí tuệ, cái nhìn của trí tuệ là nhìn một cách toàn diện, nhìn để thấy rằng: nó phải như vậy.
Chúng ta đọc rất nhiều tiểu thuyết, nhiều chuyện phim mà chúng ta được xem, nói về những ông cha, bà mẹ, rất thương con. Sao không thương con được, đứa con nó đã chào đời ở trong niềm vui của mình, đứa con nó đã lớn lên từ tấm bé ở trong vòng tay thân yêu bảo bọc của mình, rồi có một ngày đứa con đó lại thay đổi hoàn toàn cái quan hệ với gia đình, nó không còn gắng bó với cha, gắng bó với mẹ nữa, đứa con đó bây giờ lại hướng vọng về sống với một người khác, cha mẹ cho dù đã có tuổi, thường thường là tuổi trung niên rồi, nhưng cũng không dễ dàng để suy xét, không phải dễ dàng để đón nhận là đứa con có thể rời vòng tay bảo bọc của mình, đứa con có thể sống ngoài tình thương của mình, và tình thương của mình bây giờ không còn quan trọng nữa, vì vậy có những ông cha, có những bà mẹ vô cùng khổ sở, khổ sở vì thấy đứa con mình thay đổi. Nhưng nếu khi chúng ta nhìn sự việc bằng trí tuệ thì chúng ta nhìn khác, chúng ta nhìn bằng trí tuệ thì chúng ta sẽ không trách móc, sẽ không thống trách, mà chúng ta chỉ thấy được một sự việc, đó là nó phải như vậy.
Vì vậy, với tuệ quán thấy vậy. Chúng ta đã thấy cuộc đời thay đổi bằng nước mắt, chúng ta đã thấy cuộc đời thay đổi bằng sự vô minh, chúng ta thấy cuộc đời thay đổi bằng sự giận dữ của mình.
Nhưng Đức Phật mời gọi chúng ta một lần nào đó nhìn thấy thay đổi đó bằng trì tuệ. Nhìn nó bằng trí tuệ nó có khác hơn là chúng ta nhìn với phàm tâm, nhìn nó bằng trí tuệ nó khác hơn là với sự đòi hỏi, với sự đinh ninh, với sự kỳ vọng là nó phải như thế này, phải như thế khác./.
No comments:
Post a Comment