Hỏi: Hãy là người tỉnh thức, không mê ngủ
(Bài giảng trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamm, Minh Hạnh chuyển biên)
TTTuệ Siêu: Loài người mãi mê chạy theo danh và lợi, chạy theo những thị hiếu sắc đẹp, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon, xúc lạc, họ bám chấp vào đất đai, ruộng vườn, nhà cửa và những gì họ ưa thích. Đó là trạng thái mê ngủ của chúng sanh. Vì rằng chúng sanh lúc bấy giờ đang mãi mê say sưa như vậy, họ không thấu triệt được vạn pháp ở đời là vô thường, khổ và vô ngã. Họ không biết được sự nguy hiểm đang chờ đợi ở phía trước, không đề cao cảnh giác, không nhận thấy được sự già, chết đang gặm nhấm chi phối họ.
Trong kinh ví rằng như người đi vào rừng, trèo lên một sợi dây hái trái để ăn. Trong lúc đang treo mình trên sợi dây và say sưa ăn trái, họ đâu có ngờ ở tận phái trên sợi dây thừng bắt đầu mục hư và đang đứt dần từng sớ dây nhỏ bên trong. Và vì rằng không có sự cảnh giác cho nên cuối cùng họ rơi xuống đất bị thương tích hoặc tử vong. Cũng vậy, trong đời này chúng ta luôn luôn bị mê ngủ và sự mê ngủ đó là trạng thái đắm chìm trong dục lạc ngũ trần không ý thức được, tìm được lối thoát thân.
Câu chuyện một người thương buôn đi buôn bán chỗ này chỗ kia. Khi bán hàng xong ông ta nghĩ rằng, chúng ta không vội gì về sớm, hãy ở đây cho hết mùa mưa. Khi hết mùa mưa đến mùa lạnh ta sẽ đến nơi khác để du ngoạn. Rồi sang đến mùa nóng ta lại đến chỗ khác nữa. Như vậy trên đường về ta có thể du ngoạn nhiều nơi. Mùa mưa ở chỗ này, mùa lạnh ở chỗ kia, mùa nóng ở chỗ nọ. Lúc bấy giờ tại chùa Jetavana, chùa Kỳ Viên Đức Thế Tôn với Phật nhãn nhận thấy người thương buôn này sẽ chết trong bảy ngày nữa nhưng ông ta không hay biết việc đó. Ông ta chỉ an tâm say mê trong việc buôn bán thuận lợi với suy tính an cư chỗ này an cư chỗ kia. Đức Thế Tôn dạy Đại Đức A-Nan-Đa đi đến báo cho người thương buôn biết rằng trong bảy ngày nữa ông ta sẽ chết, vậy ông ta hãy làm những gì ông ta thấy hợp thời và hãy cố gắng tạo nhiều công đức phước báu để sau khi mạng chung sanh về cõi an lạc. Khi nghe nói như vậy người thương buôn khởi lên tâm kinh cảm sợ hãi và ông ta thỉnh Đức Phật và chư Tăng đến cúng dường trai Tăng liên tục bảy ngày. Đến ngày thứ bảy ông ta khởi lên một chứng bệnh và chẳng mấy chốc qua đời, sanh về cõi trời do nhờ phước báu ông ta đã tạo.
Trong đời sống có những điều chúng ta thấy rất phi lý. Luôn luôn chúng ta quên đi thực tại, mơ tưởng những tương lai, tham đắm những gì mình có. Không ý thức được vô thường, khổ và vô ngã. Càng không ý thức được con đường ta phải đi tức là con đường chánh đạo chánh thiện mà chúng ta phải đi để tạo hành trang cho mình, chuẩn bị tư lương đem theo trong ngày vị lai. Hoặc giả chúng ta không thể nào thức tỉnh giấc ngủ vô minh để dừng lại sự tham muốn đó, làm các việc thiện hay tu tập để viên mãn trí tuệ ngõ hầu thành tựu quả vị A-la-hán chấm dứt sanh tử luân hồi.
Đành rằng chúng ta không thể nào chiến đấu, chống cự lại được với thần chết. Nhưng trong cuộc sống chúng ta có ý thức làm các điều thiện, những công đức và hướng tâm đến việc tu thiền để tạo cho mình một trí tuệ sáng suốt ngõ hầu trong tương lai thoát khỏi khổ trầm luân sanh tử. Thà rằng như vậy còn hơn chúng ta say mê trong dục lạc ngũ trần mà không làm gì cả thì sẽ chết trong trạng thái mê ngủ. Do vậy người Phật tử tu tập trong giáo pháp này, chúng ta biết rằng: Già là một định luật không ai có thể thoát khỏi sự già. Chết là một định luật không ai thoát khỏi sự chết.
Nhưng khi chúng ta biết được rằng thân mình đây mỗi ngày mỗi già, mỗi ngày mỗi héo mòn và khô kiệt. Khi biết như vậy chúng ta hãy sử dụng xứng đáng những quãng đời còn lại của mình. Chúng ta hãy tranh thủ từng giây từng phút, từng ngày từng tháng từng năm, lúc nào có cơ hội bố thí thì chúng ta bố thí, có cơ hội trì giới thì chúng ta giữ giới thanh tịnh, có cơ hội tu thiền thì chúng ta hãy tinh tấn, nổ lực nhiệt tâm tu thiền. Khi ý thức được như vậy, làm được như vậy thì cho dù rằng chúng ta có bị chết cũng không tai hại cho đời sau.
Còn những người miệt mài theo ác pháp, chỉ sống trong dục vọng, những người này cũng chết và sẽ đến những cảnh giới bất an trong tương lai. Như vậy người Phật tử phải cố gắng nổ lực tu tập, mặc dầu hiện tại chúng ta chưa thật sự tỉnh thức, chưa thật sự thức dậy khỏi giấc ngủ vô minh như Đức Phật hoặc các vị A-la-hán. Nhưng chúng ta cũng có thể gọi là thức giấc so với hạng chúng sanh còn đang mê ngủ trong ác pháp. Chúng ta vẫn ý thức được đời sống này là khổ đau, tạm bợ và bấp bênh. Cho nên chúng ta làm những việc phước báu, công đức, chúng ta cũng được gọi là những người tỉnh thức, không mê ngủ. Mặc dầu sự chết vẫn đến với chúng ta và đến với bất cứ hình thức nào không biết được. Nơi nào chúng ta chết, ở trong nhà hay ngoài đường. Thời gian chết như tuổi thọ 50 tuổi, 60 tuổi, chết lúc nào chúng ta cũng không biết được. Chết bằng cách nào, bị tai nạn giao thông hay già mà chết, hay bệnh mà chết, hoặc bị người khác ám hại mà chết, chúng ta cũng chưa biết được. Đó là những điều bất định. Chúng ta nghĩ đến sự chết để nhớ rằng khi còn thân xác này chúng ta hãy cố gắng chuẩn bị hành trang thiện nghiệp phước báu và sẵn sàng để ra đi.
No comments:
Post a Comment