Hỏi: Việc tu tập không phải tùy thuộc vào tha lực khác mới có sự an lạc, mà hãy tùy thuộc vào chính bản thân mình.
(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma, Minh Hạnh chuyển biên)
TT Tuệ Siêu: Do trong cuộc sống này có vô số nghiệp mà mình đã tạo, nên có nhiều người chấp tay phát nguyện trước bàn Phật,
“Bây giờ con khổ quá. Do vậy trong kiếp này cho con trả hết nghiệp của mình.”
Thì khi chúng ta nói đến đời sống của một vị khéo tu tập thì vị ấy sẽ không bị phiền não, không bị ma áp chế, còn nếu như xuất gia vào trong giáo pháp này mà không khéo tu tập và có những khuyết điểm thì với vị này sẽ bị ma áp chế tức là phiền não ma quấy nhiễu. Cho nên chúng ta cần phải ý thức rằng tại sao đời sống của ta có đôi lúc nhàm chán là tại vì chúng ta không tìm được niềm vui trong sự giải thoát, không tìm được niềm vui tịch tịnh do đó lúc nào chúng ta cũng cảm thấy cuộc đời này nhàm chán, có đôi lúc không phải đợi đến khi gặp chuyện phiền toái rồi lúc bấy giờ minh mới đau khổ, mà ngay cả những lúc vô sự và im lặng, cứ ăn rồi ngủ, ngủ rồi ăn, cứ đi tới đi lui với thân thể mệt mỏi với đầu óc rỗng không, như vậy chúng ta cũng đã thấy là khổ rồi.
Trong những tình huống như vậy thì người Phật tử phải biết rõ những nguyên nhân nào làm cho đau khổ phát sanh, chúng ta cần phải ý thức được rằng chính do phiền não phát sanh, ma phiền não áp chế là vì mình không khéo tu tập. Cho nên hãy cố gắng tu tập cũng giống như một người phu xe điều khiển 2, hoặc 4 hoặc 8 con ngựa, chạy song song đều đặng không chênh lệch bên đây hay bên kia để cho chiếc xe chạy đi một cách tốt đẹp, hoặc là người Phật tử chúng ta cần phải hiểu chúng ta giống như một tài xế trên một chiếc xe hơi, người tài xế này luôn luôn ôm tay lái vững chắc và có thể điều khiển xe chạy theo hướng này hướng kia để tránh khỏi những nguy hiểm của đoạn đường gồ ghề.
Trong đời sống tu tập của chúng ta có đôi lúc cảm thấy như một cái gì đó buồn phiền mà không biết nguyên nhân, chúng ta cho đó là nỗi buồn vô cớ. Nhưng một điều chúng ta cần phải biết rằng nếu chúng ta để cho phiền não ma chi phối áp đảo và nó cứ sống âm ỉ trong nội tâm thì không sớm muộn gì đời sống của chúng ta cũng có rất nhiều nguy hiểm. Một người sống với nội tâm rỗng không với một trí tuệ rỗng không và người đó chỉ duyên theo những bất thiện pháp như thích nhìn vẻ đẹp đối với các căn không khéo gìn giữ, ăn uống không có sự tiết độ, sống lười biếng không có sự chuyên cần, thì chúng ta nên hiểu rằng với một cuộc sống như vậy sẽ đưa đến sự khổ đau phiền não. Nếu một người sống một cách đàng hoàng khéo tu tập thiền quán, tịnh tín và chuyên cần thì trong cuộc sống này họ không đau khổ bởi những phiền não chi phối.
Cho nên, trong cuộc sống của mình biết làm chủ tình hình đời sống nội tại, biết lúc nào dễ duôi và lúc nào mình chuyên cần, biết sống như thế nào với đời sống thiện hạnh và lúc nào sống với ác hạnh, lúc nào có sự an lạc trong đời sống tu tập và lúc nào có sự phiền toát trong đời sống tu tập v.v… thì chúng ta cần phải biết rõ điều đó cũng giống như sống trong một căn nhà phải có sự nhận thức cứ một ngày một buổi hay hai ngày nhìn lại cái nhà xem có bụi bậm rác rến không, nếu như có bụi có rác thì phải lập tức nhàm chán sự dơ bẩn đó và dùng chổi để quét. Hãy tu tập như vậy. Việc tu tập không phải tùy thuộc vào tha lực khác mới có sự an lạc, mà hãy tùy thuộc vào chính bản thân mình. Khi bị đau khổ phải tự trách mình do không khéo tu tập, do đời sống buông lung phóng túng nên dễ dàng bị ác ma áp đảo xô ngã. Chúng ta cần phải hiểu điều đó. Cho nên, những ai mong ướt sự giải thoát trong tương lai thì những người đó cần phải cố gắng học tập và thực hành theo những lời dạy Đức Phật đã day./.
No comments:
Post a Comment