Hỏi: Giáo lý Tứ Đế nên hiểu và học như thế nào?
(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhmma ngày 23-3-2014, Minh Hạnh chuyển biên)
TT Giác Đẳng: Chúng tôi xin được nói một điểm: Giáo lý Tứ Đế là một giáo lý đại quang, là một giáo lý rất quan trọng trong Phật Pháp và từ đó khẳng định một điều là một người tu tập chúng ta phải có sự lãnh hội một cách rõ ràng giáo lý Tứ Đế chứ chúng ta không thể hiểu hời hợt ở bên ngoài.
Không may cho chúng ta, ngày nay có nhiều người nghĩ rằng Khổ, Tập, Diệt, Đạo - Sự Khổ, Nhân Sanh Khổ, Diệt Khổ và Con Đường Dẫn Đến Diệt Khổ rất là dễ hiểu và chúng ta chỉ định nghĩa một vài điểm là chúng ta nghĩ rằng như vậy là đủ rồi không cần thêm nữa.
Thật ra, giáo lý Tứ Đế không những đòi hỏi chúng ta có một kiến thức rộng rãi về pháp học mà ngay cả trong pháp hành nhất là Thiền Quán. Giáo lý Tứ Đế là một giáo lý lớn, nhất là những người tu tập pháp Quán Niệm Xứ thấy rất rõ.
Nếu mà qúi Phật tử nào muốn học về pháp hành mà qua đó chúng ta có thể hiểu được thêm về giáo lý Tứ Đế thì chúng tôi đề nghị qúi vị đọc một loạt các bài viết của một nữ thiền sư cư sĩ tên là Khao Suan Luang có những bài viết về pháp Quán Niệm Xứ rất lợi lạc. Và ở bên cạnh đó có một vị thiền sư khác chúng tôi được học qua, đó là Ngài Ajahn Chah, cả hai vị này đối với chúng tôi là những vị rất thù thắng về Pháp Quán Niệm xứ .
Nhất là Ngài Ajahn Chah thường nói rằng; cái khéo của một hành giả tu tập là có thể nhìn thấy được giáo lý Tứ Đế ở trong sinh hoạt hàng ngày và càng khó khăn thì chúng ta càng dễ dàng nhận thấy điều đó. Chư Tăng và đệ tử Ngài Ajahn những vị có dịp ở gần với Ngài lâu thì đều nhắc đến một giai thoại giống nhau đó là mỗi lần tu tập ở với ngài những vị này khi gặp khó khăn thường lên gặp và trình bày là "con bị gặp sự khó khăn như vậy, con ở trong chùa vị Sư Cả đối xử không được sự thân thiện, hay là thức ăn khó khăn, hay là bản thân của con cảm thấy thế này cảm thấy thế kia" thì Ngài thường cười và nụ cười của Ngài rất là đầm ấp, Ngài nhìn Ngài cười như là "té ra là như vậy", Ngài nói "nó là như vậy đó".
Và Chư Tăng cũng có kể về thái độ của Ngài nhiều lúc Ngài để sự kiên nhẫn của mọi người ở mức độ gần như là tột đỉnh, thí dụ như trong những ngày tụng giới bổn chư tăng mệt rồi chỉ muốn xuống uống nước rồi đi nghỉ, nhưng Ngài thì không, Ngài ngồi đó thiền yên lặng 2,3 tiếng đồng hồ. Thì cái cách dạy người học trò có cách là vô chừng, Ngài không áp dụng một kiểu hoài. Thí dụ như các học trò nghĩ là phải thế này hay phải thế kia nhưng mà lúc nào họ cũng phải chấp nhận cái mà chúng ta gọi là những cái bất ngờ mà kiên nhẫn thoải mái dễ chịu chứ không phải là mình gặp những chuyện đó mình đâm ra đổ quạu nổi sân lên vì tại sao nó như vậy tại sao nó thế kia.
Chúng tôi có nghe một giai thoại là có một vị đến than phiền với Ngài là vị đó đi đâu đó ghé tạm trú trong một ngôi chùa và vì thời tiết xấu nên phải ở đó cả tuần, và cái phiền nhất ở trong chùa đó là Phật tử họ phát thanh trên những cái loa bắt chung quanh chùa những bài pháp của vị Sư Cả, họ phát trên loa từ sáng đến chiều rất ồn ào không tu được, thì Ngài mới nói rằng "thật ra cái ồn ào cũng là đề mục để tu tập và ngay cả cái khó chịu cũng là một đề mục để tu tập" Ngài nhấn mạnh như vậy và Ngài có nhiều lời dạy rất thú vị để áp dụng Tứ Đế ở trong đời sống. Do đó chúng tôi nghĩ rằng Ngài là một vị rất thiện xảo về hành pháp Quán Niệm Xứ.
Và một lời dạy của Ngài mà chúng tôi nhớ hoài đó là Ngài dạy rằng: một người học đạo học Tứ Đế mà họ chỉ chăm một pháp môn, giống như mình đi vào trong rừng cứ ngó hoài một gốc cây mà mình không có cái nhìn chung cả khu rừng. Mình đi phải ngó trước ngó sau bên tả bên hữu ngó thẳng ngó quanh chứ không thể nào chăm chăm vào một gốc cây được. Ngài dạy rằng giáo lý Tứ Đế đòi hỏi chúng ta có cái nhìn rất thoáng rất rộng và thấy rằng không phải chỉ có trong kinh điển, không phải chỉ có những vị pháp sư mà trên phương diện lý thuyết chúng ta hiểu Tứ Đế là chúng ta phải lắng tâm thật kỹ để nhớ lời Đức Phật dạy và khắc cốt ghi tâm là:
"Này chư Tỳ Kheo, Như Lai tuyên bố rằng trong tấm thân nhỏ bé này có sự khổ, nhân sanh khổ, sự diệt khổ và con đường đưa đến diệt khổ".
Thì đại để, Đức Phật dạy rằng thân của chúng ta là một thế giới, thế giới đó là thế giới nhỏ so với thế giới bên ngoài nhưng nó đầy đủ Tứ Đế và Như Lai tuyên bố trong tấm thân nhỏ bé này sự khổ, nhân sanh khổ, sự diệt khổ và con đường đưa đến sự diệt khổ".
Và do vậy, kinh nghiệm của chư vị tôn túc, chư vị thiền sư, và đối chiếu những kinh điển chúng ta thấy đây là một cái giáo lý rất quan trọng và chúng ta cũng nhớ một điều rằng nếu chúng ta đọc vào trong ân đức Pháp:
Svākkhāto Bhagavatā dhammo Pháp được đức Thế Tôn khéo dạy bởi vì pháp đó được thực hành có phương pháp. Pháp giảng có phương pháp gọi là khéo giảng:
Sandiṭṭhiko là thiết thực hiện tiền
Akāliko. vượt ngoài thời gian
Ehipassiko đến để chứng nghiệm
Opanayiko là hiệu năng hướng thượng
Paccattaṃ veditabbo viññūhī’ ti là người được trí giả thân chứng.
Thì chúng ta đọc xuyên xúc từ đầu cho đến cuối thì chúng ta thấy ở đó có một dấu ấn một điều rằng giáo lý Tứ Đế hay lời Phật Pháp là giáo lý dành cho người có trí chứ không phải dành cho người vô trí. Và nếu chúng ta hiểu như vậy và nếu chúng ta thấy như vậy thì chúng ta sẽ thực sự hoan hỉ và không những vậy mà chúng ta hãy cùng nhau phát nguyện là:
"Xin cho chúng ta sống trong kiếp luân hồi luôn luôn thành tựu được chánh trí và cuối cùng thành tựu được trí tuệ mà Đức Phật và các bậc thánh nhân đã thành tựu"./.
No comments:
Post a Comment