Saturday, April 5, 2014

Phật Học Vấn Đạo - Nếu chúng ta có tánh nhiều sân hận thì lối sống nào giúp giảm thiểu sự nóng nảy?

Hỏi. Nếu chúng ta có tánh nhiều sân hận thì lối sống nào giúp giảm thiểu sự nóng nảy? 

(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 16-3-2014, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Pháp Tân: Ở trong đời sống của chúng sanh phàm phu thì dễ bị sự chi phối của phiền não, rất nhiều sân, giận, tham, vui, buồn, thích, không thích, nói chung là những điều đó rất phổ biến đối với tất cả chúng sanh phàm phu. 

Ở trong cuộc sống có thể mình gặp nhiều hoàn cảnh khác nhau, có những hoàn cảnh thuận lợi có những hoàn cảnh rất tốt, nhưng cũng có những hoàn cảnh trái nghịch. Thì trong mỗi trường hợp như vậy thì mình cần đối trị với tâm sân của mình. Thật ra, nhìn ở trong đời, có người thì hay giận nhiều có người thì ít giận, có người mỗi chuyện mỗi chút là giận, có người thì chuyện gì quá lắm thì người đó mới buồn mới giận. Thì tùy vào mỗi người. 

Nhưng trong mỗi hoàn cảnh xảy ra những việc như vậy thì với người tu cái phiền não nó hiện hữu ở trong tâm và chỉ có cách là mình biết dẹp bỏ hay làm cho nó đừng sanh khởi, hạn chế nó sanh khởi hoặc là không sanh khởi thì việc đó tùy theo sự tu tập của mỗi người.

Có một điều là khi gặp cảnh không vừa lòng thì nên nghĩ rằng mọi chuyện không bao giờ như ý mình được. Khi mình gặp những cảnh trái ngang gặp những cảnh trái ý nghịch lòng thì mình suy xét ngay là quả thật không có điều gì đúng như vừa ý của mình 

Trong kinh thường giảng là sầu bi khổ ưu não thường xảy  ra ở trong đời sống,  mình nên quán là mọi việc nó không bao giờ như ý của mình được,cho nên khi việc xảy ra không như ý của mình thì không có gì mà mình phải nặng lòng với những điều đó.

Đôi khi có ai đó làm gì đó mình buồn hay nói lời gì rồi mình buồn thì mình nên quán; bởi vì tâm phàm phu việc làm lời nói chẳng qua là do duyên họ mới làm hay nói như vậy, thì khi mình suy xét rằng lời nói đến rồi cũng đi, việc làm hành động nào đến với mình thì nó cũng phải đến một lúc nào đó rồi nó cũng lẳng lặng qua thôi chứ nó cũng không thể nào kéo dài được. Rồi cảm nhận của mình về tiếng nói, về âm thanh, về suy tư thì nó cũng thoáng chốc rồi trôi qua mình cũng đang chịu trong tác động của sự khổ mà sự khổ này là do tâm suy diễn của mình tâm tập nhiễm của mình.

Một trong những điều mình biết rằng, mọi người chúng ta tất cả chúng sanh rồi cũng phải chịu sự khổ và mọi chúng sanh là có nghiệp riêng mình. Nếu suy xét về nhân quả thì mình nghĩ rằng có lẽ mình cũng có nghiệp gì đó xấu và do cái xấu đó cho nên mình gặp sụ trở ngại, gặp những sự bất trắc, gặp điều này điều kia. Tại sao có những người gặp sự suông sẻ nhưng có người lại gặp những sự bất trắc, thì mình trong những tình huống mình gặp những sự bất trắc như vậy thì mình suy xét ngay là có lẽ mình là người không được may mắn hay là mình không có gieo nhân lành nên gặp lấy sự bất trắc đó. 

Thì mình suy xét về nghiệp báo thì có lẽ là như vậy thì giảm thiểu đi. Mọi người có nghiệp riêng như vậy thì mình cũng có nghiệp riêng của mình và người nào đó ai đó cũng có nghiệp riêng không có ai giống ai không có chung nghiệp mà là riêng biệt cho mỗi người. Mình xét thấy bởi cái việc làm gì cũng phải chịu sự vô thường chịu cái khổ

 Người xưa có câu: "một câu nhịn chín câu lành", thí dụ mình có kham nhẫn thì có lẽ là cuộc sống cái gì mà mình nghe qua hay mình thấy mình nên khéo tác ý. Khéo tác ý ở đây có nghĩa là mình trực nhận ra hành vi của việc làm hành động lời nói của ai đó mình khéo suy xét làm sao để cho tâm của mình đừng có nổi sân lên, thì đó là suy xét để cho tâm thiện sanh khởi. Người ta có xấu thì nên nghĩ tới cái tốt của người ta không nên để ý tới cái xấu của họ và nếu như để ý đến cái xấu thì tâm của mình sẽ ray rứt sẽ bực bội sẽ khó chịu, mà mình nên tìm điểm tốt của người khác thì như vậy mình sẽ thấy được điềm an lạc cũng như mình thấy được cái điểm mình cần phải học hỏi, như vậy thì làm cho tâm của mình cũng giảm thiểu được sự sân giận. 

Nói tóm lại, trong cuộc sống mình vẫn còn là phàm phu thì vẫn còn những phiền não chi phối nhưng mình nghĩ mỗi chúng sanh có nghiệp riêng, mình và họ cũng có nghiệp riêng. Rồi mình suy xét về sự khổ sự vô thường của mỗi sự hiện diện sự vật trên đời, mình cũng vậy người khác cũng vậy, âm thanh tiếng nói việc làm vạn vật vô thường cũng vậy, nó cũng chịu sự thay đổi vô thường. Rồi chuyện gì mắt mình thấy tai mình nghe tâm mình suy nghĩ chẳng hạn thì mình có cái khéo tác ý tức là mình chợt tỉnh ra bằng với những cái suy niệm cái tác ý của mình làm cho tâm của mình hướng đến điều mà mình khó có thể sân hận mà được mát mẻ trong trường hợp người ta có thể làm tổn hại nhưng mình vẫn cảm thấy an lạc hay là bình an vô sự là như vậy./.

No comments:

Post a Comment