Wednesday, October 2, 2013

Phật Học Vấn Đạo - Tại sao chúng ta nên tôn kính chánh pháp?

Hỏi: Tại sao chúng ta nên tôn kính chánh pháp?

(Bài giảng trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Giác Đẳng: Nhiều người có phản cảm tại sao Đức Phật còn tôn kính chánh pháp, nói Đức Phật tôn kính chánh pháp nghe ngược tai. Đức Phật là bậc pháp vương, Ngài có thể vẽ ra pháp, Ngài có thể quảng diễn pháp, Ngài có thể tuyên lưu Pháp thì không nhất thiết Đức Phật Ngài tôn kính pháp. Không phải như vậy. Chúng ta không hiểu ý nghĩa của sự tôn kính, dĩ nhiên là Đức Phật không làm giống chúng ta là để cuốn kinh Tam Tạng rồi qùy xuống lạy, Đức Phật Ngài không có làm như vậy. Nhưng Đức Phật Ngài có một sự tôn kính đặc biệt đối với chánh pháp, chẳng những vậy, đối với những gì Ngài thuyết giảng nữa. Có lần chúng ta nghe Đức Phật giảng trong Tăng Chi Bộ kinh, Ngài nói: con sư tử tuy là sư tử chúa nhưng khi đi rình mồi thì nó luôn luôn ở trong tư thế rất cẩn trọng. Và Ngài khẳng định là chánh pháp mà bản thân Ngài khi thuyết pháp thì Như Lai có cẩn thận chứ không phải là không cẩn thận trong sự thuyết pháp. Sự cẩn thận đó là quan trọng.

Nếu chính Đức Phật Ngài rất cẩn trọng, rất nghiêm túc khi Ngài thuyết pháp, Ngài y chỉ pháp, thì chúng ta là con của Ngài mà chúng ta xem hời hợt thì điều đó rất là đáng tiếc. Chúng ta không học được, chúng ta không trưởng thành được ở trong lời dạy của Đức Phật, Đức Phật Ngài có nghiêm túc cẩn thận về điểm này.

Ở trong một số trường hợp, thí dụ như chúng ta đưa ra một bài học khó hiểu hay đưa ra những chỗ tối nghĩa mà nếu bài học đó Sư Trưởng không biết hay Sư Trưởng chưa bao giờ đọc đến, kinh điển thì mênh mông có những chỗ đọc được hay chỗ không đọc được, TT Tuệ Siêu biết hay không biết và chúng tôi cũng vậy, Chư Tăng các vị giảng sư cũng vậy, điều quan trọng không phải là cái gì chúng ta cũng nói được cái gì chúng ta cũng giải thích được, điều quan trọng là một thái độ nghiêm túc, chuyện đó chúng ta có đọc có nghiên cứu thì chúng ta nói là chúng ta có đọc có nghiên cứu, và chúng ta có biết, có hiểu, và có quan điểm như thế này. Nhưng nếu điều đó là một điều chúng ta chưa đọc tới hay chưa thấy chưa biết thì chúng ta nên nói rằng chuyện đó mình không rõ xin thỉnh vị nào biết thì xin cho biết. Thái độ đó là một thái độ chúng ta cung kính đối với chánh pháp.

Người Phật tử nên nhớ một điều là nếu có một giá trị lớn nào ở trong đời sống của chúng ta mà cần phải tôn kính thì chúng ta nhớ lời của Đức Phật dạy cho Tôn Giả Ananda rằng:

"Sau khi Như Lai viên tịch rồi thì giáo pháp là Thầy của các con, giáo pháp như là bậc Đạo Sư, sự tồn tại của giáo pháp như là sự tồn tại của Đức Phật còn tại thế."

Do vậy, khi Đức Phật Ngài nói lên thái độ tôn kính của Ngài đối với các Pháp mà Ngài giác ngộ thì điều đó không nên được hiểu về một cá nhân thấp hay cao. Ở đây, chúng ta hiểu sự tôn kính đó trong ý nghĩa hoàn toàn khác như câu chuyện Đức Phật Ngài đã từng nói rằng: "Con sư tử cho dù nó là một sư vương là một chúa sơn lâm đi nữa nhưng một khi nó bắt con mồi thì nó cũng cẩn trọng chứ không cẩn trọng." Điều đó là điều tự nhiên, tại vì ở trong đời sống của chúng ta không thể nào chuyện gì cũng nói bừa được,

Đức Thế Tôn Ngài đã suy nghĩ rằng, thật là khó khăn nếu sống mà không y chỉ, không nương tựa. Nếu có một người có hiểu biết, có kiến văn rộng rãi để khi có chuyện gì mình hỏi như một vị tư vấn vị cố vấn, như một vị thầy thì dễ dàng quá. Nhưng ở trong trường hợp của Đức Phật thì Đức Phật thấy rằng không ai trong thế gian này mà người đó có thể hơn Đức Thế Tôn về giới uẩn, định uẩn, tuệ uẩn. Và Ngài đã đi đến một kết luận rằng:

"Do vậy Ngài sẽ y chỉ và tôn kính đối với pháp mà Ngài đã giác ngộ."

Đây là bài học tuyệt vời, bài học lớn ở trong đời sống, một bài học quan yếu đối với cuộc tu của chúng ta. Khi chúng ta đọc lại những giòng chữ này thì nên tự nhắc rằng nếu mình tự nhận là Phật tử, đi chùa, sống trong đạo, mà mình không học Phật Pháp thì giống như là mình tu mà không có thầy.

Đức Phật nói chánh pháp là Thầy của các con, nhưng bây giờ chánh pháp đối với mình hiểu lơ mơ, chúng ta không dành thì giờ để nghiên cứu để đào sâu thì thật sự chúng ta như là một người không có chỗ y chỉ, không có một vị thầy. Việc sinh hoạt, đôi lúc có những vị cư sĩ và tu sĩ đã chỉ trích chúng tôi mỗi ngày bỏ 2 tiếng đồng hồ cho chương trình paltalk, các vị nói rằng không biết ở trong paltalk có cái gì mà nghiền như vậy? Thật ra chúng tôi không có thì giờ để trình bày nhiều, nhưng chúng tôi tự đặt ra một câu hỏi là nếu chúng ta là người Phật tử hay bản thân của chúng tôi là nhà sư mà chúng tôi không học Phật Pháp, không nói Phật Pháp, không đọc Phật Pháp thì chúng tôi không biết có chuyện gì đáng làm hơn. May mắn lớn trong đời sống của chúng tôi là hồi nhỏ được sống gần những vị thầy là Ngài Tịnh Sự hay là Sư Trưởng hay là HT Minh Châu sau này là Ngài Ajahn Chah, Ngài Tangpulu, hay Ngài Hộ Giác, tất cả các vị đó đều đặt rất nặng về một điều mình là nhà sư là tu sĩ thì làm gì thì làm đi nữa cũng không thể xa rời kinh điển xa rời lời dạy của Đức Phật được. Do vậy đôi khi rất khó giải thích cho các vị đó biết rằng tại sao phải dành thì giờ đề sinh hoạt như vầy đôi khi cũng rất cực, có những khi tìm cơ hội tìm internet để vào paltalk không phải là chuyện dễ nhưng chúng tôi vẫn làm tại vì chúng tôi không biết có bao nhiêu Phật tử tại đây được hưởng lợi ích nhưng riêng cá nhân của chúng tôi chỉ chuyện soạn bài để đọc lại, như kỳ rồi chúng tôi bỏ thì giờ để đọc lại bộ Chân Chế Định của Ngài Tịnh Sự dịch do TT Tuệ Siêu sang định, thật sự đọc lại chúng tôi rất thích một tác phẩm mà chúng tôi đọc lâu rồi nhưng bây giờ đọc lại đọc từng phần từng phần rất là thích thú. Thì nói như vầy là đối với tất cả chúng ta cho dù đoạn kinh đó mình có đọc 5 lần 10 lần mình có biết rồi mình cũng phải suy nghiệm lại.

Ngay cả những điều được ghi trong bài học ngày hôm nay, những ý nghĩ của Đức Phật sau khi Ngài thành đạo là thật khó khăn nếu sống không có nơi y chỉ không có đối tượng để cung kính thì hãy tìm một vị thầy, nhưng Đức Phật xét rằng không ai hơn do đó Ngài nói rằng Ngài sẽ y chỉ và cung kính Giáo Pháp. Phần ghi nhận đó tuy rất là ngắn trong kinh điển nhưng thật sự ý nghĩa rất thâm sâu, chúng ta thường đọc xong rồi chúng ta lật qua, đọc xong rồi lật qua, nhưng chúng ta không chịu nhìn vấn đề một cách nghiêm túc một cách lợi lạc. Trong kinh Pháp tử trong Trung Bộ Kinh, Đức Phật dạy rằng:

"Các con hãy là người thừa tự chánh pháp chứ đừng là kẻ thừa tự tài vật."

Nếu có một gia tài nào đó Đức Phật thật sự để lại cho chúng ta thì đó là kho tàng chánh pháp, nhưng nếu chúng ta không chịu tìm hiểu, không chịu học, không suy ngẫm và không lấy đó là quan trọng, chúng ta không thấy đó là có giá trị trong đời sống chúng ta thì chúng ta không được hưởng gì hết, hay lâu lâu hưởng một ít thôi chứ không được hưởng nhiều. Vì chúng ta không có thấy được giá trị của nó.

Do vậy đối với chúng tôi thì bài này không phải chỉ nói lên một khía cạnh rất đặc biệt của Đức Phật, đặc biệt đến độ khó hiểu đối với nhiều người, nhưng điều đó còn khẳng định với chúng ta một điều rằng giá trị của đạo, giá trị của tôn giáo không nằm ở cá nhân mà nằm ở Pháp và ở trong đời sống của chúng ta. Chúng ta là con của Đức Phật nếu chúng ta không học được thái độ của Ngài, chúng ta không cảm nhận được điều đó thì thật sự là một thiệt thòi rất lớn. Bởi vì cách của chúng ta làm chỉ là thả mồi bắt bóng. Không biết bao nhiêu Phật tử đi sùng bái thầy này, đi sùng bái vị kia, mà đa số sùng bái mang tánh cách cá nhân, ít bao giờ chúng tôi nghe Phật tử nói rằng bài kinh đó đọc hay quá, hay bộ kinh đó mang lại cho con nhiều lợi lạc quá. Tại sao chúng ta không chịu đi học? Mỗi ngày chúng ta cứ phải đặt nặng vấn đề cá nhân. Chúng tôi đồng ý là có những cá nhân rất khác biệt ở trong cuộc đời, nhưng trên con đường của chúng ta đi không phải là con đường đi tìm một cá nhân nào đó để mà sùng bái, mà con đường của chúng ta đi là chúng ta có cái may mắn rất lớn là Đức Thế Tôn đã mở ra một con đường quang rạng, Ngài đã cho chúng ta một di sản tinh thần rất lớn. Gia tài của chúng ta không nghèo nàn, ở đó chứa bao nhiêu là vấn đề. Chúng ta có biết đánh giá đúng mức, chúng ta có biết học, biết thâm nhập?

Tại sao người ta hay sùng bái cá nhân? Tại vì người ta không có những nguyên tắc đẹp, người ta không có Pháp, những đạo giáo nào nói càng nhiều về cá nhân là tại vì đạo giáo đó rất nghèo về kinh điển. Chúng tôi nói như vậy có vẻ hơi quá đáng, nhưng qúi vị để ý tất cả những phong trào gọi là dị giáo thì đều tập trung chung quanh những cá nhân, người ta nói nhiều về cá nhân đó là tại vì người ta rất nghèo nàn về kinh điển, nghèo nàn về Pháp. Chúng ta có một gia tài về Pháp rất lớn, và nếu chúng ta càng đọc càng thấy thái độ của Đức Phật. Thì thưa qúi vị, chỉ riêng về 14 bài học đầu tiên này trong 14 bài học đó HT Minh Châu vị dịch giả kinh tạng Pali và Ngài đã đem cho chúng ta những trích đoạn thẳng từ trong kinh điển ra nếu chúng ta đọc kỹ những trích đoạn đó thì ít nhất là chúng ta cũng có một số giá trị một số sự hiểu biết về Đức Phật. Và chúng ta rất may mắn là con của Đức Phật, chúng ta rất may mắn để chúng ta học Phật Pháp, nhưng tiếc một điều là nhiều người không thấy chuyện đó là quan trọng. Đôi khi ở trong đời sống của chúng tôi khi đi gặp qúi Phật tử, qúi vị hay đặt để những giá trị về chùa chiền, về cá nhân này, cá nhân khác, nhiều lúc chúng tôi cảm thấy không muốn nói đến nhiều tại vì mỗi người có mỗi nhân duyên, nhưng chúng tôi rất lấy làm tiếc chúng ta là Phật tử không có lý do gì mà quên đi những giá trị của những bài kinh, những giá trị của những lời Đức Phật dạy, và đối với mỗi chúng ta Phật Pháp hay kinh điển mới thật sự là quan trọng. Chúng ta đừng bao giờ quên câu nói của Đức Phật:

"Sau khi Như Lai viên tịch rồi Giáo Pháp sẽ là Thầy của các con."

Nếu chúng ta nhớ như vậy thì chúng ta có thể có một cảm nhận rất gần với ý nghĩ của Đức Phật mà Ngài đã gửi gấm cho chúng ta trong đoạn kinh này./.

No comments:

Post a Comment