Hỏi: Người Phật tử nên sống thế nào gọi là tri túc ?
(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma, Minh Hạnh chuyển biên)
TT Giác Đẳng: Đức Phật Ngài dạy cho một người cư sĩ cuộc sống có thể được cải thiện và được an lạc. Chúng tôi lấy ví dụ là thái độ tri túc, con người thì lựa chọn một trong hai quan điểm làm việc: Hoặc giả mình cắm cổ làm giàu, làm giàu bao nhiêu cũng không làm mình thoải mãn. Dĩ nhiên, một số người cho rằng nếu hôm nay mua một vé số mà trúng được vài chục triệu đồng thì mình sẽ không mong mỏi gì hơn nữa, thậm chí chúng tôi biết rằng có một vài vị sẽ nói rằng chỉ cần 4, 5 triệu đồng ở trong số tài sản mình có được thì mình sẽ không mong mỏi nhiều hơn nữa. Nhưng chúng tôi biết ở Hoa Kỳ có những cặp vợ chồng, những gia đình tài sản của họ có thể lên tới 5 ba mươi triệu nhưng họ vẫn tiếp tục khổ sở, vẫn vất vả công việc làm, và cái giàu của một người có 5 ba chục triệu ở tại Hoa Kỳ thật sự nó không đáng bao nhiêu. Nói ra thì mình giàu bao nhiêu là đủ, xin thưa rằng vấn đề không phải giàu bao nhiêu là đủ, mà vấn đề là mình có hoan hỷ với cái gì mà mình có hay không. Đức Phật dùng chữ gọi là tri túc.
Đúng ra chữ tri túc là chữ dịch của người Trung Hoa và chữ đó chúng tôi nghĩ rằng có một chút hạn chế, không dịch xác với chữ của đạo Phật. Tại vì khi mình nói; mình biết là đủ, thì làm sao biết là đủ. Ví dụ như, tuy qúi vị có năm ba triệu nhưng qúi vị cũng có nhiều công việc làm, trong tiếng Phạn nguyên nghĩa trong kinh điển của đạo Phật là biết vui với cái gì mình có. Chúng tôi nói như vậy không phải là cưỡng cầu, như bây giờ một người biết đủ, thì chúng tôi nghĩ chuyện đó không hợp cách để dịch trong chữ Phạn. Biết vui với cái gì mình có, có nghĩa là ở trong bất cứ hoàn cảnh nào với một người mà họ luôn cảm thấy thiếu thốn, cảm thấy bất mãn, cảm thấy không hài lòng với những gì mình có. Thì người đó luôn luôn có vấn đề, cho dù cái gì đi nữa họ cũng có vấn đề. Nói một cách khác, đúng ra tinh thần của Đạo Phật là làm sao mà con người không có nạn gọi là được voi thì đòi tiên, bởi vì cái tật của con người là hễ được cái này rồi thì thấy nó rất tầm thường lại nghĩ tới cái khác. Có bao nhiêu thứ trong cuộc đời chúng ta mà chúng ta có được, trước kia thì mình mong mỏi, trước kia thì mình tha thiết, trước kia thì mình mong cầu, nhưng khi mình có được rồi thì hờ hững xem thường, thậm chí cho đến khi mình mất nó, thì mình mới thấy rằng; "À, nó có một giá trị nếu ở trong đời sống của mình." Thì thái độ đó có vấn đề. Vấn đề tại đây là người đó không bao giờ có thể hưởng được niềm vui gì đối với những gì ở trong tầm tay của họ. Tinh thần tri túc thật ra đó là tinh thần của người Trung Hoa. Trong quan niệm của Đạo Phật ở đây là đừng bao giờ sống mà đứng núi này trông núi nọ, đừng bao giờ sống theo nạn là được voi đòi tiên. Để rồi cuối cùng suốt cuộc đời của chúng ta là chuỗi dài của những ngày không toại nguyện, là những ngày nuốt tiếc, chúng ta không bao giờ cảm thấy vui với những gì mình có, để không cho phép mình có một phút giây nào đó được mãn nguyện được hài lòng với những gì mình có.
Biết vui với những gì mình có là một nghệ thuật sống. Ở đây Đức Phật không nói đến giáo điều, mà Ngài nói đến nghệ thuật sống. Đức Phật cũng đặc biệt nói đến một cái khéo léo ở trong nghề nghiệp của mình. Chúng ta thấy rằng không phải nói đến đạo, nghĩa là cái gì thuộc về trần gian này đều không đáng quan tâm. Nếu chúng ta nói về kinh tế, nói về cuộc sống thì qủa là nhất nghệ tinh nhất thân vinh. Một quốc gia có nền kỹ thuật cao, có nhiều trường đại học, có nhiều cơ sở để đào tạo nhân tài, thì quốc gia đó có triển vọng lớn về kinh tế. Chuyện đó là chuyện dĩ nhiên. Chúng tôi nhớ hồi còn nhỏ sống ở Việt Nam ít bao giờ chúng tôi nghĩ các cơ sở giáo dục là cực kỳ quan trọng, mình cứ nghĩ rằng một quốc gia giàu có là quốc gia có nhiều tài nguyên thiên nhiên, đó là phải có một chủ nghĩa mà thật sự đáp ứng được chủ nghĩa cao siêu v.v... và v.v.... Sau này sống ở xứ lạ quê người, chuyện rất đơn giản là tại Hoa kỳ có nhiều thành phố, nhưng thành phố nào tương đối phát triển thì ở đó phải có đủ cơ sở giáo dục. Nói thẳng ra là những trường đại học, những học viện có khả năng đào tạo nhân sự đối với khả năng để đáp ứng cho nhu cầu kỹ thuật của thành phố đó. Chúng ta nói đến Silicon Valley ở miền Bắc California chẳng hạn. Bây giờ thì có thể nói khắp nơi trên đất nước Hoa Kỳ, như thành phố Houston nơi chúng tôi ở tương đối phát triển, đó là tại Hoa Kỳ có mặt của các trường đại học. Còn như các cơ sở đào tạo nhân tài , cái trí óc cũng như khả năng không đủ thì lấy đâu mà kinh tế phát triển. Qúi vị hỏi đất nước Việt Nam tại sao tiếp tục lạc hậu, vì hệ thống giáo dục của chúng ta tồi tệ lôi thôi quá. Cách của chúng ta học không đạt được yêu cầu vừa tốn kém thì giờ, vừa hao mòn tuổi trẻ, mà trong lúc đó thì quả thật là trường học không phải ưu tiên ở trong xã hội. Có một vị về Việt Nam, rồi than phiền với chúng tôi rằng ở Việt Nam ngày nay nhà cửa phố xá quán ăn thì phát triển rất nhiều, nhưng có hai thứ càng ngày càng thu hẹp đó là bịnh viện và trường học. Trường học đã xây mấy chục năm rồi bây giờ khuôn viên vẫn vậy không lớn ra được thì đó là dấu hiệu cho thấy chúng ta đi xuống.
Chúng tôi sang thăm viếng một vài nơi, nhất là sống tại Hoa Kỳ, thấy tại trường học những môn học chính rất quan trọng tại xứ này. Điều này một lần nữa là một ví dụ minh chứng cho sự việc Đức Phật dạy rằng một người cư sĩ sống trong cuộc đời này, nếu khả dĩ có đời sống an lạc thì tay nghề phải khéo. Việc này đơn giản lắm, nếu là việc mình muốn được khá thì mình phải được đào tạo. Ngay cả trong đạo Phật của chúng ta cũng có một vấn đề là chúng ta không được đào tạo. Vừa rồi chúng tôi sang Nhật Bản có dịp nói chuyện với một vài vị ở bên đó, được biết ở Nhật Bản và một vài quốc gia Âu Châu như Thụy Sĩ chẳng hạn, nghề nào cũng có người đào tạo hết. Thậm chí ở trong một ngôi chùa mà nghề quét dọn chùa chiền họ cũng phải qua một thời kỳ huấn luyện, thậm chí nghề đứng ở lò bánh cũng được huấn luyện. Ở Thụy Sĩ người đứng bán bánh cũng phải có bằng cấp và có thời kỳ huấn luyện rõ ràng để có được tay nghề. Thì ngay cả cái khéo ở trong đời sống của mình nó phải được đào tạo. Nếu cuộc đời không đào tạo mình thì bản thân mình phải biết tự đào tạo mình. Điều đó Đức Phật Ngài nhắc rất rõ ràng không có tay nghề vững thì sinh thái của mình không được ổn định, và sinh thái của mình không được tốt thì không cách chi đời sống mình được an lạc. Điều đó chúng ta thấy một hình ảnh rất thực tế của Đức Phật khi Ngài đề cập đến sự tồn tại trong cuộc đời này. Nghề nghiệp mà Đức Phật gọi là chánh mạng tức là sanh kế phải lương thiện.
Trong cuộc sống thì mình có quyền giao tiếp với nhiều người. Nhưng người mình thật sự thân cận thì nên là bạn lành, nên là thiện hữu. Những lời dạy đó ân cần giống như ông cha dạy đứa con. Chúng ta đi vào trong cuộc đời này đôi lúc chúng ta quá quan trọng yếu tố là làm sao ra tiền, làm ra tiền cách nào cũng được, nhưng đồng tiền không đến từ bàn tay lương thiện của mình thì nó khó tồn tại lâu dài, tại vì nó vốn từ đồng tiền nỗ lực không lương thiện của mình, hoặc là đi ngược lại luật vua phép nước, hoặc giả là nó đi ngược lại với thiện nghiệp của mình với thiện tâm của mình, thì nó là nguyên nhân thối đoạ, và nếu trong cuộc sống hàng ngày mà một người cư sĩ không lập nguyện là sẽ thân cận với bạn lành thì điều đó là một điều hết sức tai hại.
Đa phần là do thiện cận hẹp hòi. Khi chúng ta đọc vào kinh sách tìm thấy lời dạy của Đức Phật thì đúng như Ngài Dhammananda nói: Đạo Phật có cơm cho người lớn có sữa cho trẻ em. Đức Phật Ngài có những lời dạy rất lợi lạc dành cho mỗi tầng lớp, dành cho mỗi bối cảnh chứ không phải chỉ riêng một người nào, và chúng ta may mắn là một người Phật tử, may mắn là con của Đức Phật để có thể thừa hưởng cái lợi lạc đó nếu chúng ta biết mở rộng mắt ra để mà nhìn, nếu chúng ta biết lắng tâm tư để mà cảm nhận và dĩ nhiên nếu điều đó được khả dĩ ứng dụng phần nào trong đời sống thì tự nó cũng đã quá nhiều lợi lạc rồi ./.
No comments:
Post a Comment