Hỏi: Tại sao người làm thiện gặp quả đắng cay sau đó?
(Câu thảo luận trong lớp Diệu Pháp, Minh Hạnh chuyển biên)
TTTuệ Siêu: Có một vấn đề, đó là một chân lý một sự thật là giữa hai trạng thái nghiệp thiện và nghiệp ác. Mặc dù có những người ngộ nhận đôi lúc làm thiện xong tâm lại có sự đau khổ, ray rức. Còn đối với những người làm ác có khi họ được an vui, được hân hoan. Nhưng ở đây, Đức Phật đã khẳng định một điều, việc làm thiện là việc làm mà sau khi làm xong không có sự ăn năn, ray rứt và đến khi hưởng quả dị thục, tâm thỏa thích hân hoan là một điều hiển nhiên vậy.
Trưởng hoa hườn đắc hoa
Trưởng đậu hườn đắc đậu
Chúng ta trồng dưa thì được dưa, trồng đậu thì được đậu. Điều này không thể phủ nhận được. Trong A-tỳ-đàm quả dị thục của tâm thiện (kusala citta) phải là những trạng thái tâm tốt đẹp, những trạng thái tâm quả đưa đến sự hạnh phúc, an vui cho chúng sanh. Chứ không khi nào tâm thiện lại đưa đến tình trạng bất ổn, đau khổ. Danh từ Pali gọi là kammam kataṃ sādhu, chữ sādhu là sự tốt đẹp, tốt lành, chữ kammaṃ sādhu tức là nghiệp được làm gọi là tốt. Nghiệp này tức là hành động do thân, do khẩu hoặc do ý được thực hiện bằng tâm đại thiện hay tâm thiện dục giới.
Chỉ nói trên phương diện tâm đại thiện, chúng ta chưa đề cập đến tâm thiện thuộc về sắc giới vô sắc giới, đó là những tâm thiền và những tâm thiện siêu thế, tức là những tâm đạo sát trừ phiền não, tỏ ngộ niết-bàn. Ở đây, chúng ta chỉ đề cập đến tâm đại thiện hay tâm thiện dục giới là khi chúng ta làm một việc lành, việc đó sẽ mang lại sự hạnh phúc, an lạc ngay trong kiếp sống hiện tại là sau khi làm xong chúng ta không có sự ăn năn ray rứt. Trong Trung bộ kinh, bài kinh Hiền ngu Bàlapandita Sutta, Đức Thế Tôn dạy rằng tùy vào hành động người trí có một đặc tướng, có một dấu hiệu là làm những điều thiện, nói những điều thiện và suy nghĩ điều thiện. Người trí khi làm, nói và suy nghĩ điều thiện như vậy thì người trí ngay trong hiện tại được sự an lạc. Khi nằm ngồi hoặc đi hoặc đứng bất cứ chỗ nào vị đó cũng được sự an lạc yên vui, không bị đè nặng, bị hối tiếc, ăn năn ray rứt. Khi vị đó đi đến chỗ hội chúng với tâm dạn dĩ và khi vị đó (người làm thiện) thấy những người khác bị quả báo khổ đau như tù tội v.v…người làm thiện sẽ yên tâm nghĩ rằng, “ Vì ta không làm điều ác cho nên ta sẽ không bị như vậy.”
Ngược lại đối với người ngu si thiểu trí khi làm làm điều ác, khi nói nói điều ác, suy nghĩ những điều ác và do sự làm ác như vậy nên luôn luôn họ bị cảm thọ khổ đau ngay trong hiện tại, dầu đi, đứng, nằm, ngồi ở bất cứ một nơi nào họ cũng bị treo nặng bởi sự cắn rứt lương tâm. Họ bị mặc cảm về tội lỗi, họ có cảm giác như là có một tảng đá treo trên đầu vậy. Đừng nói người làm thiện có đôi lúc phải rơi nước mắt, có đôi lúc họ phải sầu muộn . Nói như thế đó chúng ta chỉ nhìn thấy hiện tại nhưng chúng ta không hiểu rõ tâm lý tận cùng bên trong và chúng ta không thấy được tương lai. Thật ra người làm thiện, sỡ dĩ họ gặp quả đắng cay sau đó. Quả đắng cay này không phải do điều thiện mang lại, mà quả đắng cay này là do ảnh hưởng do nghiệp lực nghiệp bất thiện trong quá khứ chi phối mà nghiệp thiện ngay trong hiện tại họ làm chưa đủ sức mạnh đẩy lùi ác nghiệp quá khứ. Vì vậy cho nên người đời chỉ nhìn thấy rằng người này làm thiện nhưng người đó vẫn gặp đau khổ với nước mắt đầy mặt. Ở đây chúng ta cần phải hiểu lại là không bao giờ có tình trạng đó, vì người làm việc lành sau đó họ yên tâm khi nghĩ đến điều thiện họ làm nên không hề sợ hãi. Còn những sự kiện khác xảy ra trong đời sống họ phải có sự phiền toái, phiền lụy ưu tư, thì đây là một lẽ khác chứ không phải họ ray rứt ăn năn với điều thiện mà họ đã làm.
Và cũng ảnh hưởng do sự thuần thục hay không thuần thục trong sự tu tập của người đó nữa. Chẳng hạn như ngày xưa Đức Phật Ngài kể lại tiền thân của ông triệu phú tại thành Savatthi. Nói rằng hiện tại ngay trong thời Đức Phật ông ta là một nhà đại triệu phú, dẫu rằng có nhiều tài sản nhưng ông ta sống như một người nghèo khổ, dẫu rằng ông ta có những kho lẫm chứa đầy gạo thơm ngon nhưng ông ta luôn luôn phải ăn những thức ăn thừa , thức ăn cặn bã còn dư lại của ngày hôm qua. Khi ông chết, tài sản của ông bị sung vào quốc khố. Vua Pasenadi (Ba-Tư-Nặc) đem chuyện đó bạch cùng Đức Phật vì duyên nghiệp gì tạo nên như thế.
Đức Phật giải thích rằng, thời quá khứ tiền thân của ông triệu phú này là một Bà-la-môn rất bỏn xẻn, ông ta chưa hề bố thí cho ai, chưa từng cúng dường cho các vị sa-môn, Bà-la-môn. Vào thời đó có chư Phật độc giác xuất hiện, ông ta cũng chưa một lần cúng dường cho các vị này. Cho đến một hôm đẹp trời, tâm ông sảng khoái, khi ông ta bước ra khỏi nhà để đi một vài việc cần thiết gì đó, gặp Đức Phật độc giác đang ôm bình bát đi khất thực. Ông trở vào nhà bảo người vợ chuẩn bị một chút ít gì đó để bát cho vị sa-môn đang đi khất thực phía trước cửa nhà. Người vợ nghe vậy rất hoan hỷ, nghĩ rằng hôm nay ông chồng của mình khởi lên một thiện tâm như vậy thật quý giá. Bà chuẩn bị vật thực loại cứng loại mềm thượng vị thành kính để bát cho Đức Phật độc giác, xong bà đảnh lễ và đi vào nhà. Nói về ông bà-la-môn bỏn xẻn kia, khi xong việc trở về đi ngang qua Đức Phật độc giác ông nghĩ rằng. “ Lúc nãy ta bảo vợ ta để bát cúng dường cho vị này, không biết bà để món gì đây” Ông ta đi đến Đức Phật độc giác chận đường Ngài lại giở nắp bát ra, ông nhìn thấy trong bát chứa đầy những vật thực thượng vị loại cứng loại mềm. Ông chợt khởi lên tâm hối tiếc. Ông nghĩ rằng nếu những vật thực này để cho ta hay vợ con ta ăn sẽ ngon hơn hay để nuôi dưỡng cho những tôi trai tớ gái để họ giúp việc cho mình có lẽ sẽ tốt đẹp hơn cúng dường cho các vị sa môn, Bà- la- môn này. Khi ông khởi lên tâm hối tiếc như vậy thì đó là trạng thái bất thiện pháp (Macchariya), đây là trạng thái tâm sở thuộc về sân phần. Với trạng thái khó chịu như thế, ông đậy nắp bát lại bỏ đi về nhà với tâm buồn bực. Vì rằng lúc đầu ông khởi lên tâm thiện với sự bằng lòng hoan hỷ để bát cúng dường cho Đức Phật độc giác, do thiện nghiệp đó về đời sau này ông ta tái sanh lại cõi người, ông luôn luôn có đầy đủ tài sản. Nhưng sau đó ông hối tiếc, do tâm hối tiếc bỏn xẻn đó mà đời sau này ông ta phát sanh lên hậu quả là dầu có tài sản nhưng ông ta không bao giờ hưởng được một cách đầy đủ ngon lành no nê, thỏa mãn.
Câu chuyện gợi ý lên rằng, việc có những người làm thiện rồi sau đó tâm họ ăn năn ray rứt, ở đây không phải là tác dụng của tâm thiện, không phải là hậu quả của tâm thiện để lại, mà chính vì sự tu tập không thuần thục của chúng sanh đó. Với người này vì không quen làm thiện nên ác bất thiện pháp sanh trưởng mạnh hơn. Do đó cho nên mỗi khi người đó khởi lên tâm thiện thực hiện một điều gì chẳng hạn như bố thí cho người khác một chút gì, sau đó khởi lên tâm ân hận hối tiếc. Như vậy chúng ta thấy rõ ràng sự ân hận hối tiếc và sự bỏn xẻn này do nơi tâm của người đó không khéo tác ý, không khéo tu tập cho nên khởi lên ác bất thiện pháp như thế.
Đức Thế Tôn dạy rằng, một người làm việc lành, tạo một nghiệp tốt đẹp sẽ sống với tâm hoan hỷ, với tâm hân hoan, không có sự hối tiếc. Vì chính ngay trong một trạng thái tâm thiện sanh khởi bao giờ cũng có những tâm sở tịnh hảo gọi là sobhana cetasika hay chúng ta gọi là những khía cạnh tốt đẹp hay những chất liệu để tạo nên những tâm thức tốt. Những chất liệu đó hoàn toàn tốt cho nên tâm thiện không bao giờ để lại một hậu quả sau khi làm xong mà có sự ăn năn hối tiếc.
Chúng ta hiểu theo trong A-tỳ-đàm giải thích rõ điều này, kusalo dhammo kusalassa dhammassa ārammana paccayena paccayo. Thiện pháp vẫn có thể làm cảnh cho bất thiện sanh khởi bằng cảnh duyên. Tức là có một số chúng sanh vì do nghiệp bất thiện hay những phiền não của họ mạnh mẽ trong quá khứ, họ không thường xuyên quân tập về thiện pháp, cho nên bây giờ hễ khi họ làm thiện pháp, chính thiện pháp đó lại trợ cho tâm bất thiện sanh khởi. Có những trường hợp, một người bố thí nhưng sau khi bố thí được người khác tán dương khen ngợi, họ khởi lên tâm ngã mạn, đó cũng là trường hợp thiện trợ cho bất thiện sanh khởi nhưng bằng thường cận y duyên. Hay khi làm thiện xong họ khởi lên kiêu mạn, như vậy ngã mạn của họ là một loại phiền não và phiền não này bắt tâm thiện để làm cảnh. Trong trường hợp đó là về mặt tinh thần của người đó, chứ không phải do hậu quả của thiện để lại.
Như trường hợp ông Bà-la-môn bỏn xẻn kia, khi ông bố thí cúng dường cho Đức Phật độc giác, sau đó ông khởi lên tâm hối tiếc, thì sự hối tiếc này không phải là một sự dằn vặt của tâm thiện mà sự hối tiếc này chính do tâm bỏn xẻn Macchariya của ông ta, vì ông đã từng quen sự bỏn xẻn, cái gì cũng chấp thủ về mình chứ không muốn buông bỏ ra, không muốn xả tài xả thí cho người khác, không muốn để cho người khác phải chia sớt phần lợi lộc của mình . Như vậy đó là lỗi lầm của tinh thần của ông ta không khéo điêu luyện không khéo tu tập chứ không phải là hậu quả của tâm thiện để lại.
Đức Phật xác định một khi đã làm thiện thì tâm không thối hóa, tức là không có sự ray rứt, không ăn năn. Khi chúng ta làm việc thiện tùy theo cấp độ của mỗi mỗi người khác nhau, bởi vậy có những người sau khi làm thiện họ hoan hỷ suốt ngày đêm, họ bất chấp hoàn cảnh cuộc đời như thế nào, hễ khi nghĩ đến điều thiện là họ hoan hỷ. Còn có những người sau khi làm thiện xong tại sao họ có sự ăn năn ray rứt.
Chúng ta làm thiện có ba khía cạnh.
1-Có người làm thiện bằng tâm thọ hỷ somanassasahagatam tức là tâm hân hoan, tâm hỷ với phỉ lạc. Người làm thiện với cảm giác tâm như vậy sau đó khó sanh khởi tâm hối tiếc, bỏn xẻn vì trong khi làm họ có sự hoan hỷ.
2- Người làm thiện bằng tâm thọ xả Upekkhāsahagatam tức là trạng thái tâm không vui cũng không buồn, làm một cách thờ ơ lãnh đạm hay làm với cảm giác tự nhiên mà làm chứ không có sự thỏa thích, không có sự hân hoan.
Đối với hạng người này có hai trường hợp, tức là người làm thiện bằng tâm thọ xả, nhưng không phải vì cảm giác họ không quen làm thiện mà trái lại họ làm với tâm thuần thục quen rồi, cho nên khi làm thiện vì một lý do nào đó, có thể trong thân thể họ bất an do bệnh hoạn chi phối chẳng hạn, nên trong trường hợp này họ không có tâm hoan hỷ nhưng dầu với tâm thọ xả như thế nhưng tâm thiện của họ cũng rất vững chắc.
Khía cạnh làm thiện thứ hai là hợp trí hay ly trí, chúng ta gọi là Nànasampayuttam ly trí gọi là Nànavippayuttam. Người làm thiện bằng tâm hợp trí tức là có tri tuệ suy tư cân nhắc đắn đo và có trí tuệ can thiệp vào việc đó. Như vậy việc thiện này có tính cách bảo đảm hơn. Vì người làm thiện với tâm hợp trí trước khi làm có sự suy nghĩ tác ý đến lý nghiệp báo nhân quả, họ biết chúng sanh ở đời này được an vui, hạnh phúc, được nhiều tài sản, được thạnh lợi trong cuộc sống này là do nơi thiện nghiệp, phước báu. Còn những chúng sanh bị đau khổ là do nơi thiếu phước báu và làm các ác nghiệp. Khi tác ý như vậy, họ mới tích cực làm điều thiện. Đó gọi là tương ưng trí, hợp trí trong việc làm thiện. Lại nữa có những người làm việc thiện, vì họ khởi nên niềm tin đối với Đức Phật, với Giáo Pháp, với Tăng chúng và họ nghĩ rằng với thiện pháp này là con đường đi của bậc Thánh nhân, là sở hành của bậc thanh tịnh của bậc cao quý như Đức Phật. Vì vậy cho nên họ tích cực hoan hỷ làm điều thiện. Họ nghĩ rằng, “ Ta sẽ đi theo con đường, noi gương hạnh của Chư Phật hay của Tăng chúng”. Như vậy cũng là tương ưng trí.
Một tương ưng trí nữa, đó là người làm thiện có liên hệ đến mục đích giải thoát , làm việc thiện có nhìn về tương lai, trong kinh nói rằng có nhìn về tương lai. Thế nào là có nhìn về tương lai, tức là người làm việc thiện có mục đích giải thoát . Những người làm việc thiện để mong tương lai sanh về cõi trời, có đầy đủ tài sản hoặc làm người xinh đẹp v.v…thì họ cũng nhìn về tương lai nhưng cách nhìn này không được hoan nghênh lắm, bởi vì đó chỉ là quả hữu lậu. Những người làm việc thiện có mục đích giải thoát, sỡ dĩ chư vị Bồ tát tích cực hành thiện, không biết nó trong thiện pháp và luôn luôn bất thối chuyển trong thiện pháp, trong việc tinh cần là bởi vì Ngài nhìn mục đích trong tương lai. Ngài nghĩ rằng thế gian này thật đáng chán, có rồi không, được rồi mất, thân này đây phải chịu sự già, sự bệnh sự chết. Dầu cho con người có đại phước khi chết tài sản cũng phải bỏ lại, như vậy tất cả đều là giả tạm, cho đến khi nào thành tựu cứu cánh giải thoát tức là đắc Niết bàn, diệt trừ mọi phiền não tham sân si , nghiệp chướng. Lúc bấy giờ mới thật sự an vui tuyệt đối. Muốn được như vậy thì người đó phải có đầy đủ phước ba-la-mật. Khi tác ý đến chỗ đó người này tích cực làm việc thiện, không thối chuyển trong việc thiện.
Nếu người làm việc với sự suy nghĩ về mục đích tương lai như vậy, người này làm việc thiện với tâm hợp trí hay tâm tương ưng trí. Khi người làm việc thiện với tâm tương ưng trí như theo ba cách chúng tôi vừa trình bày, rõ ràng người này có một tâm lực mạnh mẽ trong việc làm thiện, có sự chủ ý làm thiện chứ không phải làm một cách vô tình, ngẫu nhiên hay bồng bột, tùy hứng như trường hợp ông bà-la-môn bỏn xẻn trong câu chuyện chúng tôi vừa kể. Người làm việc thiện bằng tâm tương ưng trí như vậy, sau đó người này không ăn năn hối tiếc, nghĩa là không có tâm bỏn xẻn ăn năn ray rứt. Người đã thuần trong việc thiện rồi, sau khi làm thiện xong họ bằng mọi cách ngăn chận các phiền não không cho nó sanh khởi để hối tiếc.
Thí dụ người Phật tử làm thiện, có những người làm thiện tương ưng trí như cúng dường chư Tăng hoặc bố thí cho những hội từ thiện hoặc nuôi trẻ mồ côi. Họ bỏ ra một món tiền lớn. nhưng sau khi làm xong trở về nhà cảm thấy hối tiếc, họ cảm thấy nếu số tiền đó còn thì trong gia đình không phải thiếu thốn như vậy. Nhưng khi suy nghĩ như thế, với tâm tương ưng trí khi bố thí, với tâm hợp trí đó trí tuệ sẽ sanh khởi lên, họ sẽ suy nghĩ lại, “ Không sao cả, cái gì mình cho ra rồi cái đó là của mình.” Họ suy nghĩ như vậy, cho nên họ cảm thấy yên tâm. Lại nữa người này mới suy nghĩ rằng, “ Nếu có giữ lại đi chăng nữa thì ăn xài một thời gian sẽ hết. Sau khi mệnh chung rồi sanh lại cảnh giới khác mình sẽ không được tài sản gì cả hay không có thiện nghiệp để góp phần đưa đến tuệ căn giải thoát trong tương lai.” Họ suy nghĩ như vậy nên dẹp bỏ trạng thái tâm hối tiếc. Cũng có thể trạng thái tâm hối tiếc có thể sanh khởi cho người làm thiện tương ưng trí nhưng chỉ thoáng qua thôi, rồi sau đó người đó khéo tác ý suy nghĩ lại và họ tiếp tục hoan hỷ trong thiện pháp.
Người làm thiện bất tương ưng trí hay ly trí , điều này hết sức nguy hiểm. Tức là người làm việc thiện nhưng làm một cách thờ ơ , tình cờ ngẫu nhiên và không có sự suy tư. Vì làm việc thiện không có sự suy tư như vậy, chỉ cảm hứng mà làm, cho nên cũng là tâm thiện nhưng đó là tâm thiện ly trí, tâm thiện không có trí tuệ phối hợp, không có sự đắn đo suy nghĩ. Đối với người này rất dễ sau đó khởi lên trạng thái bất thiện hoặc quên lãng những thiện pháp họ đã làm. Đây là điều chúng ta phải chú ý để khi làm thiện chúng ta phải làm bằng tâm hợp trí đừng làm thiện bằng tâm ly trí.
Khía cạnh thứ ba của thiện pháp, đó là khía cạnh tác động của tâm sanh, gọi là sankhàrika tức là nói đến khía cạnh tâm thiện sanh khởi có hai trường hợp gọi là sasankhàrika hữu trợ và asankhàrika là vô trợ. Tâm thiện hữu trợ tức là tâm thiện phát sanh lên có thể do ba trường hợp.
- Một là người này vì trước khi làm việc gì họ có thói quen hay đắn đo suy nghĩ cân nhắc có nên làm bây giờ hay không, làm có hợp thời hay không hợp thời. Sau khi cân nhắc xong họ mới khởi lên tâm thiện để làm. Như vậy tâm thiện hữu trợ đó không có lỗi lầm, khuyết điểm gì cả mà thiện hữu trợ đó bất quá chỉ đưa đến quả chậm trong tương tương lai. Tức là trong tương lai khi tài sản phát sanh đến họ thì tài sản đó phát sanh một cách trình tự thứ lớp và đến từ từ chứ không thể nào phát sanh một cách nhanh chóng, chỉ có khuyết điểm là hậu quả như thế đó.
- Nhưng hai cách hữu trợ về sau này mới là hai cách hữu trợ làm thiện có nhiều khuyết điểm. Hữu trợ theo cách thứ hai tức là người này vì lý do phiền não sanh khởi hoặc lý do thân của họ đang có sự bệnh đau chi phối. Khi thân tâm bất an, lúc bấy giờ họ cũng khó khởi lên tâm thiện, cố gắng lắm mới khởi lên tâm thiện được. Tâm thiện lúc bấy giờ gọi là tâm thiện hữu trợ, tâm thiện hữu trợ này cũng không đến nỗi như trường hợp hữu trợ trong trạng thái thứ ba tức là phải đợi người khác nhắc nhở, đôn đốc, xúi bảo. Khi người khác đôn đốc xúi bảo người đó mới làm thiện thì lúc bấy giờ tâm thiện đó cũng là tâm thiện hữu trợ nhưng tâm thiện hữu trợ này lại do động cơ thúc đẩy từ bên ngoài. Trường hợp này cũng ví như một em bé không biết gì, nhờ cha mẹ dẫn đi chùa, dạy cho cách lạy Phật. “ Lạy Phật cho có phước. Lạy Phật như vậy con sẽ được trí tuệ thông minh, được học giỏi”. Đứa con nghe cha mẹ nói như vậy quỳ xuống đảnh lễ Phật. Tâm thiện của đứa bé lúc đó gọi tâm thiện hữu trợ. Hay khi cha mẹ dẫn đi đến chùa cho đứa con vật thực hay tiền bạc để bát cúng dường đến chư Tăng, đây cũng gọi là tâm thiện hữu trợ, nhưng tâm thiện hữu trợ đó không đến nỗi nào bằng tâm thiện do người khác thúc đẩy làm. Tại vì do không quen làm thiện nên mình không thích nhưng do có người xúi bảo đôn đốc nên mình mới làm.. .
Quả thật khi chúng ta làm điều thiện, tâm thiện đó phải do chính quyết định của mình và khi chúng ta có sự dứt khoát, với tâm lực mạnh sanh khởi như chúng tôi đã nói, tức là chúng ta làm việc thiện bằng tâm thọ hỷ, làm việc thiện bằng tâm hợp trí có trí tuệ suy tư và chúng ta làm thiện bằng tâm vô trợ tức là không cần sự đôn đốc nhắc bảo hay là cũng có trường hợp chúng ta khởi lên tâm thiện do sự suy tư rồi sau đó chúng ta mới quyết định làm. Vấn đề hữu trợ hay vô trợ ở đây không phải là một khuyết điểm của tâm thiện nhưng điều này ảnh hưởng đến quả trong tương lai.
Thật ra có những người khi làm việc thiện, nếu họ làm việc thiện với sự thờ ơ, không có mục đích rõ ràng trong tương lai, không có trí tuệ phối hợp trong tâm thiện đang sanh. Như vậy tâm thiện người này quá yếu, có thể sau khi làm xong họ suy nghĩ lại cảm thấy có sự mất mát, có sự phung phí thời gian, phung phí công sức, sau đó có sự hối hận. Có nhiều tấm gương như tấm gương của người nông dân Sumana, trống hoa cho Đức vua Pasenadi vua Ba-Tư-Nặc. Ông ta đã nhìn thấy được đối tượng khả kính là Đức Phật, ông đã tự nguyện có sự quyết định dứt khoát cúng dường đến Đức Phật. Ông tìm thấy tâm thiện của ông đối với Đức Phật, với lòng thành kính đó ông cảm thấy an ổn, yên tâm và xem sự chết nhẹ như lông hồng, ông không sợ hãi không hốt hoảng. Đó là thái độ làm thiện chúng ta cần nên học hỏi.
Và thái độ làm thiện khác của ông Cấp-Cô-Độc. Khi chúng ta tự ý làm điều thiện , có sự quyết định dứt khoát, cho dù rằng ông ta phải hao tài sản, đem tất cả tài sản để cúng dường Tam Bảo. Lúc bấy giờ dầu lâm vào tình trạng nghèo khổ nhưng ông không hề thối chuyển. Chúng ta làm sao có thể so sánh được với tâm của một Thánh cư sĩ, một vị Thánh nhập lưu Tu-Đà-Hườn như ông Cấp-Cô-Độc được. Nhưng chúng ta cũng phải biết lấy gương của người nông dân Sumana, chúng ta thấy rõ khi làm việc thiện với tâm ý như vậy thì sau đó tâm mới an lạc, không có sự ăn năn hối tiếc. Điều này không khó khăn gì đối với ai cả, chỉ do nơi tâm lực của chúng ta có mạnh hay không. Thật ra không phải người xưa khác người nay. Trong bất kỳ một thời kỳ nào, dầu thời kỳ hưng thịnh pháp hay thời kỳ giáo pháp bị mai một như thời hiện tại này. Nếu chúng ta đã phát tâm bồ đề, có đại nguyện Bồ tát và chúng ta làm việc để hướng đến mục đích giải thoát, quả thật điều đó không có nghĩa là chúng ta không làm được.
Ở đây có một điều quý vị cũng nên lưu ý, tâm thiện chúng ta đã làm, chính thiện pháp đó sẽ không phải là nỗi ám ảnh tinh thần chúng ta ngay trong giấc ngủ hay những lúc sau đó. Đức Phật đã xác định một cách rõ ràng
Một việc làm chánh thiện
Làm rồi không ăn năn
Chúng ta nên biết rằng sau khi chúng ta làm điều thiện xong tâm chúng ta không có sự ray rứt bởi vì thiện nghiệp đó chi phối. Lại nữa khi chúng ta hưởng quả dị thục, chắc chắn đó là quả dị thục đưa đến trạng thái tâm an lạc. Bất luận là ngày hay đêm, lúc nào chúng ta khởi lên tâm thiện thì lúc đó chúng ta sống trong sự an ổn, sự an lạc. Ngày nào chúng ta còn khởi lên tâm thiện thì ngày đó là ngày tốt đẹp đối với bậc thiện trí ở đời này, nhất là đối với hạng chúng sanh có tâm đại nhân hạnh nguyện bồ tát thì việc thiện đối với họ như những món ăn tinh thần và thiếu việc thiện họ cảm thấy như ngày hôm đó có sự thiếu sót. Khi đã làm được điều thiện họ có cảm giác như có một hàng rào che chắn chung quanh và họ không cảm thấy sợ hãi trong việc hiểm nguy.
No comments:
Post a Comment