Hõi: làm thiện như thế nào, làm phước như thế nào?
(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma, Minh Hạnh chuyển biên)
TT. Tuệ Siêu: Không phải khi có tiền mới làm phước được, còn khi không có tiền thì không làm phước được, quan niệm của chúng ta như vậy là không đúng với Phật Pháp.
Phước ở đây gồm phước vật, phước đức và phước trí.
- Phước vật: là phước phát sanh quả vật chất trong tương lai.
- Phước đức: Là phước phát sinh an vui và hanh thông may mắn trong cuộc sống.
- Phước trí: Là phước phát sinh lên trí tuệ, tạo cho mình sự thông minh, sáng suốt và nhạy bén trong việc thu thập tinh hoa kiến thức của loài người.
Tạo phước vật chất là chúng ta bố thí, cúng nhường cho người nghèo khổ, hay các bậc Sa môn Bà la môn là bố thí vật chất. Đức Phật đã dậy: “Những nam nữ nào trong đời này có tâm hoan hỷ xả tài cúng dường đến các bậc đáng cúng dường, cúng dường đến các vị Sa môn Bà la môn, sau khi mệnh chung sẽ được sanh về cõi trời, nếu sanh trở lại cõi người thời người đó có tài sản lớn.”
Tạo phước đức và phước trí:
Trong đời sống hàng ngày ta có một thân tướng xinh đẹp đó là do nhờ phước đức, chúng ta nhờ có thân thể khoẻ mạnh, khuôn mặt xinh đẹp, không bịnh yếu là do nhờ phước đức, được nhiều người thương mến kính trọng, không bị kẻ thù ám hại, không bị người đời ghét bỏ, là nhờ phước đức nâng đỡ chúng ta, trong cảnh sống gia đình thuận duyên thuận may tình cảm vợ chồng con cái không bị sứt mẻ, xáo trộn do nhờ phước đức. Thì như vậy phước đức là cần thiết và phước đức này chúng ta tạo bằng cách an trú trong tâm thiện như có lòng tịnh tín quy Phật, quy pháp, quy tăng; giữ năm giới : không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu; và mỗi ngày chúng ta an trú trong điều thiện, không hận, không sân và mong chúng sanh khác được an vui không hận, không sân. Như vậy là an trú trong tâm từ, tạo phúc đức. Khi gặp chúng sanh đau khổ bất hạnh khởi lên lòng trắc ẩn và cố gắng giúp đỡ chúng sanh đó thoát khỏi cần lao thì như vậy là chúng ta đã tích phước đức. Khi chúng ta làm chủ được trạng thái tâm hoan hỷ bằng lòng với những gì chúng sanh khác hạnh phúc lợi lạc và chúng ta không có sự ganh tỵ thì như vậy cũng là tạo phước đức, chúng ta sống quân bình, không bị chi phối bởi lời khen chê, đặng mất, vinh nhục, không bị xáo động giữa cuộc đời này, không bị xáo trộn tư tưởng khi xúc chạm với tám pháp đời, như vậy cũng là tạo phước đức. Để tạo phước đức không cần phải có tiền mới tu tập được, lúc nào cũng có thể an trú trong tâm thiện, nhưng tùy theo vai trò của tâm thiện, tùy theo sở hành của tâm thiện đó mà chúng ta gọi là phước đức hay là phước thí.
Tạo phước trí là một điều hết sức quan trọng. Nếu cho chúng ta chọn lựa một trong ba loại phước thì phước đức và phước trí quan trọng hơn phước vật chất. Mười phần thì chúng ta nên tạo hai phần phước vật, ba phần phước đức và năm phần phước trí.
Còn phước đức, phước vật thì trong cuộc sống này đời sống tuy chúng ta hơi thiếu thốn một chút, hơi nghèo một chút nhưng chúng ta có được tình cảm gia đình yên ấm, suông sẻ cũng là hạnh phúc hơn, mặc dù cuộc sống vật chất của chúng ta không bằng ai nhưng chúng ta có được thân tướng lịch sự dễ nhìn, hay được khoẻ mạnh không bị bịnh hoạn ốm đau, như vậy chúng ta cũng được hạnh phúc hơn. Do vậy chúng tôi nhận thấy phước đức cũng khá quan trọng.
Cuối cùng thì chúng ta mới tạo phước vật chất, bởi vì phước vật chất trong đời này chúng sanh nghèo khổ bị hất hủi không cơm ăn, áo mặc, không nhà cửa ở, phải đi lang thang nơi này nơi nọ, người đời hất hủi ruồng bỏ, hoặc có nơi họ bố thí cho một chút ít để sống đắp đỗi trong ngày thì điều đó là một khổ tâm lớn, bởi chính do đời trước chúng ta bủn xỉn keo kiết không quan tâm đến việc chia sẽ giúp đở chúng sanh nên mới nhận quả này. Hiểu được vậy thì chúng ta mới rộng lòng sống với hai bàn tay rộng mở.
Khi chúng ta tạo phước báo rồi thì đời sau chắc chắn được yên ấm hanh thông trong sự may mắn, người tạo được phước báu cũng giống như người đã có tiền để trong ngân hàng, nghĩa là chúng ta không sợ đói. Trong thời gian tạo phước thì ngay lúc chúng ta nghĩ tưởng rằng ta đã sống và trong cách hành động về thân, về khẩu, về ý vô tội, không lỗi lầm, nghĩ như vậy thôi ta cảm thấy hoan hỷ và tự hãnh diện với cuộc đời với cuộc sống chung quanh mà không gì mắc cở e thẹn cả đó là phước lạc của chúng ta.
Khi chúng ta biết giá trị của điều thiện thì hoan hỷ với điều thiện. Khi chúng ta tu tập ngày đêm trong thiện pháp, tự bản thân mỗi người phải biết giá trị điều thiện và sống trong pháp thiện, đừng xem xét người khác đã làm hay không làm mà hãy xem lại mình đã làm hay chưa làm về thiện pháp phước báu. Sống trong cuộc sống luân hồi này, tự chúng ta là hải đảo, tự chúng ta là chỗ nương tựa, do đó tự ta hãy làm các thiện pháp thì sẽ tự được an lạc hơn. Có nhiều người nghĩ như vậy là chúng ta sống ích kỷ, không vị tha, nhưng chúng ta không cần điều đó, trừ khi nào thấy nhắc nhở người khác sống trong thiện pháp được thì chúng ta nhắc nhở khuyến khích, còn nếu như chúng ta nhắc không được thì đừng bao giờ chạy rong đầu này chạy rong đầu kia để khuyên nhắc mọi người mà trong khi chính bản thân của mình không làm những điều thiện đó, thì như vậy cuối cùng rồi chúng ta tiếp độ người khác cũng không được mà chính bản thân của chúng ta cũng chẳng được gì cả, cho nên ở đây tốt nhất là tự mình làm điều thiện trước, tự mình an trú trong phước báu trước rồi sau đó hãy đi khuyên người khác./.
No comments:
Post a Comment