Lão Tử và Thương Dung
Lão Tử từ nhỏ đã thông tuệ, yên tĩnh suy nghĩ, hiếu học, thường ở bên các gia tướng nghe chuyện quốc gia thịnh suy, tế lễ chiêm tinh bói toán, quan sát tinh tượng. Doãn Thị, mẹ của Lão Tử, mời lão tiên sinh Thương Dung tinh thông lễ nhạc đến truyền thụ. Thương Dung trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, hiểu rộng lễ nghi kim cổ.
Một hôm Thương Dung dạy rằng: “Giữa trời đất, con người là cao quý, trong dân chúng, vua là gốc”.
Lão Tử hỏi: “Trời là vật gì?”.
Tiên sinh nói: “Trời là cái thanh thanh ở trên”.
Lão Tử lại hỏi: “Cái thanh thanh là vật gì?”.
Tiên sinh nói: “Cái thanh thanh là thái không đó”.
Lão Tử lại hỏi: “Trên cả thái không là vật gì?”.
Tiên sinh nói: “Trên của thái không, là cái thanh của thanh”.
Lão Tử lại hỏi: “Trên nữa là vật gì?”.
Tiên sinh trả lời: “Trên của cái thanh của thanh, là cái thanh của thanh thanh”.
Lão Tử lại hỏi: “Nơi tận cùng của cái thanh là vật gì?”.
Tiên sinh nói: “Các bậc tiên hiền chưa truyền lại, thư tịch cổ chưa ghi chép, thầy ngu dốt không dám nói bừa”.
Một hôm, Thương Dung tiên sinh truyền thụ rằng: “Các việc thiên hạ, hòa là quý. Thất hòa thì sẽ có binh đao, có binh đao thì sẽ có tàn sát lẫn nhau, tàn sát lẫn nhau thì cả hai bên đều bị thương, hai bên đều bị thương thì có hại mà chẳng có lợi ích gì. Do đó, lợi cho người thì sẽ lợi cho mình, gây họa cho người thì sẽ gây họa cho chính mình”.
Lão Tử hỏi: “Thiên hạ thất hòa là cái hại lớn cho bách tính, vua sao không sửa trị ?”.
Tiên sinh nói: “Người dân tranh chấp, là thất hòa nhỏ. Thất hòa nhỏ thì có họa nhỏ, thì vua có thể sửa trị. Quốc gia tranh chấp, là thất hòa lớn. Thất hòa lớn thì có họa lớn, cái họa lớn, chính là họa của vua, sao vua có thể tự sửa trị được?”.
Lão Tử hỏi: “Vua không thể tự sửa trị, Thần sao không sửa trị?”.
Tiên sinh nói: “Các bậc tiên triết chưa truyền, thư tịch cổ chưa ghi chép, thầy ngu dốt không dám nói bừa”.
Lại một hôm, Thương Dung tiên sinh truyền thụ rằng: “Trong lục hợp, trời, đất, người, vật đều tồn tại đạo lý. Trời có Thiên Đạo, đất có địa lý, người có nhân luân, vật có vật tính. Có Thiên Đạo, cho nên mặt trời, mặt trăng, các vì sao mới có thể vận hành. Có địa lý, cho nên núi, sông, biển mới có thể hình thành. Có nhân luân, cho nên mới có thể phân biệt tôn, ti, già, trẻ. Có vật tính, cho nên mới có thể phân biệt dài, ngắn, dai, giòn”.
Lão Tử lại hỏi: “Mặt trời, mặt trăng, các vì sao, ai đẩy mà chúng có thể vận hành? Núi, sông, biển, ai tạo mà hình thành? Tôn, ti, già, trẻ, ai định mà phân biệt? Dài, ngắn, dai, giòn, ai phân chia mà phân biệt?”.
Tiên sinh nói: “Đều là do Thần làm cả”.
Lão Tử lại hỏi: “Thần sao có thể làm được?”.
Tiên sinh nói: “Thần có khả năng biến hóa, có công tạo vạn vật, do đó có thể làm được”.
Lão Tử lại hỏi: “Khả năng của Thần từ đâu mà có? Công của Thần khi nào có được?”.
Tiên sinh nói: “Các bậc tiên sư chưa truyền, thư tịch cổ chưa ghi chép, thầy ngu dốt không dám nói bừa”.
No comments:
Post a Comment