Hữu bị vô hoạn
Ý của câu thành ngữ này có nghĩa là chuẩn bị đầy đủ sẵn từ trước, thì mới không có rắc rối về sau.
Câu thành ngữ này có xuất xứ từ "Tả truyền-Tương Công thập nhất niên".
Thời Xuân Thu, sau khi Tấn Điệu Công lên làm vua nước Tấn, muốn bắt chước tổ tiên làm bá chủ các nước chư hầu, nhà vua đã áp dụng kiến nghị của đại phu Ngụy Giáng, chủ động giao hảo với các bộ lạc Nhung, Cảnh v v vẫn thường xuyên quấy nhiễu vùng miền bắc nước Tấn. Tiếp theo, lại cử sứ giả sang giao hảo với các nước chư hầu ở Trung Nguyên như Lỗ, Yến, Trần, Tống v v, và nhiều lần tổ chức bang hội với các nước này. Do đó, uy tín của nước Tấn ngày càng nâng cao, Tấn Điệu Công cuối cùng đã thỏa nguyện được làm bá chủ các nước chư hầu ở vùng Trung Nguyên.
Bấy giờ, duy có nước Trịnh lúc thì kết bang với nước Tấn, lúc thì quy thuận nước Sở, khiến Tấn Điệu Công rất bực tức, bèn triệu tập quân của 11 nước tấn công nước Trịnh. Nước Trịnh sau khi đầu hàng, đã đem rất nhiều cỗ xe, ban nhạc và mỹ nữ giỏi ca múa đến cống tiến nước Tấn
Nhằm cảm ơn Ngụy Giáng đã giúp mình được làm bá chủ chư hầu, Tấn Điệu Công đã đem một nửa những lễ vật này ban cho Ngụy Giáng. Nhưng Ngụy Giáng nói: "Có thể chung sống hòa mục với các bộ lạc Cảnh, Nhung là một phúc lớn của nhà nước. Đại Vương được làm bá chủ chư hầu ở Trung Nguyên, đó là tài năng của Đại Vương. Còn công của hạ thần rất là nhỏ mọn không đáng nhắc tới. Nhưng mong đại vương trong khi an hưởng khoái lạc, hãy suy nghĩ nhiều hơn tới tương lai của nhà nước. Trong "Thường Thư" có nói "Khi yên ổn phải nghĩ đến mối nguy hiểm có thể xảy ra, đã nghĩ đến rồi thì tất có chuẩn bị, mà đã chuẩn bị thì mới không xảy ra hậu hoạn".
Tấn Điệu Công nghe xong vô cùng cảm động, nhưng vẫn kiên trì mong Ngụy Giáng nhận lấy lễ vật. Ngụy Giáng bất đắc dĩ đành phải nhận.
No comments:
Post a Comment