Núi Vọng Phu
Núi Vọng Phu cũng có tên là núi Mẫu Tử, cao 2051 thước, trước kia thuộc tỉnh Darlac. Từ ngày quận Khánh Dương sát nhập vào tỉnh Khánh Hòa, núi Vọng Phu đã nghiễm nhiên trở nên ngọn núi chúa của quần sơn tỉnh này.
Chóp núi Vọng Phu là một khối đá hoa cương khổng lồ, đứng thẳng lên trời; bên cạnh lại có một khối đá khác nhỏ hơn. Hai khối đá này tương tự hình người. Đứng xa ngoài 40 cây số vẫn còn trông rõ. Và, người ta có cảm tưởng như đó là một người mẹ đang bồng đứa con, phóng tầm mắt ra biển khơi đón chờ một người đi mà không bao giờ trở lại. Và, căn cứ theo truyện cổ tích, dân chúng địa phương mới đặt tên núi này là núi Vọng Phụ Người Thượng gọi là T.Yang-Mten.
Tương truyền một thời xa xưa, có hai vợ chồng một bác tiều phu hiếm hoi con, nên bà vợ thường đi cầu tự khắp các đền chùa quanh vùng. May mắn, một ngày kia, bà hạ sinh được một cô con gái; qua năm sau lại hạ sinh được một cậu con trai. Vợ chồng tiều phu rất đỗi vui mừng, cám ơn Trời Phật đã nhỏ lòng thương đến.
Hai chị em lớn lên trong tình thương của cha mẹ.
Một hôm, hai chị em đang ngồi róc mía ăn. Vì giành nhau nhiều ít, đứa em sẵn có con dao trong tay, giáng một nhát lên đầu chị, máu tuôn xối xả. Kinh sợ và hối hận, đứa em bỏ chạy mất. Cha mẹ tìm khắp nơi vẫn không thấy. Vì nhớ con, hai ông bà ngày càng héo mòn rồi lần lượt theo nhau qua đời. Đứa con gái sống bơ vơ, không người thân quyến nương dựa, phải bỏ đi nơi khác tìm cách nuôi thân.
Còn đứa em chạy đến bờ biển, gặp chiếc thuyền buôn sắp nhổ neo vào Nam, liền xin đi theo học nghề buôn bán. Thời gian trôi qua, nó khôn lớn lên và làm ăn khá giả. Bấy giờ lòng chạnh nhớ quê hương, cha mẹ càng nổi dậy nên nhứt định về quê. Nhưng, than ôi, khi về đến thì cha mẹ đã hóa người thiên cổ, chị thì bỏ đi biệt tích.
Qua cơn xúc động, chàng sang một làng gần đó sinh cợ lập nghiệp. Chàng gặp một cô gái mồ côi, làm ăn lam lũ nhưng tính nết hiền lành. Cảm vì cùng cảnh ngộ, hai người đem lòng yêu nhau và thành đôi vợ chồng. Ở với nhau một thời gian trong cảnh gia đình thuận hòa đầm ấm, người vợ lại sinh được một trai. Không khí gia đình càng thêm mặn nồng.
Một hôm, người vợ gội đầu sau nhà, người chồng đi làm về, ra đứng xem. Vô tình, chàng thấy ẩn dưới làn tóc vợ có một vết thẹo, lấy làm lạ mới hỏi nguyên do. Người vợ thực tình kể lại kỷ niệm buồn mười năm xưa. Người chồng lặng điếng người khi nhận ra đó là người chị ruột của mình.
Người chồng hết sức đau khổ vì chàng vô tình đã phạm phải lỗi loạn luân. Nhưng chàng đành chôn sâu nỗi khổ tâm ấy tận đáy lòng, không dám cho vợ biết.
Thế rồi ngày hôm sau, lấy cớ đi buôn chuyến xa, chàng từ giã vợ con, giong buồm ra khơi, hẹn ngày trở lại. Người vợ có ngờ đâu lời hẹn về ấy hóa thành lời vĩnh biệt của chồng.
Thời gian năm tháng trôi qua, chồng vẫn không thấy trở về mà âm tín cũng vắng bặt. Buồn rầu, đau khổ, nàng bồng con trèo lên đỉnh núi cao, trông ra ngoài biển cả, mỏi mòn tìm xem có thấy cánh buồm của chồng xuất hiện đâu không? Nhưng than ôi:
Bao năm đâu quản gió mưa,
Bồng con đứng đợi vẫn chưa thấy về,
Thời gian phai xóa lời thề,
Mẹ con hóa đá bên lề tháng năm.
(Thơ của Bình Nguyên Lộc).
Từ đấy, những bạn thuyền đi biển, khi qua miền Trung, thấy buồm không căng gió, liền hát lên câu ca dao để mong nàng Vọng Phu giúp đỡ:
Lạy bà cho thổi gió nồm,
Chồng bà ở Quảng giong buồm theo vô.
Hay là:
Lạy bà cho thổi gió đông,
Cho thuyền tôi chạy cho chồng bà lên.
No comments:
Post a Comment