Thursday, August 30, 2018

Điển Hay Tích Lạ

Tập tư quảng ích

Ý của câu thành ngữ này là dùng để ví với việc tập trung trí tuệ và ý kiến của mọi người, khiến việc làm càng tốt và có hiệu quả hơn.

Câu thành ngữ này có xuất xứ từ một bài viết của Gia Cát Lượng.

Thời Tam quốc, sau khi Lưu Bị mất, con trai Lưu Thiền lên nối ngôi, nhưng mọi việc trong triều đều phó thác cho Gia Cát Lượng, nên Gia Cát Lượng đã thực sự trở thành nhân vật chủ chốt trong chính quyền nước Thục. Tuy Gia Cát Lượng có uy tín cao, nhưng ông không vì thế mà tỏ ra độc quyền tự mãn, mà luôn luôn để ý lắng nghe và hấp thu ý kiến của mọi người.

Bấy giờ, có một chủ bộ phụ trách công việc văn thư trong phủ thừa tướng tên là Dương Ngung, rất có thành kiến đối với tác phong làm việc của Gia Cát Lượng. Ông nói với Gia Cát Lượng rằng, trong khi quyết sách việc lớn nhà nước, cấp trên và cấp dưới phải có sự phân công rõ ràng. Ông còn đưa ra một số dẫn chứng nổi tiếng trong lịch sử, khuyên Gia Cát Lượng không nên tự mình phê duyệt mọi văn kiện và quá chăm chú vào các công việc nhỏ nhặt, mà phải phân công cho cấp dưới làm, còn mình chỉ nên tập trung vào nắm các việc lớn quân sự và chính trị nhà nước.

Gia Cát Lượng rất khiêm tốn cảm ơn Dương Ngung, nhưng một mặt ông cũng rất lo mình phụ lời ủy thác của Lưu Bị , nên vẫn cứ tự mình giải quyết các công việc lớn nhỏ trong triều.

Về sau, Dương Ngung ốm rồi mất, Gia Cát Lượng vô cùng thương tiếc, than khóc đến mấy ngày mấy đêm .

Nhằm khuyến khích cấp dưới tham dự vào việc nước, Gia Cát Lượng đã viết một bài văn cáo, kêu gọi các quan văn võ hãy tích cực phát biểu ý kiến, tham gia nghị luận . Bài văn cáo viết: "Phủ thừa tướng cho phép mọi người tham gia thảo luận việc nước, mong qua đó tập trung trí tuệ và ý kiến của đông đảo quần chúng, lắng nghe kiến nghị bổ ích của các bên, để thu được hiệu quả càng tốt hơn ".

Hiện nay, người ta vẫn thường dùng câu thành ngữ: "Tập tư quảng ích" để ví với việc tập trung rộng rãi trí tuệ và ý kiến của mọi người, khiến việc làm có hiệu quả tốt hơn.

No comments:

Post a Comment