Dùng hiếu trị thiên hạ
Ngu Thuấn, vốn mang họ Diêu, tên là Trọng Hoa. Cha ông được gọi là “Cổ Tẩu” (có nghĩa là kẻ mù lòa), là một người không biết lý lẽ, rất ngang ngược cố chấp, đối xử rất tệ với Thuấn.
Mẹ của Thuấn tên là Ốc Đăng, là một người rất tốt bụng, nhưng không may đã qua đời khi Thuấn còn rất nhỏ. Thế là người cha kia cưới thêm vợ. Người mẹ kế là một người phụ nữ không có đức hạnh. Sau khi bà ta sinh em trai tên Tượng, thì người cha thiên vị chỉ thương người mẹ kế này và đứa em trai đó, ba người họ thường hùa nhau để trách chửi và hại Thuấn.
Nhưng Thuấn lại vô cùng hiếu thảo với cha mẹ. Dù cho cha, mẹ kế và em trai coi ông như một cái gai trong mắt, muốn ông sớm biến đi, thì ông vẫn cứ một mực tôn kính hiếu thuận với cha mẹ và yêu thương người em trai này. Ông hy vọng sẽ làm hết sức mình để làm cho gia đình ấm áp hòa thuận, và có thể chia sẻ niềm vui với họ.
Lúc nhỏ, khi chịu sự trách cứ của cha mẹ, thì suy nghĩ đầu tiên trong lòng ông chính là: “Chắc là mình làm việc không tốt ở đâu rồi, nên mới làm cho họ tức giận như vậy”. Thế rồi ông lại càng cẩn thận nghiêm khắc kiểm điểm lại hành vi lời nói của mình, và nghĩ cách để làm vui lòng cha mẹ. Nếu như gặp phải sự trêu đùa gây khó vô lý của em trai, thì ông không những khoan dung, mà còn tự cho rằng chính mình đã không làm được một tấm gương tốt cho em noi theo, nên mới khiến cho đạo đức cư xử của người em khiếm khuyết như vậy.
Ông thường hay tự trách mình, đôi khi ông thậm chí còn chạy ùa ra cánh đồng mà òa khóc, tự hỏi tại sao mình không thể làm mọi việc một cách hoàn hảo để có được sự yêu thích của cha mẹ. Người ta nhìn thấy ông từ tấm bé đã hiểu chuyện và biết hiếu thuận như thế, ai ai cũng hết sức lấy làm xúc động.
Một lần nọ, Cổ Tẩu để Thuấn leo lên sửa mái nhà. Sau khi Thuấn đã đi lên, Cổ Tẩu liền phóng hỏa ngay bên dưới. Khi ngọn lửa hừng hực bốc lên, trong lúc vô cùng nguy hiểm đó, chỉ nhìn thấy hai tay Thuấn cầm mỗi bên một chiếc nón lá lớn, bình tĩnh nhảy xuống đất giống như một chú chim đại bàng vậy, thế là thoát nạn.
Trong một lần khác, Cổ Tẩu sai Thuấn đi đào giếng. Khi Thuấn đào đến nơi rất sâu rồi, thì Cổ Tẩu và Tượng đổ rất nhiều đất xuống giếng, cố ý muốn giết chết Thuấn. Khi Tượng đắc ý tưởng rằng toàn bộ tài sản của Thuấn đều đã thuộc về mình, thì bỗng nhiên nhìn thấy Thuấn đi vào, khiến anh ta hết sức hoảng hốt, nhưng mặt Thuấn lại không tỏ ra nóng giận chút nào, làm như không có chuyện gì xảy ra vậy. Sau đó Thuấn càng tận tình chăm sóc cha mẹ và đối xử tốt với người em trai mình hơn nữa.
Tấm lòng hiếu thảo chân thành này của Thuấn không chỉ làm những người láng giềng cảm động, mà còn khiến cho trời đất vạn vật đều phải xúc động. Ông đã từng trồng trọt ở khu núi Lịch Sơn, chung sống vô cùng hòa thuận với núi rừng cây cối, chim thú, rắn cá; những con vật đều vui lòng đến giúp đỡ ông.
Chú voi hiền lành tốt bụng đến đây để giúp ông cày ruộng; những chú chim nhỏ nhắn nhanh nhẹn, lũ lượt kéo đến giúp ông làm cỏ. Mọi người trông thấy những điều đó đều hết sức ngạc nhiên và ngưỡng mộ, họ đã tận mắt chứng kiến sức mạnh to lớn của sự đức hạnh. Mặc dù vậy, nhưng Thuấn vẫn rất tử tế và khiêm tốn, lòng hiếu thảo của ông đã được nhiều người khen ngợi và đồn đại.
Khi Thuấn thừa kế ngai vàng, ông không cảm thấy vui vẻ, ngược lại còn buồn bã nói rằng: “Ngay cả khi ta làm được đến hôm nay, thì cha mẹ vẫn không thích ta, ta làm thiên tử, làm hoàng đế thì cũng có tác dụng gì đâu?”. Lòng tận hiếu với trái tim chân thành này khiến cho ai nấy đều thấy đồng cảm mà muốn rơi nước mắt! Tuy nhiên, trời cao không phụ lòng người, lòng hiếu thuận của Thuấn cuối cùng đã cảm hóa được cha mẹ và cả em trai Tượng.
Trong “Trung Dung”, Khổng Tử cũng hết lòng ca ngợi Thuấn: “Lòng hiếu thảo của Thuấn vô cùng to lớn”. “Hiếu động lòng trời” của Thuấn cũng được ghi chép làm câu chuyện đầu tiên trong quyển “Nhị thập tứ Hiếu” (24 câu chuyện về lòng hiếu thảo).
No comments:
Post a Comment