Chúng ta cũng nói đến một trạng thái khác đó là một tình cảm hiếu thuận. Hãy nghĩ như vầy, qúi vị có một người mẹ đã hy sinh cả cuộc đời cho con cái và bây giờ nếu chúng ta nói một điều làm cho mẹ buồn thì chắc trong lòng của chúng ta cũng đau lắm, bởi vì sao? chúng ta thương mẹ và chúng ta mong rằng ở trong cuộc đời này mình không vì lý do này lý do khác nói những lời đại nghịch bất đạo làm cho mẹ phải buồn phải cảm thấy chua xót, nếu mình làm cái gì đó mà mẹ chua xót thì thật sự ở trong lòng mình đúng là một điều bất an khôn tả. Tình cảm đó cũng tốt.
Nếu chúng ta nghĩ xa một chút, lỡ mai này ở trong cuộc luân hồi mẹ không còn là mẹ của mình nữa, mẹ là một người nào đó xa lạ, là một người hàng xóm hay một người xa lạ bây giờ mình gặp lại và nếu mình nặng lời, nếu mình có một cách đối xử xấu, thì khi biết ra thì rất là đau lòng.
Như vậy, một số trong chúng ta có nặng tình quyến thuộc, có nặng tình thân đối với cha đối với mẹ, đối với anh chị em, thì tình đó nếu chúng ta xét kỹ đến sanh tử trong luân hồi cũng giúp cho chúng ta vượt thắng được những cơn giận đối với chúng sanh.
Biết đâu một người mà mình đang giận đã từng là bà con quyến thuộc của mình, biết đâu một người nào đó mình đang thù ở trong kiếp này vì sự tranh danh đoạt lợi, vì sự va chạm, người đó ngày xưa đã từng ban ơn cho mình, có thể là ơn dưỡng dục cũng có, có thể là những ơn sâu cũng có.
Trong chiều dài thăm thẳm của kiếp luân hồi rất khó tìm một nơi nào ở trên trái đất này mà ở nơi đó chưa từng có chúng sanh chết, khó tìm người nào trong vòng luân hồi này mà trong quá khứ xa xưa mà đã chưa từng là bà con quyến thuộc của mình. Bà con quyến thuộc mà mình đang thương, mình đang quan tâm đến hiện tại bây giờ là tại vì chúng ta chỉ thấy có một đời một kiếp.
Nếu chúng ta nặng tình quyến thuộc thì chúng ta phải nghĩ nên đem lòng từ đối với tất cả chúng sanh, bởi vì sao? Bởi vì không khéo thì có thể mình sẽ tạo nên những khổ đau cho những người đã từng là cha là mẹ là anh là chị là quyến thuộc của mình, cái đó cũng là một lẽ để chúng ta suy tư.
TT Giác Đẳng - Pháp Thoại - Tu Tập Tâm Từ
No comments:
Post a Comment