TT Giác Đẳng giảng trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 19-2-2013, Thiên Ân chuyển biên
TT Giác Đẳng: Ở trong bài học ngày hôm nay, chúng tôi cần nói với quý Phật tử rằng đây là một đề tài mang tính trắc nghiệm cái nhìn của chúng ta đối với Phật Pháp, đặc biệt là chúng ta có dành thì giờ để nghiên cứu để thực hiện Phật Pháp. Đề tài này sở dĩ gọi là đề tài mang tính thách thức là bởi vì đa phần khi chúng ta nhìn vào chúng ta nhìn một cách đại loại, tức là nhìn cho nó qua, chúng ta không thấy nó quan trọng.
Nhưng ở một phương diện khác, đề tài này là một đề tài cực kỳ quan trọng. Nếu quý vị ngồi trước mắt chúng tôi, chúng tôi nhìn thẳng vào quý vị, chúng tôi nói rằng khi đề cập đến 8 hạng người đáng kính trọng này, chúng ta phải đi qua một chủ đề vô cùng lớn lao đó là Ân Đức của Tăng Bảo. Một người Phật tử sống trong Phật pháp, quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, thì người Phật tử rất cần để biết thế nào là Phật Bảo, thế nào là Pháp bảo, thế nào là Tăng bảo. Và khi chúng ta nói đến Tăng Bảo, thì chúng ta đề cập đến Thánh chúng đệ tử Phật gồm Tứ san Bát bối hay là bốn đôi tám vị. Và khi nói đến bốn đôi tám vị hay nói một cách rõ hơn, là tám hạng người đáng được cúng dường, thì điều đó là một xác lập về: Ai thực sự gọi là Tăng, những bậc nào thực sư được gọi là Tăng, và Tăng bảo có những tánh hạnh, có những xứng đáng như thế nào.
Thưa quý vị, đề tài này vốn được nhìn ở trong một mức độ rất phiến diện bởi nhiều người. Lý do đơn giản là vì cái tên gọi. Trước tiên, chúng tôi muốn quý vị nhìn vào một cái nhìn rất quen thuộc khi chúng ta đề cập đến các vị Thánh đệ tử Phật, thì chúng ta nói là có bốn hạng Sa Môn là Đệ Nhất Sa Môn, Đệ Nhị Sa Môn, Đệ Tam Sa Môn và Đệ Tứ Sa Môn. Bốn hạng Sa Môn này được mô tả bằng một danh từ rất là hạn chế, đó là: Thất Lai, Nhất Lai, Bất Lai và Vô Sanh.
- Khi chúng ta nói Thất Lai, tức vị chứng đắc quả Tu Đà Hườn có nghĩa là khi chứng đắc quả này rồi, nếu vị này tái sanh ở cõi Dục Giới thì tái sanh không quá bảy lần.
- Vị Nhất Lai nghĩa là có trở lại thì trở lại nhiều nhất là một lần.
- Bất Lai nghĩa là sẽ không trở lại cõi Dục Giới nữa.
- Và vị Vô Sanh tức là không còn sanh tử luân hồi trong ba cõi.
Nói như vậy, đôi khi chúng ta ít mường tượng đến tính cách vĩ đại, đức tính cao quý của những vị này. Chuyện trở lại bao nhiêu lần hay không trở lại hay vĩnh viễn không tái sanh đối với chúng ta rất mơ hồ.
Chúng ta phải nhìn Bốn Đạo Bốn Quả trên ba góc cạnh, ba phương diện mà ba phương diện đó cho chúng ta thấy sự vĩ đại của chư vị Thánh.
1- Góc cạnh thứ nhất, chúng ta phải hiểu, khi đề cập đến Bốn Đạo, Bốn Quả. Bốn Đạo nghĩa là những vị có khả năng chặt đứt những sợi dây trói buộc, dây trói buộc đó gọi là (saṃyojana) hay còn gọi là Kiết sử, đó là sợi dây vô hình. Tại sao chúng ta ngày hôm nay vẫn là con người có phiền não và chúng ta không thể vượt thoát được sự trói trăn của mình? Có những người đi cả cuộc đời của mình mà cũng không đoạn tận những phiền não. Rất đơn giản, là vì sợi dây phiền não rất bền chặt. Mỗi người trong chúng ta phải hiểu được sự cột trói của dây phiền não nó bền chặt như thế nào, chúng ta trở đi, trở lại, trở đi, trở lại với sợi dây phiền não, thì chúng ta mới hiểu được tại sao cắt được sợi dây phiền não là một điều rất vĩ đại.
Chúng tôi nói một cách đơn giản khác, trong đời sống, một người nghiện rượu hay một người nghiện thuốc lá, bây giờ họ bỏ được rượu, bỏ được thuốc lá, quý Phật Tử có thấy vĩ đại không? Chắc chắn là chúng ta thấy họ có nghị lực rất lớn. Nhưng chuyện bỏ rượu, bỏ thuốc lá hay cai cần sa ma túy, nó rất nhỏ bé so với một vị có thể đoạn tận tất cả những kiết sử, như là đoạn tận thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ của vị Tu Đà Hườn, hay là giảm nhẹ dục ái và sân của vị Tư Đà Hàm, đoạn tận dục ái và sân của vị A Na Hàm, và vị đoạn tận Sắc Ái, Vô Sắc Ái, Ngã Mạn, Phóng Dật, Vô Minh như vị Thánh Vô Sanh hay chúng ta thường gọi là A La Hán. Không phải là chuyện dễ. Chúng ta ít có khi nào đánh giá hết được cái sự trói trăn, cái sự cột chặt đó ra sao.
Có những lần, chúng tôi xem những phim về ảo thuật, có những ảo thuật gia rất tài ba, họ bị cột vào những dây xích sắt và bị quăng vào trong một bồn nước. Họ chỉ có thời gian một vài phút để tự cởi trói rồi họ ra bên ngoài. Dĩ nhiên ở đó họ dùng xảo thuật. Nhưng mà, giả sử một người bị cột sợi dây vô trong tay rồi quăng xuống nước mà họ có khả năng tháo gỡ, vừa phải nín thở, vừa phải đủ bình tĩnh để tháo ra thì chúng ta thấy tâm phục khẩu phục rồi phải không? Nhưng cái đó thực sự chưa có gì so với sợi dây Kiết Sử ràng buộc.
Mình cứ nói như vầy, bây giờ mình nói đơn giản là lòng tự ái, lòng tự ái của chúng ta là: Cái chuyện khen chê là một chuyện rất là phù du. Người ta khen mình thì nói: “Chị đẹp quá” hay là “Anh giỏi quá” hay là thế này thế kia. Cái chuyện đó rất là phù du. Nhưng nó làm ảnh hưởng tâm hồn của chúng ta. Nếu người ta khen thì mình vui, nếu người ta chê thì mình buồn. Và chuyện đó đày đọa chúng ta từ khi chúng ta biết cuộc đời cho đến khi chúng ta chết vẫn còn. Cái việc vứt đi thân kiến không dễ, không dễ, không dễ chút nào hết. Phải có một ý thức thấy được mãnh lực lớn lao của phiền não. Như là một lần, có một số các vị Tỳ kheo đi vào thành Xá Vệ, thấy những tội nhân bị xiềng xích, bị sợi sắt kéo trên đường phố. Các vị về bàn tán với nhau và Đức Phật nghe được chuyện đó thì Đức Phật Ngài dạy chư Tỳ kheo rằng, sự thực những sợi xích mình thấy chắc chắn đó không bằng sợi dây cột trói của thân và tâm, sự phiền não. Ở đây Đức Phật đề cập đến Kiết sử. Mình phải nhìn thấy sự cột trói ở phương diện như vậy thì mình mới thấy tại sao những vị có khả năng chặt đứt hay cởi ra sợi dây cột trói đó, sợi dây Kiết sử đó, đó là một việc làm rất là vĩ đại.
Chúng ta thường học Phật ở trong cái nhìn qua loa, mình không thấy tính cách trọng yếu của điểm này.
2- Bây giờ, chúng tôi nói sang khía cạnh thứ hai. Ở khía cạnh đầu tiên, chúng ta nói đến khả năng đoạn Kiết sử của một vị Sơ Đạo, Nhị Đạo, Tam Đạo, Tứ Đạo. Nhưng mà đời sống của một vị Sơ Quả, Nhị Quả, Tam Quả, Tứ Quả có những điều vi diệu lắm.
Lấy một ví dụ như vầy, một vị Sơ Quả bằng niềm tin bất thối, ví dụ như vị đó làm phước, vị đó giàu cũng làm phước, nghèo cũng làm phước, việc đó chúng ta thấy đáng nể rồi. Việc người ta đến mua chuộc mình để bỏ Đạo, bỏ Phật, Pháp, Tăng, các vị không thể bỏ, dù cho có lời hứa hẹn, điều đó mình thấy cũng đáng nể rồi. Nhưng mà chúng ta nói như vậy, những bậc càng thanh tịnh, thì quả thực các vị đó càng xứng đáng cúng dường. Về điều này, nó khó diễn tả mà người Phật tử khó hiểu. Nhưng mà nói như vậy, khi chúng ta tạo phước, một người khi họ nhận sự cúng dường, tâm càng ít đắm nhiễm với vật cúng dường, tâm càng thanh tịnh thì phước càng nhiều.
Chúng tôi lấy ví dụ: bây giờ mình đem tiền cho một người ăn xin, người ăn xin thấy được tiền họ mừng rỡ, họ nghĩ đến chuyện lấy tiền đó mua đồ ăn ngon, mua rượu uống, thì chuyện mình bố thí như vậy có phước chứ không phải không có phước, nhưng phước đó không thù thắng. Điều đó rất là lạ. Nhưng khi mình cúng dường đến bậc tu hành, bậc đó khi nhận thực phẩm thay vì cảm thấy đắm nhiễm trong thực phẩm đó, thì bậc đó biết quán tưởng, thực phẩm này vốn là vật thanh tịnh, bây giờ mình ăn vào thì trở thành bất tịnh hay mình ăn để nuôi mạng chứ không phải ăn để đắm nhiễm. Một chút suy tư như vậy cũng tạo ra phước báu vô lượng cho vị thí chủ.
Nói một cách khác, Đức Phật Ngài dạy rằng khi làm phước, tâm người bố thí thanh tịnh, tâm người thọ thí cũng thanh tịnh thì phước báu là vi diệu. Nhưng người thọ thí thanh tịnh khó lắm.
Đời sống con người bây giờ, chúng tôi lấy ví dụ, chúng ta là người sống nặng về tiền bạc, bây giờ có ai đem tiền đến cho chúng ta, cho một hai trăm ngàn thì đương nhiên chúng ta cảm thấy sung sướng, cảm thấy vui, cảm thấy đắm nhiễm, thậm chí tăng lên ngã chấp: “Oh, mình phải có phước lắm, mình phải thế này thế kia người ta mới cúng cho mình nhiều tiền như vậy.” Chính tâm tham đắm đó làm cho phước của vị thí chủ không được thù thắng.
Nhưng nếu quý vị cúng dường gì đó cho một bậc không có phiền não, vị đó nhận cũng được và chỉ dùng như một nhu cầu vừa phải thì thật sự phước đó vi diệu. Bởi vì có một điều rất là trớ trêu, có đôi khi, rất khó nói với quý Phật tử. Giả sử quý Phật tử mang thức ăn đến cho Chư Tăng, quý vị để ý chung chung, nếu Chư Tăng thọ thực và Chư Tăng khen rằng bữa nay cô nấu đồ ăn ngon quá, ăn thấy ngon miệng, thì thật sự ai cũng vui hết. Chúng tôi làm trụ trì chúng tôi biết, ai cũng vui hết. Nhưng ít có Phật tử nào biết rằng, khi Chư Tăng ăn không có đắm nhiễm, nghĩa là ăn có quán tưởng là mình ăn chỉ để nuôi mạng thôi, thì chính sự quán tưởng đó sẽ làm cho vị thí chủ có phước hơn là một vị sư thọ thực mà cảm thấy đắm nhiễm với thực phẩm đó. Nhưng mà người đời không nhìn thấy như vậy. Người thế gian đi chùa đem thực phẩm đến cúng dường Chư Tăng mà Chư Tăng càng thích thú, càng thích ăn món ăn đó thì quý vị nghĩ như vậy có phước nhiều. Nhưng ở trên thực tế, Đức Phật Ngài dạy rằng, cúng dường đến những bậc ly trần vô cấu, ly tham thì mới thật sự có phước.
Thì ở đây chúng ta nói về trường hợp của các bậc Thánh, đời sống một vị Thánh Tu Đà Hườn, vị thành tựu niềm tin bất thối, không còn những tà kiến, hay vị Thánh Tư Đà Hàm, vị đã giảm nhẹ dục ái và sân, tức giảm nhẹ sự đắm nhiễm đối với sắc, thinh, khí, vị, xúc và giảm nhẹ sân, vị A Na Hàm là vị đoạn tận dục ái và sân. Vị A La Hán là vị đã đoạn tận 5 hạ phần kiết sử (đã đoạn tận rồi), 5 thượng phần kiết sử: sắc ái, vô sắc ái, ngã mạn, phóng dật, vô minh đều đoạn tận hết. Thì thật sự những vị đó chính là những phước điền vô cùng cao cả. Trong cuộc sống đôi khi mình phải hiểu những chuyện này.
Nhiều lúc chúng tôi đưa quý Phật tử đi sang Ấn Độ hay đi khắp nơi hành hương, chúng tôi dẫn quý vị đến một tháp để thờ chư vị A La Hán, như là Xá Lợi chẳng hạn. Xá Lợi Ngài Xá Lợi Phất, Ngài Mục Kiền Liên được thờ tại Bồ Đề Đạo Tràng hay tại Vườn Lộc Uyển. Chúng tôi rất tiếc là không có cách nào để nói hết nói đủ, để quý vị thấy được sự cao cả của các bậc Thánh đã đoạn tận phiền não, cho dù bây giờ các Ngài viên tịch mà mình đến Xá Lợi các Ngài mình đảnh lễ thì mình cũng tạo được rất nhiều phước báu. Thành ra mình nên có một tâm nguyện như vậy: Làm sao mình tu tập mình có duyên để đời sau mình sinh ra đời ở quốc độ có các vị Thánh nhân, các vị giải thoát, để mình có thể được gặp, có thể được nghe các vị hướng dẫn, hoặc giả là để đảnh lễ các vị đó, hoặc để cúng dường các vị đó. Chuyện đó là một phước hạnh rất là cao quý rất là vĩ đại. Có nhiều Phật tử hay nguyện mình trúng số độc đắc, nhưng rất ít Phật tử có ước nguyện rằng mình gặp được những bậc Thánh nhân. Thật ra khi gặp được các bậc Thánh, dù là Tu Đà Hườn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm hay A La Hán với tâm tư đã đoạn tận một phần hay đã đoạn tận hết kiết sử thì các vị đó đúng nghĩa là phước điền vô thượng ở đời.
Nên khi chúng tôi nói như vậy, quý Phật tử đế ý, khi Đức Phật Ngài nói về Phật, về Pháp, về Tăng. Khi Ngài nói về Tăng, Ngài đặc biệt nói về Tứ san Bát bối, tức những bậc Thánh đệ tử đã từ sự khai thị của Đức Phật mà đã chứng hoặc là Tư Đà Hườn, Từ Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán. Và Đức Phật Ngài khen rằng vị đó có bốn hạnh:
- Đặc biệt hạnh thứ nhất gọi là: Thiện hạnh (Supaṭipanno), tức những vị khéo thực hành. Quý vị biết rằng ở trong cuộc đời này không phải ai làm gì cũng thành công hết. Mà để làm thành công thì họ có cái khéo nhất định của họ, thì cái khéo đó mình gọi là Supaṭipanno, Thiện hạnh.
- Hạnh thứ hai gọi là Trực hạnh, tức mình đau thì mình trị bệnh, đói thì mình ăn, khát nước thì mình uống, chứ không phải mình đi vòng vo tam quốc. Chúng tôi nói ví dụ như bây giờ: Mình khổ, trong lòng mình khổ, thay vì mình ngồi xuống để nhìn vào cái phiền não, mình đối trị phiền não thì mình lại chạy đi tìm ông A bà B nào đó mình tâm sự để xin người đó, họ vuốt ve, họ làm cho mình bớt khổ. Tức là chúng ta, nói theo ngôn ngữ của thế gian là đi cà vòng ở bên ngoài, không bao giờ thấy trực tiếp cái khổ. Quý vị thấy hằng năm, có bao nhiêu ngày Tết, bao nhiêu người đi chùa để dâng hương, để cầu phước, để cầu an lạc. Nhưng thật ra nếu mình thật sự tu tập, thì niềm an lạc đó mình có thể tạo được, ví dụ như bằng pháp bố thí, trì giới, thiền định hay là ở trong giờ phút mình nghe pháp, mình lắng đọng tâm tư để tạo sự an lạc. Nhưng mình không chịu tạo cái an lạc cho mình. Mình lại đi chỗ này đi chỗ kia. Người ta có một thí dụ là: Ở trên tay mình có một cái đồng hồ, nhưng mình không coi giờ, lại đi hỏi giờ người khác. Thì đời sống chúng ta, chúng ta thiếu một điều là Ujupaṭipanno, gọi là trực hạnh. Trực hạnh tức là mình nhìn vấn đề một cách cụ thể, một cách trực tiếp. Cụ thể trực tiếp giúp cho mình nhiều lắm. Như ở trong kinh doanh, người ta nói “Mua tận gốc, bán tận ngọn” thì làm ăn khá. Tức không phải qua trung gian. Đời sống của chúng ta, cái nhìn của chúng ta, sự tu tập của chúng ta thường hay qua trung gian. Trung gian đó là vì sao? Chúng ta không quý trọng sự trải nghiệm, kinh nghiệm của mỗi cá nhân trực tiếp của mình. Ví dụ như mình có tham, có sân, mình có những sự hoan hỷ, mình có thiện tâm thiện pháp, mình không chịu nhìn, không chịu phát triển nó, mà tối ngày mình cứ nghĩ rằng đi tìm một ai đó để cố vấn cho mình, đi tìm một ai đó để họ cho mình những thứ đó, đi tìm một ai đó để mình gửi gắm, để mình ký thác, nhưng mình không trực tiếp thực hiện, thành ra mình thiếu cái mà Đức Phật gọi đó là Trực hạnh. Các bậc Thánh có một điểm mà Đức Phật khen là Ujupaṭipanno (Trực hạnh).
- Các bậc Thánh cũng có Ñāyapaṭipanno là Như hạnh. Như hạnh nói một cách rõ hơn là Như lý hạnh, tức vị đó sống hợp nguyên tắc thiên nhiên, với những định lý thiên nhiên. Chúng tôi lấy ví dụ là trong cuộc sống của chúng ta, tim chúng ta có quá nhiều cholesterol thì nó có vấn đề. Thành ra mình biết định lý là mình sống sao đó hợp cách để bớt cholesterol thì mình tránh cơn nạn về tim. Hoặc giả là ở trong cuộc sống của mình, mình biết rằng mình muốn đạt được điều gì đó thì mình phải quân bình, nếu cực đoan quá thì mình sẽ chao đảo. Cái luật trung đạo quân bình cũng là luật thiên nhiên. Một người có những thành tựu trong sự tu tập thì người đó phải đi theo định luật gọi là Như hạnh. Như hạnh hay Như lý hạnh ở đây, Như lý tức là hợp với lẽ thật, hợp với định luật thiên nhiên, hợp với Pháp. Chúng tôi lấy một ví dụ là quý vị nấu chè hay nấu thức ăn, có người nấu chè đậu nhưng hạt đậu không mềm mà bị sượng đi hay luộc rau mà rau không xanh lại bị sạm đi là vì chúng ta không luộc đúng cách. Cái gọi là đúng cách, hợp cách, hợp với thiên nhiên, hợp với quy luật của thiên nhiên, cái đó chúng ta gọi là Ñāyapaṭipanno.
- Một cái nữa gọi là Sāmīcipaṭipanno tức Chân chánh hạnh, không chỉ làm hợp cách mà còn làm một cách cao quý. Thường trong Đạo Phật định nghĩa “Chân chánh” có nhiều cách. Chữ “Chân chánh” có nghĩa là việc làm đó lợi cho người, lợi cho mình, hoặc là lợi cả hai. Việc làm đó không có gì tà vại thì gọi là Chân chánh.
Dù là Thiện hạnh, Trực hạnh, Như hạnh, Chánh hạnh thì bốn điều này đều nói lên sự vĩ đại của Tăng Bảo, đều nói lên sự vĩ đại của tám bậc đáng cúng dường, tức Sơ Đạo, Sơ Quả, Nhị Đạo, Nhị Quả, Tam Đạo, Tam Quả, Tứ Đạo, Tứ Quả. Khi nói đến đáng cúng dường, Đức Phật dùng nhiều từ ngữ rất hay. Ở trong sự đáng cúng dường đó có năm khía cạnh, hay năm phương diện mà vị đó đáng cúng dường.
Phương diện đầu tiên gọi là “Āhuṇeyyo” tức sự cúng dường bằng tấm lòng tôn kính. Chúng tôi lấy ví dụ như là: Trong cuộc sống của chúng ta, chúng ta thường cúng hương đăng hoa quả lên bàn Phật, hay chúng ta cúng dường những vật quan trọng lên thầy Tổ, hay lên cha mẹ. Nhưng cái lòng cung kính, tức cung kính đối với vật thí, cung kính đối với đối tượng thí, cung kính trong tư cách bố thí của mình thì Bốn Đạo, Bốn Quả, hay Tứ san bát bối hay tám hạng người đáng cúng dường là những bậc gọi là” Āhuṇeyyo” xứng đáng nhận được sự tôn kính đó bằng lòng cung kính. Sự cúng dường bằng lòng cung kính mà chúng tôi gọi là xứng đáng nhận lễ phẩm.
“Pāhuṇeyyo” nghĩa là các vị xứng đáng thọ nhận với sự thương mến, với sự thân thiện. Thường thường chúng ta gọi là “tặng phẩm”. Ví dụ mình đi xa, mà mình có một người nào đó rất thân, rất thương. Mình về mình muốn có một cái gì đó mình tặng như một người bạn thân. Trong Đạo gọi là “Pāhuṇeyyo”. Hòa Thượng Hộ Giác hay gọi là đạo tịnh hay là sự thân thiện, hay sự thân ái. “Pāhuṇeyyo” chúng ta gọi là xứng đáng nhận tặng phẩm, nhưng chữ tặng phẩm ở đây tức là xứng đáng nhận tặng phẩm cho với sự thân ái. Nói một cách khác là những vị này là những người bạn lành. Mình tưởng tượng mình sống trong cuộc đời, có những người mình hoàn toàn có thể tin được tại vì họ sống rất trong sạch về giới. Mình hoàn toàn có thể tin tưởng được là vị đó không có thân ác hạnh, khẩu ác hạnh, ý ác hạnh. Mình hoàn toàn có thể tin tưởng được vì vị đó mang lại phúc lạc và tiến hóa cho mình. Thì những vị đó đúng là bạn lành. Bạn lành tức những vị rất đáng nhận sự cúng dường bằng tấm lòng thương mến gọi là “Pāhuṇeyyo”.
“Dakkhiṇeyyo” là một chữ rất quan trọng. “Dakkhiṇeyyo” có nghĩa là xứng đáng nhận sự cúng dường của những người muốn cầu phước, mà chúng ta gọi là “xứng đáng nhận tế phẩm”. Lấy ví dụ như là, thân mẫu của chúng tôi mất, chúng tôi làm phước thỉnh Chư Tăng đến để cúng dường đến đại tăng để cầu phước để hồi hướng. Cái chuyện chúng ta làm phước đó gọi là gọi là” Dakkhiṇādāna”, tức một sự cúng dường nhưng trong sự cúng dường đó vị thí chủ mong cầu tạo được phước để hồi hướng, gọi là “Dakkhiṇeyyo”.
“Añjalikaraṇīyo” là xứng đáng được chắp tay kính lễ. Chắp tay ở đây khác với chắp tay chào. Quý vị đưa tay lên chắp tay với chúng tôi chỉ là chắp tay chào thôi. Ở Ấn Độ hay ở nhiều nơi người ta hay chắp tay để chào. Nhưng chắp tay kính lễ nghĩa là chắp tay đưa lên ngang trán, cuối đầu xuống một chút. Quý vị về các quốc gia Phật giáo quý vị hiểu được chắp tay chào nhau khác chắp tay kính lễ. Quỳ xuống đảnh lễ cũng là “Añjalikaraṇīyo”, tức xứng đáng được đảnh lễ.
“Anuttaraṃ puññakkhettaṃ lokassā”, tức là phước điền vô thượng ở thế gian. Ở đây, về điểm này, Đức Phật Ngài có nói một vài điều rất là đặc biệt mà chúng ta phải lưu ý. Ngài nói rằng có hai sự khác biệt giữa một cá thể và một cộng đồng. Một cá thể dù có cao quý đến đâu đi nữa thì cũng không bằng cộng đồng. Đây là điều chúng ta phải nhớ. Ở trong chữ Hán, dùng một từ chúng tôi rất thích là “thống lý đại chúng”. Tức một người hiểu rõ tính cách vĩ đại của đại chúng. Đại chúng tức một số đông, cái gì gọi là chung thì mình tôn trọng. Chúng tôi lấy ví dụ như mình làm việc sinh hoạt ở trong room Phật Pháp Buddhadhamma, có TT. Pháp Tân, TT. Pháp Đăng, vị này vị kia, thì cái chuyện quý vị Phật tử thương mến hay quý trọng một vài cá nhân thì đó là một chuyện khác. Nhưng nói đến hội chúng, nói về đám đông thì đó là một chuyện hoàn toàn khác.
Tại vì sao vậy? Khi chúng ta nói đến một cộng đồng hay một đám đông thì đó giống như một bản nhạc giao hưởng, bản nhạc giao hưởng đó là sự kết hợp của nhiều nhạc khí, nhiều nhạc cụ, nhiều hòa âm, một sự hòa âm tạo ra âm thanh hoàn toàn khác. Có đi, có sống, có hiểu thì mới thấy được giá trị của đại chúng quan trọng như thế nào, giá trị của số đông quan trọng như thế nào. Ở trong cuộc đời, có một điều rất lạ là cá nhân của chúng ta có thể là cao quý hoặc không cao quý nhưng chính ý lực của phần đông thì nó tạo nên những điều mang tính vượt thoát. Chúng tôi lấy ví dụ đơn giản là trong những xã hội thời xưa, người ta hay phụ thuộc vào quyết định của một cá nhân như một vị vua hay một nhà lãnh đạo. Nhưng ngày nay, khi người ta đề cập đến dân chủ là người ta nói đến quyết định của phần đông. Dĩ nhiên không phải chuyện gì cũng đem ra mấy trăm triệu người quyết định, nhưng mấy trăm triệu người đó có khả năng ủy thác cho một người nào đó bằng cách bầu chọn một người nào đó lên làm tổng thống chẳng hạn, và người đó có quyền để quyết định. Thì như vậy người đó làm việc là do sự ủy thác của phần đông. Cái đó nó cũng mang tính đại chúng. Tinh thần “thống lý đại chúng” của Đạo Phật ở một phương diện nào đó nó tương tự như giá trị dân chủ. Nghĩa là không cần biết ở trong cộng đồng đó, xã hội đó đẹp xấu hay dở cao thấp như thế nào, nhưng những ý kiến, những tùy thuận, sự làm việc mà nó là sự hợp quần của một cộng đồng, của nhiều người thì bao giờ nó cũng có giá trị.
Quý Phật tử để ý một điểm này, có nhiều Phật tử nói với chúng tôi rằng, trong số chư vị giảng sư vào trong room giảng thì quý vị thích vị này hay là quý vị chuộng nghe vị này nói hay quý vị chuộng nghe vị kia nói chuyện. Nhiều khi chúng tôi phải mất thì giờ để chúng tôi giải thích là đối với chúng tôi, giá trị của công việc sinh hoạt như room Phật pháp Buddhadhamma ở đây không phải giá trị của Thượng Tọa Tuệ Siêu một mình, hay chúng tôi một mình hay Thượng Tọa Pháp Đăng một mình, Thượng Tọa Pháp Tân một mình, Đại Đức Huệ Tiến, hay Đại Đức Pháp Tín, mà đó là một sự cộng hưởng, đó là sự hợp tác của nhiều người. Sự hợp tác của nhiều người có một điều vô hình trung nó tạo thành cái chuẩn mực. Lấy ví dụ như là khi chúng tôi làm việc cá nhân thì chúng tôi muốn nói sao cũng được. Nhưng khi chúng tôi làm việc với Chư Tăng, thì chúng tôi phải tìm một tiêu chuẩn nào đó mà tất cả Chư Tăng đều phải đồng ý với nhau. Ví dụ như, ở đây có nhiều Phật tử không để ý, nhưng mà Chư Tăng làm việc ở trong room thì bao giờ cũng lấy Tam Tạng Pali để làm chuẩn mực hết. Thượng Tọa Tuệ Siêu có nói gì thì nói, chúng tôi có nói gì thì nói, Thượng Tọa Pháp Tân, Thượng Tọa Pháp Đăng có nói gì thì nói hay chư vị khác cũng vậy, thì cũng phải dựa trên Tam Tạng kinh điển mà nói. Nếu nói đi xa ngoài đó thì chúng ta có thể kéo trở lại. Cái chuyện đại chúng rất là quan trọng.
Khi Đức Phật gọi Tăng chúng là vô thượng phước điền thì Đức Phật có dạy điều này, mà quý Phật tử thật sự khó hiểu. Ví dụ như Ngài nói rằng: Một việc cúng dường đến tứ phương Tăng vẫn có phước hơn cúng dường cá nhân một vị Phật. Chuyện đó không phải đơn giản.
Trong kinh “Cúng Dường Phân Biệt trong Trung Bộ Kinh, Di mẫu Māyāpatigotamī, may một bộ y để cúng dường đặc biệt cho Đức Phật bằng tất cả lòng thương, với tất cả tâm kính trọng, nhưng Đức Phật vẫn nhấn mạnh một chuyện là cúng dường đến Đại Tăng vẫn có phước hơn. Và đó là cái nhìn của Đức Phật, một bậc Đại Giác. Nhiều khi chúng ta phải ngồi ôn lại, nhai lại. Như khi chúng tôi sống ở tại đây, Ngài Hòa Thượng Hộ Giác, Ngài là vị trưởng lão, không chỉ tuổi đạo mà còn tuổi đời, không phải chỉ là bậc thầy mà còn là bậc lãnh đạo. Ngài có chức này chức kia. Nhưng mà quý vị biết một điều mà Ngài để lại cho Chư Tăng đó là, có những việc cần quyết định thì Ngài họp Chư Tăng lại, Chư Tăng có đồng tình với nhau, bàn bạc với nhau. Nếu một người nhìn vô thì cảm tưởng như Hòa Thượng là vị lãnh đạo, Ngài cũng là vị khôn ngoan, nhưng sao Ngài không tự quyết định mà Ngài phải họp Chư Tăng. Không phải, cái giá trị nó khác biệt lắm. Giá trị của cá nhân khác mà của đại chúng khác. Giá trị của đại chúng là mình ngồi xuống, mình thảo luận, mình đồng thuận. Và đồng thuận chính là bản nhạc giao hưởng khác với một người ôm cây đàn guitar hát, hay một thành viên xã hội ứng xử khác với một cộng đồng. Những điều đó khác biệt nhiều. Và chính cộng đồng, chính số lượng lớn như vậy, chỉ có Tăng bảo mới có được điều đó, Tăng bảo mới có điều vi diệu đó. Tăng bảo là một cộng đồng kết hợp bởi nhiều Thánh đệ tử của Đức Phật, do đó các Ngài là vô thượng phước điền ở đời.
Bây giờ chúng tôi muốn mời quý vị trở lại đề tài này, khi chúng ta nói về tám bậc đáng cúng dường, chúng ta nên biết về bốn yếu tính ở trong bài học này.
1. Yếu tính thứ nhất là được xem là Tăng bảo (sāvakasaṅgho), Tăng bảo đúng nghĩa là Tăng, là đệ tử Phật. Những vị đệ tử này là những vị đã trưởng thành từ lời dạy của Đức Phật. Còn Chư Tăng mà chúng ta gọi là “bhikkhu sangha” là Chư Tăng mang tính quy ước. Ví dụ một vị Tỳ kheo vào chùa, Chư Tăng thấy được rồi chào hỏi vị ấy là một thành viên của Tăng Già. Bốn vị trở lên gọi là Tăng, Tăng mang tính quy ước. Nhưng hội chúng của những bậc Thánh đệ tử Phật từ Sơ Quả, Nhị Quả, Tam Quả, Tứ Quả, thì những vị đó đúng là những người con của Đức Phật, lớn lên từ lời dạy của Đức Phật, trưởng thành từ lời dạy của Đức Phật. Chúng ta nói một cách khác các vị đó chính là những đệ tử Phật thực thụ. Còn khi chúng ta chưa đắc đạo, chứng quả, thì chúng ta còn khi vầy khi khác, lúc thăng lúc trầm. Riêng đối với các vị Thánh đệ tử Phật thì các vị mới là những đệ tử thực thụ, gọi là “sāvakasaṅgha”, tức Thinh văn đệ tử Phật, tăng chúng đệ tử Phật.
2. Khía cạnh thứ hai chúng ta nên biết, khi chúng ta đề cập đến tám hạng người đáng cúng dường gồm bốn đạo bốn quả thì chúng ta biết sự thù thắng của những vị này. Sự thù thắng của các vị này là điều chúng ta phải chiêm nghiệm. Ví dụ như là mình nói về bốn đạo Sơ Đạo, Nhị Đạo, Tam Đạo, Tứ Đạo. Sơ Đạo tức Tu Đà Hườn Đạo, Nhị Đạo tức Tư Đà Hàm Đạo, Tam Đạo tức A Na Hàm Đạo, Tứ Đạo tức A La Hán Đạo. Khi nói đến bốn bậc Thánh này, thì chúng ta hiểu được rằng bốn bậc Thánh có khả năng đoạn tận hay giảm nhẹ kiết sử và phải hiểu được tính chất bền chặt, nặng nề, xiềng xích của mười kiết sử đó thì chúng ta mới thấy sự vĩ đại của bốn Đạo. Mình không hiểu điều đó thì không thấy được. Hồi nãy chúng tôi có nhắc là một người nghiện trà, nghiện cà phê, nghiện thuốc lá, nghiện cần sa ma túy mà họ bỏ được thì mình đã phục rồi, nhưng chuyện cai thuốc, cai cà phê, cai thuốc lá mãi mãi không thể so sánh với chuyện đoạn tận kiết sử hết. Đoạn tận kiết sử là chuyện vĩ đại lắm. Và khi chúng ta nói đến bốn quả, thật ra hễ đắc đạo là đắc quả. Quả đó là một hệ luận tự nhiên đi theo Đạo, tức vị đắc Sơ Đạo thì sau đó là Sơ Quả. Đời sống của những vị Sơ Quả, Nhị Quả, Tam Quả, Tứ Quả là đời sống của những vị đoạn tận, giảm nhẹ phiền não, đời sống của vị đó có nhiều điều vi diệu mà chúng ta có thể cảm nhận được, cảm nhận một cách sâu xa về sự vĩ đại đó.
3. Điều thứ ba chúng tôi muốn nói ở tại đây, trên phương diện thù thắng thì Đức Phật gọi tám bậc đáng cúng dường là các Ngài thành tựu được bốn hạnh cao quý: Thiện hạnh (Supaṭipanno), Trực hạnh (Ujupaṭipanno), Như hạnh (Ñāyapaṭipanno), Chánh hạnh (Sāmīcipaṭipanno). Bốn hạnh này, nếu chúng ta có nhiều thì giờ để chúng ta thảo luận, thì chúng ta thấy rằng đó là một điều rất là vĩ đại. Và đó là khía cạnh thứ ba mà chúng ta phải biết.
4. Ở trong khía cạnh thứ tư mà chúng tôi nói nãy giờ, bởi bốn vị đó đã thành tựu những hạnh vĩ đại như vậy, do đó gọi các vị đó là
Āhuṇeyyo, xứng đáng được cúng dường với lòng tôn kính.
Pāhuṇeyyo, xứng đáng được cúng dường với tâm thương mến hay với tâm ái kính.
Dakkhiṇeyyo là xứng đáng nhận được sự cúng dường với tâm cầu phước.
Añjalikaraṇīyo, xứng đáng được chắp tay kính lễ, tức là xứng đáng được người khác nghiêng mình, hạ mình để lễ bái.
Và Anuttaraṃ puññakkhettaṃ lokassā tức xứng đáng được gọi là ruộng phước cao quý nhất ở đời.
Thì thưa quý vị, về những điểm này chúng ta phải hiểu và phải nghiền ngẫm, phải suy ngẫm rất nhiều để chúng ta thấy. Vấn đề của người Phật tử, ở tại các quốc gia Phật giáo thì không nói. Các quốc gia Phật giáo về điểm này thì rõ lắm. Nhưng Phật tử ở những quốc gia không phải Phật giáo thì thường thường là biết rõ về ân đức Phật, nhiều lắm là biết về ân đức Pháp, nhưng rất ít người biết về ân đức của Tăng. Và khi chúng ta nói về ân đức Tăng thì chúng ta phải nói đến tám bậc Thánh mà chúng ta đề cập là tám hạng người xứng đáng được cúng dường ngày hôm nay. Có nhiều khi chúng tôi đi đó đi đây, chúng tôi gặp Phật tử. Nhiều vị nghiên cứu Phật học, họ hay miệt thị chữ “Thinh văn” (sāvaka). Chúng tôi ngồi nghe và lấy làm tiếc là các vị đó không chịu tìm hiểu sâu. Nếu mà chúng ta chịu khó tìm hiểu sâu, chữ “Thinh văn” là một chữ rất đẹp. Thinh văn (sāvakosaṅgha), những bậc thánh đệ tử được khai thị bởi Đức Phật, biết lắng nghe chánh pháp, và từ sự lắng nghe có được thành tựu. Thì không có lý do gì chúng ta miệt thị những vị đó hết. Những vị đó đều là Tu Đà Hườn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán, đều là những bậc xứng đáng được chắp tay và mình đừng coi thường chuyện đó. Chúng ta đừng nói những vị đó là những vị ích kỷ, hạ căn, tiêu nha bại chủng. Đừng nghĩ như vậy. Nghĩ như vậy rất là tội. Tại vì sao? Thứ nhất, các vị đó là những bậc Tăng bảo. Và thứ hai, chính Đức Phật, chính từ kim khẩu của Đức Phật, Ngài cũng nói rằng, những vị đó là:
- Āhuṇeyyo, Pāhuṇeyyo, Dakkhiṇeyyo, Añjalikaraṇīyo, Anuttaraṃ puññakkhettaṃ lokassā, xứng đáng thọ nhận lễ phẩm, tặng phẩm, tế phẩm, kính lễ, là phước điền vô thượng ở đời.
Những điều đó là điều Đức Phật Ngài dạy. Phải thấy, phải hiểu và hiểu một cách rõ ràng, thì chúng ta mới thấy rằng tại sao những vị này là những vị xứng đáng được cúng dường.
Thưa quý vị, hôm nay, chúng ta đề cập đến tám bậc đáng cúng dường, chúng tôi nhắc lại một điều, thường thường chúng ta nhìn đề tài này một cách đại loại, thường cách chúng ta nhìn bậc Thánh, người ta nói “ăn cơm dưới đất, nói chuyện trên trời”. Điều đó cũng đúng một phần. Chúng ta ngồi nói chuyện về Phật, Phật này Phật kia, vị nào cao quý, và cơ hồ dường như chúng ta nghĩ rằng những quả vị, những Thánh quả này là những vị thấp, những vị nhỏ. Ở đây không phải vấn đề thấp nhỏ, mà chúng ta phải nhìn tính cách vĩ đại của những bậc đoạn tận, giảm thiểu các kiết sử. Thời Đức Phật còn tại thế, Ngài dùng những từ rất trang trọng để chỉ những bậc Thánh đáng cúng dường Đệ Nhất Sa Môn, Đệ Nhị Sa Môn, Đệ Tam Sa Môn, Đệ Tứ Sa Môn, tức những vị có tu, có chứng, có thành tựu, và những vị này mới được liệt vào Đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam, Đệ Tứ Sa Môn. Nếu có một điều gì đáng để hy cầu, đáng để mong đợi, đang để mong mỏi thì hãy mong mỏi như vậy. Chúng tôi lấy ví dụ như là: Đức Phật Ngài dạy rằng, nếu chư Tỳ kheo còn ước vọng mong mỏi rằng ở trong cuộc tu, mình sẽ trở thành một vị nào đó. Hình ảnh của Ngài Mục Kiền Liên, Ngài Xá Lợi Phất là hình ảnh đáng để mong mỏi, là những bậc giáo thọ sư, những bậc làm gương cho hậu thế. Và thưa quý vị, phải hiểu về tám bậc này ở trong ý nghĩa xuyên suốt thì chúng ta mới hiểu điều mà chúng ta gọi là thống lý đại chúng, tức ý nghĩa của đại thể, của cộng đồng, của tăng chúng.
Trong chữ Hán cũng có câu: “Đức chúng như hải”. Người ta nói “đức chúng như hải”, người ta nghĩ đến số đông thôi. Nhưng mà chính hội chúng gồm có bốn bậc Sa Môn, ở đây là Đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam, Đệ Tứ Sa Môn mới gọi là “đức chúng như hải”. Những câu đó nói chúng ta nghiệm, chúng ta nhìn về một góc cạnh nào đó thì chúng ta cảm thấy rất là thâm sâu, rất là thấm thía.
Chúng tôi chia sẻ với quý Phật tử điều này. Hiện bây giờ chúng ta không có duyên nhiều để gặp được các bậc Thánh, và thực sự dù chúng ta gặp chúng ta cũng không biết vị nào là Thánh nhân. Nhưng chúng ta còn có một duyên rất lớn, đó là chúng ta còn Tăng chúng, được hiểu theo số đông. Tức là khi nói đến Tăng thì chúng ta đừng nghĩ rằng sư A, sư B, thầy này thầy kia, chúng ta đừng nghĩ như vậy. Chúng ta nghĩ đến số đông. Và số đông đó cũng cho chúng ta một cái phước rất lớn, vi diệu. Nên bản thân cá nhân của chúng tôi, khi thân mẫu của chúng tôi mất hay khi Ngài Hòa Thượng mất, chúng tôi trong bổn phẩn làm con hay làm học trò đối với mẹ, đối với thầy tổ, điều mà chúng tôi tập trung làm nhiều nhất chính là những phước sự trai tăng cúng dường. Đối với nhiều Phật tử, quý vị xem đó giống như một nghi thức, nghi lễ bên ngoài. Nhưng thực sự là chúng tôi tin rằng, chính những buổi lễ trai tăng, những gì thuộc về số đông, về cộng đồng, mới thực sự mang lại phước báu thù thắng. Và Hòa Thượng Tịnh Sự, cũng là một vị thầy khai tâm, dạy chúng tôi học hồi xưa, Ngài thường ca ngợi, hoan hỷ về phước cùng dường Tứ Phương Tăng. Tứ Phương Tăng nghĩa rằng Chư Tăng là một cộng đồng, chứ không nghiêng về vị này, vị kia. Khi chúng tôi làm việc tại đây, một việc mà chúng tôi rất hoan hỷ đó là ở đây chư vị giảng sư thường có trên bốn vị Tỳ kheo cùng tu tập, cùng thảo luận, cùng học Phật Pháp, thì đối với chúng tôi đó là một điều kiện rất đáng hoan hỷ là tại vì có một cộng đồng của những vị Tỳ kheo. Mình làm phước cho đến làm việc mà mình thấy rằng điều đó thuộc về số đông, thuộc về đại thể, thuộc về đại chúng, nó vẫn tốt, vẫn đẹp hơn là thuộc về cá nhân.
Và khi nói về hội chúng của tám bậc đáng cúng dường, hay hội chúng của Đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam, Đệ Tứ Sa Môn thì Ngài Payuto dùng “đoàn thể của một cộng đồng văn minh nhất”. “Văn minh” ở đây không phải vì khoa học, vì kỹ thuật hay vì giàu có, mà văn minh ở đây tức là những vị có tánh hạnh thanh tịnh nội tại, những vị đó đoạn tận hay giảm thiểu phiền não, thì những điều đó mình phải hiểu, phải nhìn bằng một khía cạnh khác.
Chúng tôi rất tiếc là thường khi quý Phật tử nói về đề tài này, thì các vị nghĩ thứ nhất là đây là những bậc Thánh thấp so với Đức Phật. Chúng tôi cũng đồng ý với quý vị là Đức Phật là vị cao quý hơn tất cả đệ tử của Ngài, điều đó hiển nhiên. Nhưng mà, mình đừng quên một điều rằng, chính Đức Phật Ngài cũng khẳng định là cho dù chúng ta cúng dường đến Ngài ở trong tư cách cá nhân cũng không bằng cúng dường đến đại Tăng, tức Chư Tăng là một đại thể, một con số chung.
Và cũng có một chuyện chúng ta cũng phải nói ở tại đây là khi mà chúng ta nhìn mỗi một khía cạnh, mỗi một vấn đề chúng ta phải nhìn qua nhiều khía cạnh, không đơn thuần là một khía cạnh. Hồi nãy chúng tôi nói với quý vị là nhiều vị nghĩ Tu Đà Hườn là Thất Lai, Tư Đà Hàm là Nhất Lai, A Na Hàm là Bất Lai, A La Hán là Vô Sanh. Chúng ta chỉ nghĩ đến chuyện sanh tử như vậy. Chúng ta nghĩ không đến trước cũng đến sau. Sanh bảy kiếp cũng được mà một kiếp cũng được. Hay không kiếp nào trở về dục giới cũng được. Không sao hết. Nhưng nếu chúng ta nghiệm một phương diện khác, ví dụ như là, mình hiểu rõ thế nào là thân kiến, thế nào là hoài nghi, thế nào là giới cấm thủ thì chúng ta mới thấy rằng, tại sao một vị có khả năng đoạn tận ba kiến chấp sai lầm đó, hay ba kiết sử lớn đó là một sự vĩ đại. Mình phải hiểu những kiết sử đó mình mới thấy tại sao đoạn tận kiết sử là vĩ đại. Và mình phải hiểu tại sao những vị đã đoạn trừ ba kiết sử đó, đời sống của họ, ví như Tu Đà Hườn quả ra sao. Hay mình phải hiểu dục ái và sân thì mình mới hiểu tại sao chỉ giảm nhẹ dục ái và sân đã là một điều chúng ta phải nghiên mình rồi, đừng nói chi đoạn tận dục ái và sân như vị A Na Hàm. Hay chúng ta phải hiểu rõ những cột trói lớn lao của sắc ái, vô sắc ái, ngã mạn, phóng dật, vô minh thì chúng ta mới hiểu rõ sự vĩ đại của vị A La Hán.
Thì nói chung thưa quý vị, trong bài học này, chúng tôi có đề cập đến tám hạng người, được phân ra thành hai loại, một là về Đạo, một thuộc Quả. Tứ Đạo tức Sơ Đạo, Nhị Đạo, Tam Đạo, Tứ Đạo, tức những vị có khả năng đoạn hay giảm nhẹ phiền não. Tứ Quả là vị sống do kết quả của Đạo mà ra. Ví dụ như một vị trong lúc đoạn tận thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ gọi là Sơ Đạo. Và do kết quả đó, vị ấy sống một đời sống như thế nào, chúng ta gọi là Sơ Quả. Một vị trong lúc thấy được Niết Bàn, giảm nhẹ dục ái và sân gọi là Nhị Đạo, và vị đó sống như thế nào với sự giảm nhẹ dục ái và sân, chúng ta gọi là Nhị Quả. Chúng ta phải tập nhìn qua khía cạnh Đạo và Quả khác biệt, khác biệt nhiều.
Và bên cạnh đó, một khía cạnh khác mà chúng tôi muốn nói với quý Phật tử là, để hiểu rõ tại sao đây là tám bậc đáng cúng dường thì chúng ta nên hiểu về ân đức của Tăng, vì Đức Phật gọi những vị đó là những bậc Thiện Hạnh, những bậc Trực Hạnh, những bậc Như Hạnh, những bậc Chánh Hạnh. Thiện Hạnh là gì, Trực Hạnh là gì, Như Hạnh là gì, Chánh Hạnh là gì, mình phải hiểu mới thấy được sự cao quý. Và chúng ta cũng phải hiểu, Đức Phật Ngài dạy rằng, những bậc có sự viên mãn của bốn hạnh trên thì những bậc đó là những bậc Āhuṇeyyo, Pāhuṇeyyo, Dakkhiṇeyyo, Añjalikaraṇīyo, Anuttaraṃ puññakkhettaṃ lokassā. Khi Đức Phật đề cập đến năm sự xứng đáng, xứng đáng được cúng dường bằng lòng cung kính, xứng đáng được cúng dường bằng sự quý kính, hay ái kính, xứng đáng nhận được sư cúng dường bằng tâm cầu phước, xứng đáng được chắp tay kính lễ, là phước điền vô thượng ở đời, thì những sự xứng đáng đó một lần nữa cho chúng ta thấy thế nào là ý nghĩa của sự đáng được cúng dường.
Trong một vài phút nói về đề tài này không thể lột tả hết về mười kiết sử, cũng như khả năng đoạn tận, giảm nhẹ mười kiết sử đó. Nhưng chúng tôi nghĩ quý Phật tử cũng đã được nghe Chư Tăng giảng rất nhiều rồi. Và nhắc lại một lần nữa, những bậc chúng ta gọi là Thinh Văn Đệ Tử Phật “Bhagavato sāvakasaṅgho” thì chúng ta nên hiểu một cách rõ ràng để chúng ta cảm kích. Và chúng ta hãy thành tâm hướng nguyện đảnh lễ tất cả Chư Tăng Thánh đệ tử Phật, là những bậc Thiện Hạnh, Trực Hạnh, Như Hạnh, Chánh Hạnh, là những bậc xứng đáng nhận sự cúng dường với lòng cung kính, ái kính, với tâm cầu phước, chắp tay kính lễ, là phước điền vô thượng ở đời. Và mong rằng lòng cung kính đó, mong rằng sự nhận thức đó sẽ cho chúng ta biết rõ thế nào là Tăng Bảo, vì sao Chư Tăng là một trong ba ngôi báu và tại sao điều đó quan trọng và lớn lao đối với tất cả chúng ta.
No comments:
Post a Comment