Thursday, April 18, 2013

Phật Học Vấn Đạo - Tai sao con người có các căn tánh khác nhau?


 Hỏi : Tai sao con người có các căn tánh khác nhau và người có tánh hay tham ái thì có tánh tham luyến người, tham luyến cảnh và có đức tin cái gì cũng tin ai cũng tin. Có phải là do hoàn cảnh gia đình, hoàn cảnh xã hội hay do tích luỹ từ nhiều đời nhiều kiếp chồng chất đến kiếp này không? Có phải thường những người có đức tin tánh tham ái luôn đi kèm không? Người đó phải tu tập pháp môn nào để diệt trừ phiền não đó?

(Bài giảng trong room Diệu Pháp , Ngày 25 tháng 07 năm 2003 - Chánh Hạnh chuyển biên) 

TT Tuệ Siêu trả lờiKhi chúng ta nói về tại sao con  người có các căn tánh khác nhau, ở đây có một định lý trong A-tỳ-đàm gọi là Pakatūpanissyapaccaya thường cận y duyên là do tánh nết tập quán mà người ấy đã từng quân tập từ nhiều đời nhiều kiếp. Mỗi một đời sống sanh khởi, góp nhặt từng chút từng chút tánh tình đó, lâu ngày thành thói quen.Như người ta thường nói, 
“Ăn cắp quen tay,
Ngủ ngày quen mắt”
Hay là,
“ Sân quen thành nết”
Những câu đại loại như vậy.

Nghĩa là chúng sanh trong đời này tại sao có những căn tánh khác nhau? Chúng ta nói rằng vì những thường cận y duyên của mỗi mỗi người quân tập tính tình khác nhau nên bây giờ có cá tính khác nhau. Chúng ta cũng nói thêm một điều nữa rằng, sỡ dĩ chúng sanh có căn tánh khác nhau bởi vì cái tưởng khác nhau. Tại sao cái tưởng khác nhau? Có những người thích cảnh sắc cảnh thinh cảnh khí cảnh vị cảnh xúc cảnh pháp khác nhau. Sắc tưởng, thinh tưởng, khí tưởng, vị tưởng, pháp tưởng khác nhau. Mỗi một người có sở thích khác nhau và chính do vậy nên dần dà tánh ý khác nhau. Đó là vế thứ nhất Sư xin được trình bày.

Ở đây có sáu cá tính riêng biệt căn bản của chúng sanh gọi là Carita: tánh tham ái, tánh sân hận, tánh si mê, tánh tư duy (hay gọi là tánh tầm, tầm tức là tìm kiếm, hay suy xét), tánh đức tin, tánh trí tuệ (hay tánh giác). Sáu cá tánh này là sáu cá tánh căn bản 

Thật sự chúng sanh có thể có hơn 200 cá tánh dựa vào sáu cá tánh này mà phân bổ ra. Người nặng về tính tham ái, người đó có thể nặng về tánh đức tin. Người nặng về tánh  đức tin, có thể nặng về tính tham ái nhưng người đó cũng có thể nặng về tính trí tuệ. Ngược lại cũng có người nặng về tánh trí tuệ nhưng người đó cũng có một cá tánh khác đó là cá tánh sân, hay nóng nảy.

 Nói chung theo trong chú giải Tứ niệm xứ giải về thiền quán Vipassana thì cá tánh chúng sanh khác nhau. Trong Visuddhimagga (Thanh Tịnh Đạo) cũng đề cập đến vấn đề đó. Không phải mỗi người một cá tính, như người này tánh tham, người này tánh sân, người này tánh si, tánh tầm hoặc tánh đức tin. Không phải như vậy mà một người có thể có hai ba cá tính pha trộn lại. Đó là điều chúng ta cần lưu ý .

Bây giờ chúng ta nói người có đức tin thì có tham ái, cũng tuỳ chứ không nhất thiết là như vậy. 

-Người có tâm tham ái nặng cũng có trường hợp họ không có đức tin, mà chỉ có tham ái phối hợp với tánh tầm, tánh tư duy phóng dật thôi hay tánh si.

-Còn những người có tâm tham ái cũng nặng về đức tin . Đó là những trường hợp ví dụ như đối với người dễ có tâm thương cảm  người khác, dễ có tâm kính phục người khác. Từ chỗ tâm dễ kính phục, dễ thương cảm đó họ có thể phát sanh lên tâm ái, họ có thể cùng một lúc phát sanh lên niềm tin, hai cá tính đó hổ trợ cho nhau. Tức là vì tin vào một đối tượng quá nhiều ngoại trừ ra tin tưởng nơi Đức Phật, nơi Pháp thì không có sự tham ái, không dùng niềm tin trí tuệ  thì ái tham sanh khởi. Một người có tâm tham ái và chính do tham ái đó thành thường cận y duyên thúc đẩy niềm tin sanh khởi. Thí dụ khi chúng ta có sự quyến  luyến hay có sự  hoan hỷ thiên lệch về tâm bất thiện đối với một vị Pháp sư hay một vị giảng sư. Lúc bấy giờ chúng ta có niềm tin, hễ vị ấy nói gì thuyết gì chúng ta cũng nghe theo, vị ấy trình bày điều gì chúng ta cũng cho là đúng, là hay. Từ chỗ ái tham làm nền tảng  có thể phát sanh lên niềm tin. Cho nên nói về cá tính con người rất nguy hiểm, đời sống của chúng ta rất nguy hiểm.

Ở đây trong những trường hợp đại loại như vậy, chúng ta phải tự xét mình. Nếu chúng ta cảm thấy rằng dựa trên nền tảng do đặt niềm tin trước, rồi sau đó tham ái mới phát sanh, chúng ta tu tập pháp môn khác để chúng ta có thể dẫn dắt lại đức tin của mình.

Một người khi có tâm luyến ái trước, sau đó mới đặt niềm tin, nhờ tâm luyến ái làm nền tảng cho thường cận y duyên làm năng duyên cho phát sanh lên niềm tin, ở đây chúng ta cũng phải có pháp môn khác.

Tóm lại như thế này khi chúng ta có được  niềm tin với vị ấy rồi, chính vì quá tin nên  thấy vị ấy, cái gì cũng đẹp cũng đáng kính cũng khả ái, nếu không khéo chúng ta sẽ phát sanh lên tâm tham. Khi ấy chúng ta phải tu tuệ quán, phải dùng trí tuệ để chúng ta quán xét. Tu tập trí tuệ đi song song với đức tin, bấy giờ trí tuệ đó sẽ giúp cho chúng ta có đức tin mà không có ái tham. Vì chúng ta nhận thức được tánh chất vô thường của các pháp, tính chất khổ đau của đời sống v.v.. Khi chúng ta có trí tuệ thấy rõ như vậy, chúng ta chận niềm tin đó lại, chỉ giữ niềm tin đó thôi,  không cho luyến ái phát sanh. Đó là chiêu thức thứ nhất.

Đối với trường hợp ngược lại, chúng ta có tâm tham ái rồi chúng ta phát sanh niềm tin. Do sự ái luyến do sự ái mộ với một người nào đó mà chúng ta phát sanh lên niềm tin. Thí dụ một người nam chưa từng đi chùa, chưa từng nghe Phật Pháp, chưa từng hướng tâm đến việc tu tập. Nhưng với người bạn gái là một Phật tử thuần thành. Anh ta vì luyến ái cô này nên nghe theo lời cô bạn gái, cô này khéo nói khéo dẫn dắt một thời gian sau anh có niềm tin đối với Phật pháp. Anh ta xem niềm tin đối với Phật Pháp như là tinh thần là lý tưởng chung cho cả hai. Trong trường hợp này chúng ta cũng phải thận trọng, hễ có niềm tin được thì tốt, nhưng còn sự ái tham thì còn sự khổ.

Do vậy trong trường hợp này chúng ta phải tu tập gì để đoạn trừ?. Chúng tôi không muốn nói  ngay trong hiện tại chúng ta có đủ sức để đoạn trừ những ái tham. Nhưng chúng ta có thể nói rằng khi nhận thức được ái tham là khổ, là nguyên nhân sanh khổ đế. Lúc bấy giờ chúng ta phải tận diệt nó đi, giảm tốc độ nó lại, đừng để nó đi quá trớn làm cho chúng ta phải khổ và niềm tin bị lung lạc. Cho nên với người ái tham làm nền tảng cho niềm tin,  chúng ta phải thường xuyên quán thân tứ đại, quán thân thể trược, quán nhìn sự khổ. Khi chúng ta quán thân bất tịnh hay quán sự vô thường, bấy giờ tâm tham ái chúng ta giảm bớt và do đó niềm tin được trau dồi, được tô điểm trở lại.

Như vậy cả hai mặt.
1/Một người có cá tánh nặng về niềm tin rồi từ đó phát sanh lên ái tham thì chúng ta phải tu trí tuệ.
2/Một người lấy cá tánh tham ái làm nền tảng để phát sanh niềm tin thì phải tu tập quán thân bất tịnh.
Thật ra Phật Pháp đa môn vì chúng sanh đa bệnh. Ở đây Sư vẫn còn là phàm Tăng,  chưa có tha tâm thông biết rõ được tâm tánh của mỗi mỗi một chúng sanh để thuyết pháp cho thích hợp. Sư chỉ y cứ vào một là kinh điển đã dạy ý nghĩa như thế nào về những pháp môn tu hành, hai là y cứ vào  kinh nghiệm tu tập của bản thân những gì Sư hiểu và tâm đắc có thể nói lên đây để gợi lại cho chư Phật tử.

No comments:

Post a Comment