Thursday, October 31, 2019

Suy Niệm Trong Ngày 31 tháng 10. 2019

Truyện ngắn - Tâm ban đầu

Tâm ban đầu

Mỗi sáng sớm khi sương còn mù mịt trên sông, chiếc thuyền con của lão già đã là đà rẽ nước, hướng về bờ – lúc thì bờ đông, lúc thì bờ tây, nơi những ngôi nhà tranh và những chiếc ghe nhỏ tụ tập. Mái chèo khua nhè nhẹ như thể sợ động giấc ngủ của thế nhân.
Chẳng ai biết chắc lão có gia đình, nhà cửa ở đâu hay không. Nhưng người ta có thể đoán chiếc thuyền con ấy chính là nhà của lão, vì lão phơi thuốc, xắc thuốc, nấu thuốc ngay trên đó. Trên thuyền không còn ai khác. Ban đêm, thuyền của lão neo ở đâu không ai biết, nhưng sáng sớm thì thấy lù lù xuất hiện trên sông hoặc nơi bờ cát. Lão già đến và đi, một mình. Mỗi ngày xách cái túi nhỏ rời thuyền, thường là đi hái thuốc trên núi, ven rừng, bờ suối, có khi vào làng chữa bệnh cho bá tánh rồi ghé chợ mua vài thứ lĩnh kĩnh.
Lão sống trên chiếc thuyền, trôi giạt hoặc tấp ở đâu đó bất định, nhưng khi cần gặp lão thì cũng không khó. Người ta chỉ việc đứng bên sông, gọi lớn “ông già ơi, ông già ơi!” thì trước sau gì cũng sẽ thấy lão xuất hiện. Không ai biết tên lão, có hỏi lão cũng chỉ cười mà lặng thinh, nên cứ gọi lão là “ông già.” Những bệnh lặt vặt thời tiết, tai nạn cấp cứu… thì trong làng đã có các thầy thuốc bậc trung, bậc hạ, không thiếu. Chỉ các bệnh nan y mà những lang y của làng không chữa nổi, người ta mới rước lão già ấy vào làng, hoặc chịu khó đem bệnh nhân ra bờ sông, đưa lên thuyền của lão để được chữa trị. Mà đã đến tay lão thì bệnh gì cũng khỏi. Cho nên, dù lão chưa bao giờ xưng là y sĩ, bác sĩ, cũng chưa có một bảng hiệu hay giấy chứng nhận, bằng hành nghề, giấy giới thiệu, bảng tuyên dương… nào cả, thiên hạ vẫn mặc nhiên gọi lão một cách tôn kính là “thần y.” Sự xưng tụng ấy không đến tai lão, hoặc có đến nhưng lão bỏ ngoài tai. Tôn hiệu ấy là để nói với nhau khi vắng mặt lão, chứ khi trực tiếp gặp lão, người ta vẫn cứ gọi hai chữ thân mật, gần gũi: “ông già.”
Một hôm có chàng trai trẻ lặn lội từ xa, những mấy ngày đường, đến bên sông, chờ đợi thuyền của lão tấp vào bờ, liền xin được làm học trò của lão. Lão vẫn còn ngồi trên thuyền, im lặng không nói gì, chỉ tiếp tục lui hui nơi bếp lò với một món thuốc nào đó. Chàng tuổi trẻ quỳ sụp dưới đất, tỏ vẻ khẩn khoản, mong cầu. Một chặp, lão già mới nói, tay không ngưng làm việc:
“Ta chưa hề nhận học trò.”
“Con từ làng xa tìm đến thầy, mong thầy phá lệ nhận con, vì nếu thầy không truyền dạy, mai sau nghề của thầy sẽ thất truyền.”
Lão già cười nhạt:
“Con tưởng rằng tay nghề của ta chỉ ở nơi những rễ cây, lá thuốc này hay sao?”
Chàng thanh niên hơi lúng túng, rồi lại nhanh miệng nói:
“Dạ, dạ.. dĩ nhiên không phải chỉ nơi lá thuốc, mà thầy còn châm cứu, bấm huyệt, hướng dẫn thể dục, vận động… con từng nghe như vậy.”
Lão già im lặng. Một lúc, lão vừa chế một loại thuốc vào một cái lọ nhỏ, vừa hỏi:
“Vì mục đích nào mà con muốn học thuốc?”
Chàng thanh niên mừng rỡ, trả lời ngay:
“Dạ, vì lòng hiếu với mẹ, muốn học nghề thuốc để chữa trị bệnh nan y của mẹ.”
Lão già ngưng một lúc lâu, rồi nói, giọng lạnh nhạt:
“Thế à! Bệnh thế nào mà gọi là nan y?”
“Thưa, từ ngày cha của con bệnh nặng, qua đời, mẹ con không ngủ được nữa. Mà chứng bệnh ấy, cũng là chứng bệnh mà cha con mắc phải suốt nhiều năm trước khi mất. Con nghĩ nếu con không học ngành y để chữa bệnh cho mẹ, e có ngày…”
“Không sao đâu,” lão già nói. “Con muốn học gì thì cứ học, bệnh của mẹ con không liên quan gì.”
“Thưa, ý của thầy là thế nào? Dù con có học y dược cũng không chữa trị được cho mẹ hay sao? Thầy chấp nhận con làm học trò rồi, phải không thưa thầy?”
“Không. Ta đã nói ta không nhận học trò.”
“Vậy… thầy nói bệnh của mẹ con không liên quan là ý thế nào, con không hiểu. Có phải là chính thầy cũng không chữa được?”
Lão già xua tay, nói:
“Ý ta là mẹ của con không sao, sẽ còn ở đời nhiều năm nữa chờ đợi chính tay con chữa. Còn việc con học ngành Y… ta cho là không thích hợp. Dù ta có dạy, con cũng không thể là một y sĩ giỏi.”
Chàng thanh niên sửng sốt, trố mắt nhìn lão già một lúc; rồi cúi đầu nhìn đăm đăm dưới đất, sắc diện thay đổi từ đỏ ửng sang tím ngắt… Một hồi lâu, chàng im lặng đứng dậy, từ từ quay đi. Lão già nhìn theo, lắc đầu.

* * *

Quyết tâm học ngành thuốc cho kỳ được để chữa trị cho mẹ, và cũng để chứng minh cho lão “thần y” thấy rằng lão đã sai, chàng thanh niên tìm đến nhiều vị danh y khác để cầu học. Với trí thông minh chỉ trên trung bình nhưng nhờ chịu khó, và biết tranh thủ nhân tâm, chàng đã lần lượt chiếm được sự tin yêu của nhiều vị y sư với từng chuyên khoa khác nhau; đến nỗi hầu như các y sư đều tận lực dành thời gian và tâm huyết để truyền hết sở học và kinh nghiệm của họ cho chàng.
Mười năm sau, chàng thanh niên trở thành một danh y chữa bá bệnh, mở phòng mạch thật lớn ở thành phố. Không những chữa bệnh, danh y này còn biết cóp nhặt và pha trộn các môn thiền vận động, chú tâm nơi hơi thở và các động tác của thân như thái cực quyền, du-già (yoga), khí công, dưỡng sinh, võ thuật… để lập nên một môn phái gọi là Thiền Y, với châm ngôn “Tự trì, tự trị.” Lý thuyết và sự thực hành của Thiền Y không có gì mới lạ, vì chỉ là sự vay mượn rồi chế biến từ các môn Thiền, Võ và Y đã có sẵn từ ngàn xưa; nhưng hậu ý của Thiền Y là đánh bạt đi tất cả những thiền sư và y sư khác, bằng chủ trương mọi người đều có thể tự hành trì, tự chữa trị, mà không cần thiền sư hay y sư (tự trì, tự trị). Đã có một số môn sinh đến học môn Thiền Y này, với hy vọng tiến đến trình độ “vô sư” – nghĩa là có thể tự độ, tự trị. Nhưng mánh khoé của môn chủ Thiền Y mà đám môn sinh không thể nào biết được, đó là kéo họ ra khỏi vòng ảnh hưởng của các thiền sư và y sư khác, qui tụ về dưới sự dẫn dắt của mình để họ được “tự trì tự trị” mà kỳ thực, suốt cả đời họ vẫn không thể tự độ hay tự trị, vẫn không thể ra khỏi vòng ảnh hưởng của Thiền Y.
Ngoài khả năng chữa bệnh và môn thể dục tổng hợp Thiền – Y, môn chủ còn được các môn sinh ca tụng lòng hiếu thảo, tôn kính gọi “sư phụ” bằng một mỹ danh khác là “Hiếu Y,” tức một y sĩ nổi tiếng vì lòng hiếu, đã dành hết tâm chí và thời gian học ngành Y chỉ vì muốn chữa trị cho mẹ.
Sau mười năm cặm cụi học Y, rồi mười năm nỗ lực tạo danh tiếng, ảnh hưởng của Hiếu Y vẫn còn rất hạn chế, chưa đúng với ý nguyện. Môn sinh theo học vẫn còn lác đác, mà trong số đó cũng chẳng ai xuất sắc; phòng mạch chữa bệnh treo bảng to lớn, mà bệnh nhân cũng xấp xỉ ngang bằng với các y sĩ chung quanh; chưa có gì gọi là nổi trội. Môn sinh của Hiếu Y còn tìm cách mời những thiền sư và y sĩ khác đến nghe môn chủ thuyết giáo, diễn đạt về Thiền Y, mục đích là mượn sự có mặt của các thiền sư và y sĩ kia mà nâng cao uy tín của Hiếu Y. Nhưng rồi những lọc lừa ấy cũng không qua mặt nổi các thiền sư và y sĩ thực thụ. Đâu vẫn hoàn đó, vì thực chất kiến giải và trình độ của Hiếu Y chỉ là sự vay mượn, cóp nhặt.
Thực ra, điều mà Hiếu Y mong mỏi là danh vọng phải hết sức lẫy lừng để cho tiếng đồn có thể lan đến chiếc thuyền của lão thần y trên sông. Nỗi căm giận và lòng tự ái năm xưa, mỗi khi nhớ lại, Hiếu Y vẫn thấy trong lòng sôi lên sùng sục.
Ngày ấy, phòng mạch vắng khách, môn sinh rủ nhau đi dự tiệc vui chơi ở nhà bằng hữu, Hiếu Y cảm thấy nỗi cô đơn trống vắng như bao trùm cả cuộc đời. Khi môn sinh và bệnh nhân quây quần chung quanh, Hiếu Y có cảm giác mình là trung tâm vũ trụ, được mọi người ngước nhìn và lắng nghe với lòng ngưỡng mộ; nhưng khi họ rời khỏi, chàng là con số không, chẳng là gì cả.
Tại sao, tại sao ta chẳng là gì, chẳng thể nào là y sĩ giỏi… như lời lão thần y nói năm xưa! Không thể kềm lòng được nữa, Hiếu Y lặng lẽ lên đường, tìm đến con sông ngày ấy, nơi cách xa phòng mạch của chàng đến mấy trăm dặm.
Lúc ấy là lúc thuận tiện cho Hiếu Y gặp lão già, vì thuyền đang neo bên sông. Lão già vừa xắc những rễ lá đã phơi khô, vừa canh lửa sắc thuốc trong cái siêu nhỏ. Hiếu Y xin được lên thuyền, ngồi nơi mũi thuyền, nhìn chăm chăm vào lão già, nói giọng ngạo nghễ:
“Ông nói tôi không thể là y sĩ giỏi. Bây giờ tôi là danh y, là hiếu y, khắp thiên hạ ai cũng biết.”
Lão già ngưng một chốc, rồi tiếp tục làm thuốc. Hồi lâu, lão nói, giọng rất đỗi từ bi:
“Đã hai mươi năm qua rồi, những gì ta dạy con năm ấy, con vẫn chưa lãnh hội được sao, thật đáng tiếc!”
Hiếu Y đứng bật dậy, nổi sung nói:
“Ông chưa dạy tôi điều gì, tôi chưa học ông cái gì cả! Tất cả thành tựu của tôi là do tôi, do sức và trí của chính tôi! Tôi đến đây hôm nay là để nói ông biết điều ấy, rằng tôi đã thành công, đã là một danh y, không những thế, còn là một hiếu y!”
Nói rồi, Hiếu Y dợm quay đi, tính rời thuyền, thì lão già cười bật lên một tràng. Hiếu Y dừng chân, quay lại chờ đợi xem lão muốn nói gì. Lão thần y vừa cười, vừa nói:
“Nổi tiếng chưa hẳn là giỏi. Ta đã nói rồi, con không thể nào là một lương y, một y sĩ giỏi.”
Hiếu Y đỏ bừng sắc mặt, giận căm, nói không ra lời; nghiến hai hàm răng, hai nắm tay xiết lại, như thể muốn giết lão thần y cho bõ ghét. Nhưng rồi Hiếu Y cũng tự chế, cố gắng nuốt hận, nhảy phóc lên bờ, bỏ đi. Lão già từ thuyền con nhìn theo, lắc đầu.
Mười năm sau, Hiếu Y trở lại bờ sông. Bây giờ chàng đã là y sĩ trên năm mươi tuổi, trong khi lão thần y đã chín mươi ngoài. Thất thểu, dè dặt, bước lên thuyền, thấy lão già đang chăm chú vê những viên thuốc tễ, Hiếu Y quỳ sụp xuống lòng thuyền, khóc òa, khóc thảm thiết. Lão già ngừng làm việc, rửa tay, lau tay, im lặng một lúc, lão nói, giọng đầy thương yêu:
“Thoắt cái đã ba mươi năm qua rồi. Chuyện gì đã xảy ra cho con?”
Hiếu Y lại khóc rống lên, vô cùng thảm não. Phải một lúc lâu mới hết nức nở, Hiếu Y bắt đầu kể lể:
“Năm đó rời khỏi đây, con trở về thành phố để tiếp tục chữa bệnh thì không may đưa lầm thuốc làm chết một người; phòng mạch bị niêm phong không cho hoạt động, nhà cửa phải bán đi để đền bồi nhân mạng, phần con phải đi tù 9 năm. Ra khỏi tù, trắng tay, vợ con đi đâu mất biệt tìm không ra. Chỉ còn mẹ già sống nương nơi nhà một môn sinh thân tín. Tất cả những gì con gầy dựng nên đều mất hết, mất tất cả. Suốt nhiều ngày qua, con như kẻ khùng điên, đầu óc mơ hồ, mang mang, dường như không còn ý thức hay suy nghĩ một điều gì. Nỗi đau khổ, khốn đốn cùng tột đã đẩy con đến một trạng thái thật trống rỗng, trống rỗng… Cho đến mấy hôm trước, sau một giấc ngủ dài trong mệt mỏi, con thức dậy thì chợt nhớ đến thầy, nhớ đến những gì thầy dạy con năm xưa… Thưa thầy, xin hãy dạy con, cho con biết con phải làm sao? Tại sao con không thể là lương y, là y sĩ giỏi?”
Lão già im lặng, pha trà, đưa tay ra dấu mời Hiếu Y. Gió mơn man lùa nhẹ trên mặt sông rộng. Một đàn cá trồi lên mặt nước, chép chép miệng, gợn những vòng sóng nhỏ gần nơi chiếc thuyền có hai lão già ngồi im. Lá vàng lác đác rụng xuống bờ sông. Mặt nước yên tĩnh, in dấu từng cụm mây trắng cuồn cuộn giữa bầu trời xanh ngát.
“Thiền không thể thất niệm; Y không thể thất đức,” lão già nói.
Hiếu Y im lặng, cúi đầu, chờ đợi nghe tiếp.
“Con là người dạy Thiền, phối hợp Thiền vào Y thuật thì không thể nào có sự thất niệm đưa đến nhầm lẫn, sơ xuất trong trị liệu,” lão già nghiêm khắc nói.
“Dạ, con biết, con biết lỗi,” Hiếu Y ngoan ngoãn đáp.
“Về chuyện thất đức trong ngành Y, ta không nói con có mưu ý gì trong việc thủ lợi qua chữa trị. Ta chỉ muốn nói rằng, cái đức của y sĩ là ở lòng thương, ở niềm xót xa đối với người khổ bệnh. Thiếu cái đức này, không thể nào là lương y, là y sĩ giỏi; mà chỉ là một kẻ biết dùng y thuật.”
Lão già ngưng, châm thêm nước sôi vào bình trà nhỏ. Không gian thật yên tĩnh. Chỉ nghe gió nhẹ đưa qua đám lau sậy bên bờ, tạo nên những tiếng xào xạc nho nhỏ, êm dịu. Lão già tiếp:
“Năm ấy lần đầu gặp ta, con đã vội vàng tỏ ý muốn được kế thừa y nghiệp; ta hỏi con vì mục đích gì mà học y, con trả lời là học để chữa bệnh cho mẹ,” lão già thở dài, tiếp “cả lý tưởng lẫn mục đích đều đã chệch, đã sai ngay từ ban đầu. Lý tưởng và mục đích của kẻ học Y là tìm ra phương thuật hay diệu dược để chữa trị tất cả bệnh hoạn của thế gian; vì lòng thương đối với kẻ bệnh khổ mà dấn thân vào con đường chữa trị, cho thuốc; không vì sự nghiệp hay y nghiệp nào khác, cũng không vì cá nhân ai mà nguyện làm y sĩ. Con vì mẹ mà muốn học y dược, tốt, chí hiếu! Nhưng không đủ. Đức của y sĩ phải bao trùm cả bá tánh thiên hạ, không phải vì cha, mẹ, anh chị em, thể diện gia tộc, cũng không phải để làm rạng rỡ cái tông môn, tông đường nào hết. Cũng thế, một thiền sư, đặt chân trên đạo lộ giải thoát là để cứu mình, cứu người ra khỏi biển khổ vô tận của thế gian, không phải vì sự nghiệp của ông Phật, ông Tổ nào khác.”
Hiếu Y nghe đến đó, giật mình, bừng tỉnh, sụp lạy lão già ngay nơi lòng thuyền. Giọng chàng rưng rưng xúc động, lòng như mở ra cả một khung trời bát ngát vô biên:
“Thưa thầy, con đã hiểu, con đã hiểu.”
Lão già đưa tay nâng Hiếu Y dậy, vỗ về, khích lệ:
“Con có thể bắt đầu dấn thân từ hôm nay, như một lương y, một y sĩ giỏi. Con sẽ vượt hơn ta rất xa. Những gì ta không làm được, con sẽ làm được. Ta, một chiếc thuyền nan trôi giạt bờ này bờ kia, chỉ có thể cứu chữa cho vài người hữu duyên; nhưng con, khổ bệnh cùng khắp nhân gian đang chờ đợi thiện thủ diệu dược của con.”
Hiếu Y ôm lấy chân lão già, không nói nên lời, lòng tràn ngập hạnh phúc và niềm tri ân. Một lúc, Hiếu Y đứng dậy, dợm bước, nhưng sực nhớ ra điều gì, đứng lại, rụt rè nói:
“Thưa thầy, con còn một điều che giấu thầy, xin cho con được thổ lộ.”
“Không cần. Ta biết rồi. Mẹ con vẫn chưa hết bệnh. Con sẽ trị được cho bà ấy bằng chính cái tâm ban sơ của con. Một khi tâm con đã chuyển, tất cả mọi diệu thuật sẽ theo đó mà được vận dụng một cách thiện xảo. Ta không còn điều gì để truyền dạy cho con. Con đã có tất cả. Hãy lên đường.”
Khi Hiếu Y ra đi, lão già từ chiếc thuyền con, nhìn theo, mỉm cười. Lão lặng lẽ thu xếp mọi thứ trên thuyền, rồi ngồi xếp bằng, bắt đầu đi vào đại định.
Kể từ lúc ấy, cái tên Hiếu Y không còn nghe đến trên đời; nhưng đâu đó trên khắp các làng mạc, phố thị, ven biển, rừng sâu, sông dài và sa mạc bỏng cháy, xuất hiện một lương y tuyệt vời.

Vĩnh Hảo
Bài sưu tầm trên Net

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

Sự nghèo nàn.

Một ngày nọ người cha trong một gia đình giàu có đã đưa người con trai của mình đi du lịch về làng quê với mục đích cho người con nhìn thấy đời sống của những người nghèo như thế nào.

Họ đã sống một ngày và một đêm tại một nông trại mà được coi là một gia đình nghèo nhất.

Trên đường trở về, người cha hỏi người con, "chuyến du ngoạn như thế nào?"

" Thật là vĩ đại, thưa Ba."

"Con đã thấy những người nghèo họ sống như thế nào? Người cha hỏi.

"oh, dạ có" người con trả lời.

"Vậy hãy nói cho cha con đã học được gì từ cuộc du ngoạn?" người cha hỏi.

Người con trả lời: "Con đã thấy chúng ta có một con chó và họ đã có bốn. Chúng ta có một hồ bơi trải ra tới giữa vườn của chúng ta và họ có một nhánh sông bất tận. Chúng ta có những đèn lồng nhập cảng tại vườn của chúng ta và họ có nhiều ngôi sao vào ban đêm. Hàng hiên của chúng ta trải ra tới sân trước và họ thì có cả một vùng trời. Chúng ta có một miếng đất nhỏ để sinh sống và họ có nhiều cánh đồng mà chúng ta đã thấy bao la bát ngát . Chúng ta có nhiều người hầu để phục vụ chúng ta, nhưng họ thì phục vụ những người khác. Chúng ta mua thực phẩm cho chúng ta, nhưng họ thì tự trồng trọt lấy. Chúng ta có những bức tường bao bọc chung quanh tài sản của chúng ta để bảo vệ chúng ta, họ có nhiều bạn để bảo vệ họ.

Người cha đã không nói được lời nào
Và rồi người con nói tiếp "Cám ơn Cha, đã cho con thấy được chúng ta nghèo nàn như thế nào."

Cổ Học Tinh Hoa

Lo vui

Thầy Tử Lộ hỏi Khổng Tử rằng:

- Người quân tử cũng lo sợ ư?

Khổng Tử nói:

- Người quân tử chỉ cốt suy nghĩ định liệu công việc của mình, lúc chưa làm được vui rằng mình đã có ý định làm, lúc đã làm được lại vui rằng mình có trí làm được việc. Thế cho nên người quân tử có cái vui thú suốt đời, không có cái lo sợ một ngày nào cả.

- Kẻ tiểu nhân thì không thế, lúc chưa làm được việc thì lo sợ rằng không được. Lúc đã làm được việc thì lo sợ nhỡ hỏng mất. Thế cho nên kẻ tiểu nhân có cái lo sợ suốt đời, không có cái vui thú nào cả.

Thuyết Uyển

Lời bàn:

Đã muốn làm nên việc, tất phải để tâm nghĩ vào đấy, nhưng nghĩ mà cứ theo thiên lý, chớ không có chút tư tâm nào, việc hỏng hay việc nên cũng không bợn đến lòng. Cho nên người quân tử không hề sợ bao giờ, bao giờ cũng bận việc mà cũng thản nhiên như không vậy. Kẻ  tiểu nhân thì trái lại, làm việc gì cũng chỉ cốt cầu tự tư, tự lợi, cho nên dù được, dù hỏng, trong bụng lúc nào cũng áy náy không sao quên được, nghĩa là chưa được, thì lo sợ rằng chưa được, đã được lại lo sợ rằng nhỡ hỏng mất chăng.

Truyện cười trong ngày

Vợ trước tòa

Chồng của bị cáo trách luật sư: “Ông cam đoan sẽ cãi trắng án cho vợ tôi, thế mà cô ấy lại bị kết án một năm lao động cưỡng bức”.

Luật sư thở dài:

– Nhưng ở phiên tòa bà ấy có để cho tôi nói câu nào đâu!

Wednesday, October 30, 2019

Suy Niệm Trong Ngày 30 tháng 10, 2019

Truyện ngắn - Không ai sung sướng cả.

Không ai sung sướng cả.

Ngày xưa có hai vợ chồng nhà nọ nuôi một con trâu và một con chó. Con chó được ở trong nhà còn con trâu phải ở riêng ngoài chuồng. Mỗi ngày trâu ra đồng cày bừa từ sáng sớm đến chạng vạng tối mới về, còn chó chỉ việc nằm ở cổng rào canh chừng cửa. Một hôm nọ trâu đi làm về,thấy chó nằm trước cửa nhà phe phẩy cái đuôi trông thật sướng, đang lúc mệt nhoài nó nổi cáu bảo:
- Không có ai sung sướng bằng mày,chỉ ăn rồi nằm. Thật là đồ vô tích sự!
Con chó nghe con trâu hậm hực nặng nhẹ mình thì buồn bã trong lòng, nghĩ trâu tuy to xác nhưng không có trí. Nó bèn nói với trâu:
- Anh trâu không hiểu đâu, tôi nào có sung sướng như anh tưởng. Anh tuy làm lụng nặng nhọc ngoài đồng nhưng có giờ có giấc ; sáng ra đồng, chiều lại về, tối còn được nghỉ ngơi, cứ lăn ra mà ngủ. Còn tôi, tuy nằm canh cửa giữ nhà trông có vẻ nhàn hạ hơn anh, nhưng thật sự thì mệt cầm canh đâu có ai biết. Nằm lim dim mà lòng không yên, phải để tâm canh giữ cửa nhà, không dám lơ là công việc. Nếu ngủ quên hoặc bất cẩn để xảy ra mất trộm thì tôi khó mà sống được . Đêm đêm trong khi mọi người ngon giấc, tôi có được nghỉ ngơi đâu, tôi phải lắng tai nghe ngóng, đưa mắt nhìn trông, hễ nghe có động tĩnh gì thì phải sủa to để cảnh báo. Lúc chủ nhà vui thì tôi còn được ăn no, chứ khi họ có chuyện buồn bực trong lòng thì bỏ mặc tôi đói khát, không ai để mắt quan tâm. Những lúc sân si nổi lên họ còn trút giận lên đầu tôi không thương tiếc, họ đánh họ đá, xua đuổi, chửi mắng tôi. Mỗi khi bạn bè, người thân của họ đến chơi mà tôi không biết, tôi sủa tôi vồ thì họ đánh tôi, chửi tôi là đồ ngu. Bạn bè họ đến chơi thì không sao, còn bạn bè tôi đến chơi thì bị họ đuổi đi, ném đá đến toạc đầu đổ máu. Ngẫm lại coi, anh và tôi ai sướng hơn ai chứ?
Con trâu nghe nói mới hiểu tình cảm của con chó, nghĩ mà thương nên an ủi:
- Đúng là mày cũng không sung sướng gì. Tao với mày ở chung nhà mà chưa một lần trò chuyện với nhau nên không hiểu nhau. Bây giờ tao đã hiểu nỗi khổ của mày, mày cho tao xin lỗi. Nghe mày nói tao mới biết cả hai chúng ta đều khổ cả.
Đang nói con trâu bỗng nghe tiếng chim ríu rít trên cành cây cao, nó nhìn nên rồi than thở:
- Bọn chim trời cá nước sung sướng làm sao! Chúng có thể tự do tự tại bên ngoài, không bị ai giam cầm quản thúc, không phải làm việc nặng nhọc vất vả, không phải chịu nỗi khổ của kiếp tôi đòi. Giá mà chúng ta có được cuộc sống vui vẻ như thế.
Khi ấy một chú chim nghe thấy lời trâu, bèn đáp lên lưng trâu nói:
- Anh trâu ơi, anh không biết đâu, tôi cũng không sung sướng hơn các anh đâu. Tuy loài chim chúng tôi không phải giữ nhà, không phải đi cày ruộng, không phải chịu cảnh tù túng bó buộc, nhưng chúng tôi cũng có nỗi khổ của mình. Hiểm họa luôn dình dập chúng tôi, những kẻ thợ săn có thể bắn chết chúng tôi bất cứ lúc nào. Tổ của chúng tôi làm khó khăn vất vả biết bao, chưa chắc ở được lâu vì sự phá hại của con người. Trứng chúng tôi sinh ra chưa kịp nở con thì đã bị con người lấy mất. Loài người biết thương con của mình nhưng nào biết thương con của kẻ khác. Các anh chỉ bị hành hạ, còn tôi bị cướp đi mạng sống của mình, chết rồi còn bị nhổ lông, xẻ thịt,nấu nướng, thân thể không vẹn toàn. Loài người ỷ mạnh hiếp yếu, nào biết tôn trọng sự sống muôn loài. Các anh có cái khổ của các anh, chúng tôi cũng có cái khổ của chúng tôi, không có ai sung sướng cả.
Bày cá đang ở dưới mé nước nghe trâu nói mình sướng cũng không đồng tình:
- Còn loài cá chúng tôi cũng không sung sướng đâu. Nhà cá chúng tôi thường bị loài người đánh bắt, mỗi lần bị sát hại chết đến cả bầy đàn. Không nơi nào là nơi để chúng tôi yên tâm mà sống, đâu đâu cũng có lưới bủa câu giăng, đâu đâu cũng có bàn tay con người truy bắt.
Trâu nghe chim và cá nói thì ngao ngán thở dài não nuột:
-Hóa ra tụi mày cũng khổ. Hiểu biết của tao hạn hẹp quá nên không biết còn nhiều nỗi khổ trên đời này. Nói như thế rồi trâu buồn bã đi vào chuồng,nó nằm mông lung suy nghĩ về thân phận của nó và bạn bè. Nó nghĩ, loài nào cũng bị con người hiếp đáp, làm hại. Cuộc đời thật bất công, loài người đối xử tệ bạc với các loài khác mà lại được sung sướng, không phải chịu sự khổ sở nào. Đang lúc đó bỗng trâu nghe tiếng quăng bát ném đĩa trong nhà vọng ra. Nó lắng tai nghe kỹ mới biết ông bà chủ đang gây gổ. Tiếng ông chủ gào lên:
-Sao tôi khổ đến thế này, không bằng con trâu con chó nữa! con trâu đi cày còn được nghỉ, còn tôi suốt tháng quanh năm phải bận bịu với nhà cửa, vợ con, cơm áo gạo tiền, làm quần quật đêm ngày không lúc nào rảnh rỗi. Tôi khổ sở như vậy là vì ai? vậy mà bà vẫn không để cho tôi yên, hễ thấy mặt là hạch sách, càm ràm, đay nghiến. Vừa phải thôi, làm quá tôi cho cả nhà ra chuồng trâu mà ở!
Nghe chủ nhà nói thế trâu bỗng giật mình, bất giác than rằng:
- Hóa ra sống ở trên đời đâu có ai không khổ!
Trong chúng ta, mỗi người có một hoàn cảnh, xuất thân, có một hoàn cảnh sống, có thể là vui, có thể là khổ, nhìn chung là như thế, song nếu xét cho kỹ thì không ai hoàn toàn hạnh phúc, chỉ khác nhau là ít, nhiều những nỗi vui, khổ mà thôi.Khổ và vui đan xen, chồng chéo nhau như một mạng lưới vô hình giăng bủa cuộc đời chúng ta, không một ai thoát cả. Người trẻ có những cái khổ của người trẻ, người già có những cái khổ của người già; người giàu có cái khổ của người giàu, người nghèo có cái khổ của người nghèo, dù trong hoàn cảnh nào cũng có những điều không như ý, cũng có những nỗi khổ thân, khổ tâm, hoặc cả thân tâm đều khổ. Có ai không lo lắng, không hối tiếc, không trông mong, hy vọng điều gì ? Có ai chưa bao giờ buồn phiền, thất vọng, hay bất mãn, chán nản? Có ai hoàn toàn khỏe khoắn, thoải mái cả về thể xác lẫn tinh thần? Chắc chắn là không có ai.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

Tự Ngã

Vị thủ tướng của triều đại Tang là một người hùng của đất nước do sự thành công trong cả hai lãnh vực chính khách và điều hành quân sự. But despite his fame, quyền thế, và sự giàu có, ông ta considere ông là người khiêm tốn và là người Phật tử thuần thành. Ông thường hay thăm viếng vị thiền sư mà ông kính mến để học đạo, hai người rất thân thiết nhau. Mặc dù ông là vị thủ tướng nhưng đã không ảnh hưởng gì đến quan hệ của hai người, chuyện đó có vẻ như giản dị một người là vị thiền sư được tôn trọng và một người học trò đáng kính

Một ngày kia, trong dịp thăm viếng thường lệ, vị thủ tướng hỏi thiền sư, "Thưa Ngài, theo Phật giáo thì tự ngã là gì? Vị thiền sư mặt đỏ bừng, với vẻ vô cùng khiêm nhường và giọng nói gay gắt, ông trả lời, "Thật là một câu hỏi gì mà ngu xuẩn như thế!?"

Đây là câu trả lời không ngờ do vậy bị sửng sốt, vị thủ tướng sừng sộ và giận dữ. Vị thiền sư lúc đó mỉm cười và nói, "Đó là tự ngã, thưa Ngài"

Sức khỏe - Không Nên Ăn Sau 7 Giờ Tối

Không Nên Ăn Sau 7 Giờ Tối

Bài sưu tầm

Bạn thường ăn tối vào lúc mấy giờ? Hãy cố gắng đừng ăn sau 7 giờ tối!

Nếu ăn sau 7 giờ tối hoặc ăn cách 2 giờ đồng hồ trước khi đi ngủ. Chế độ ăn như vậy sẽ làm tăng nguy cơ bị nhồi máu cơ tim hoặc tai biến mạch máu não.

Ngoài những căn bệnh nêu trên mà các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra, những bệnh sau đây cũng có liên quan đến việc ăn tối quá muộn.

Những căn bệnh thường mắc phải do ăn tối muộn

1. Xơ vữa động mạch
Ăn tối quá muộn sẽ gây ra mỡ máu cao, bởi sau khi ngủ, tốc độ vận chuyển của máu giảm đi rõ rệt, khiến mỡ máu không ngừng tích tụ trên thành mạch máu. Lâu dần sẽ hình thành nguy cơ gây xơ vữa động mạch rất cao.

2. Bệnh dạ dày
Những ai ăn tối quá muộn cũng khiến dạ dày phải làm việc về đêm. Dạ dày ở trong trạng thái mệt mỏi, kết hợp với việc lớp niêm mạc già hóa không được thay mới kịp thời lâu dần sẽ gây bệnh về dạ dày.

3. Bệnh tiểu đường
Ăn tối quá muộn sẽ kích thích cơ thể tiết insulin quá nhiều, khiến các tế bào beta tiết insulin bị quá tải. Nếu trong khoảng thời gian dài liên tục bị quá tải, đặc biệt là đối với người lớn tuổi sẽ dễ gây bệnh tiểu đường do chức năng của các tế bào beta bị suy giảm.

4. Béo phì
Nếu ăn tối quá muộn sẽ khiến lượng đường, chất béo, axit amin trong máu tăng cao vào ban đêm, đồng thời sẽ chuyển hóa thành mỡ tự thân, tích tụ tại các bộ phận trong cơ thể, lâu dần sẽ khiến chúng ta bị béo phì

5. Mất ngủ, suy nhược hệ thần kinh
Ăn tối quá muộn chắc chắn sẽ khiến các cơ quan như dạ dày, ruột, gan, mật và tụy sẽ không ngừng làm việc và truyền thông tin đến não trong khi ngủ, do đó làm cho não luôn ở trong trạng thái hưng phấn, gây mất ngủ, mơ nhiều. Lâu dần sẽ làm suy yếu hệ thần kinh.

6. Rối loạn chuyển hóa
Ăn tối quá muộn sẽ làm rối loạn chuyển hóa, khiến bạn thường xuyên cảm thấy mất sức, chóng mặt, suy giảm trí nhớ và khả năng tư duy, cũng như dễ bị cảm, dị ứng trên da, vết thương lâu lành v.v… do khả năng miễn dịch bị suy yếu. Vì vậy, mọi người nhất định phải tập thói quen "ăn tối trước 7 giờ tối".

Vậy thì nên ăn tối như thế nào nếu đã qua 7 giờ?
1. Chỉ ăn no 5 phần
Nếu đã qua 7 giờ tối, cũng chính là khoảng thời gian vàng để đường ruột tiêu hóa, dịch dạ dày ít đi, động lực của dạ dày kém hơn. Lúc này nếu "ăn bù" bữa tối thì nên ăn ít hơn bình thường. Tốt nhất là chỉ ăn no 5 phần.

2. Ăn chậm rãi
Bởi vì đã rất muộn, nên cần ăn chậm lại, nhai thức ăn kỹ hơn để hỗ trợ cho việc tiêu hóa của dạ dày. Đồng thời cũng cho cơ thể thời gian phản ứng để cảm nhận được cảm giác no 5 phần.

3. Ăn chủ yếu là rau củ và hạt thô
Nếu ăn tối quá muộn, đừng ăn nhiều thịt cá, các chất béo và protein sẽ làm năng nặng nề cho cơ thể, thậm chí sau khi bạn ngủ say, cơ thể vẫn còn phải giúp bạn tiêu hóa thức ăn, tất nhiên sẽ gây mỡ máu cao, huyết áp cao v.v…

Vì vậy khi ăn tối sau 7 giờ, tốt nhất là nên ăn rau củ và hạt thô. Sự kết hợp này hoàn toàn sẽ không gây nặng nề cho cơ thể. Lượng chất xơ cao có thể rút ngắn thời gian thức ăn lưu lại ở ruột, tránh gây ung thư.

Chú ý: Đừng ăn bù nếu đã qua 9 giờ tối
Nếu thật sự quá muộn rồi, ví dụ như đã 9-10 giờ tối, sắp đến giờ ngủ rồi thì tốt nhất là đừng "ăn bù" nữa. Lúc này cách tốt nhất là uống một ly sữa ấm cùng ăn một ít hạt khô. Sữa nóng có thể hỗ trợ giấc ngủ, hạt khô có thể tăng cảm giác no mà không gây nặng nề cho cơ thể.

(Theo TriThucVN)

Truyện cười trong ngày

Mệt không…

Trong một khách sạn lớn một bà hỏi anh gác thang máy:

– Lên xuống mãi thế này anh có mệt không…

– Thưa mệt ạ.

– Lên mệt hơn phải không…

– Thưa không ạ.

– Vậy thì xuống mệt hơn à…

– Thưa không ạ.

– Khi ngừng…

– Thưa không ạ.

– Thế thì khi nào anh mệt…

– Khi người ta bắt đầu hỏi thăm

Tuesday, October 29, 2019

Suy Niệm Trong Ngày 29 tháng 10, 2019

Truyện ngắn - Ba Câu Hỏi

Ba Câu Hỏi
Leo Tolstoy

Ðó là chuyện ba câu hỏi khó của một nhà vua, do nhà văn hào Leo Tolstoy kể lại.

Nhà vua ấy, Tolstoy không biết tên. Một hôm đức Vua nghĩ rằng, giá mà vua trả lời được ba câu hỏi ấy thì vua sẽ không bao giờ bị thất bại trong bất cứ công việc nào. Ba câu hỏi ấy là:
1. Làm sao để biết được thời gian nào là thời gian thuận lợi nhất cho mỗi công việc?
2. Làm sao để biết được nhân vật nào là nhân vật quan trọng nhất mà ta phải chú trọng?
3. Làm sao để biết được công việc nào là công việc cần thiết nhất mà ta phải thực hiện?
Nghĩ thế, vua liền ban chiếu ra khắp trong bàn dân thiên hạ, hứa rằng sẽ ban thưởng trọng hậu cho kẻ nào trả lời được những câu hỏi đó.
Các bậc hiền nhân đọc chiếu liền tìm tới kinh đô. Nhưng mỗi người lại dâng lên vua một câu trả lời khác nhau.
Về câu hỏi thứ nhất, có người trả lời rằng muốn biết thời gian nào là thời gian thuận lợi nhất cho mỗi công việc thì phải làm thời biểu cho đàng hoàng, có ngày giờ năm tháng và phải thi hành cho thật đúng thời biểu ấy. Như vậy mới mong công việc làm đúng lúc. Kẻ khác thì lại nói không thể nào dự tính được trước những việc gì phải làm và thời gian để làm những việc ấy; rằng ta không nên ham vui mà nên chú ý đến mọi sự khi chúng xẩy tới để có thể làm bất cứ gì xét ra cần thiết.
Có kẻ lại nói rằng, dù vua có chú ý đến tình hình mấy đi nữa thì một mình vua cũng không đủ sáng suốt để định đoạt thời gian của mọi việc làm một cách sáng suốt, do đó nhà vua phải thành lập một Hội Ðồng Nhân Sĩ và hành động theo lời khuyến cáo của họ.
Lại có kẻ nói rằng, có những công việc cần phải lấy quyết định tức khắc không thể nào có thì giờ để tham khảo xem đã đến lúc phải làm hay chưa đến lúc phải làm. Mà muốn lấy quyết định cho đúng thì phải biết trước những gì sẽ xẩy ra, do đó, nhà vua cần phải cần đến những nhà cố vấn tiên tri và bốc phệ.
Về câu hỏi thứ hai, cũng có nhiều câu trả lời không giống nhau. Có người nói những nhân vật mà vua cần chú ý nhất là những ông đại thần và những người trong triều đình. Có người nói là mấy ông Giám Mục, Thượng Tọa là quan hệ hơn hết. Có người nói là mấy ông tướng lãnh trong quân đội là quan hệ hơn hết.
Về câu hỏi thứ ba, các nhà thức giả cũng trả lời khác nhau. Có người nói khoa học là quan trọng nhất. Có người nói tôn giáo là quan trọng nhất. Có người lại nói: chỉnh trang quân đội là quan trọng nhất.
Vì các câu trả lời khác nhau cho nên nhà vua không thể đồng ý với vị hiền nhân nào cả, và chẳng ban thưởng cho ai hết.
Sau nhiều đêm suy nghĩ vua quyết định đi chất vấn một ông đạo tu trên núi, ông đạo này nổi tiếng là có giác ngộ. Vua muốn tìm lên trên núi để gặp ông đạo và hỏi ba câu hỏi kia.
Vị đạo sĩ này chưa bao giờ chịu xuống núi và nơi ông ta ở chỉ có những người dân nghèo; chẳng bao giờ ông chịu tiếp người quyền quý. Vì vậy mà nhà vua cải trang làm thường dân. Khi đi đến chân núi, vua dặn vệ sĩ đứng chờ ở dưới, và một mình vua, trong y phục một thường dân, vua trèo lên am của ông đạo.
Nhà vua gặp ông đạo đang cuốc đất trước am.. Khi trông thấy người lạ, ông đạo gật đầu chào rồi tiếp tục cuốc đất. Ông đạo cuốc đất một cách nặng nhọc bởi ông đã già yếu; mỗi khi cuốc lên được một tảng đất hoặc lật ngược được tảng đất ra thì ông lại thở hào hển.
Nhà vua tới gần ông đạo và nói: "Tôi tới đây để xin ông đạo trả lời giúp cho tôi ba câu hỏi. Làm thế nào để biết đúng thì giờ hành động, đừng để cho cơ hội qua rồi sau phải hối tiếc ? Ai là những người quan trọng nhất mà ta phải chú ý tới nhiều hơn cả ? Và công việc nào quan trọng nhất cần thực hiện trước tiên ?"
Ông đạo lắng nghe nhà vua nhưng không trả lời. Ông chỉ vỗ vai nhà vua và cúi xuống tiếp tục cuốc đất.
Nhà vua nói: "Ông đạo mệt lắm rồi, thôi đưa cuốc cho tôi, tôi cuốc một lát". Vị đạo sĩ cám ơn và trao cuốc cho Vua rồi ngồi xuống đất nghỉ mệt. Cuốc xong được hai vồng đất thì nhà vua ngừng tay và lập lại câu hỏi. Ông đạo vẫn không trả lời, chỉ đứng dậy và đưa tay ra đòi cuốc, miệng nói: "Bây giờ bác phải nghỉ, đến phiên tôi cuốc". Nhưng nhà vua thay vì trao cuốc lại cúi xuống tiếp tục cuốc đất.
Một giờ rồi hai giờ đồng hồ đi qua. Rồi mặt trời bắt đầu khuất sau đỉnh núi. Nhà vua ngừng tay, buông cuốc, và nói với ông đạo:
"Tôi tới để xin ông đạo trả lời cho mấy câu hỏi. Nếu ông đạo không thể trả lời cho tôi câu nào hết thì xin cho biết để tôi còn về nhà".
Ông đạo nghe tiếng chân người chạy đâu đây bèn nói với nhà vua: "Bác thử xem có ai chạy lên kìa". Nhà vua ngó ra thì thấy một người có râu dài đang chạy lúp xúp sau mấy bụi cây, hai tay ôm bụng. Máu chảy ướt đầm cả hai tay.. Ông ta cố chạy tới chỗ nhà vua và ngất xỉu giữa đất, nằm im bất động miệng rên ri rỉ.
Vua và ông đạo cởi áo người đó ra thì thấy có một vết đâm sâu nơi bụng. Vua rửa chỗ bị thương thật sạch và xé áo của mình ra băng bó vết thương, nhưng máu thấm ướt cả áo.. Vua giặt áo và đem băng lại vết thương. Cứ như thế cho đến khi máu ngừng chảy.
Lúc bấy giờ người bị thương mới tỉnh dậy và đòi uống nước. Vua chạy đi múc nước suối cho ông ta uống. Khi đó mặt trời đã bắt đầu khuất và bắt đầu lạnh. Nhờ sự tiếp tay của ông đạo, nhà vua khiêng người bị nạn vào trong am và đặt nằm trên giường ông đạo. Ông ta nhắm mắt nằm yên. Nhà vua cũng mệt quá vì leo núi và cuốc đất cho nên ngồi dựa vào cánh cửa và ngủ thiếp đi. Vua ngủ ngon cho đến nỗi khi Vua thức dậy thì trời đã sáng và phải một lúc sau Vua mới nhớ ra được mình đang ở đâu và đang làm gì. Vua nhìn về phía giường thì thấy người bị thương cũng đang nhìn mình chòng chọc, hai mắt sáng trưng.
Người đó thấy vua tỉnh giấc rồi và đang nhìn mình thì nói, giọng rất yếu ớt:
"Xin bệ hạ tha tội cho thần".
"Ông có làm gì nên tội đâu mà phải tha ?"
"Bệ hạ không biết hạ thần, nhưng hạ thần biết bệ hạ. Hạ thần là người thù của bệ hạ, Hạ thần đã thề sẽ giết bệ hạ cho bằng được bởi vì khi xưa, trong chinh chiến bệ hạ đã giết mất người anh của hạ thần và còn tịch thu gia sản của hạ thần nữa".
"Hạ thần biết rằng bệ hạ sẽ lên núi này một mình để gặp ông đạo sĩ, nên đã mai phục quyết tâm giết bệ hạ trên con đường về. Nhưng cho đến tối mà bệ hạ vẫn chưa trở xuống, nên hạ thần đã rời chỗ mai phục mà đi lên núi tìm bệ hạ để hành thích. Thay vì gặp bệ hạ, hạ thần lại gặp bốn vệ sĩ. Bọn nầy nhận mặt được hạ thần cho nên đã xông lại đâm hạ thần. Hạ thần trốn được chạy lên đây, nhưng nếu không có bệ hạ cứu thì chắc chắn hạ thần đã chết vì máu ra nhiều quá. Hạ thần quyết tâm hành thích bệ hạ mà bệ hạ lại cứu sống được hạ thần. Hạ thần hối hận quá. Bây giờ đây nếu hạ thần mà sống được thì hạ thần nguyện sẽ làm tôi mọi cho bệ hạ suốt đời, và hạ thần cũng sẽ bắt các con của hạ thần làm như vậy. Xin bệ hạ tha tội cho hạ thần".
Thấy mình hòa giải được với kẻ thù một cách dễ dàng nhà vua rất vui mừng. Vua không những tha tội cho người kia mà còn hứa sẽ trả lại gia sản cho ông ta, và gửi ngự y cùng quân hầu tới săn sóc cho ông ta lành bệnh.
Sau khi cho vệ sĩ khiêng người bị thương về nhà, vua trở lên tìm ông đạo để chào. Trước khi ra về vua còn lặp lại lần cuối ba câu hỏi của vua. Ông đạo đang quỳ gối xuống đất gieo những hạt đậu trên những luống đất đã cuốc sẵn hôm qua.
Vị đạo sĩ đứng dậy nhìn vua: "Nhưng ba câu hỏi của vua đã được trả lời rồi mà".
Vua hỏi: "trả lời bao giờ đâu nào ?"
"Hôm qua nếu Vua không thương hại bần đạo già yếu mà ra tay cuốc dùm mấy luống đất này thì khi ra về nhà vua đã bị kẻ kia mai phục hành thích mất rồi, và nhà Vua sẽ tiếc rằng đã không ở lại cùng ta. Vì vậy thời gian quan trọng nhất là thời gian Vua đang cuốc đất; nhân vật quan trọng nhất lúc đó là bần đạo đây, và công việc quan trọng nhất là công việc giúp bần đạo. Rồi sau đó khi người bị thương nọ chạy lên, thời gian quan trọng nhất là thời gian vua chăm sóc cho ông ta, bởi vì nếu vua không băng vết thương cho ổng thì ổng sẽ chết và vua không có dịp hòa giải với ổng; cũng vì thế mà ông ta là nhân vật quan trọng nhất, và công việc vua làm để băng bó vết thương là quan trọng nhất. Xin vua hãy nhớ kỹ điều này: "chỉ có một thời gian quan trọng mà thôi, đó là thời gian hiện tại, là giờ phút hiện tại. Giờ phút hiện tại quan trọng bởi vì đó là thời gian duy nhất trong đó ta có thể làm chủ được ta. Và nhân vật quan trọng nhất là kẻ đang cụ thể sống với ta, đang đứng trước mặt ta, bởi vì ai biết được là mình sẽ đương đầu làm việc với những kẻ nào trong tương lai. Công việc quan trọng nhất là công việc làm cho người đang cụ thể sống bên ta, đang đứng trước mặt ta được hạnh phúc, bởi vì đó là ý nghĩa chính của đời sống.

(Trích từ Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức - TNH )

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

Sự phục tùng

Những buổi thuyết giảng của thiền sư Bankei không những chỉ dành riêng cho các thiền sinh mà là cho tất cả mọi người của mọi từng lớp mọi giai cấp trong xã hội. Ông không bao giờ chứng dẫn kinh điển trong các đề tài văn học cao xa. Trái lại, những lời nói của ông là nói ra trực tiếp từ đáy lòng để truyền đến tâm hồn người nghe.

Phần lớn thính giả của ngài đã giận dữ một Thầy của phái Nichiren có một môn đồ bỏ qua nghe thiền Zen. Thầy này đã tới chùa quyết định có một cuột tranh luận với thiền sư Bankei.

"Này, vị Giảng Sư thiền!" ông ta kêu lớn. "Hãy chờ một phút. Ai đó tôn trọng ông sẽ nghe lời những gì ông nói, nhưng một người như tôi thì không tôn trọng ông. Ông có thể nào làm tôi vâng lời ông không?"

-"Tới gần bên cạnh tôi và tôi sẽ chỉ cho bạn," Thiền Sư Bankei nói.

Một cách kiêu hãnh vị Thầy này đẩy đám đông để dọn đường đi tới Thiền Sư.

Thiền Sư Bankei mỉm cười. "Tới gần phía bên tay trái tôi."

Vị Thầy này vâng lời.

- "không," Thiền Sư Bankei nói, "chúng ta có thể nói chuyện hay hơn nếu bạn qua bên tay trái tôi. Bước qua đây."

Vị Thầy kiêu căng bước qua phía tay phải.

- "Bạn thấy không," Thiền Sư Bankei nhìn và nói "bạn đang vâng lời tôi và tôi nghĩ bạn là một người rất lịch sự. Bây giờ ngồi xuống và lắng nghe."

Điển Hay Tích Lạ

CHU CÔNG THỔ BỘ

Nguyễn Tử Quang 

          Chu Công tên Đán, người đời nhà Chu (1135-221 trước D.L.), có tài trị nước. 
"Thổ bộ" do nguyên câu: "Nhất phạn tam thổ bộ" nghĩa là "Một bữa ăn phải nhả cơm ba lần". 
          Nhà Thương (Ân) truyền được 600 năm thì đến vua Trụ tên Ân Thọ là vua dâm bạo. Văn vương Cơ Xương vẫn thờ nhà Ân nhưng đến con là Võ vương tên Cơ Phát hội các chư hầu phạt Trụ, diệt nhà Ân lên ngôi, đóng đô ở Cảo Kinh, đặt quốc hiệu là Chu, tức là Tây Chu. 
          Võ vương làm vua, em là Chu Công Đán giúp việc chính trị, tôn trọng chiêu đãi người hiền. Chu Công xem gương hưng vong của các đời Đường, Ngu, Hạ, Thương, thấy rằng chỉ là do chư hầu (các tù trưởng) phục hay bất phục nên đem đất đai chiếm được phong lại cho các tù trưởng cũ. Chỉ có các địa điểm trọng yếu thì phong cho các công thần cùng con em để khống chế chư hầu cũ và làm hàng rào cho vương thất. 
          Chư hầu mới cũ đều theo đất phong lớn nhỏ mà chịu tước Công, Hầu, Bá, Tử, Nam. Đất phong của Công, Hầu là 100 dặm vuông, của Bá là 70 dặm, của Tử , Nam là 50 dặm. Người được đất không đến 50 dặm gọi là phụ dung. 
          Chu Công lại đặt ra lễ nhạc, mỗi nghi thức ở triều đình, mỗi trật tự trong gia tộc đều được quy định chặt chẽ. Về nông nghiệp, Chu Công đặt phép tỉnh điền. Một khoảng đất rộng chừng 5, 6 trăm mẫu chia làm 9 khu theo hình chử "tỉnh". Tám gia đình chia nhau 8 khu ở chung quanh và phải chung sức cày cấy khu ở giữa để nộp cho vua. Phép tỉnh điền có lợi là làm cho đất đai tài sản nhân dân khỏi chênh lệch. 
          Sử chép dưới triều này, nước Việt Nam lúc bấy giờ gọi là Việt Thường, sai sứ sang cống chim bạch tử. Chu Công chế xe chỉ nam (nguồn gốc của địa bàn) để đưa sứ ta về nước, phòng lạc đường. Đây là một thời cực thịnh của đời nhà Chu mà phần lớn do tài đức của Chu Công xây dựng. 
          Ở ngôi được 13 năm, Võ vương mất, Thành vương còn nhỏ. Chu Công giữ quyền nhiếp chính để phò ấu chúa. Có bọn bầy tôi cũ của vua Trụ phao ngôn là ông sẽ cướp ngôi của cháu. Thấy Thành vương không trị tội kẻ phao vu tin nhảm mà còn tỏ ý hoài nghi, ông bèn trả chức vị lui về ấp riêng, soạn tập thơ "Xuy hiền" gởi cho nhà vua. Thành vương xem xong, lấy làm hối hận lại rước Chu Công về làm phụ chính. 
          Chu Công chẳng những có tài về chính trị còn có đức tính quý trọng kẻ sĩ người hiền. Khi tắm gội hay đương ăn cơm, nghe có kẻ sĩ đến, ông liền bới tóc hay nhả cơm ngay để ra đón tiếp. Sách "Sử ký " có chép: Chu Công răn ông Bá Cầm rằng: "Một buổi tắm gội, ta phải bới tóc ba lần, một bữa ăn ta phải nhả cơm ba lần để đứng dậy ra tiếp kẻ sĩ. Thế mà còn lo không thu phục được người hiền trong thiên hạ đấy!" Nguyên văn: "Ngã nhứt mộc tam ác phát, nhứt phạn tam thổ bộ, khởi dĩ đãi sĩ, do khủng thất thiên hạ chi hiền nhân". 
          "Chu Công thổ bộ" ý nói Chu Công trọng vọng kẻ sĩ. Đó là một tấm gương sáng cho những người lãnh đạo việc nước cần phải quý trọng kẻ sĩ, trọng người hiền để tìm bực hiền giả cùng mìnhlo đại cuộc cho đất nước. 
          Trong bài "Đoản ca hành" của Tào Tháo đời Tam Quốc có câu: 
Sơn bất yếm cao, 
Thủy bất yếm thâm. 
Chu Công thổ bộ, 
Thiên hạ qui tâm. 
Dịch ý: 
Núi sông cách trở là bao, 
Chu Công trọng vọng, anh hào về theo. 
                             (Bản dịch của Tử Vi Lang) 

Truyện cười trong ngày

Không cần phải vội

Anh chàng nọ đi bộ đi làm, chỗ làm gần nhà nhưng phải đi phà qua sông, nhưng ngày nào anh cũng bị nhỡ phà.

Hôm nay anh quyết định đi sớm hơn, vừa đến thấy phà cách bờ khoảng hơn 1m, quyết không để nhỡ phà anh lấy đà từ xa và nhảy lên phà.

Khi lên phà với vẻ mặt hãnh diện anh nói chuyện với người khách bên cạnh:

– Anh thấy tôi giỏi không?

Anh khách đủng đỉnh nói:

– Giỏi! Nhưng không nhất thiết phải vội như vây, anh chờ một tí thì phà cũng đến bờ mà.

Monday, October 28, 2019

Suy Niệm Trong Ngày 28 tháng 10, 2019

Truyện ngắn - Nễ Hành

Nễ Hành

Tào Tháo đòi Nễ Hành đến yết kiến. Nghi lễ yết kiến xong, Nễ Hành không được mời ngồi, bèn ngước mặt lên trời than:
- Trời đất tuy rộng rãi, sao lại không có được một người!
Tào Tháo liền hỏi:
- Thủ hạ của ta có mấy chục người đều là bậc anh hùng đời nay, sao gọi là không người được?
Nễ Hành bảo:
- Xin cho nghe tên tuổi.
Tào Tháo kể:
- Tuân Dục, Tuân Du, Quách Gia, Trình Dục mưu trí sâu xa dẫu cho Tiêu Hà, Trần Bình cũng không kịp. Trương Liêu, Hứa Chử, Lý Điển, Nhạc Tiến vũ dũng vô địch, dẫu cho Sầm Bành, Mã Vũ cũng không hơn được. Lữ Kiền, Mã Sủng làm chức tùy sự, Vu Cấm, Từ Hoảng làm chức tiên phong, Hạ Hầu Đôn là bậc kỳ tài trong thiên hạ, Tào Tử Kiến là phúc tướng của thế gian. Như thế sao gọi là không có người được?
Nễ Hành cười đáp:
- Ông nói sai rồi. Bọn người ấy tôi biết rõ lắm. Tuân Dục có thể sai đi viếng đám ma, đi thăm người bệnh. Tuân Du có thế sai giữ mả giữ mồ. Trình Dục có thể sai đóng cửa đóng ngõ. Quách Gia có thể đọc phú ngâm thơ. Trương Liêu có thể sai gõ chuông đánh trống. Hứa Chử có thể sai dắt ngựa chăn trâu. Nhạc Tiến có thể sai đưa thư truyền hịch. Hạ Hầu Đôn có thể gọi là ông tướng không tróc vẩy trầy da. Tào Tử Hiếu nên gọi là quan Thái thú ưa vàng ham bạc. Ngoài ra đều là phường giá áo, túi cơm, thùng rượu, bị thịt mà thôi.
Tào Tháo giận, hỏi:
- Mi có tài chi ?
Nễ Hành đáp:
- Thiên văn, địa lý không chuyện gì là không thông. Tam giáo cửu lưu, học thuyết xưa nay, không một điều gì không hiểu. Trên có thể giúp vua xây sự nghiệp Nghiêu Thuấn, dưới có thể sánh với Khổng Tử, Nhan Uyên. Há đem ta sánh bàn cùng người đời được sao?
Trương Liêu đứng bên cạnh, hằm hằm rút gươm muốn giết. Tào Tháo bảo:
- Ta đương thiếu một viên quan đánh trống. Nay mai có yến tiệc khách hạ, để sai Nễ Hành làm chức ấy.
Nễ Hành không từ chối, dạ dạ lui ra. Trương Liêu hỏi:
- Thằng ấy nói năng vô lễ, sao Thừa tướng không giết đi?
Tào Tháo đáp:
- Hắn vốn có hư danh, xa gần đều biết. Nếu ta giết hắn, thiên hạ sẽ chê ta độ lượng hẹp hòi. Hắn tự cho là có tài, ta sẽ cho làm tên đánh trống để làm nhục cho bỏ ghét.
Hôm sau, Tào Tháo mở tiệc lớn. Quan khách đến đông đủ, Tào Tháo truyền lệnh gióng trống. Viên quan coi việc đánh trống bảo Nễ Hành thay áo mới. Nễ Hành không đáp, mặc áo cũ đi thẳng đến giá để trống, gióng ba hồi theo điệu Ngư Dương. Âm điệu du dương réo rắt như tiếng khách tiếng chuông, khác ngồi trên tiệc đến cảm xúc, bồi hồi, có kẻ đến rơi lệ.
Bọn lính hầu thét:
- Sao không thay áo?
Nễ Hành từ từ trút bỏ quần áo cũ, thân thể trần truồng. Tân khách đều che mặt. Nễ Hành lại ung dung vận khố lên, nét mặt không hề thay đổi. Tào Tháo mắng:
- Trên chốn miếu đường sao ngươi dám vô lễ quá thế?
Nễ Hành bình tĩnh đáp:
- Khinh mạn nhà vua, lừa dối người trên, mới gọi là vô lễ. Ta chỉ để lộ hình hài cha mẹ để cho rõ tính chất trong sạch của ta mà thôi.
Tào Tháo hỏi:
- Mi trong sạch, vậy chớ ai là người ô trọc?
Nễ Hành đáp:
- Nhà ngươi không biết kẻ hiền, người ngu, ấy là mắt ô trọc. Không đọc Kinh Thi, Kinh Thư, ấy là miệng ô trọc. Không nghe lời nói thẳng, ấy là lỗ tai ô trọc. Không thông hiểu sự việc xưa nay, ấy là tấm thân ô trọc . Thường nuôi mộng cướp ngôi cướp nước, ấy là trái tim ô trọc. Ta là kẻ sĩ có danh trong thiên hạ. nhà ngươi sai ta làm chức đánh trống, thế có khác gì Dương Hóa dám khinh Khổng Tử, Tang Sương dám nói xấu Mạnh Tử không ? Muốn dựng thành nghiệp vương nghiệp bá, mà lại khinh người hiền như thế sao?

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

Câu hỏi đơn giản

Ngày xưa có một vị Tăng sĩ là một người rất thành thạo về kinh Kim Cương, và thời đó kinh sách rất hiếm hoi, Vị Tăng sĩ chỉ mang trên lưng tạng kinh duy nhất nói về của vũ trụ. Vị Tăng sĩ là một người được biết đến khi ông có sự hiểu nhiều và thấu triệt trong kinh Kim Cang, và rất thành công tại những đề xuất một cách uyên bác không những chỉ trong hàng Tăng sĩ và các vị Thầy mà ngay cả những người cư sĩ cũng biết đến ông. Thật vậy người ta đã tới để được biết về kinh Kim Cang, và là một vị Tăng sĩ du hành trên một con đường trên núi, ông tới nơi một quán hàng do một bà lão bán bánh và nước trà.

Vị Tăng sĩ đói bụng, ông muốn nghỉ ngơi và bồi dưỡng thân thể, nhưng than ôi, ông không có tiền.

Vị Tăng sĩ nói với bà lão, "Tôi có ở đàng sau lưng cả một kho tàng hiểu biết - Kinh Kim Cang. Nếu bà cho tôi một ít trà và bánh, tôi sẽ nói cho bà nghe về sự ích lợi to lớn của kho tàng hiểu biết này.

Bà lão già biết một ít về kinh Kim Cang, và đưa ra một đề nghị.

Bà nói. "Oh, này vị Tăng sĩ uyên bác ơi, nếu Ngài trả lời một câu hỏi đơn giản của tôi, tôi sẽ cúng dường Ngài trà và bánh."

Vị Tăng sĩ này sẵn sàng bằng lòng.
Bà lão hỏi.

"Khi Ngài ăn những miếng bánh này, Ngài ăn với cái tâm ở quá khứ, cái tâm ở hiện tại hay cái tâm ở tương lai?"

Vị Tăng sĩ không biết câu trả lời, do đó ông đã lấy từ trong túi sách ở sau lưng và lôi ra phần nói về kinh Kim Cang, với hy vọng sẽ tìm ra câu trả lời. Ông đã nghiên cứu và suy nghĩ, một ngày trôi qua bà lão già thu dọn đồ đạc để trở về nhà.

"Ngài là một Tăng sĩ xuẩn ngốc" bà lão nói với vị Tăng sĩ khi bà chuẩn bị đi về.

"Ngài ăn bánh và trà với miệng của Ngài."

Cổ Học Tinh Hoa - Hay dở đều do mình

Hay dở đều do mình

Kẻ có quốc gia mà đã bất nhân thì tâm thần mê muội, công việc đảo điên, không còn biết phải trái là gì nữa, nguy cũng mặc, tai cũng mặc, đến mất đứt cũng mặc. Kịp khi đã bại hoại, diệt vong rồi thì lại đổ cho mệnh giời, quy tội cho người, có biết đâu là tự chính mình gây nên mối hoạ cho mình cả.

Người làm quận trưởng một quốc gia nếu mà bất nhân thì không thể nào nói phải với họ được nữa! Quốc gia suy yếu, ngoại biến đến nơi, họ vẫn cho là yên; thiên tai nhân họa xảy ra luôn luôn, họ không biết là hại; xa xỉ ăn chơi, bạo ngược tàn ác đi đến con đường diệt vong, họ vẫn lấy làm vui sướng. Hạng bất nhân ấy, nếu còn phải được với họ thì đã chả đến nỗi có những chuyện mất nước tan nhà!

Ngày trước có đứa trẻ hát câu:

“Thương Lang chi thuỷ thanh hề, khả dĩ trạc ngã anh.

Thương Lang chi thuỷ trọ hề, khả dĩ trạc ngã túc”.

Nghĩa là: Nước sông Thương Lang nếu mà trong thì ta dùng để giặt giải mũ ta. Nước sông Thương Lang nếu mà đục, thì ta dùng để rửa chân ta.

Khổng Tử nghe thấy, bảo học trò rằng:

- Chúng con nghe đấy: Nước trong thì tự khắc người ta mới giặt giải mũ, đục thì tự khắc người ta chỉ để rửa chân. Đó đều là do nước tự thủ(1) cả.

Ôi! Việc thiên hạ cái gì mà chẳng do tự thủ! Người ta tất tự khinh(2) mình trước, rồi người ngoài mới khinh sau; nhà mình tất tự huỷ(3) nhà mình trước, rồi người ngoài mới huỷ sau; nước mình tất tự phạt(4) nước mình trước, rồi người ngoài mới phạt sau.

Cũng tức như câu ở thiên Thái Giáp(5): “Thiên tác nghiệt, bất khả vị. Tự tác nghiệt bất khả hoạt”. Nghĩa là giời làm tai vạ còn tu tỉnh để mà tránh được, nếu mình gây ra tai vạ thì mình làm mình chịu, chẳng có thể trốn tránh mà thoát chết được.

Mạnh Tử

Lời bàn:

Kẻ có quốc gia mà đã bất nhân thì tâm thần mê muội, công việc đảo điên, không còn biết phải trái là gì nữa, nguy cũng mặc, tai cũng mặc, đến mất đứt cũng mặc. Kịp khi đã bại hoại, diệt vong rồi thì lại đổ cho mệnh giời, quy tội cho người, có biết đâu là tự chính mình gây nên mối hoạ cho mình cả. Có thân không biết tu, có nhà không biết trị, có nước không biết giữ, thế là khiến cho người ta khinh mình, bảo cho người ta phá mình, mời cho người ta đánh mình. ÔI! Sự biến cố mấy khi tự dưng mọc ra đâu, muôn sự do tự mình hết cả. Nên người có trách nhiệm giữ quốc gia nên nhớ lấy cái nghĩa “tự thủ” để tránh lấy cái tai vạ “tự túc”.

(1) Tự thủ: mình tự chuốc lấy cho mình không dự gì đến người khác.

(2) Tự khinh: tự mình làm đê tiện nhân cách của mình.

(3) Tự huỷ: tự mình làm cho mình hỏng nát.

(4) Tự phạt: tự mình phá hại làm cho mình tồi tàn

(5) Thái Giáp: tên một thiên trong Kinh Thư

Truyện cười trong ngày

Khắc có

Một anh hỏi người thợ săn già: “Nếu đi săn gặp gấu, bắn hết đạn mà nó cứ xông vào thì phải làm gì ạ?”.

– Phải trèo ngay lên một cây cao, lấy phân bôi khắp người.

– Nhưng lúc đó lấy phân ở đâu ra?

– Yên tâm, lúc đó khắc có.

Sunday, October 27, 2019

Suy Niệm Trong Ngày 27 tháng 10, 2019

Truyện ngắn - Vị thần y

Vị thần y

Vào niên đại 60, tại Bình Nguyên, Hoài Bắc đã xuất sinh được một thần y họ Cổ. Ông có y đức cao thượng, y thuật tinh xảo, khi chữa bệnh thường dùng “nhân quả” để giáo hóa người bệnh khiến cho thể xác và tinh thần của bênh nhân đều khỏe mạnh. Vì vậy, người dân trong vùng gọi ông là “Cổ thiện nhân” (ý chỉ ông là người tốt). Mỗi khi gặp bệnh nhân nghèo, ông chẳng những chữa bệnh không lấy đồng nào mà còn giúp đỡ họ bằng cách cho tiền…

Có một lần, trong thôn có một bà lão đã ngoài 80 tuổi vì tuổi già, cơ thể suy yếu nên bị bệnh nặng. Thần y họ Cổ thấy hoàn cảnh gia đình bà quá nghèo, nên ông không chỉ không thu tiền chữa trị mà còn lấy 60 đồng trong túi áo của mình lặng lẽ đặt vào trong chiếc giày của bà lão. Sau khi vị thần y rời đi, người con trai của bà lão phát hiện ra số tiền 20 đồng mà chị anh ta để ở dưới gối đã “không cánh mà bay”. Người con trai này của bà lão cho rằng thần y là người đã lấy trộm chúng, thế là anh ta chạy theo tới nhà Thần y để hỏi xem có đúng là ông đã lấy trộm không.

Vị thần y nghe xong, liền thừa nhận là mình đã lấy 20 đồng, ông còn lấy trong tủ ra 20 đồng và đưa cho người con trai của bà lão. Anh ta nhận tiền xong còn chửi mắng thần y, đồng thời đá ông 3 cái vào người. Sau khi trở về nhà, anh ta mới biết rằng số tiền 20 đồng kia là do chị gái mình đã lấy cất đi.

Con trai bà lão vừa nghe xong đã vội vàng trở lại nhà thần y, quỳ xuống xin lỗi và hỏi ông một cách khó hiểu: “Thưa tiên sinh, ông không lấy trộm tiền của nhà tôi, tại sao ông lại nhận?”

Vị thần y nghe xong liền trả lời: “Mẹ của cậu bị bệnh nặng không thể tức giận, nếu như không tìm được tiền, bà ấy sẽ sốt ruột lo lắng mà nguy hiểm đến tính mạng. Chỉ cần bà ấy khỏe mạnh, ta thừa nhận mình lấy chút tiền ấy cũng được. Ta tin rằng chân tướng của chuyện này sớm muộn gì mọi người cũng sẽ biết rõ. Nếu như ta có thể chịu nhục một chút, đổi lại mẹ của cậu được khỏe mạnh thì cũng là xứng đáng thôi”. Sau khi nghe xong những lời này, anh ta cảm thấy vô cùng xấu hổ.

Một hôm khác, có một cô gái ở thôn bên kia sông đến cầu xin thần y tới chữa bệnh cho mẹ. Khi thần y cùng cô gái này đi tới bờ sông để lên thuyền qua sông thì thuyền đã đông người. Vị thần y vừa bước chân lên thuyền thì người chèo thuyền lại bảo ông xuống. Những người trên thuyền thấy vậy đều nhao nhao yêu cầu người chèo thuyền cho thần y được qua sông nhưng người chèo thuyền vẫn không đồng ý. Cô gái thấy vậy liền quỳ xuống trước mặt người chèo thuyền vừa khóc vừa cầu xin để thần y được qua sông chữa bệnh cho mẹ mình.

Người chèo thuyền vẫn không đồng ý, thần y liền nói: “Được rồi! Mọi người cứ qua sông trước, ta sẽ đợi chuyến sau!” Người chèo thuyền nói: “Ông có chờ đến đêm tôi cũng không chở ông qua sông.” Mọi người thấy quá lạ bèn hỏi người chèo thuyền: “Rốt cuộc là vì sao mà ông lại không chở thần y qua sông?” Người chèo thuyền im lặng không nói lời nào.

Vị thần y và cô gái đành phải đứng trên bờ nhìn đoàn người qua sông mà than thở. Không ngờ, ngay khi đoàn thuyền vừa đến giữa dòng sông thì bị một cơn lốc xoáy lớn làm chiếc thuyền chao đảo, rồi lật khiến mọi người đều rơi xuống sông sâu mà rất nhiều người tử vong.

Người chèo thuyền bơi được lên bờ mới nói cho vị thần y và cô gái nghe:

Đêm hôm qua tôi đã gặp ba giấc mộng. Khi tôi vừa nằm xuống thì thổ địa nói với tôi: “Ngày mai, nếu thần y Cổ qua sông thì đừng chở ông ấy!” Đến nửa đêm, Hà Bá lại nói với tôi rằng: “Ngày mai, nếu thần y Cổ qua sông thì đừng chở ông ấy!” Đến khi trời tờ mờ sáng thì Quan Thế Âm Bồ Tát lại nói với tôi câu y như vậy. Cho nên, tôi đã không dám chở ông qua sông nhưng cũng không thể nói rõ nguyên do cho mọi người. Đến bây giờ thì tôi mới hiểu, tất cả đều là “thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo”.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

Đi trên nước

Ba người Tăng sĩ đồng ý thực tập thiền chung. Họ ngồi bên bờ hồ và nhắm mắt lại trong thiền định. Thình lình, vị thứ nhất đứng dậy và nói: Tôi bỏ quên cái chiếu." Ông bước trên mặt nước ở phía trước ông như một phép lạ, và đi xuyên qua hồ nước để đến am thất ở phía kia mặt hồ.

Khi ông trở lại, người Tăng sĩ thứ hai đứng dậy và nói, "Tôi quên không để quần áo trong cho khô." Ông bước nhẹ nhàng trên mặt nước qua phía bên kia và trở về cũng trên lối đó.

Vị Tăng sĩ thứ ba chăm chú nhìn 2 vị kia cẩn thận trong khi quyết định phải làm cái gì để thử năng lực của mình..

--“Mấy cái trò các ngài học được có giỏi hơn tôi không? Tôi cũng có thể làm được bất cứ cái gì mà hai ông làm được."

Ông ta tuyên bố rùm beng và hối hả chạy lại bờ sông để đi qua phía bên kia. Ông ta hụt chân rơi liền xuống chỗ nước sâu. Không nao núng, vị hành giả trèo ra khỏi nước và làm lại lần nữa, mà vẫn bị chìm xuống dưới nước. Một lần nữa ông lại trèo lên và lại cố gắng làm thử nữa, lần nào cũng bị chìm xuống nước. Và cứ thế trong khi hai vị kia theo dõi.

Một lúc lâu, vị Tăng sĩ thứ hai quay qua vị thứ nhất và nói,

-- "Huynh có nghĩ chúng ta nên nói cho Thầy đó biết những viên đá đặt ở đâu không?"