Nghe nhạc đạo cũng phải có đủ đức
Các bậc Thánh vương thời xưa chế định lễ nhạc không phải để con người hưởng lạc, mà để dẫn dắt con người tiết chế sự ham thích cái xấu cùng xu hướng buông thả bản thân, từ đó trở về với chính Đạo làm người. Âm nhạc đoan chính, hành vi mọi người cũng sẽ đoan chính.
Khúc nhạc cao nhã có thể cảm ứng đến Trời Đất, Thần linh giáng hiển cát tường. Trái lại, âm nhạc tà tịch chọc nộ Thần linh mà chiêu mời tai họa. Ban đầu, Trụ Vương làm Thiên tử lại không tôn kính Đạo Trời, không nhã nhạc chính thanh hợp đức với Trời Đất, lại lệnh cho nhạc sư Sư Diên tấu nhạc lả lướt ủy mị thâu đêm, dẫn đến mất nước. Khi Vũ Vương phạt Trụ, người chế, tấu nhạc cho Trụ Vương là Sư Diên cũng ôm đàn trầm mình xuống dòng sông Bộc mà chết.
Thời Xuân Thu, Vệ Linh Công muốn đến nước Tấn, giữa đường trú ở bên sông Bộc. Vào lúc nửa đêm, Vệ Linh Công nghe được tiếng đàn, hỏi tả hữu, họ đều nói không nghe thấy gì. Vệ Linh Công cho gọi nhạc sư Sư Quyên đến và nói: “Rõ ràng ta nghe được tiếng đàn, hỏi tả hữu lại nói không nghe thấy gì. Tình hình này giống như quỷ Thần đang tấu đàn. Khanh hãy nghe giúp ta rồi ghi lại”.
Sư Quyên ngồi ngay ngắn gảy đàn, vừa nghe vừa ghi lại, bận rộn cả đêm. Tối hôm sau lại luyện tập một đêm. Sau đó cùng Vệ Linh Công đến nước Tấn. Tấn Bình Công mở tiệc chiêu đãi Vệ Linh Công. Khi rượu đang hứng, Vệ Linh Công nói: “Trên đường đến Quý Châu, tôi nghe được một loại nhạc mới, xin diễn tấu để các ngài nghe”.
Tấn Bình Công bèn để Sư Quyên ngồi bên nhạc sư nước Tấn là Sư Khoáng. Sư Quyên vẫn chưa đàn xong, Sư Khoáng liền lấy tay ấn dây đàn ngăn lại nói: “Đây là âm vong quốc, không được đàn nữa!”.
Tấn Bình Công không hiểu, Sư Khoáng nói: “Khúc nhạc này là Sư Diên sáng tác. Sư Diên đã từng chơi âm nhạc ủy mị này cho Trụ Vương, sau này Vũ Vương đánh Trụ, Sư Diên chạy về hướng đông, ôm đàn nhảy xuống sông Bộc mà chết. Do đó, nơi nghe được khúc nhạc này nhất định là bên sông Bộc. Mà người đầu tiên nghe được khúc nhạc này, quốc gia người đó nhất định sẽ suy vong!”.
Tấn Bình Công nói: “Ta lại thích âm nhạc, hãy để ta nghe hết!”.
Sư Quyên bèn đàn tiếp cho đến hết khúc nhạc.
Tấn Bình Công hỏi Sư Khoáng: “Trong các khúc nhạc, có khúc nào cảm động lòng người hơn khúc này chăng?”.
Sư Khoáng đáp: “Có”.
Tấn Bình Công muốn nghe, Sư Khoáng nói: “Đức của ngài tu được chưa đủ, không thể nghe được”.
Bình Công khăng khăng muốn nghe, Sư Khoáng đành tấu đàn. Khi đàn đoạn thứ nhất, liền có 16 con Tiên hạc màu đen tụ tập trước cửa. Khi đàn đoạn thứ 2, Tiên hạc vươn cổ kêu, giang cánh bay múa. Tấn Bình Công mừng lắm, đứng lên chúc rượu Sư Khoáng. Sau khi về chỗ ngồi lại hỏi:
“Còn có khúc nào cảm động lòng người hơn khúc này chăng?”.
Sư Khoáng nói: “Có. Xưa kia Hoàng Đế đã từng dùng khúc nhạc này để đại hội quỷ Thần, hiện nay đức của ngài tu luyện không đủ thâm hậu, không được nghe nó. Nếu nghe thì sẽ chiêu mời tai họa”.
Bình Công nói: “Ta đã già rồi, niềm yêu thích chỉ còn âm nhạc, cứ để ta nghe đi”.
Sư Khoáng không còn cách nào đành cầm đàn tấu khúc nhạc đó lên. Khi đàn đoạn thứ nhất, có mây trắng từ chân trời phía tây bắc đùn lên. Khi gảy đàn đoạn thứ 2, gió lớn nổi lên, mưa to ào đến theo, mái ngói bị thổi bay. Các đại thần xung quanh ai nấy đều chạy toán loạn, chạy trốn khắp nơi. Tấn Bình Công sợ đến nỗi bò lổm ngổm trốn vào một căn phòng bên hành lang. Sau đó nước Tấn đại hạn 3 năm, cánh đồng đỏ cháy ngàn dặm, Tấn Bình Công từ đó đổ bệnh không đứng dậy được nữa.
Bài sưu tầm
nguồn tinhhoa.net
nguồn tinhhoa.net
No comments:
Post a Comment