Wednesday, October 31, 2018

Suy Niệm Trong Ngày 31 tháng 10, 2018

Truyện ngắn - Sức mạnh của sự tập trung

Sức mạnh của sự tập trung

Ở một vùng quê nọ, có hai cha con một nhà trồng hoa đang sinh sống trong một khu vườn rộng lớn. Người cha chăm chỉ, yêu lao động và được cả xã hội công nhận về thành công trong lĩnh vực trồng hoa. Còn người con có rất nhiều tài. Anh lớn lên trong vòng tay yêu thương và đầy đủ vật chất mà người cha ban cho. Anh đã học được nhiều nghề, làm được nhiều điều hay. Nhưng ở tuổi 35, anh vẫn là một người vô danh trong xã hội.

Anh luôn suy nghĩ về điều này, vẫn không thể hiểu tại sao mình làm nhiều điều hay mà đến giờ vẫn là người vô danh.

Người cha hiểu ý, liền đưa anh đến vườn hoa mà ông chuẩn bị thu hoạch. Ông chỉ vào cây bông hồng to nhất, đẹp nhất và rực rỡ nhất nằm giữa vườn cho cậu con trai và hỏi:

– Con có biết tại sao cây bông hồng kia lại to và đẹp rực rỡ hơn các cây khác không?

– Có phải vì cha mua giống mới không?

– Không phải, người cha đáp, tất cả đều chung một giống hoa con ạ.

– Thế có phải cha tưới cho nó nhiều nước và bón cho nó nhiều chất dinh dưỡng hơn không?

– Cũng không phải. Điều kiện chăm sóc và môi trường sinh trưởng của chúng đều như nhau.

Vậy thì chắc là đất ở chỗ đó tốt hơn?

Con lại sai nữa rồi. Đất cũng giống nhau.

Người con không biết trả lời sao nữa. Anh nghĩ mãi nhưng vẫn không thể giải thích nổi. Lúc này, người cha mới ôn tồn bảo:

Con có nhận thấy cây bông hồng này ít lá và ít nụ không?
À đúng rồi. Nhưng có nghĩa là gì hả cha?

Trong khu vườn này, chỉ duy nhất có cây bông này là ta thường xuyên nhìn tới. Khi thấy nhiều lá mọc quanh nó, ta tỉa bớt. Khi thấy nó có nhiều chồi, nhiều nụ đâm ra, ta cũng tỉa bớt.

Người con có vẻ hiểu ra điều gì đó, gật đầu liên tục. Người cha tiếp lời:

Tất cả các cây hồng đều có điều kiện sống như nhau, nhưng cây này lại được đặc ân của ta là tỉa bớt cành, nụ và lá nên chất dinh dưỡng sẽ tập trung vào bông hoa, không bị phân tán đi nơi khác. Chính vì thế nó to hơn, đẹp hơn và rực rỡ hơn.

Trầm ngâm một lúc, ông lại tiếp:

Cũng như con, tuy con rất giỏi, rất nhiều tài, làm được rất nhiều việc nhưng vẫn giống như những người khác vì con thiếu tập trung, bị phân tán năng lượng và thời gian vào quá nhiều thứ. Con cần phải xác định mình sẽ trở thành người như thế nào trong 5 năm tới. Con đam mê gì nhất, điều gì khiến cho con trăn trở nhất, điều gì khiến con có thể sống chết với nó, không quản khó khăn? Lúc đó con sẽ là người thành công, con trai ạ.

Lúc này, người con đã hiểu ra vấn đề. Anh khóc rồi quỳ xuống hôn vào tay người cha và cảm ơn ông về câu chuyện đã giúp anh nhìn nhận cuộc đời tốt hơn.

Vậy đấy các bạn ạ. Ai cũng có nhiều mối quan tâm, nhiều sự lựa chọn trong cuộc sống và sự nghiệp. Nhưng nếu không biết cách bỏ bớt để tập trung cho điều mình mong muốn thì mãi mãi vẫn sẽ là người vô danh.

Nguồn: Tổng hợp.

Truyện ngụ ngôn ý nghĩa

Chỉ có thời gian mới hiểu được giá trị của tình yêu

Ngày xửa ngày xưa, ở một hòn đảo nọ. một ngày kia các cảm xúc được thông báo rằng hòn đảo sẽ chìm. Vì vậy mà tất cả đều đóng thuyền và rời đi, ngoại trừ Tình Yêu. Tình yêu là người duy nhất ở lại. Tình Yêu muốn chống chọi đến giây phút cuối cùng.

   Khi hòn đảo sắp chìm, Tình Yêu mới quyết định nhờ giúp đỡ. Khi Giàu Có đi ngang qua Tình Yêu trên chiếc thuyền rất lớn. Tình Yêu nói : " Giàu Có ơi ! có thể cho tôi đi nhờ được ko ?". Giàu Có trả lời : " Không, tôi không thể, trong thuyền có rất nhiều vàng bạc nên không có chỗ cho anh đâu !". Tình Yêu bèn quyết định nhờ Phù Hoa, người cũng đi qua trên con tàu rất đẹp : "Phù Hoa ơi !hãy giúp tôi". Phù Hoa trả lời : " tôi không thể giúp anh, Tình Yêu ạ ! Anh quá ẩm ướt có thể làm hỏng tàu tôi ". Thấy nỗi buồn đang ở gần đó, Tình Yêu vội quay sang hỏi : "Nỗi Buồn ơi, hãy cho mình đi với cậu". "Ôi tình yêu , mình buồn quá,chỉ muốn đi một mình".

   Bỗng nhiên có một tiếng gọi : "Lại đây Tình Yêu, ta sẽ đưa cháu đi", đó một người lớn tuổi. Quá mừng vì sung sướng, Tình yêu quên cả việc hỏi xem họ đang đi đâu. Khi đến 1 miền đất khô ráo, người lớn tuổi ấy lại tiếp tục đi con đường của mình. Tình Yêu hỏi Tri Thức , một người đứng tuổi khác : "Ai vừa giúp cháu vậy". Tri Thức trả lời : " Đó là Thời Gian". "Thời Gian ư ?" Tình Yêu hỏi - "Sao Thời Gian lại giúp cháu ?" Tri Thức mỉm cười khôn ngoan nói : "Bởi lẽ chỉ có Thời Gian mới hiểu được giá trị của Tình Yêu"

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

Đắc Đạo hay chưa, chỉ khác nhau ở bản ”Tâm” này

Xưa có một lão hòa thượng sống trong ngôi chùa cổ trên núi cao. Một ngày kia có vị hành giả ghé thăm chùa. Hành giả biết lão hòa thượng đã tu hành đắc Đạo, bèn hỏi ông rằng: “Trước khi đắc Đạo, ngài đã làm những gì?”

Lão hòa thượng trả lời: “Ta chẻ củi, gánh nước, nấu cơm.”

Hành giả hỏi: “Vậy sau khi đắc Đạo thì sao?”

Lão hòa thượng nói: “Ta vẫn chẻ củi, gánh nước, nấu cơm.”

Hành giả lại hỏi: “Vậy cái gì gọi là đắc Đạo?”
Lão hòa thượng ôn tồn trả lời: “Trước khi đắc Đạo, lúc chẻ củi thì nghĩ về gánh nước, lúc gánh nước lại nghĩ về nấu cơm, nấu cơm rồi lại lo ngày mai đi chẻ củi gánh nước. Sau khi đắc Đạo, chẻ củi thì là chẻ củi, gánh nước thì là gánh nước, nấu cơm thì là nấu cơm.”

Kỳ thực, đắc Đạo hay chưa chỉ khác nhau ở một chữ “Tâm” này mà thôi. Trước khi đắc Đạo, lão hòa thượng cũng giống như những người phàm phu khác, tâm không thể tĩnh tại, làm chuyện gì cũng nghĩ tưởng về quá khứ và tương lai. Chỉ khi đã khắc chế cái tâm này, thì lòng người mới có thể ung dung tự tại, tinh thần mới có thể thảnh thơi…

Chùa Jokhang, Tây Tạng


Chùa Jokhang (Đại Chiêu) là ngôi chùa Phật giáo Mật Tông Tạng truyền nằm tại quảng trường Bát Giác thuộc trung tâm phố cổ Lhasa, thủ phủ của Khu tự trị Tây Tạng, Trung Quốc. Người Tây Tạng coi nó là ngôi đền linh thiêng và quan trọng nhất ở Tây Tạng. Ngôi chùa hiện được cai quản bởi Cách-lỗ phái nhưng họ chấp nhận tất cả các tín đồ của Phật giáo. Chùa này là sự pha trộn của thiết kế một Tịnh xá Ấn Độ với thiết kế Tây Tạng Nepal.

Đối với người Tây Tạng đó là ngôi chùa linh thiêng nhất nước và là nơi diễn ra ngày hội chùa Đại Chiêu lớn nhất của người Tạng. Nó được thành lập bởi vua Tùng Tán Cán Bố vào thế kỷ thứ 7 (năm 647) khi vương triều này hưng thịnh nhất. Theo truyền thống, nó được xây dựng cho hai cô dâu của nhà vua là Công chúa Văn Thành của nhà Đường và công chúa Bhrikuti của Nepal. Cả hai được cho là đã mang những hình ảnh và bức tượng Phật giáo quan trọng từ Trung Quốc và Nepal đến Tây Tạng đặt ở đây, như là một phần của hồi môn của họ. Phần lâu đời nhất của ngôi đền được xây dựng năm 652. Trong 900 năm tiếp theo, ngôi đền đã được mở rộng nhiều lần với lần cuối cùng được thực hiện năm 1610 bởi Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ năm. Khi Vua Ngật Lật Song Đề Tán trị từ 755 đến 797, hình ảnh Đức Phật của ngôi chùa đã bị giấu kín. Vào cuối thế kỷ thứ 9 và đầu thế kỷ thứ 10, các chùa Đại Chiêu được cho là đã được sử dụng làm chuồng ngựa. Năm 1049, A Đề Sa, một giáo viên nổi tiếng của Phật giáo từ Bengal đến dạy ở Đại Chiêu.

Đại Chiêu tự vốn tên Thần Biến tự (The House of Mysteries), xây dựng từ năm Vạn Lợi triều nhà Minh, tức là năm 1579. Chùa chính thức đổi tên thành Đại Chiêu Tự năm 1409 sau sự kiện Tông Khách Ba chiêu tập chúng phái phật giáo Tây Tạng cử hàng Đại Pháp hội tán thán Phật Thích Ca Mâu ni. Lúc bấy giờ, triều nhà Minh ban tên gọi "Chùa Hoằng Từ", cũng gọi là chùa Đại Chiêu.

Tương truyền, năm hoàn thành xây dựng chùa Đại Chiêu, Đức Đạt-lai đời thứ ba của Tây Tạng đã từ Tây Tạng đến Nội Mông để chủ trì Pháp hội khai quang pho tượng Phật bạc, sau đó, Phật sống Đạt-lai đời sau đều đã từng đến chùa Đại Chiêu giảng kinh truyền pháp, chùa Đại Chiêu đã trở thành chùa có sức ảnh hưởng lớn của khu vực Nội Mông, tín đồ bốn phương tấp nập đến hành hương.
nguồn - wikipedia

Truyện cười trong ngày

LẶNG LẼ, ÊM XUÔI

Bị cáo nhất định không chịu nhận tội. Y thanh minh:

- Thưa ông chánh án, trong vụ này tôi thật tình chỉ là người cố gắng làm cho mọi chuyện lặng lẽ, êm xuôi.

- Ông chánh án nói đầy mỉa mai: Thật ư, thế anh hãy giải thích tại sao lại đánh bên nguyên tả tơi rơi rụng đến nỗi người ta bị ngất xỉu cả tiếng đồng hồ.

- Tôi ngạc nhiên về sự chậm hiểu của ông đấy. Nếu không mạnh tay như vậy thì làm sao tránh được ồn ào, ầm ĩ cơ chứ.

Tuesday, October 30, 2018

Suy Niệm Trong Ngày 30 tháng 10, 2018

Truyện ngắn - Chuyện Di Tản 30 tháng 4, 1975. Giờ Mới Kể

Chuyện Di Tản 30 tháng 4, 1975. Giờ Mới Kể

Viết theo lời khuyến khích của một số bạn bè, của các em và người khuyến khích nhiều nhất đó là ông xã, cựu đại úy Hải Quân Nguyễn Văn Hòa, khóa 18 sĩ quan Hải Quân Nha Trang, nhiệm sở đầu tiên là Hỏa Vận Hạm HQ 473, nhiệm sở thứ hai là Hộ Tống Hạm HQ 10, nhiệm sở thứ  ba là tại bộ Tư Lệnh Hải Quân, nhiệm sở thứ tư là  Dương Vận Hạm 504.

Minh Hạnh.
Baton Rouge, ngày 3 tháng 10, 2018

Tôi còn nhớ cuộc di cư 1954,  theo Ba Mẹ từ miền Bắc vào Nam để lánh nạn cộng sản, ba mẹ tôi đạo Phật, Ba tôi làm việc cho chính phủ quốc gia và chống cộng rất mạnh, ông được giao cho trọng trách điều hành cuộc di tản vĩ đại này, vì có trọng trách điều hành cuộc di tản nên Ba tôi phải ở đến phút cuối mới cùng gia đình vào Nam trên chuyến bay chót của chương trình, do đó chúng tôi không phải trải qua sự cực khổ trong việc di tản trên các chuyến tàu há mồm chở dân tản cư. Lúc đó tôi còn rất bé nên không biết gì và cũng chẳng thắc mắc tại sao Ba Mẹ phải bỏ nhà cửa vườn tược rộng lớn để vào Nam ở nhờ căn nhà nhỏ bé vọn vẹn  4 thước vuông vức của bà dì cho ở tạm, căn nhà rất nhỏ  chỉ vỏn vẹn một phòng mà chứa 9 người trong gia đình chúng tôi. Rồi năm tháng trôi qua cuộc sống bình yên với những người miền Nam hiền hoà chất phát tôi đã được tiêm nhiệm vào người khí chất bình dị dễ thương của những người bạn chung quanh. Và tôi lập gia đình, ông xã tôi là sĩ quan Hải Quân sinh ra tại quận  Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương. Cuộc đời cứ tưởng sống trong sự bình yên, nhưng ai ngờ chiến tranh từ miền Bắc cộng sản tấn công vào miền Nam ồ ạt với ý đồ thôn tính miền Nam, và ông xã tôi là quân nhân, binh chủng Hải quân với lý tưởng góp một phần nhỏ nhoi  gìn giữ non sông thoát khỏi bàn tay đẫm máu của cộng sản, như những thanh niên khác. Nhưng lực bất tòng tâm, quân cộng sản được Tàu cộng và Nga cộng yểm trợ vũ khí trong khi miền Nam nước Mỹ ngưng viện trợ vì vậy yếu thế và chiến tranh tàn khốc khắp quê hương từ miền Trung, Đà Nẳng, Huế đã bắt đầu thất thủ vào những ngày tháng 3 và tháng 4 năm 1975.

Những ngày trong tháng 3 năm 1975, dân Sàigòn bắt đầu lo âu sợ hãi với những tin tức thua trận dồn dập đưa vể, và Sàigon đã tiếp nhận những người dân từ thôn quê, từ các tỉnh miền Trung vào lánh nạn, mọi người với nét lo âu hằn lên đôi mắt, khuôn mặt thiếu vắng nụ cười. Những tin tức chiến trận ở miền Trung Việt Nam,  ngày 23 tháng 3 thì Huế thất thủ, sau đó kéo theo Quảng Ngãi, Quy Nhơn và Nha Trang, dân chúng lại càng lo lắng sợ hãi hơn. Vào thời điểm đó ông xã tôi là sĩ quan đệ tam đang trên chiến hạm 504 với nhiệm vụ di tản người dân chạy tị nạn cộng sản từ miền Trung  đến đảo Phú Quốc. Khi đó tôi chỉ mới trên 26 tuổi với hai đứa con trai còn rất nhỏ Nam Hải mới hơn 4 tuổi và Nam Hoàng chưa được 1 tuổi rưỡi. Sài gòn lúc bấy giờ rất hỗn loạn, vật giá mắc mỏ vì mọi nhà đều mua thực phẩm về dự trữ. Tôi khi đó cảm thấy bơ vơ và sợ hãi, chồng không có bên cạnh, nếu quân cộng vào đến Sàigòn chắc tôi bị chúng bắt đi cải tạo quá vì là người di cư năm 1954 ,(tin đồn là vậy).
 Tôi nhớ vào ngày 18 tháng 4 năm 1975, người Mỹ tại Sàigòn bắt đầu di tản, tôi càng sợ hãi hơn. Lúc bấy giờ tôi đang làm kế toán viên tại sở Tổng Cục Gia Cư, với tình thế sôi nổi vì chiến tranh, tôi không còn tâm chí để làm việc, đứng ngồi không yên, đến sở lúc 8 giờ sáng, văn phòng làm việc thông thường có 20 người làm việc tại phòng tài chánh, nhưng những ngày tháng hỗn loạn văn phòng chỉ có chừng 5, 7 anh chị đến làm việc và những người kia vắng mặt như tôi sau khi ghi danh là chuồn khỏi sở, đạp xe đến nhà những người quen của chồng để hỏi thăm tin tức về ông xã và tin tức chiến sự. Trong thời điểm đó tin loan truyền trong bộ Tư Lệnh Hải Quân là chiến hạm 504 di tản dân có cộng sản trà trộn trong dân di tản với ý định xúi dục dân di tản làm loạn và chúng đã ám sát ông xã tôi chết , những người bạn Hải Quân của ông xã tôi đều biết tin đó nhưng không một ai cho tôi hay vì sợ tôi suy sụp. 

Với chiếc xe đạp mini tôi đạp từ sở nằm trên đường Đoàn Thị Điểm gần ngã tư Hiền  Vương đạp qua đường Yên Đổ rẽ ra đường Hai-Bà-Trưng rồi đổ xuống Võ-Di-Nguy Phú-Nhận, tôi rẽ vào nhà Ba Mẹ ở cư xá Chu Mạnh Trinh, Ba tôi với gương mặt sợ hãi vừa thấy tôi bước vào cửa ông lên tiếng:

- Này con, có nghe tin gì về chồng con chưa, khi nào thì chồng con về Sàigòn?

Tôi thưa:
- Dạ, con không nghe tin gì hết, con đang rất lo lắng.

Ba tôi hối thúc:

- Con đi hỏi thăm tin tức từ các bạn của chồng con xem sao, theo tình hình thì giặc vào đến nơi rồi, gia đình mình không thể sống với tụi cộng sản đâu, nhất là Ba đã một thời khi còn ở ngoài Bắc Ba đã chống tụi nó và tên tuổi của ba tụi nó đã biết rồi, kỳ này nếu nó bắt được Ba chắc tụi nó xử ba quá, chúng nó tàn ác lắm.

Tôi vâng dạ rồi lại đạp xe đi đến các nhà bạn thân trong quân đội Hải-Quân của ông xã nhờ giúp đỡ. Người đầu tiên tôi nghĩ đến là Đại Úy  Huệ, người cùng binh chủng và cùng thời làm việc trong bộ tư lệnh Hải Quân, đó là một người bạn rất thân, tôi và vợ anh ấy coi nhau như chị em, chúng tôi thường đến nhà nhau vào dịp cuối tuần ăn uống  khi thì nhà tôi khi thì nhà anh Huệ. Tôi đạp xe vòng qua đường Chi-Lăng đến chợ Bà-Chiểu rẽ vào con đường hẻm bên hông chợ đến nhà anh chị. Lần ghé này chỉ mình tôi và tôi được anh tiếp đón với thái độ xua đuổi, mặt nhăn nhó  nói: 

- Chị Hạnh, tôi không bằng lòng chị đến nhà tôi làm vợ tôi lo lắng!

Tôi chưa kịp bước vào nhà mà chỉ mới dựng chiếc xe đạp trước cửa thì anh đã hiện ra đứng trước cửa khuôn mặt nhăn nhó và nói với tôi những lời như vậy. (Câu nói của người xưa "khi hoạn nạn mới biết ai thân tình" đã đúng với tôi trong giờ phút này).

Tôi tủi thân nghẹn ngào nuốt nước mắt và quay xe trở ra đầu ngõ, vừa đạp xe nước mắt tôi rơi làm nhòe mắt, tôi phải dừng xe lại lấy sự điềm tỉnh mươi phút rồi mới tiếp tục đạp xe đi. Tôi đến nhà Trung Úy Trang người bạn làm chung tại bộ Tư Lệnh Hải-Quân với chồng tôi năm ngoái, anh tiếp tôi trong tình thân thương và ái ngại, anh tận tình hướng dẫn, anh cho biết Đại Tá Thiện có nhiệm vụ di tản gia đình binh sĩ khi có lệnh di tản, anh chỉ đường tôi đến nhà Đại Tá Thiện để nhờ giúp đỡ và lúc tiễn tôi ra cửa anh đưa  tôi  xấp tiền $35,000 (trị giá một tháng lương cấp đại uý thời bấy giờ)  nói :

- Chị Hạnh, chị hãy cầm số tiền $35,000 để xoay sở trong lúc không có anh Hòa ở nhà.

Tôi từ chối không nhận:

- Oh! Tôi cám ơn nghĩa cử tốt của anh, nhưng tôi không dám nhận đâu vì tôi vẫn còn tiền. 

- Chị cứ đến nhà Đại Tá Thiện để nhờ giúp đỡ, hiện Đại Tá đang ở Sàigòn để lo việc tiếp vận thực phẩm cho đồng bào di tản ở Phú Quốc.

Tôi từ giả ra về và tiếp tục đạp xe đến nhà Đại Tá Thiện, Đại Tá Thiện lúc bấy giờ là Tư Lệnh Hải-Quân Vùng 4 Duyên Hải. Đứng trước cửa nhà kín cổng với bờ tường cao bên ngoài nhìn không thấy gì trong sân, 2 người lính gác cửa thấy tôi các anh chào thân thiện và hỏi:

- Cô cần giúp đỡ gì? 

Tôi nói:
- Nhờ các anh vào nói với Đại Tá là có tôi là vợ của Đại Uý Hoà xin vào gặp.

Một người lính đi vào bên trong một lát trở ra mở rộng cửa rồi dẫn tôi vào bên trong. 

Gặp ông lần đầu tiên trong tôi có sự e dè, nhưng Đại Tá lại rất thân thiện tiếp tôi ân cần mặc dù chưa một lần gặp mặt tôi lần nào, ông hỏi:

- Tôi có thể  giúp gì cho cô? 

Tôi trình bày:

- Dạ, thưa Đại Tá,  ông xã tôi là Đại Úy Hòa đang trên chiến hạm ở miền Trung với nhiệm vụ di tản dân về đảo Phú Quốc, và tôi thì không quen biết ai để nhờ giúp đỡ nên mạo muội đến tìm Đại Tá xin nhờ giúp gìùm.

Đại Tá  vui vẻ trò chuyện và sau cùng ông nói tôi về nhà ghi tên tuổi những người trong gia đình rồi đưa cho Trung Uý Trang, ông sẽ chỉ thị cho người này hướng dẫn tôi và gia đình khi có lệnh di tản. Tôi cám ơn Đại Tá và về. 

Trong tâm tôi vô cùng cảm kích tấm thân tình của hai người đó là; Trung Úy Trang và Đại Tá Thiện, với hoàn cảnh của một người chinh phụ, một người đàn bà trẻ với 2 đứa con nhỏ dại, chồng thì đang hải hành mù mịt vì tình hình chiến sự sôi động nên không có một tin tức gì về anh từ ngày anh trình nhiệm sở nơi chiến hạm 504  đã gần nửa năm rồi. Tôi đạp xe mà lòng như muốn khóc, khóc vì nhớ anh, khóc vì sợ hãi độ chiến tranh đang tiến vào miền Nam như vũ bão, khóc vì sự tuyệt vọng đang oằn lên tâm tôi.

Tôi đạp xe về nhà ba mẹ để dặn dò mọi người chuẩn bị mỗi người một túi xách trong đó để vài bộ  quần áo. Sau đó tôi ghé nhà mẹ chồng ở Tân Định và cũng dặn dò mọi người chuẩn bị quần áo, tôi sẽ lo danh sách để mọi người cùng đi khi có lệnh di tản. Sau khi dặn dò mọi người xong tôi đạp xe về nhà vợ chồng chúng tôi ở trong trại gia binh Hải-Quân, trại Cửu-Long. Ngày hôm sau vợ chồng cô em gái chồng tôi đã đến nhà tôi trong trại Cửu-Long đưa tôi danh sách gia đình cô và bên chồng tổng cộng trên 20 người, tôi nói phải dọn vào trại với gia đình tôi thì khi đi mới đi tất cả được chứ mỗi người một nơi thì không thể đi được. Cô nói gia đình bên chồng không thể đi như vậy được vì mẹ chồng và anh rể cô có gian hàng bán ở chợ Tân-Định không thể đóng cửa bỏ đi như vậy được, tôi nói vậy đành chịu.

Ngày 21 tháng 4 năm 1975, Tổng Thống Thiệu từ chức. Khi đó chiến hạm 504 do hạm trưởng trung tá  Phú (Phú thuốc lào) và ông xã tôi là sĩ quan đệ tam trên chiếc tàu đang trên đường đưa người dân di tản vớt được trên biển và chuyển họ đến đảo Phú Quốc. Nghe tin Tổng Thống Thiệu từ chức trung tá Phú đã họp các sĩ quan trên tàu và đưa hình ảnh gia đình của ông sống ở miền Bắc được gửi cho ông bằng cách nào không ai biết, ông cho các sĩ quan trên tàu coi, ông nói mẹ và người anh cùng các cháu của ông sống ngoài Bắc rất tốt, rất khỏe mạnh, béo tròn. Rồi ông nói "người ta sống được thì mình cũng sống được, không phải đi đâu hết." Nghe lời nói đó ông xã tôi cảm nhận được là hạm trưởng Phú sẽ không di tản và muốn mọi người cùng ở lại với ông. (ghi theo lời kể về tình hình lúc bấy giờ của ông xã). 

Trong khi đó, tôi nhớ cũng khoảng ngày đó tôi có ghé nhà của ông hạm trưởng Phú ở trong cùng trại gia binh với chúng tôi, khi bước vào nhà ngay tại phòng khách tôi gặp bà vợ ông Phú đang ngồi nói chuyện với 2, 3 người phụ nữ, có vẻ như là người nhà của bà Phú, chung quanh thì các túi xách cá nhân để chồng chất lên nhau trông giống như họ đang chuẩn bị để di tản, tôi nói chuyện dăm ba câu bà cho biết bà đã chuẩn bị di tản xong rồi bây giờ chỉ chờ ông Phú về, và bà rủ tôi cùng đi chung.

Đến ngày 26 tháng 4 năm 1975  khoản 10 giờ sáng thì ông xã tôi về tới nhà, vừa thấy anh mấy mẹ con cùng oà khóc, khóc vì mừng là từ hôm nay có anh là trụ cột gia đình ở cạnh. Mấy người bạn Hải-Quân nghe tin Ông xã về đã kéo đến thăm, khi đó mọi người mới kể tôi nghe là tin  tàu anh bị cộng sản len lỏi trong dân di tản xúi dân làm loạn rồi ám sát anh chết loan truyền trong bộ Tư Lệnh Hải-Quân cả 2 tuần lễ, họ không dám báo tin cho tôi vì biết tôi sẽ suy sụp, bây giờ anh đã về bình an thì mọi người hết sức hoan hỉ.

Đến trưa những người bạn ra về, anh vào Bộ Tư Lệnh Hải Quân trình diện. Anh vào Bộ Tư Lệnh và trình diện Đô Đốc Diệp Quang Thủy là Tham Mưu Trưởng Hải-Quân. Anh báo cáo tình hình chuyến di tản dân từ miền Trung đến đảo Phú Quốc, và nhân dịp này anh cũng báo cáo tình trạng trung tá hạm trưởng Nguyễn Hữu Phú có ý tưởng thân cộng sản. Khi đó Đô Đốc Thủy chỉ thị phòng nhân viên xem hồ sơ lý lịch của ông Phú thì mới biết ông Phú không phải là người Bắc di cư năm 1954 mà ông đi máy bay vào Nam trước năm 1952, học trường Chu Văn An, sau đó gia nhập trường sĩ quan Đà Lạt, sau lại đổi qua trường sĩ quan Hải Quân.

Ngày 28 tháng 4 năm 1975  tôi  nhờ chú tài xế chở về Phú Nhuận đón gia đình vào lánh nạn ở nhà chúng tôi. Còn gia đình bên ông xã tôi thì sau giờ tan sở ông sẽ ghé về đón đi.

Gia đình Ba Mẹ tôi vì ở gần phi trường Tân-Sơn-Nhất, mấy ngày trong cuối tháng Tư cộng sản nằm vùng hàng đêm đã bắn đạn pháo vào phi trường Tân-Sơn-Nhất hàng, Ba Mẹ và các em tôi đã quá sợ hãi nên những gì tôi dặn mọi người đều chuẩn bị xong xuôi . Khi tôi vào nhà thì được biết hai cô em gái Lan  và Tú  đã xách túi xách lên nhà thông gia là  cựu cố đại tá không quân Nguyễn Thanh Lịch người lái chiếc máy bay của hãng Hàng Không Việt Nam bị chết trong vụ  không tặc cộng sản cho nổ máy bay khi ông đang làm phi cơ trưởng, chiếc máy bay  gồm tất cả 75 người, 69 hành khách (đa số là sinh viên và thường dân) và 8 nhân viên phi hành đoàn đã thiệt mạng, không một ai sống sót, vụ không tặc này đã làm sôi động lòng dân trong tháng 9 năm 1974.

 Nhà chỉ còn Ba Mẹ và hai người em trai Ánh và Đức  và một cô em gái tên Thảo, trong lúc mọi người đang định xách hành lý ra xe thì đúng lúc Lan và Tú trở về với túi xách trên tay, Mẹ tôi hỏi:

- Tại sao hai con không đi theo họ mà lại trở về?

Thì Lan và Tú nói:

- Dạ, phi trường bị pháo kích đêm qua làm hư hại rất nhiều máy bay và giờ họ đã rời những chiếc máy bay còn lại đến nơi khác rồi, do đó gia đình thông gia không đi được nên tụi con phải  hai cô phải trở về.

Cả nhà đều mừng là hai cô trở về đúng lúc chứ nếu về nhà mà không thấy ai chắc khóc quá. Mọi người sẵn sàng, tôi và Ba Mẹ cùng ba cô em gái đi xe jeep, hai cậu em trai Ánh và Đức  thì lái xe gắn máy chạy theo. 

Riêng gia đình anh, thì chiều sau khi rời bộ Tư Lệnh anh ghé về nhà đón mẹ anh và cô em gái chị gái thì gia đình từ chối không đi, mẹ anh nói người ta sống được thì mình sống được, và nhất là đi rồi biết đi về đâu và sống như thế nào. 

Khi về tới nhà tôi mới biết gia đình anh từ chối không đi thì lúc đó Sàigòn đã ban lệnh thiết quân luật, những ai không phận sự thì không được ra đường, nên tôi đành chịu không trở lại Tân-Định để thuyết phúc mẹ anh và em gái chị gái anh được nữa.

Đêm 28 tháng 4 năm 1975, cộng quân bắn đạn pháo kích liên hồi và hầu như  nhiều mục tiêu trong thủ đô Sàigòn trúng đạn, mặt đất rung chuyển, tôi đứng trong sân nhà nhìn thấy lửa cháy sáng ngút trời. Hai đứa con tôi được bà ngoại cho nằm dưới gầm giường với hi vọng chiếc giường mỏng manh này có thể che chắn thân thể bé nhỏ của các cháu. 

Đến ngày 29 tháng 4 năm 1975. Ông xã tôi lái xe vào bộ Tư Lệnh Hải Quân Khoảng 4 giờ tôi đạp xe đạp đi lòng vòng trong trại gia binh, ghé vào nhà trung tá Nguyễn Tuấn Khanh là anh họ của tôi thì biết anh và người cha cùng với các em anh đã chạy qua Hải Quân Công Xưởng để lên tàu đi rồi,vợ con anh thì đi qua Mỹ từ tuần trước,  nhà chỉ có người mẹ và một cô em gái ở lại để lo tang lễ cho người em rể của anh vừa mất ngày hôm qua trên đường đi Hốc Môn về đơn vị của anh đang trấn thủ, anh bị trúng miển đạn pháo kích của quân giặc cộng mà chết. Anh chết đi để lại người vợ trẻ và đứa con trai 6 tháng tuổi. Tôi chia buồn với bác rồi quay về nhà, trên đường đạp xe về tôi thấy rất đông người lũ lượt đi bộ dìu dắt nhau qua chiếu cầu Avalanche  nối liền trại gia binh Cửu-Long với Hải-Quân Công Xưởng, tôi dừng xe lại hỏi thăm thì họ cho biết họ chạy, bên kia cầu có rất nhiều tàu Hải Quân sẽ chở gia đình họ di tản. 

Tôi vội vã đạp xe về nhà báo tin cho Ba Mẹ tôi biết, mọi người trong gia đình tôi bấn loạn vì giờ này đã 6 giờ chiều rồi người đi vẫn còn nối nhau đi lặng lẽ trên con đường dẫn qua bến cảng  mà ông xã tôi vẫn chưa về để đưa gia đình đi, một lúc sau ông xã tôi gọi điện thoại về dặn tôi ở yên đó không được đi đâu vì đi sẽ bị thất lạc, anh  là sĩ quan đệ tam của tàu 504,  chiếc tàu chở người dân di tản từ miền Trung về Phú Quốc nên anh biết rất là cực khổ đói khát vì người đông mà thực phẩm nước uống thì thiếu, rồi bịnh hoạn không có thuốc mem. Anh nói sẽ trở về đón gia đình đi, bây giờ anh vẫn còn đang là sĩ quan trực trên tàu.

Đến 8 giờ quân cộng sản lại pháo kích liên tiếp vào Sàigòn một cách ác liệt, lửa cháy các khu bị đạn pháo rớt vào đỏ hừng khắp nơi, trên trời thì máy bay ì ầm bay liên tục, hết chiếc này bay ngang lại chiếc khác bay tới, nghĩa là âm thanh máy bay hoà cùng tiếng đạn pháo kích khủng bố tinh thần dân chúng suốt đêm 29 tháng 4 năm  1975, thật là một đêm hãi hùng tôi không thể nào quên trong đời.
Đến 9 giờ, rồi 10 giờ đêm tiếng đạn pháo vẫn  rít trên bầu trời, cộng thêm tiếng máy bay vần vũ trên không trung mỗi lúc càng mãnh liệt mà ông xã tôi vẫn chưa về, mọi người trong gia đình im lặng trong sợ hãi, thất vọng tưởng rằng bị ở lại với quân cộng sản. Các em tôi, Thảo, Lan, Tú, Ánh, Đức mỗi người ngồi một góc cặp mắt đăm chiêu với tay nải hành trang bên cạnh, Mẹ tôi thì thắp nhang ngồi trước bàn thờ Phật, hai đứa con trai tôi nằm ngủ bên cạnh bà ngoại,

Ba tôi gọi tôi:

- Con đem tất cả hình ảnh của Hòa để Ba đem ra để đốt hết, cộng sản vào mà thấy những tấm hình ảnh chồng con mặc quân phục thì hết đường chối cãi.

Tôi vâng lời và vào tủ đem hết hình ra đưa Ba. Nhìn cảnh Ba ngồi đốt những tấm hình ánh lửa chiếu lên khuôn mặt đăm chiêu lo lắng của Ba mà lòng tôi thêm tan nát lụi tàn theo như những tấm hình đang cháy rụi kia.

Đến 11 giờ anh mới về nhà, mọi người mừng rỡ, anh hối mọi người đi gấp vì có một chiếc tàu nhỏ thuộc loại PBR (Patrol Boat River ) mượn của trung tá Hà-Hiếu-Diệp đang chờ bên bờ sông cầu E để chở mọi người ra tàu lớn ở bến Hải-Quân Công Xưởng. Trước khi rời nhà anh vào phòng mở tủ lấy hết số tiền còn lại trong tủ để vào túi áo giáp rồi khóa cửa đưa chìa khóa cho tôi đem qua nhà một người hạ sĩ quan con đông mà tôi hàng tháng thường giúp gạo và tiền:

- Chị ơi! chúng tôi bây giờ sẽ đi, nhờ chị giữ giùm chìa khoá, nếu hai ngày chúng tôi không về thì chị được lấy hết đồ đạc trong nhà.  

Chị vợ viên hạ sĩ quan:

- Cám ơn bà, chúc bà và gia đình đi được bình an!

Chúng tôi bắt đầu đi theo sự hướng dẫn của ông xã.Từ nhà tôi đi đến bờ sông phải đi qua Thủy Xưởng Miền Đông là một trại sửa tàu bè của Hải-Quân. Chúng tôi đi trong đêm tối nhưng trời không tối, vì lửa đạn quân thù soi sáng bước chân chúng tôi, hai đứa con nhỏ  được hai người em trai tôi là Ánh thì cõng bé Hải, Đức cõng bé  Hoàng, anh thì dìu Ba tôi và tôi dìu Mẹ. Đạn pháo  của cộng quân vẫn tiếp tục rít trên bầu trời, mỗi khi đạn trúng một mục tiêu nào thì tiếng nổ rất lớn và mặt đất rung chuyển, Mẹ tôi chân ríu lại không bước nổi, tôi và  cô em mỗi người một bên dìu Mẹ và chúng tôi bước đi thật mau. 

Khi đến cổng trại Thủy Xưởng Miền Đông ngay lúc đó một chiếc xe jeep và một chiếc xe GMC chở rất đông lính Hải-Quân vừa từ phía trong  trại ra tới, những người lính nhảy xuống khỏi xe tay lăm lăm khẩu xúng, và một người sĩ quan từ trên xe jeep bước xuống,  tôi sợ quá ríu lại tưởng đâu họ bắt mình, nhưng ông xã tôi nhận ra đó là Đại Tá Kinh Chỉ Huy Trưởng Lực Lượng Tuần Giang cùng làm việc trong bộ Tư Lệnh lúc trước, anh đứng nghiêm chào theo kiểu nhà binh, anh nói:

- Thưa Đại Tá, chúng tôi là một gia đình gồm Ba Mẹ và vợ con và các em muốn đi qua xưởng để đến cầu E bên bờ sông nơi có chiếc tàu nhỏ đang đợi, mong Đại Tá cho chúng tôi đi qua.

 Đại Tá chào lại theo kiểu nhà binh xong rồi bắt tay nói:

- Chúc gia đình Đại Uý đi thượng lộ bình an.

Rồi  Đại Tá quay qua nói với các anh lính Hải Quân:

- Ai muốn đi thì cho đi,còn ai ở lại thì ở trong vị trí phòng thủ không được lơ là. 

Chúng tôi bước đi mà trong lòng cảm kích tấm lòng nhân ái và yêu nước vĩ đại của Đại Tá Kinh Chỉ Huy Trưởng Lực Lượng Tuần Giang và các anh lính Hải-Quân ở lại với lý tưởng giữ nước.

Ra đến bờ sông, tại cầu E, thật là may, hai anh lính Hải-Quân vẫn còn neo tàu chờ chúng tôi, thật là cảm động và cảm kích vô cùng, đến giờ phút biết là bại trận đến nơi rồi, giờ phút hỗn loạn mà vẫn có nhũng tấm lòng trung thực, tôi với tấm lòng biết ơn chỉ biết cầu nguyện trời Phật phù hộ cho những ai quyết định ở lại không ra đi được một cuộc sống bình an dưới chế độ khát máu của cộng sản. 

Khi chiếc PBR chạy sắp cặp vào tàu lớn của Trung Tá Hà-Hiếu-Diệp, ông xã tôi moi trong túi áo giáp một xấp tiền, đó là số tiền cuối cùng chúng tôi còn lại, vì tiền có bao nhiêu đã ký gửi trong nhà băng không kịp rút ra, tiền đóng 3 bát hụi chưa hốt cũng bỏ lại, những mảnh ruộng chúng tôi bỏ tiền ra mua để đầu tư cũng bỏ lại để chạy lấy thân, bây giờ "tay trắng lại hoàn trắng tay", anh đưa số tiền còn lại đó cho hai người lính thủy và anh cũng cởi chiếc áo giáp trên mình trao cho một trong hai người, rồi vỗ vai hai người nói lời cám ơn và chúc hai người ở lại được bình an.

Chiếc PBR chạy chừng mươi phút thì cập vào một chiếc tàu dòng lớn của Trung Tá Hà-Hiếu-Diệp Chỉ Huy Trưởng Ty Quân Cảng. Chúng tôi bước qua chiếc tàu đó và được hướng dẫn để lên một cầu thang, trên cùng cầu thang này cao ngang với chiếc tàu 502 được bắt qua bằng một tấm ván để chúng tôi từ chiếc tàu của Trung Tá Diệp bước qua tàu 502 dễ dàng. Tôi nhớ khi lên tàu của Trung Tá Diệp tôi gặp con gái lớn của Trung Tá, khi đó cô bé chừng khoảng 15 hay 16 tuổi rất đẹp, cô chào tôi, tôi hỏi:

- Con và em con có đi không?

Thì cô trả lời:

- Dạ con và em con sẽ đi cùng với Ba của con, con chúc gia đình cô đi thượng lộ bình an.

Tôi cám ơn rồi bước qua tấm ván để qua bên tàu 502.

Về sau tôi được biết vì một lý do gì đó mà Trung Tá Diệp không đi và bị đi cải tạo rồi chết nơi rừng thiêng nước độc.

Khi chúng tôi qua được chiếc tàu 502 tôi thấy quá chừng người là người, đông nghẹt, chật cứng, lúc đó trên tàu số người di tản ước chừng đã lên đến con số hơn 4.000 người và dường như mọi người ngồi khắp nơi trên tàu. Với kinh nghiệm di tản người dân ven biển chạy loạn nên ông xã tôi khuyên không nên xuống hầm tàu vì nơi đó không khí ngột ngạt, và anh dẫn chúng tôi kiếm  một chỗ trên hành lang tàu chỉ vừa đủ 12 người chúng tôi ngồi sát bên nhau, nghĩa là mọi người chỉ đủ chỗ để ngồi chứ không đủ chỗ nằm. Chiếc tàu 502 đang trong thời gian đại kỳ (thời kỳ sửa chữa toàn diện) nên máy móc trước đó đã được tháo ra để tu chỉnh, bây giờ phải xử dụng nên hạm trưởng chiếc 502 nhờ  những người biết máy móc  cùng nhau ráp máy lại để chuẩn bị cho tàu chạy. 

Khi mọi người yên chỗ rồi Ba tôi hỏi ông xã tôi lý do vì sao lại về nhà đón gia đình trễ vậy? Ông xã tôi lúc đó mới kể sự hỗn loạn xảy ra khi chiều. Hạm trưởng 504 là Trung Tá Phú (Phú thuốc lào) chiếc tàu anh làm việc đã giữ tàu lại không đi (được biết ông đã đem cả gia đình vợ con ra khỏi trại gia binh để ở lại VN), không những không đi mà ông hạm trưởng còn tìm cách ngăn cản tàu khác không đi được bằng cách ông cho đậu tàu ở vị trí ngoài bên trong chiếc tàu 504 còn một chiếc nữa đầy kín người dân đang chuẩn bị rời bến nhưng không di chuyển được vì bị chiếc 504 chặn lại. Người hạm trưởng chiếc trong vô cùng tức giận đòi bắn bể đầu Phú thuốc lào, bị hăm doạ bắn nên ông ta đã phải di rời chiếc 504 ra để chiếc bên trong đi. Lúc đó Phú thuốc lào ra lệnh tất cả thủy thủ đoàn chiếc 504 không được rời tàu cho nên ông xã tôi bị kẹt cho mãi đến 11 giờ đêm ông xã tôi quyết định kêu hai người thủy thủ của tàu hạ chiếc tàu nhỏ xuống và chở ông xã tôi đến ty quân cảng, khi đến ty quân cảng ông xã tôi nhờ Trung Tá Hà-Hiếu-Diệp cho mượn chiếc PBR (Patrol Boot River là một loại tàu chạy kiểm soát trên sông) để về nhà đón gia đình vợ con, Trung Tá Diệp rất sẵn lòng giúp đỡ, cũng nhờ sự giúp đỡ của Trung Tá Diệp  mà  gia đình chúng tôi đi thoát.

Đến 2:30 giờ tàu bắt đầu từ từ rời khỏi bến, con tàu đi trong đêm tối nhưng bầu trời  vẫn sáng hừng ánh lửa cháy và tiếng đạn pháo kích vẫn rít trên không cùng với tiếng máy bay di tản của binh chủng không quân và máy bay di tản người của Mỹ, một bầu trời của chiến tranh tàn khốc không thể nào tả hết được cảnh hoang tàn chết chóc đang diễn ra ngay nơi thủ đô miền Nam thân yêu của tôi.

Hầu như tất cả mọi người trên tàu đều không ngủ nhìn con tàu đang lừ đừ trôi trên sông (vì tàu chỉ có một máy làm việc) với cảnh tan thương của đất nước mà rưng lệ, hai bên bờ sông bị đạn pháo cháy rực cả khung trời, sau Khánh Hội thì đến Nhà Bè bị lửa cháy sáng hựt cả một bầu trời.

Sáng 30 tháng 4 năm 1975  tàu đang lừ đừ tiến ra cửa biển Vũng Tàu, biển yên lặng không còn nghe tiếng đạn pháo của quân giặc, một không khí bình yên lạ thường, đến 9 giờ thì nghe đài VOA từ máy radio của người di tản nói Tướng Dương Văn Minh đầu hàng, lòng mọi người chùng xuống đau khổ:

-  Thôi rồi, không ngờ ra đi là lần cuối cùng vĩnh biệt SàiGòn không hẹn ngày trở về. Lòng mênh mang buồn, phó mặc cho ông trời và thầm cầu nguyện cho những người ở lại được bình yên. 

Trên đường vận chuyển ra cửa biển tàu đã vớt thêm được một số dân di tản từ những tàu nhỏ và những trực thăng chở gia đình của sĩ quan không quân bay đến xin đáp xuống, trên tàu mọi người vạt qua hai bên để chừa chỗ trống cho trực thăng đáp xuống, sau khi mọi người trên trực thăng xuống hết thì hàng trăm thanh niên được huy động để đẩy chiếc trực thăng xuống biển chừa chỗ trống cho chiếc trực thăng thứ hai đang bay vòng vòng trên không chờ lệnh cho xuống, sau khi chiếc trực thăng thứ hai đáp xuống và mọi người đã xuống hết thì cũng hàng trăm thanh niêm hợp sức đẩy chiếc thứ hai xuống để chiếc khác đến. Chừng 1:00 giờ  có thêm một chiếc máy bay cessna L.19 chở hai anh em, người em là hạ sĩ quan Không Quân và người anh là Trung Úy Không Quân là người lái chiếc máy bay đó, vì là loại máy bay trinh sát khi đáp xuống cần có đường phi đạo dài khác với trực thăng đáp thẳng xuống được mà boong tàu 502 không đủ chiều dài  cho đáp xuống nên bộ chỉ huy trên tàu yêu cầu người em nhảy xuống biển trước sau đó người anh nhảy xuống và để máy bay tự rơi xuống biển, một tai nạn thương tâm đã xảy ra khi người em nhảy xuống thì máy bay người anh bay sát mặt biển nên nhảy xuống an toàn và được người nhái chờ sẵn vớt lên, còn người anh vì máy bay còn bay cao xa mặt biển nên khi nhảy ra ngực đập xuống mặt biển bị ngất đi và mất dạng, người nhái cố sức mò kiếm nhưng không vớt được.

Tuy đó là một tai nạn duy nhất xảy ra mà tôi đã chứng kiến suốt cuộc hành trình, vẫn biết còn nhiều chuyện thương tâm khác xảy ra trong bối cảnh nào đó của cuộc trốn chạy mà tôi không được chứng kiến, nhưng nó cũng làm tâm tư tôi xao xuyến nghẹn ngào khi nghĩ tới quá trình tôi chạy đôn chạy đáo khắp Sài Gòn, Gia Định tìm đến những người quen biết của chồng và dẹp bỏ mọi tự ái để van nài xin sự giúp đỡ và những người cược cả tính mạng mình không biết sống chết ra sao để đi tìm tự do.
Hai đứa con tôi đến hơn 2 giờ sáng mới được ngủ và ngủ rất say, đến hơn 10 giờ sáng 2 đứa thức dậy, đứa lớn  chỉ vào bụng và gọi tôi: 

- Mẹ ơi, con đói bụng

Đứa nhỏ bắt chước anh, tuy nói chưa sõi cũng chỉ vào bụng nói: Con đói bụng

Tới chừng đó tôi mới chực nghĩ ra: "Chết rồi! lo chạy mà không lo đem theo lương thực, bây giờ con đói bụng biết lấy gì cho chúng ăn đây?

Tôi quay qua hỏi mẹ tôi: Mẹ có mang theo lương thực để ăn dọc đường không?

Mẹ tôi lắc đầu, tôi nhìn các em, mấy đứa đều ngẩn ngơ rồi lắc đầu. Đúng là không có kinh nghiệm chạy loạn, ông xã thì có kinh nghiệm khi chở người di tản từ miền Trung vào nhưng vì khi về tới Sàigòn ông chạy tơi tả từ bộ Tư Lệnh Hải Quân rồi đến tàu 504 để xắp xếp công việc nên cũng quên nhắc tôi mang theo lương thực khô để ăn dọc đường.

Ông xã tôi nói: "Để anh vào trong cabin xem có thể xin được cái gì cho con ăn không"

Anh đi một lát trở lại với 2 ca sữa trên tay và một hộp sữa bột kẹp vào nách. Anh nói:

- May quá, anh gặp bác sĩ Đỗ Thức Diêu đang trực trong ca bin bệnh xá, trước kia là phòng ăn của cấp sĩ quan bây giờ dùng làm bệnh xá để lo cho dân di tản, tất cá có khoảng 15 bác sĩ để lo cho toàn tàu. Bác sĩ Đỗ Thức Diêu là bạn của anh, anh ấy là dân biểu Rạch Giá. Anh ấy cho hộp sữa bột đây.

Hai đứa con tôi đang đói bụng nên uống hết hai ca sữa.

Anh nói tiếp: Bây giờ đến người lớn, để anh đi tiếp xem xin được cái gì. 

Lần này anh đi rất lâu đến gần 1 giờ anh mới trở lại trên tay cầm 6 nắm cơm nắm, anh mời Ba Mẹ tôi rồi tiếp đến anh đưa cho tôi và các em tôi.

Tôi hỏi: Còn phần anh đâu? và cơm nắm anh xin của ai mà ngon thế?

Anh cười và nói:

- Anh ăn rồi, lần đầu tiên anh biết nấu cơm, vì em đấy?

Tôi đang ngẩn ngơ không hiểu ý anh là gì.

Anh nói tiếp:

- Đi chạy loạn không dễ gì ai nhường thức ăn cho mình đâu, mà anh nhớ câu các cụ nói "Muốn ăn thì lăn vào bếp" thế là anh vào nhà bếp xung phong làm một chân nấu cơm cho cả tàu hơn 4.000 người đấy. Nhà bếp có một toán người nhái có nhiệm vụ canh nhà bếp và nấu cơm bây giờ có thêm anh nữa là "một toán lẻ một người!!!" 

Thế là nỗi lo lắng về thực phẩm và sữa cũng như nước trong tôi được giải tỏa.

Tàu vẫn tiếp tục đi, lúc này thì chiếc 502  được bộ Tư Lệnh điều hành cuộc di tản cho lệnh chiếc HQ 16 tiếp sức kéo nên cũng chạy khá hơn.  Chúng tôi không biết mình sẽ theo con tàu này đi đến đâu về đâu. Đến 6 giờ thì tàu đã ra khỏi ngoài khơi Vũng Tàu, nhìn chung quanh chỉ thấy nước là nước không còn nhìn thấy bờ nữa nhưng đằng trước mặt dường như có cái gì chắn ngang, mọi người đứng lên và cố nhìn cho kỹ để xem là gì, rồi từ từ trời hơi xẫm tối những vật chắn trước mặt có ánh đèn thì ra đó là Đệ Thất Hạm Đội Mỹ đã giăng hàng ngang ngoài biển để chờ những chiếc tàu hải quân của VNCH di tản người dân. Lúc này tôi vẫn chưa biết mình sẽ đi đâu, ông xã tôi nói theo tin tức anh biết được thì đó là những chiếc tàu Đệ Thất Hạm Đội hộ tống chúng ta trong suốt cuộc hành trình từ đây đến Philippines.

Lúc này chuyến di tản được điều hành bởi Đô Đốc Chung Tấn Cang, lúc đầu các chiến hạm được lệnh di chuyển theo đội hình hai hàng dọc cách khoản đều nhau.

Từ đó chúng tôi yên tâm hơn trên lộ trình biển, mỗi ngày thực phẩm gồm gạo, nước và sữa được chuyển từ các chiến hạm Mỹ đến các tàu Hải Quân VNCH. Đặc biệt các thủy thủ Hải Quân Mỹ thuộc hải đội Ong Biển (Sea Bee) đã cung cấp vật dụng và nhân lực để làm thêm những nhà cầu lộ thiên ở cuối tàu trong việc giúp dân tản.

Một điều cho đến bây giờ tôi vẫn còn tin có là có sự hộ trì của Trời Phật và Chư Thiên đã làm cho gió yên sóng lặng, không mưa không nắng gắt cho nên những người di tản trên các chiến hạm HQVNCH được bình an, không ai bịnh. 

Ngày 7 tháng 5 năm 1975 thì đoàn tàu chở người di tản đến ngoài cửa vịnh Subic bay. Chính phủ Philippines yêu cầu đoàn tàu hạ quốc kỳ VN và treo cờ Hoa Kỳ.  Buổi lễ hạ quốc kỳ VNCH tất cả quân nhân các cấp đã diễn ra rất cảm động, suốt một cuộc hành trình hơn 7 ngày ai nấy đều mệt mỏi bơ phờ đến giờ hạ quốc kỳ mọi người trên tàu 502 đều cùng cất tiếng ca bài quốc ca để tiễn biệt quốc kỳ lần cuối, giọng ca nghẹn ngào có lẫn nước mắt để tiễn biệt quê hương mà ngày về lúc đó tưởng chừng vô vọng, tiếng ca oai hùng dường như nhắc nhở mọi người hãy ráng kiên nhẫn và sống đẹp, sống tốt để một ngày đẹp trời mình cùng nhau trở về xây dựng lại một VNCH hùng mạnh do sức của con rồng cháu tiên. Sau đó các súng ống, đại bác trên tàu có lệnh phải tháo ra và liệng xuống biển. 

 Viết đến đây tôi liên tưởng tới cuộc di tản vĩ đại của hoàng gia họ Lý khi bị  nhà Trần đọat ngôi cách đây 793 năm, vào năm 1225 vua Lý Chiêu Hoàng phải nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh với sự nắm quyền của Trần Thủ Độ đã giết hại nhiều người trong hoàng gia nhà Lý. Khi đó Thủy Sư Đô Đốc nhà Lý nửa đêm đã điều hành một cuộc di tản vĩ đại chở những người trong hoàng gia họ Lý đi lánh nạn bằng thuyền trực chỉ đến bán đảo Triều Tiên. 

Phải chăng lịch sử đã tái diễn, tương tự, lúc 7:00 giờ tối  ngày 29 tháng 4 năm 1975 khi biết sẽ có sự triệt thoái của vị Tổng Thống cuối cùng của VNCH là Dương Văn Minh thì Đô Đốc Chung Tấn Cang đã điều hành cuộc di tản vĩ đại người dân trên các chiến hạm ra khỏi Sài Gòn để tránh sự tàn sát khi cộng sản tấn công vào. 

Và tôi cùng các người dân di tản trên những chiếc tàu này trong những ngày lênh đênh trên biển cũng  đã từng một thời cùng di tản trên những chiếc thuyền đó thời nhà Lý? và bây giờ tái sanh trở lại và lịch sử lại tái diễn. Nghĩ đến đây tôi nghẹn ngào xúc động khi nghĩ đến 2 thảm kịch này, tôi khóc cho quê hương chinh chiến điêu tàn đổ lên người dân Việt Nam.

 Minh Hạnh.
Baton Rouge, ngày 3 tháng 10, 2018

Truyện ngụ ngôn ý nghĩa

Vợ chồng lười

Ngày xửa ngày xưa, ở thị trấn nọ có một anh chàng rất lười biếng và cố chấp. Chẳng hiểu trời xui đất khiến thế nào mà anh chàng lại cưới ngay một cô vợ cũng ngang bướng và lười biếng không kém.

***

Đám cưới của họ được tố chức rình rang kéo dài cả ngày trời.

Tiệc tan, khách khứa lần lượt kéo nhau ra về. Cô dâu và chú rể mệt mỏi rã rời trở vào nhà. Ngay lúc họ định nghỉ ngơi thì người chồng phát hiện ra cửa nhà chưa đóng. Anh chồng bèn nói:

- Em yêu, em có thể đứng dậy đóng cửa không? Gió sẽ lùa vào nhà mất.

Người vợ vừa ngáp vừa trả lời:

- Sao lại là em chứ? Em đứng suốt cả ngày và chỉ vừa ngồi xuống thôi. Anh đóng cửa đi.

- Tôi biết ngay mà! Ngay sau khi đeo được chiếc nhẫn vào tay mình thì em lại biến thành một ả vô dụng và lười biếng! - Người chồng ngắt lời.
Cô dâu quát lên:

- Sao anh dám nói thé hả? Chúng mình kết hôn chưa đầy một ngày mà anh đã dám gọí tôi là ả này ả kia. Lẽ ra tôi nên biết anh là loại chồng như thế từ trước mới phải!

Anh chồng làu bàu:

- Sao cô cứ lải nhải hoài vậy? Không lẽ suốt đời tôi phải nghe cô cằn nhằn mãi sao?

- Còn tôi thì phải nghe anh ca thán và rên rỉ suốt phải không? - Cô vợ vặn lại.

Thế là hai vợ chổng ngồi nhìn nhau trừng trừng trong suót năm phút. Đột nhiên một ý nghĩ lóe lên trong đầu cô vợ. Cô nói với chồng:

- Anh này! Hai ta không ai chịu đóng cửa và đều mệt mỏi vì những lời trách móc của người kia. Vậy nên em đưa ra một giao kèo như thế này nhé: ai mở miệng nói trước sẽ phải đứng dậy và đóng cửa lại.

- Đó là ý kiến hay nhất trong ngày. - Người chồng đáp. - Vậy chúng ta bắt đầu ngay nhé!

Họ thấy dễ chịu hơn, mỗi người một ghế, mặt đối mặt nhưng không nói một lời.

Hai giờ sau, có hai tên trộm cưỡi một cỗ xe ngựa đi ngang qua và thấy cửa nhà vẫn mở. Chúng lén vào ngôi nhà và cuỗm đi bất cứ thứ gì chúng thấy. Bọn chúng khuân bàn ghế, tháo tranh khỏi tường và thậm chí lấy cả tấm thảm trải sàn. Nhưng cặp vợ chồng kia vẫn không hé răng hay nhúc nhích gì.

Người chồng thầm nghĩ: "Không thể tưởng tượng được, chúng lấy mọi của cải của hai vợ chồng mà cô ta lại không nói một lời".

Cô vợ lại nghĩ: "Sao anh ta không kêu lên nhi? Anh ta định ngồi đó để bọn chúng lấy hết mọi thứ chúng muốn sao?".

Hai tên trộm tiến lại gần ghế ngồi của cặp vợ chồng mới cưới nhưng thấy họ vẫn không phản ứng gì. Chúng tưởng họ là hai pho tượng sáp nên lột sạch nữ trang, đóng hồ và cả ví tiền cúa họ. Nhưng tới lúc này, cả hai vợ chồng vẫn chẳng buồn hé môi.

Lũ trộm biến đi thật nhanh cùng với chiến lợi phẩm còn cặp vợ chồng kia thì vẫn ngồi đó cả đêm.

Rạng sáng hôm sau, một viên cảnh sát đi ngang và thấy cửa đang mở, ông bèn vào nhà hỏi thăm tình hình. Song tất nhiên, ông chẳng nhận được câu trả lời nào từ hai người đang im thin thít đó. Ông ta tức giận hét lên:

- Thế này là thế nào? Nhân danh luật pháp, hai người là ai? Đây là nhà hai người phải không? Chuyện gì xảy ra với đồ đạc trong nhà rồi?

Vẫn không nhận được câu trả lời, viên cảnh sát giơ tay tát vào mặt anh chồng một cái.

- Sao ông dám làm vậy! Đó là chồng mới cưới cúa tôi. Nếu ông còn động vào một ngón tay anh ấy, ông sẽ phải trả giá! - Cô vợ bật dậy quát viên cảnh sát.

Anh chồng vừa la vừa vỗ tay:

- Anh thắng rồi! Giờ em phải là người đóng cửa đấy!

Trích "Tuyển tập truyện hay dành cho thiếu nhi" - Tập 3 - William J. Bennett

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

Giữa dòng đời đầy biến động, làm thế nào để tìm lại sự an tĩnh bên trong?

Carl Jung, bác sĩ tâm lý người Thụy Sỹ đã đặt lớp học thiền định của mình trên con phố mà gần đó có một trạm cứu hỏa. Thoạt nhìn, người ta sẽ không khỏi ngạc nhiên thốt lên rằng: “Làm sao tôi có thể ngồi thiền với những tiếng ồn như thế?”. Và trên thực tế hàng ngày trong lúc thiền định, họ đã phải giật nảy mình vì tiếng còi inh ỏi của những chiếc xe cứu hỏa mỗi khi chúng chạy qua.

Điều tương tự dường như vẫn thường hay xuất hiện trong cuộc sống chúng ta. Có một giả thuyết bất thành văn đó là tâm trí của con người chỉ tĩnh lặng khi thế giới xung quanh họ tĩnh lặng. Một nơi lý tưởng để thiền định trong tâm trí nhiều người hẳn phải là đâu đó cách xa đám đông ồn ào chốn đô thị, có thể là nơi rừng sâu tĩnh lặng, trong khuôn viên nhà thờ hoặc đơn giản là trong chính phòng riêng của bạn.

Bác sĩ Carl Jung hỏi nhóm của ông rằng liệu tiếng còi cứu hỏa có thực sự đáng lo ngại không? Sau một thời gian kiên trì, một nữ học viên đã nói rằng tiếng ồn đó không còn là vấn đề nữa. Tiếng ồn vẫn ở đó, nhưng nó không còn làm cô thấy phiền phức. Chợt cô nhận ra, sự phiền muộn không phải đến từ tiếng ồn đó mà đến từ tâm lý muốn được yên tĩnh của bản thân cô.

Cổ Học Tinh Hoa

Nghe nhạc đạo cũng phải có đủ đức

Các bậc Thánh vương thời xưa chế định lễ nhạc không phải để con người hưởng lạc, mà để dẫn dắt con người tiết chế sự ham thích cái xấu cùng xu hướng buông thả bản thân, từ đó trở về với chính Đạo làm người. Âm nhạc đoan chính, hành vi mọi người cũng sẽ đoan chính.

Khúc nhạc cao nhã có thể cảm ứng đến Trời Đất, Thần linh giáng hiển cát tường. Trái lại, âm nhạc tà tịch chọc nộ Thần linh mà chiêu mời tai họa. Ban đầu, Trụ Vương làm Thiên tử lại không tôn kính Đạo Trời, không nhã nhạc chính thanh hợp đức với Trời Đất, lại lệnh cho nhạc sư Sư Diên tấu nhạc lả lướt ủy mị thâu đêm, dẫn đến mất nước. Khi Vũ Vương phạt Trụ, người chế, tấu nhạc cho Trụ Vương là Sư Diên cũng ôm đàn trầm mình xuống dòng sông Bộc mà chết.

Thời Xuân Thu, Vệ Linh Công muốn đến nước Tấn, giữa đường trú ở bên sông Bộc. Vào lúc nửa đêm, Vệ Linh Công nghe được tiếng đàn, hỏi tả hữu, họ đều nói không nghe thấy gì. Vệ Linh Công cho gọi nhạc sư Sư Quyên đến và nói: “Rõ ràng ta nghe được tiếng đàn, hỏi tả hữu lại nói không nghe thấy gì. Tình hình này giống như quỷ Thần đang tấu đàn. Khanh hãy nghe giúp ta rồi ghi lại”.

Sư Quyên ngồi ngay ngắn gảy đàn, vừa nghe vừa ghi lại, bận rộn cả đêm. Tối hôm sau lại luyện tập một đêm. Sau đó cùng Vệ Linh Công đến nước Tấn. Tấn Bình Công mở tiệc chiêu đãi Vệ Linh Công. Khi rượu đang hứng, Vệ Linh Công nói: “Trên đường đến Quý Châu, tôi nghe được một loại nhạc mới, xin diễn tấu để các ngài nghe”.

Tấn Bình Công bèn để Sư Quyên ngồi bên nhạc sư nước Tấn là Sư Khoáng. Sư Quyên vẫn chưa đàn xong, Sư Khoáng liền lấy tay ấn dây đàn ngăn lại nói: “Đây là âm vong quốc, không được đàn nữa!”.

Tấn Bình Công không hiểu, Sư Khoáng nói: “Khúc nhạc này là Sư Diên sáng tác. Sư Diên đã từng chơi âm nhạc ủy mị này cho Trụ Vương, sau này Vũ Vương đánh Trụ, Sư Diên chạy về hướng đông, ôm đàn nhảy xuống sông Bộc mà chết. Do đó, nơi nghe được khúc nhạc này nhất định là bên sông Bộc. Mà người đầu tiên nghe được khúc nhạc này, quốc gia người đó nhất định sẽ suy vong!”.

Tấn Bình Công nói: “Ta lại thích âm nhạc, hãy để ta nghe hết!”. 

Sư Quyên bèn đàn tiếp cho đến hết khúc nhạc. 

Tấn Bình Công hỏi Sư Khoáng: “Trong các khúc nhạc, có khúc nào cảm động lòng người hơn khúc này chăng?”. 

Sư Khoáng đáp: “Có”.

Tấn Bình Công muốn nghe, Sư Khoáng nói: “Đức của ngài tu được chưa đủ, không thể nghe được”.
Bình Công khăng khăng muốn nghe, Sư Khoáng đành tấu đàn. Khi đàn đoạn thứ nhất, liền có 16 con Tiên hạc màu đen tụ tập trước cửa. Khi đàn đoạn thứ 2, Tiên hạc vươn cổ kêu, giang cánh bay múa. Tấn Bình Công mừng lắm, đứng lên chúc rượu Sư Khoáng. Sau khi về chỗ ngồi lại hỏi: 

“Còn có khúc nào cảm động lòng người hơn khúc này chăng?”. 

Sư Khoáng nói: “Có. Xưa kia Hoàng Đế đã từng dùng khúc nhạc này để đại hội quỷ Thần, hiện nay đức của ngài tu luyện không đủ thâm hậu, không được nghe nó. Nếu nghe thì sẽ chiêu mời tai họa”. 

Bình Công nói: “Ta đã già rồi, niềm yêu thích chỉ còn âm nhạc, cứ để ta nghe đi”.

Sư Khoáng không còn cách nào đành cầm đàn tấu khúc nhạc đó lên. Khi đàn đoạn thứ nhất, có mây trắng từ chân trời phía tây bắc đùn lên. Khi gảy đàn đoạn thứ 2, gió lớn nổi lên, mưa to ào đến theo, mái ngói bị thổi bay. Các đại thần xung quanh ai nấy đều chạy toán loạn, chạy trốn khắp nơi. Tấn Bình Công sợ đến nỗi bò lổm ngổm trốn vào một căn phòng bên hành lang. Sau đó nước Tấn đại hạn 3 năm, cánh đồng đỏ cháy ngàn dặm, Tấn Bình Công từ đó đổ bệnh không đứng dậy được nữa.

Bài sưu tầm
nguồn tinhhoa.net

Truyện cười trong ngày

Khỏi bệnh

Bác sĩ tâm thần : Chúc mừng anh đã khỏi bệnh!

Bệnh nhân: Mừng gì mà mừng! Trước đây khi bị bệnh tôi là tỉ phú, giờ tôi không còn một đồng xu dính túi!

Monday, October 29, 2018

Suy Niệm Trong Ngày 29 tháng 10, 2018

Truyện ngắn - Một chuyến xe

MỘT CHUYẾN XE

Và vị khách của đêm cuối năm ấy để lại trong tôi một ấn tượng đặc biệt.

Tôi nhận được lời nhắn vào lúc 2:30 sáng. Tôi dừng xe, xung quanh vẫn tối đen, chỉ trừ ánh đèn hắt ra từ một cửa sổ nhỏ ở tầng trệt.

Bình thường, cũng như mọi tài xế taxi khác, tôi chỉ bấm còi một hai lần, đợi một chút, nếu vẫn chưa thấy khách ra thì lái xe đi. Nhưng không hiểu tại sao lần này, tôi lại ra khỏi xe, bước lên bậc tam cấp. Không khéo người ta cần mình giúp, tôi nghĩ vậy và gõ cửa.
"Xin chờ một phút" – một giọng nói run rẩy cất lên. Sau một lát yên lặng, cửa mở. Một bà cụ nhỏ bé đứng trước mặt tôi, mặc một chiếc váy hoa, đội mũ nhỏ có mạng che mặt. Chiếc vali nhỏ đặt dưới chân.

Căn phòng phía sau lưng cụ trông như không có ai ở đã nhiều năm. Tất cả đồ đạc đều được phủ ga trắng.

"Cậu mang đồ ra xe giúp tôi được không?" - bà cụ hỏi. Một tay tôi nhấc chiếc vali lên, nó còn nhẹ bẫng, còn tay kia thì khuỳnh ra cho bà cụ vịn. Chúng tôi đi rất chậm ra xe.

"Cậu tốt quá!", bà cụ nói nhẹ nhàng mắt không nhìn vào tôi, tựa như đang nói với một ai khác.

Khi chúng tôi vào xe, bà đưa cho tôi địa chỉ cần tới và nói:

- Cậu có thể đi xuyên qua khu chợ cũ được không?

- Nhưng đó không phải là đường ngắn nhất, cụ ạ!

- Tôi không vội mà!.  - Ngừng lại một lát, bà nói tiếp: Tôi đang đến viện dưỡng lão!
Mắt bà long lanh: "Thế cũng tốt! Đằng nào thì bác sĩ cũng nói rằng tôi không còn sống được bao lâu nữa."

Tôi tắt đồng hồ đo cây số và hỏi: "Đầu tiên cụ muốn cháu đưa đi đâu?"

Hai tiếng đồng hồ, chúng tôi đi lòng vòng quanh thành phố. Bà cụ chỉ cho tôi tòa nhà bà từng làm việc, khu chung cư vợ chồng bà đã thuê khi họ mới cưới.

Bà bảo tôi dừng lại trước một cửa hàng nội thất nơi trước đây là sàn nhảy, bà vẫn đến khiêu vũ khi còn thiếu nữ. Thỉnh thoảng bà bảo tôi đi chậm qua một tòa nhà hay một góc phố đặc-biệt-nào-đó dừng lại trong bóng tối và im lặng.

Khi những ánh mặt trời đầu tiên xuất hiện phía chân trời, bà cụ đột nhiên nói "Tôi mệt rồi, chúng ta đi thôi."

Chúng tôi tới địa chỉ mà bà cụ đưa cho tôi mà không nói thêm câu nào. Đó là một viện điều dưỡng dành cho những người già không nơi nương tựa. Hai người hộ lý và một chiếc xe lăn đã chờ sẵn ngoài cổng. Bà cụ dừng bước, vừa rút ví ra, vừa hỏi tôi, dịu dàng:

- Tôi phải trả cậu bao nhiêu?

- Không gì cả, cụ ạ! - Tôi nói.

- Cậu cũng phải kiếm sống mà. - Bà cụ hỏi, giọng vẫn dịu dàng, tuyệt nhiên không có chút ngạc nhiên nào.

- Sẽ còn những hành khách khác mà cụ. - Tôi trả lời.

Bất giác, tôi cúi xuống ôm lấy bà cụ. Bà cũng ôm chặt tôi.

- Cậu đã cho tôi rất nhiều. - Bà cụ nói - Cám ơn cậu.

Tôi siết nhẹ tay bà cụ rồi quay ra. Trời vẫn còn mờ tối. Sau lưng tôi, cánh cửa viện điều dưỡng đã đóng lại. Đó cũng là âm thanh khép lại một cuộc đời.
Cả ngày hôm đó tôi không đón thêm một hành khách nào nữa, tôi lái xe đi lang thang, đắm chìm trong suy nghĩ, rồi băn khoăn tự hỏi: Điều gì sẽ xảy ra nếu bà cụ gặp một tài xế dữ dằn, hoặc đang nóng vội trên chuyến xe cuối cùng? Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi bóp còi rồi bỏ đi hoặc từ chối tuyến đường đặc biệt của bà cụ?

Và bất giác tôi cảm thấy mình hạnh phúc xiết bao... ít ra tôi hiểu rằng sự cô đơn trong trái tim của một người từng bất hạnh như tôi vẫn còn rất nhiều yêu thương, và vì thế mọi cánh cửa vẫn chưa hề khép lại.