Đứng trước một vụ tranh chấp mà cả hai bên đều có những lý lẽ hợp lý hợp tình, Tô Đông Pha đã xử trí như thế nào?
Tô Thức, tự Tử Chiêm, hiệu Đông Pha cư sĩ, là thi nhân tiếp nối Văn Đàn Lĩnh Tụ sau Âu Dương Tu thời Bắc Tống. Ông tinh thông thi, từ, thư, họa, có thể nói là một tài năng toàn diện trong Quốc Học. Bên cạnh thành tựu nghệ thuật, ông còn sử dụng trí huệ để giúp dân chúng giải quyết các vấn đề nan giải. Câu chuyện dưới đây xảy ra khi ông đến Hàng Châu làm quan.
Đó là một ngày đầu thu, hoa cúc nở rộ khắp nơi, Tô Thức đang cùng bằng hữu vịnh cảnh ngâm thơ thì nghe thấy có tiếng ồn ào huyên náo, thì ra là một người đang đánh trống cáo trạng.
Tô Đông Pha lập tức thay quan phục, thăng đường xử án. Người đến cáo trạng là một thương nhân, muốn tố cáo hàng xóm của mình là Trương Nhị vì thiếu tiền không những không trả mà còn quỵt nợ.
Tô Đông Pha nói: “Nhà ngươi hãy đem hết án tình nói thật với ta, ta sẽ làm chủ cho ngươi”.
Thương nhân đáp: “Thảo dân muốn tố cáo Trương Nhị thiếu tiền không trả. Thảo dân cực khổ buôn bán khó khăn lắm mới dành dụm được ba trăm xâu tiền, vài tháng trước đã cho Trương Nhị vay để làm vốn buôn bán quạt. Vốn dĩ là chỗ giao tình, vì vậy thảo dân đã nói rõ sẽ không tính lợi tức, chỉ mong Trương Nhị có thể trả lại tiền sau ngày hạ chí. Bây giờ nhà thảo dân muốn cưới con dâu, cần dùng tiền gấp, nhưng hắn lại không trả lại tiền”.
Tô Đông Pha quay sang hỏi Trương Nhị:“Ngươi thật sự thiếu tiền của hàng xóm đúng không?”.
Trương Nhi vừa trả lời vừa khóc:
“Vâng thưa đại nhân, gia đình thảo dân nhờ vào việc làm quạt mà kiếm sống. Nhưng năm nay phụ thân thảo dân qua đời, cần dùng tiền ma chay tang lễ. Thảo dân cũng muốn nhanh chóng làm quạt bán lấy tiền, vì vậy mới vay ba trăm xâu tiền mua trúc và các nguyên liệu khác làm ra rất nhiều quạt.
Không ngờ trời liên tục đổ mưa, thời tiết lại lạnh, qua hạ chí rồi nhưng mọi người vẫn mặc trường bào, không có ai đến mua quạt. Số quạt đã làm xong đặt trong tủ đều đã lên mốc, mắt thấy không thể bán được nữa. Hơn nữa mấy ngày nay trời lại đổ mưa, hiển nhiên cũng không có ai muốn mua quạt. Mong đại nhân minh xét, thảo dân thật sự không có năng lực trả tiền”.
Tô Đông Pha cảm thấy lời của Trương Nhị cũng hợp tình hợp lý. Về tình có thể lượng thứ, nhưng vay tiền phải trả là điều hiển nhiên, thiên kinh địa nghĩa. Bất quá chỉ là Trương Nhị buôn bán khó khăn, không có tiền trả nợ…
Sau khi suy nghĩ kỹ càng, Tô Đông Pha bèn hỏi: “Trương Nhị, quạt của ngươi làm ra là nhờ vào ba trăm xâu tiền mượn được của hàng xóm, hiện tại vẫn chưa bán ra, vì sao ngươi không đem toàn bộ quạt của mình đưa cho hàng xóm coi như trả nợ?”.
Người thương nhân nghe thấy vậy liền kêu to: “Lão gia, như vậy thì ba trăm xâu tiền của thảo dân không thể lấy lại được rồi! Số quạt này căn bản không đáng tiền, thảo dân không muốn số quạt mốc ấy. Mong đại nhân có thể làm chủ kêu hắn trả tiền”.
Đám đông náo nhiệt bên ngoài cũng xôn xao bàn luận: “Tô Đông Pha là đại học sĩ nổi danh trong thiên hạ, sao có thể phán án hồ đồ như vây nhỉ?”.
Lúc này Tô Đông Pha mới nói:“Trương Nhị, ngươi nhanh chóng về nhà đem toàn bộ số quạt mốc đến đây”. Trương Nhị nghe lời lập tức chạy về nhà đem ba mươi chiếc quạt đến. Tô Đông Pha đem từng chiếc mở ra đặt trên bàn, lệnh cho nha dịch mài mực, chuẩn bị vẽ tranh. Trên những chiếc quạt to ngài vẽ sơn thủy, trên những chiếc quạt nhỏ ngài vẽ hoa cỏ, bên cạnh còn đề thơ, không tới nửa ngày đã vẽ xong toàn bộ ba mươi chiếc quạt mốc.
Tô Đông Pha chỉ vào những chiếc quạt đã vẽ xong trên bàn:“Trương Nhị, ngươi hãy đem những chiếc quạt này ra phố bán, nói là quạt do Tô Đông Pha vẽ, xem xem có ai muốn mua không?”.
Trương Nhị cảm kích không thôi, cẩn thận bê số quạt ra đường phố, đoán biết rằng quạt do Đông Pha cư sĩ vẽ ít nhất có giá trị tới một ngàn xâu tiền. Quả nhiên khi mọi người nghe thấy quạt này do chính tay Tô Đông Pha đề mực thì liền tranh giành nhau mua, không tới nửa canh giờ toàn bộ số quạt đều bán hết.
Cuối cùng Tô Đông Pha lệnh cho Trương Nhị trả tiền cả vốn lẫn lời cho người hàng xóm. Số tiền còn thừa lại thì để cho Trương Nhị làm vốn tiếp tục buôn bán. Tô Đông Pha cứ như vậy dễ dàng giải quyết một bản án nan giải.
Câu chuyện “Đông Pha hoạ phiến kết án” rất nhanh được truyền đến khắp phố lớn ngõ nhỏ. Quạt giấy ở Hàng Châu vốn dĩ chỉ có hai màu đen trắng, nhưng sau đó mọi người đều học theo Tô Đông Pha vẽ quạt. Có người vẽ hoa chim, có người vẽ nhân vật, cũng có người vẽ sơn thủy.
Vì thế, chiếc quạt không những có thể làm mát mà còn trở thành tác phẩm hội hoạ thơ ca cho người đời thưởng thức. Hành động của Tô Đông Pha năm đó đã khai sáng một bước đi mới cho ngành làm quạt giấy ở Hàng Châu, từ thời Bắc Tống vẫn còn được lưu truyền cho đến ngày hôm nay.
Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Khải Phong biên dịch
No comments:
Post a Comment