Tuesday, April 2, 2013

Phật học vấn đạo - Ý nghĩa lễ sám hối tự tứ


 Hỏi :Con nghe Thượng Toạ giảng: Khi một vị mới xuất gia, mới thọ giới, vị đó rất trong sạch tại vì chưa phạm giới, thì bố thí người đó rất có phước. Hay sau mùa an cư khi Chư Tăng làm lễ sám hối tự tứ thì cúng dường cho các vị đó rất có phước. Hoặc giả khi làm lễ trai Tăng Phật tử xin giới để họ được trong sạch vì lý do vị thí chủ cúng dường bố thí trong lúc có giới sẽ làm công đức thù thắng hơn. Câu hỏi của con là lễ "Sám Hối Tự Tứ" để Chư Tăng sám hối thì Chư Tăng sẽ có giới trong sạch khi đó cúng dường thì sẽ có phước báu hơn, tức là Chư Tăng làm lỗi rồi Chư Tăng sám hối thì sẽ hết lỗi, tức là khi mình làm lỗi rồi sám hối thì sẽ hết lỗi, có phải như vậy không?. Xin TT từ bi giảng rõ về ý nghĩa sám hối ở đây.


(Bài giảng trong rơom Giảng Đường Diệu Pháp , ngày 20 tháng 02 năm 2008 Minh Hạnh chuyển biên) 
 
TT Giác Đẳng: Câu trả lời là vừa có và vừa không. Khi chúng ta nói một người phạm lỗi thí dụ họ sát sanh chẳng hạn thì khi họ sát sanh là họ vi phạm điều giới sát sanh thì nghiệp sát họ vẫn trả quả. Và dĩ nhiên có những trường hợp họ ăn năn họ làm lỗi nhẹ hơn, do nghiệp chuyển nghiệp, tức là họ lấy nghiệp thiện để chuyển nghiệp bất thiện thì nghiệp đó có thể cho quả giảm thiểu, hay nếu họ tu tập nhiều thì do sự tu tập, do thiện hạnh của họ lấn áp nghiệp bất thiện kia.

Trên phương diện nghiệp báo thì không đơn thuần mình sám hối là mình không bị quả, và đạo Phật không nói trường hợp rửa tội là có ai đó hoặc một nghi thức nào đó làm cho con người trong sạch xóa bỏ được tội lỗi đã làm.

Ở đây có trường hợp khác và Đức Phật Ngài tán thán là một người có lỗi mà người này đối diện trước một bậc thiện trí, nếu không thì đối diện chính mình với Tam Bảo rồi nhận đó là lỗi gọi là phát lồ của bậc thánh. Phát lồ của bậc thánh tức là mình thừa nhận đó là lỗi của mình để không tái phạm nữa trong tương lai. Thì Đức Phật Ngài khen ngợi cách đó hơn là một lời xin lỗi suông.

Thì ở đây, một người thật sự thấy được lỗi của mình và dám nói ra, dám trình bày, và dám thừa nhận được lỗi của mình thì người đó có cơ may để thay đổi, và nhờ sự thay đổi đó đời sống được tốt đẹp.

Trong trường hợp của một vị Tỳ kheo các vị xuất gia nói chung, đặc biệt là các vị Tỳ kheo thì ở trong giới bổn có nhiều giới khác nhau, có giới sám hối như là tác ác, như là ưng đối trị, như là trọng tội, có những giới thì là cấm phòng đó là sống biệt trú như là hình thức chế tài, có những giới là mình sám hối rồi nhưng mình phải bỏ cái đó đi, ví dụ cái đó mình không được giữ như y áo bằng lông con thú chẳng hạn, những cái mền bằng lông con thú bây giờ mình thấy giữ những thứ đó là không đúng thì mình xả bỏ đi gọi là ưng xả đối trị, vừa sám hối và vừa hành động mình có thể bỏ nó đi. Có những giới thì biệt trú, có những giới thì Tăng chúng họp lại và tán xuất vị này.

Nói chung là giới của vị Tỳ kheo khác với giới của người cư sĩ. Nếu một vị phạm tác ác, hay phạm ưng đối trị thì vị này có thể sám hối và sau khi sám hối mà trong sạch là vì nguyên tắc đó Đức Phật Ngài dạy như vầy là; nếu phạm điều đó sám hối thì trong sạch, theo "Vi Diệu Pháp Tăng Tàng" thì phạt cấm phòng sau đó thì trong sạch. Nhưng sự trong sạch có nghĩa là vị này được phép nhận ra rằng mình đã sám hối là mình thành tựu giới một lần nữa, thành tựu giới một lần nữa sự trong sạch chớ không có nghĩa trên phương diện nhân quả hay trên phương diện khác liên hệ đến nghiệp báo mà tội đó không có.

Thành ra sự trong sạch ở đây của người giữ giới, mình có thể tạm ví dụ như mình làm vườn, có những thứ mình có thể làm đi làm lại được, như để cho cỏ mọc thì mình có thể dọn dẹp cho sạch cỏ rồi sau cỏ lại mọc trở lại thì mình dọn dẹp lần nữa, lần nữa, đó là mình có thể làm được. Nhưng cũng có những trường hợp không có khả năng làm lại, thí dụ như thân cây mình chặt đứt ngang thì nó không mọc lại được.

Nói ở đây sự trong sạch như vậy là trên phương diện nghi luật, trên phương diện giới bổn, không nên hiểu rằng sự trong sạch đó đồng nghĩa là vị đó sẽ không nhận một hậu quả gì trên phương diện nhân quả nghiệp báo. Nhưng trên phương diện giới thì sau khi một người chịu hình phạt cấm phòng hay sám hối hoặc xả bỏ những thứ mà Đức Phật không cho phép thủ đắc, thì điều đó được giới tính trong sạch trong sạch theo quy ước của giới bổn, trong phạm trù giới bổn chứ không phải là trong sạch có nghĩa là giống như hình thức rửa tội của các tôn giáo khác và mình phân biệt điều này rất rõ. Đó là câu trả lời là như vậy./.

No comments:

Post a Comment