(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 27-10-2011, Minh Hạnh chuyển biên)
TT Giác Đẳng trả lời: Thật ra thì chúng ta có hai quan niệm trái ngược nhau:
- Thứ nhất, chúng ta nghĩ là con người muốn có sáng tạo thì con người phải có đi tìm nguồn cảm hứng, tâm của chúng ta đơn điệu quá thì mất đi khả năng sáng tạo.
- Trái lại, có người cho rằng khi nào mình thẩm thấu được sự vật, thẩm thấu tức là dựa trên một đối tượng nào đó mà mình chuyên nhất thì mình từ chỗ đó nảy sanh nhiều ý tưởng mới, có nhiều sáng tạo.
Thì thật ra, trong lúc mình tu thiền, phải nói rằng giai đoạn đó là giai đoạn hoàn toàn không nên để tâm tư của mình bị chi phối nhiều việc. Thí dụ như mình thích viết sách, hay thích làm thơ, làm cái này cái kia thì lúc tu thiền mình nên tránh, tại vì đó là giai đoạn đặc biệt dành ra để tu tập. Cũng giống như lúc đi học, những người đang đi học mà có những thành công sớm như là sáng tác nhạc hay, hay là đang đi học mà làm thơ hay thì thường thường là bỏ học dang dở nửa chừng hay học không đến nơi đến chốn.
Vì vậy, vấn đề chúng ta nói ở tại đây là, ở trong giai đoạn tu tập, nhất là tu thiền thì giảm thiểu đi những sinh hoạt có tánh cách sáng tác, sáng tạo, thì có lợi cho sự tu thiền nhiều.
Nhưng điều đó cũng không có nghĩa những người tu tập là khả năng tập trung lại mất đi khả năng sáng tạo. Thật ra thì những người không thể tập trung được thì họ lại kém đi sự sáng tạo hơn là người tập trung được.
Ở đây, chúng ta nên nói là, với một người tu thiền thì cách tốt nhất trong cuộc sống làm sao cho người này đừng dự vào những việc như làm thơ, viết sách nhiều, nhưng khi đã thuần thục rồi như chúng tôi thấy nhiều vị Thiền Sư như Ngài Mahasi viết rất nhiều sách hay qúi Ngài cũng thuyết pháp, trải qua thời gian tu tập các Ngài có kinh nghiệm sẵn thì đối với các Ngài việc đó không có chi phối nhiều, nhưng với một người mới tu tập thì thật sự về điều đó bị chi phối. Khi chúng ta còn đi học thì chúng ta không nên bày vẽ nhiều việc, nhưng khi học xong rổi chúng ta vẫn có thể làm nhiều việc khác nhau chứ không nhất thiết phải nói rằng hai chuyện sáng tạo và tu thiền nó đối nghịch với nhau, và dĩ nhiên là người tu thiền tu tới nơi đến chốn thì không nhất thiết phải sáng tạo mà người đó tập trung vào cái gì mà mình biết được.
Nhưng với đời sống hàng ngày chúng ta nên tự hiểu rằng mỗi chúng ta đều có căn bịnh trầm kha, căn bịnh đó là tâm hay vọng hay móng, đó là căn bịnh chung của chúng sanh là như vậy, nếu chúng ta được sự tu tập làm chúng ta tập trung lại thì nó giúp ích cho chúng ta rất nhiều. Chúng tôi thấy rằng có rất nhiều người Tây Phương, nhất là giới văn nghệ sĩ, họ đi tu thiền, sau thời gian trở về thì sức sáng tác của họ lại mạnh mẽ thêm./.
No comments:
Post a Comment