Monday, July 31, 2023
Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống
Giàu Có
Một doanh nhân hỏi:
- Đời sống tâm linh có thể giúp một người phàm tục như tôi như thế nào?
Minh Sư đáp:
- Điều đó sẽ giúp bạn có được nhiều hơn.
- Tại sao?
- Bằng cách dạy bạn ham muốn ít hơn.
Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân - Dùng rượu say để khiến chồng
DÙNG RƯỢU SAY ĐỂ KHIẾN CHỒNG
Công tử nước Tấn tên là Trùng Nhĩ gặp trong nước có nạn, phải chạy ra nước ngoài. Công tử đi hết nước này sang nước khác.
Khi sang đến Tề, vua Hoàn Công đem con gái là Khương Thị gả cho và cho tám mươi con ngựa. Công tử được vậy, lấy làm yên thân muốn suốt đời ở nước Tề.
Các quan tòng vong, biết nước Tề không có thể tin cậy được, toan đi sang nước khác mới cùng nhau âm mưu ở chốn vườn dâu.
Có một người đàn bà hái dâu nghe lỏm, biết chuyện, đến mách với Khương Thị.
Khương Thị sợ việc tiết lộ, giết ngay người ấy đi, rồi bảo công tử rằng:
- Công tử có chí tứ phương, đứa nghe lỏm mưu ấy, thiếp đã giết đi rồi.
Công tử nói:
- Thật ta không có chí đi đâu cả.
Khương Thị bảo:
- Phải đi mới được. Say một người yêu mà cứ mê mệt, thích một cảnh vui mà cứ ở yên, thực là làm cho bại hoại hết cả công danh sự nghiệp.
Công tử vẫn không muốn đi.
Khương Thị bèn cùng với Tử Phạm lập kế một hôm cho công tử uống rượu thật say, rồi bỏ lên xe bắt kéo đi. Công tử tỉnh rượu, biết là mình lìa xa nước Tề, giận quá, cầm giáo đuổi Tử Phạm muốn giết. Nhưng ít lâu công tử tỉnh ngộ biết hối lại ngay.
Nhờ có thế mả sau công tử về làm được vua nước Tấn và bá cả chư hầu.
"TẢ TRUYỆN"
GIẢI NGHĨA
- Công tử: tiếng gọi con vua chừ hầu, hay con quan to.
- Tấn: tên một nước nhớn đời Xuân Thu ở vào vùng tỉnh Sơn Tây và một ít đất tỉnh Trực Lệ ngày nay.
- Tòng vong: người theo vua chạy trốn lúc có quốc nạn.
- Âm mưu: bản tính ngầm một việc gì không cho ai biết.
- Tiết lộ: không giữ được kín đáo, cõng việc để người ngoài biết.
- Có chí tứ phương: có chí đi mọi nơi, để lo toan việc nhớn.
- Bại hoại: hư hỏng tan nát.
- Tỉnh ngộ: hết mê mà biết thật phải trái.
- Hối: nghĩ lại mà ăn năn rằng trước không phải.
- Bá: đàn anh cả các nước chư hầu một thời.
LỜI BÀN
Trùng Nhĩ gặp nạn nước mà đem thân ra đi thật là có chí đáng trọng. Song đi đến tề, được vợ đẹp, có ngựa nhiều, mà để cho sự vui chơi nồng nàn nó làm cho nguội lạnh cả chí khí thật lại là đáng tiếc. Người khôn mà nhỡ mê thì cái dại to lắm. Trùng Nhĩ lúc này, tưởng đã gần như ông "lạc bất tư Thục"[1]. May thay cho Trùng Nhĩ gặp được bọn tòng vong biết lo xa tính sâu mà nhất là được bà vợ là người có kiến thức cao xa, có gan dạ quả quyết, biết rõ cái thói thường "Nhi nữ tình trường, anh hùng khí đoản" mà bà cố đấy mãi cái bánh xe đã chết bệt xuống đống bùn phải cho kỳ lăn quay đi được mới nghe. Nên ta khen cái chí Trùng Nhĩ phục quốc bao nhiêu thì ta lại phải qui cái công lao Tử Phạm, phải trọng cái kiến thức, cái mưu trí của Khương Thị bấy nhiêu. Sao mà đời cổ có những thần thiếp giỏi giang như thế!
Chú thích
Đời Tam quốc nước Thục mất, vua là Lưu Thiện bị bắt sang ở Lạc Dương, vua Tấn hậu đãi Lưu Thiện, mỗi khi yến ẩm, Lưu Thiện vui cười như không. Vua Tấn hỏi: Có nhớ nước Thục không? Lưu Thiện nói: "Thứ gian lạc, bất tư Thục dã ở đây vui lắm, chẳng nhớ đến nước Thục nữa.
Sunday, July 30, 2023
Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống
Tình Yêu
Một đôi vợ chồng mới cưới hỏi:
- Làm thế nào để tình yêu chúng con bền bỉ mãi mãi?
Minh Sư đáp:
- Các con hãy cùng nhau yêu thương những điều khác đi.
Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân Lo xa quá
LO XA QUÁ
Nước Kỷ có kẻ lo giời đổ, đất long thì thân mình không biết nương tựa vào đâu. Anh ta lo quá đến nỗi bỏ cả ăn, cả ngủ.
Có người thấy anh ta lo thế mà lo cho anh ta, mời đến giảng giải cho biết rằng:
- Giời chỉ là không khí chứa đầy lại mà thôi. Không chỗ nào là không có giời. Ta co, ruỗi, hút, thở suốt ngày ở trong vòng giời, thì còn gì mà lo giời đổ.
Anh ta nói:
- Giời mà quả là không khí, thì còn mặt giời, mặt giăng, các ngôi sao chẳng có lúc sa xuống ư?
Người kia lại giảng:
- Mặt giời, mặt giăng, ngôi sao cũng là một thứ ánh sáng ở chung quanh từng không khí, giá có sa xuống nữa, thì chẳng qua cũng là khí thôi có hại chi đến người.
Anh ta lại nói:
- Thế còn đất long lở thì làm sao?
Người kia lại giảng:
Đất là một khối rất to, đâu đâu cũng có đất cả. Ta thì đứng suốt ngày ở trên mặt đất thì lo gì đất lở mà không có đất.
Anh lo nghe hiểu ra mừng lắm. Anh đến giảng cũng thích, mừng lắm.
LIỆT TỬ
GIẢI NGHĨA
- Kỷ: nước nhỏ thời Xuân Thu sau phải nước Sở diệt mất tức là huyện Kỷ tỉnh Hà Nam ngày nay.
LỜI BÀN
Liệt Tử đặt ra truyện này tuy về mặt Thiển văn không được hợp lắm với Lý khoa bây giờ, nhưng cái ý muốn dạy người phải đạt lý đừng có nghĩ quẩn lo quanh rất là sâu xa vậy.
Này ngay chính cái thân mình cũng chẳng phải của mình có, mà lo cho cái thân ấy còn thường khi không được như ý, thế mà đi lo giời đổ, đất long, thì anh người nước Kỷ cũng lo xa quá thật!
Hiền triết xưa đã ví giời đất như một cái nhà trọ nhớn, người ta chỉ là khách qua chơi đến trọ một thời. Nếu người khách ấy không chịu ngắm cảnh, không biết hiểu cái thú tự nhiên, cứ băn khoăn phiền bực, ăn chẳng ngon, nằm chẳng yên, lo đứng, lo ngồi, lo đêm, lo ngày, lo rằng cái nhà trọ kia nhỡ ra hư hỏng nát giật, thì chẳng đáng bật cười lắm hay sao!
Ở đời ai mà chẳng lo, song đem cái thân trăm năm mà lo cái việc vạn năm về sau thì cũng phiền lắm vậy.
Saturday, July 29, 2023
Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống
Thành Kiến
Minh Sư nói:
- Không có điều gì là xấu hay tốt. Chính tư duy làm cho mọi chuyện trở nên xấu hay tốt.
Khi được yêu cầu giải thích, Minh Sư nói:
- Một người có thể nhịn ăn theo tôn giáo mình bảy ngày một tuần một cách vui vẻ. Còn người hàng xóm thì chết rũ khi nhịn đói như thế.
Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân - Cũng là ăn trộm
CŨNG LÀ ĂN TRỘM
Họ Quốc ở nước Tề rất giàu. Họ Hướng ở nước Tống rất nghèo. Hướng bèn sang nước Tề hỏi Quốc cách làm giàu.
Quốc bảo: - Ta chỉ khéo ăn trộm thôi. Thoạt đầu ta ăn trộm một năm thì đủ dùng, hai năm thì thừa ăn, ba năm thì giàu to, tự đó giở đi ta có đến cả làng, cả tỉnh.
Hướng nghe nói, mừng lắm, nhưng khốn chỉ hiểu câu chuyện ăn trộm, chớ không hiểu cái lối ăn trộm ra làm sao.
Lúc về, bèn trèo tường, khoét ngạch, phàm cái gì mắt trông thấy, tay cầm được là cũng lấy tất.
Hướng đi ăn trộm chưa được bao lâu, bị bắt quả tang, thành phải tội, cả bao nhiêu của cải lúc trước khó nhọc kiếm ra cũng đều bị tịch ký hết.
Bây giờ Hướng cho Quốc là đánh lừa mình, đẽn tận nơi trách.
Quốc hỏi: - Anh ăn trộm thế nào chứ?
Hướng bèn thuật lại cung cách ăn trộm cho Quốc nghe.
Quốc nói: Chết thật! Cái lối của anh ăn trộm sai nhầm đến thế kia ư! Này để tôi bảo rõ cho mà biết Giời có thời tiết, đất có hoa lợi. Ta ăn trộm thời của giời, lợi của đất, sự thuận hoà của mưa gió, những sản vật của non sông để ta cấy lúa, giồng cây, xây tường, làm nhà, trên cạn thì ta ăn trộm giống chim muông, dưới nước thì ta ăn trộm loài tôm cá. Những cái ấy không có cái gì là không phải của ăn trộm cả. Này lúa mạ, đất cát, cây cối, chim muông, cá, ba ba đều là của giời sinh ra cả, há có phải của ta đâu. Song ta ăn trộm của giời, nên không có tai vạ gì.
Còn như vàng, ngọc, châu báu, thóc, lụa của cải đều là người ta làm kiếm ra mới có, há có phải là của giời cho đâu. Nên anh ăn trộm những của ấy mà bị tội là phải lắm, anh còn trách gì ai nữa.
Hướng nghe nói càng nghi hoặc cho là Quốc lại nói dối mình lần nữa, bèn qua nhà Đông Quách tiên sinh đem câu chuyện hỏi lại.
Đông Quách tiên sinh nói:
Chính cả cái thân anh cũng là của ăn trộm nữa, nghĩa là trộm cái khí âm, khí dương mà hoà hợp lại mới thành cái đời anh, mới có cái xác anh, huống chi ngoại vật, cái gì mà chẳng là của ăn trộm hay sao. Người ta mà cái gì cũng nhận là của mình có, đều là nhầm cả.
LIỆT TỬ
GIẢI NGHĨA
- Quả tang: bắt được ngay chính lúc đang ăn trộm có tang tích không sao chối được.
- Tịch ký: lục ra xem có những vật gì biên ghi và thu lấy làm của công.
- Thời tiết: nói tóm cả những sự mưa gió nực rét.
- Hoa lợi: tiền nong lời lãi kiếm ở hoa mầu thóc lúa ra.
- Sản vật: những vật giời đất sinh ra nơi nào.
- Nghi hoặc: ngờ vực không chắc là phải hay là trái.
- Đông Quách tiên sinh: một nhà ẩn sĩ đời Xuân Thu.
- Ngoại vật: cái vật ngoài cái thân ta.
LỜI BÀN
Tác giả làm bài này cốt bày tỏ cái ý rằng:
Cách làm giàu không phải ở như sự bon chen tranh cướp nhỏ mọn những cái của người đã làm ra, nhưng ở sự biết lợi dụng những sản vật của giời đất sinh ra. Chiếm của riêng của người đã kiếm được, mà làm giàu cho mình, thế là không chính đáng, thế tức là ăn cắp ăn trộm, ăn cướp có luật pháp trừng trị, có công lý bắt phải bồi thường lại. Chớ lấy của chung của giời đất, biết lợi dụng những sản vật thiên nhiên, tuy cũng gọi là ăn trộm, ăn cướp được, nhưng trộm cướp một cách công, chẳng những không ai buộc được tội, mà người ta lại còn phải phục, phải chịu là tài giỏi và phải tỏ lòng biết ơn nữa. Tạo hoá thực là một cái kho của vô tận sẵn sàng để cho thiên hạ dùng mà làm nên giàu có. Muôn vật ở đời không phải là của riêng của một ai, hay một loài nào, nhưng của công của cả mọi loài, loài nào khôn thì biết lợi dụng, loài nào hèn thì chịu bó tay. (Xem bài cùng của Liệt tử số 121 trang 182 c. H. T. H. thứ nhất).
Còn cái ý tác giả cho chính thân mình cũng không phải là của mình lại cao hơn một bực nữa. Quả vậy cái xác thịt của mình, đến cả cái tâm tính của mình, nào có phải tự mình làm nên đâu, hay chẳng qua cũng bẩm thụ từ giời đất hợp các chất lại cho thành người, rồi lại một ngâày phá tan ơi mà hoàn giả lại các chất.
Friday, July 28, 2023
Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống
An Nhiên Tự Tại
Minh Sư xem ra hững hờ với những gì mà người đời nghĩ về ngài. Khi đệ tử hỏi Minh Sư làm thế nào mà đạt tới sự an nhiên tự tại như thế, Minh Sư cười lớn và nói:
- Khi thầy hai mươi tuổi, thầy không chút ưu tư về những gì người ta nghĩ tưởng về mình. Sau hai mươi tuổi, thầy thường bận tâm về những gì hàng xóm láng giềng nghĩ tưởng. Đến năm mươi tuổi, thầy mới nhận ra rằng, trong thực tế, không ai nghĩ tưởng về thầy hết!
Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân - Không yêu nhau mới loạn
KHÔNG YÊU NHAU MỚI LOẠN
Thánh nhân trị thiên hạ tất phải biết loạn từ đâu mà ra thì trị thiên hạ mới được, không biết loạn tự đâu ra, thì không trị nổi được thiên hạ. Ví như thầy thuốc chữa bệnh cho người ta, tất phải biết bệnh căn tự đâu khởi ra thì mới chữa được, chớ không biết thì chữa không nổi được bệnh. Người trị loạn có khác gì thế?
Loạn tự đâu mà sinh ra? Sinh ra bởi không yêu nhau.
- Con không hiếu với cha, tôi không trung với vua, thế là loạn đấy. Con chỉ yêu thân con, không yêu đến cha, cho nên làm thiệt cha để lợi mình; em chỉ yêu thân em, không yêu đến anh, cho nên làm thiệt anh để lợi mình; bầy tôi chỉ biết yêu thân mình mà không biết yêu vua cho nên làm thiệt vua để lợi mình. Thế là loạn đấy.
Tuy đến cả cha mà không thương con, anh mà không thương em, vua mà không thương bầy tôi, thế cũng là loạn. Cha chỉ yêu thân cha, không yêu đến con, cho nên phải làm thiệt con, để mình được lợi; anh chỉ yêu thân anh không yêu đến em, cho nên làm thiệt em để mình được lợi; vua chỉ yêu thân vua, không yêu bầy tôi, cho nên làm thiệt bầy tôi để mình được lợi.
Tại sao mà sinh ra những điều ấy? Có phải chỉ tại không yêu nhau cả thôi không? Đến cả quân trộm giặc cũng vậy. Thằng trộm chỉ biết yêu nhà mình không biết yêu nhà người khác, cho nên ăn trộm nhà người khác để lợi nhà mình; thằng giặc chỉ biết yêu thân mình chẳng yêu thân người khác, cho nên sát hại thân người khác để lợi thân mình. Tại sao mà sinh ra như thế? Có phải chỉ tại không yêu nhau cả mà thôi không?
Cho đến cả các quan khuynh loát nhau, các nước đánh lẫn nhau, cũng chỉ tại các quan chỉ biết yêu nhà mình, không yêu nhà khác cho nên hại nhà khác để lợi cho mình, các nước chỉ yêu nước mình chẳng yêu nước khác cho nên đánh nước khác để lợi nước mình.
Ấy thiên hạ sinh ra loạn là bởi như thế cả.
Nếu biết yêu nhau, thì còn ai nỡ hại ai, mà thiên hạ làm gi chẳng bình trị.
MẶC TỬ
GIẢI NGHĨA
- Thánh nhân: tài đức hơn người mà nhân cách rất cao.
- Trị: làm cho bình yên, khỏi rối loạn.
- Thiên hạ: dưới gầm giời, tức là thế giới.
- Bệnh căn: gốc rễ các bệnh.
- Hiếu: ăn ở hết lòng hết sức với cha mẹ.
- Trung: nhất tâm thờ vua.
- Khuynh loát: làm cho ai nghiêng đổ thiệt hại và mất cả quyền lợi.
- Thân mình: tính mạng của mình.
LỜI BÀN
Đại ý của bài rút lại một câu là: loạn mà sinh ra được, là chỉ do ở cái lòng không yêu nhau hết cả. Cầu lợi cho mình tức là muốn hại người, mà hại người, tất ghét người, ghét người, tất người ghét lại mà thành ra không ai được bình yên, ai cũng chỉ lo toan tranh cướp lấy lẫn của nhau mà thôi. Vậy muốn cho khỏi loạn, tất phải làm làm sao cho thiên hạ biết yêu nhau, yêu người cũng như yêu mình. Đó chính là cái ý cốt yếu của Mặc Tử, là cái ý kiêm ái, yêu cả loài người không phân biệt thân sơ gì cả.
Ý Mặc Tử đây cũng giống như ý của Mạnh Tử nói rằng:
"Ở đời ai nấy đều con cái thân yêu cha mẹ, kẻ dưới tôn kính người trên, thì tự khắc thiên hạ bình trị", nhưng có phần thống thiết hơn, vì nói đến cả quân, thần cũng có khi không thương yêu thần, tử cho nên sinh loạn. Cái thuyết ấy kể tuy quá đáng, nhưng ở những đời ai ai cũng chí tự tư, tự lợi, có nói quá đi như vậy, thì mới mong người tỉnh lại ít nhiều chăng.
Thursday, July 27, 2023
Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống
Sáng Suốt
Các đệ tử hăng say tranh cãi về nguyên nhân đau khổ của nhân loại.
Người này bảo là do tính ích kỷ. Người kia thì nói là do ảo tưởng. Kẻ khác thì cho là không biết phân biệt giữa hiện thực và không hiện thực.
Khi được hỏi ý kiến, Minh Sư trả lời:
- Mọi đau khổ đến từ việc con người không thể ngồi một mình trong yên lặng.
Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân - Nghĩa và bất nghĩa
NGHĨA VÀ BẤT NGHĨA
Nay có kẻ vào vườn người ta hái trộm đào mận, thì ai nghe thấy cũng chê cười, quan bắt được tất trừng phạt. Tại sao vậy? - Tại người ấy làm điều bâ't nghĩa, lấy của người mà làm lợi cho mình.
Kẻ vào nhà người ta bắt trộm gà, vịt, chó, lợn, so với kẻ vào vườn người ta hái trộm đào mận, thì lại là bất nghĩa hơn nữa. Tại sao vậy? - Tại lấy của người càng nhiều, thì bất nhân càng lắm, tội càng nặng.
Kẻ vào chuồng người ta ăn trộm trâu, dê, ngựa, so với kẻ vào nhà người ta bắt trộm gà, vịt, chó, lợn, thì lại là bất nghĩa hơn nữa. Tại sao vậy? Tại lấy của người càng nhiều, thì bất nhân càng lắm, tội càng nặng.
Kẻ giết người lương thiện, ăn cướp của cải đồ đạc của người ta, so với kẻ vào chuồng ăn trộm trâu, bò, dê, ngựa thì lại là bất nghĩa hơn nữa. Tại sao vậy? - Tại lấy của người càng nhiều, thì bất nhân càng lắm, tội càng nặng... Những việc như thế thiên hạ đều biết mà chê cười, cho là "bất nghĩa" cả. Đến như những việc bất nghĩa thậm tệ hơn nữa... thì thiên hạ không biết chê, lại ùa theo và khen ngợi mà cho là "nghĩa". Như thế thì có gọi được là biết phân biệt "nghĩa" với "bất nghĩa" hay không?
Giết một người cho là bất nghĩa, tất bắt một tội xử tử. Nếu cứ lấy lý này suy rộng ra, thì giết mười người là phạm mười điều bất nghĩa, tất phải chịu mười tội xử tử; giết một trăm người, là phạm một trăm điều bất nghĩa, tất phải chịu một trăm tội xử tử.
Nhửng việc như thế, thiên hạ đều biết mà chê cười cho là bất nghĩa. Đến như những việc bất nghĩa thậm tệ hơn nữa, thì thiên hạ không biết chê, lại ùa theo và khen ngợi mà cho là nghĩa.
Thực không biết là bất nghĩa, cho nên mới cho là phải mà ghi chép vào sách để lại cho đời sau. Vì nếu quả biết là bất nghĩa, thì sao lại có ghi chép điều bất nghĩa mà để lại cho đời sau làm gì!
Nay có kẻ lúc thấy đen ít bảo là đen, lúc thấy đen nhiều lại bảo là trắng, thì ta cho kẻ ấy là người không biết phân biệt đen với trắng.
Lại có kẻ bảo nếm đắng ít cho là đắng, lúc nếm đắng nhiều cho là ngọt, thì ta cho kẻ ấy là người không biết phân biệt đắng, với ngọt.
Nay việc nhỏ mọn làm không phải, thì biết mà chê cười, việc to nhớn làm không phải, thì không biết chê, lại ùa theo và khen ngợi cho là nghĩa, như thế thì có gọi được rằng biết phân biệt nghĩa với bất nghĩa hay không? Thế mới biết thiên hạ bây giờ phân biệt nghĩa với bất nghĩa là nhầm lẩn cả.
MẶC TỬ
GIẢI NGHĨA
- Bất nghĩa: chẳng hợp nhẽ phải.
- Bất nhân: chẳng có lòng thương.
- Lương thiện: hiền lành không có làm điều gì trái lý, trái phép.
- Xử tử: bắt tội chết.
LỜI BÀN
Tác giả vốn là một nhà kiêm ái nên cốt ý muốn công kích sự tranh đoạt mà khuyến khích người ta không nên hại lẫn nhau, vì đã có ý hại nhau tất chiếm đoạt của nhau, đều là có bụng tổn người đe cầu lợi cho mình cả. Cho nên, muốn viện nhẽ gì để buộc tội ác cho người ta mà mua tiếng hay cho mình, thì cũng là bất nghĩa đáng chê cả. Thế mà ngán thay, thiên hạ đã không biết chê thì chớ, lại còn theo, còn khen, thực có khác nào như nối giáo cho giặc để tâng bốc những kẻ làm điều bắt nghĩa lên không. Kẻ làm điều bất nghĩa thường vẫn sợ dư luận của thiên hạ, mà dư luận của thiên hạ nhầm lẫn đến thế, thì điều bất nghĩa ở đời càng mạnh, thật là ác hại càng tăng, biết bao giờ nhân tâm biến đổi mà ai nấy củng được hưởng cuộc Hoà bình? Kể từ đời Mặc Tử đến giờ xa cách bao nhiêu thế kỷ, mà nhân loại vẫn chỉ muốn nuốt lẫn nhau, kẻ khoẻ hiếp kẻ yếu, kẻ khôn lừa kẻ ngu, kẻ nhớn nạt kẻ nhỏ, số nhiều lấn số ít, xâu xé nhau, tranh cướp nhau, thực là đắm đuối trong các điều bất nghĩa đáng thương, đáng than thở vậy.
Wednesday, July 26, 2023
Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống
Thay Đổi
Một sử gia thăm viếng Minh Sư, ông ta rất ưa tranh luận.
Ông ta hỏi:
- Những cố gắng của chúng ta có làm thay đổi dòng lịch sử không?
Minh Sư trả lời:
- Ồ! Có chứ.
- Và lao động của con người có làm thay đổi trái đất không?
Minh Sư đáp:
- Chắc chắn rồi.
- Vậy tại sao ngài dạy rằng những cố gắng của con người không mang lại chút kết quả gì hết?
Minh Sư đáp:
- Bởi vì khi gió lặng, thì lá vẫn rơi như thường.
Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân - Vì tham bị hại
VÌ THAM MÀ BỊ HẠI
Vua nước Thục có tính tham lam Vua Huệ Vương nước Tần muốn đánh, nhưng ngặt vì núi khe hiểm trở, khó đem quân đi lắm.
Huệ Vương bèn sai lấy đá tạc hình con trâu đem về gần địa giới nước Thục, mỗi ngày bỏ vàng chỗ sau đuôi trâu và bảo người nói phao lên rằng: "Trâu vãi ra vàng".
Tiếng ấy đồn đến tai vua Thục. Vua Thục liền sai xẻ núi, lấp khe và cho năm người lực sĩll vào rừng kéo con trâu về.
Huệ Vương sẵn lối đi, đem quân tiến đến cướp được nước Thục.
Vua Thục vừa mất nước, vừa hại cả mình để trò cười cho thiên hạ. Thế chẳng tại vì tham chút lợi nhỏ mà để mất cái lợi to ư?
LƯU TỬ
GIẢI NGHĨA
- Thục: Tên nước đời Chiến quốc, sau nhà Tần diệt mất tức là Tứ Xuyên ngày nay.
- Tần: nước mạnh đời Chiến quốc, ở vào Tân châu (Cam túc) và Thiểm Tây ngày nay.
- Hiểm trở: hiểm nghèo, cách trở khó đi lại được.
- Địa giới: chỗ đất hai xứ hay hai nước giáp giới nhau.
- Lực sĩ: người sức lực mạnh khoẻ hơn người.
LỜI BÀN
Tạc hình trâu đá, bỏ vàng chỗ sau đuôi để bảo rằng trâu đá vãi ra vàng, cái mưu của Tần Vương rất là sâu. Tin rằng trâu vãi ra vàng thật, cái trí của Thục Vương rất là khờ, lại sai người đánh đường để lấy trộm trâu đá, cái bụng của Thục Vương quả là tham. Đã khờ, đã tham mà lại gặp người sâu xa hiểm hóc bày mưu để đánh lừa, thì chẳng mất nước, chẳng hại mình sao được. Than ôi! Tham thì thâm, tham quá hoá hại, cái nhẽ xưa nay bao giờ cũng thế.
Tuesday, July 25, 2023
Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống
Nhận Thức
- Sự cứu rỗi đạt được nhờ hành động hay nhờ thiền quán?
- Không nhờ hành động cũng như thiền quán. Sự cứu rỗi đạt được khi người ta thấy.
- Thấy gì?
- Thấy rằng cái kiềng bằng vàng mà bạn mong có được thì đang tròng vào cổ của bạn. Thấy rằng con rắn mà bạn khiếp sợ chỉ là một khúc nhợ kéo lê lết trên mặt đất.
Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân - Tham thi thâm
THAM THÌ THÂM
Ngu Thúc có hòn ngọc. Ngu Công nghe tiếng muốn lấy, sai người đến cầu.
Ngu Thúc trước không chịu cho. Sau hối lại, nói rằng:
- Tục ngữ có câu: "Kẻ thường dân vốn không có tội, chỉ vì có ngọc bích mà thành có tội”. Ta giữ làm gì hòn ngọc này? Thật là mua tai hại vào mình.
Rồi liền đem ngọc dâng cho Ngu Công.
Ngu Công đã lấy được ngọc, nghe Ngu Thúc còn thanh gươm báu, muốn lấy nốt, lại cho người đến cầu gươm.
Ngu Thúc giận quá, nói:
- Ngu Công cầu hết cái này, lại đến cái khác. Thật là người vô yêm! Đã là vô yêm, thì tất có ngày hại cả đến thân ta nữa.
Nói rồi, đem quân đi đánh Ngu Công.
Ngu Công thua, chạy ra đât Cung Trì.
"TẢ TRUYỆN"
GIẢI NGHĨA
- Tham thì thâm: muốn được nhiều không chán, thường hay gặp tai hoạ. Chữ thâm vốn nghĩa là sâu, đây có ý nói là sâu cay đau đớn.
- Hối: ăn năn nghĩ lại tự biết làm thế là không phải.
- Tục ngữ: câu nói dùng lâu ngày thành thói quen, ai ai cũng nói như vậy.
- Câu tục ngữ: "Kẻ thường dân..." chính chữ Hán là: " Thất phu vô tội, hoài bích kỳ tội"
- Ngọc bích: thứ ngọc quí nhẵn, hình tròn và có lỗ.
- Vô yêm: muốn lấy cho nhiều, không biết thế nào là vừa, là chán.
LỜI BÀN
Tham là mốt nết rứt xấu. Tham vừa người ta còn có thể chiều hay nể, chớ tham quá lắm, như chỉ biết có mình không biết còn ai nữa, thì ai người ta chịu nổi!
Ngu Công đây muốn ngọc, mà được ngọc đã là may, lại còn muốn cả gươm, thì Ngu Thúc chịu sao được mà không tính cách để trị lại. Ôi! Gươm đã chẳng được, nước cũng không còn, lòng tham chẳng là hại lắm ru!
Monday, July 24, 2023
Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống
Tưởng Tượng
- Kẻ thù lớn nhất của tỉnh thức là gì?
- Nỗi sợ hãi.
- Nỗi sợ hãi từ đâu đến?
- Từ ảo tưởng.
- Ảo tưởng về điều gì?
- Tưởng rằng những bông hoa quanh mình là những con rắn độc.
- Thế thì làm sao con có thể đạt được tỉnh thức?
- Con hãy mở mắt để thấy.
- Thấy gì?
- Thấy rằng không có con rắn độc nào ở chung quanh con.
Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân - Thư viết cho bạn
THƠ VIẾT CHO BẠN
Trong thiên hạ có hai cái khó: lên giời khó, mà cầu vậy nhờ vả người càng khó hơn.
Trong thiên hạ có hai cái đắng hoàng liên đắng, mà nghèo kiết khốn cùng càng đắng hơn.
Nhân gian có hai cái mỏng, giá mùa xuân mỏng mà thói đời càng mỏng hơn.
Nhân gian có hai cái hiểm: núi sông hiểm mà lòng người lại hiểm hơn.
Biết được cái khó, chịu được cái đắng, quen được cái mỏng, dò được cái hiểm mới có thể ở đời được.
TIỀN HẠC THAN
GIẢI NGHĨA
- Thiên hạ: dưới gầm giời tức như thế giới.
- Hoàng liên: một thứ cỏ mọc ở ngoài đồng, rễ rất đắng dùng làm vị thuốc.
- Nhân gian: khoảng người ta ở trong giời đất.
- Mỏng: tức chữ nói là bạc.
- Giá: váng đóng một lượt mỏng trên mặt nước vô ý giẫm phải thì thụt chết.
- Hiểm: nghèo nàn, đi lại khó khăn.
LỜI BÀN
Biết được cái khó, là người có chí tự lập không cầu ai; chịu được cái đắng, là người có lòng nhẫn nại làm nên việc; quen được cái mỏng là người có bụng đại độ bao dong được đời; dò được cái hiểm là người có trí tinh khôn thấu được nhân tình thế thái. Ở đời mà có đủ được bốn điều ấy, thì giao thiệp với ai mà chẳng dược, cất công làm việc gì mà chẳng nên.
Sunday, July 23, 2023
Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống
Ý Thức Hệ
Một nhóm tranh đấu chính trị cố thuyết phục Minh Sư:
- Với ý thức hệ của chúng tôi sẽ làm thay đổi toàn diện thế giới.
Minh Sư chăm chú lắng nghe.
Ngày hôm sau Minh Sư nói:
- Một ý thức hệ tốt hay xấu đều tùy vào con người sử dụng. Nếu một triệu con chó sói tụ tập lại để tranh đấu cho công lý thì có phải vì thế mà chúng không còn là một triệu con chó sói nữa chăng?
Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân - Thư viết khuyên bạn
THƯ VIẾT KHUYÊN BẠN
Hồn nhiên không thiện, không ác là tính giời bẩm sinh.
Thích thiện, ghét ác là tính người muốn thế.
Bỏ thiện, theo ác là tập nhiễm thói xấu một ngày một dở.
Đổi ác, làm thiện là công phu tu tỉnh một ngày một hay.
Hay, dở tự mình xét lấy mình, chớ tự mình dối mình. Đó là con đường tắt thánh hiền dạy ta mà tức là cái sổ ghi công, chép tội ta trong chốn u minh vậy.
Ta nên cố sức. Ta nên gắng sức.
TRẦN KẾ NHO
GIẢI NGHĨA
- Hồn nhiên: không có một chút gì kiểu cách pha lẫn cả.
- Bẩm sinh: phú cho lúc sinh ra.
- Tập nhiễm: tập quen mà lây dần.
- Tu tỉnh: sửa mình, xét mình.
- U minh: mờ tối, đây như nói việc quỉ thần.
- Trần Kế Nho: người đời nhà Minh tức là Trần Mi Công tài cao, học rộng, chước thuật rất nhiều. Ông ẩn cư dạy học, mấy lần vua triệu ra làm quan cũng không chịu ra.
LỜI BÀN
Cứ theo như ý tác giả, thì người ta sinh ra vốn không thiện, không ác, nhưng ai cũng muốn thích thiện ghét ác. Tuy nhiên, cái trò tập dữ tính thành, bỏ thiện, theo ác hay đổi ác, làm thiện, cái tính nó bắt vào rồi thành quen đi, không sửa đổi được. Cho nên tác giả khuyên ta phải gắng công tu tỉnh cho mỗi ngày một hay, mà muốn tu tỉnh, không gì bằng phải tự mình xét lấy mình trước.
Saturday, July 22, 2023
Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống
Chấp Nhận
- Làm thế nào để con có thể trở thành một vĩ nhân như thầy.
Minh Sư đáp:
- Tại sao phải trở thành một vĩ nhân? Thành nhân đã là một kỳ công vĩ đại rồi!
Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân - Thư viết răn con
THƯ VIẾT RĂN CON
"... Nếu người quân tử tĩnh để tu thân, kiệm để nuôi đức. Nếu không đạm bạc, thì không thể nào sáng được chí; nếu không ninh tĩnh thì không thể nào thấu được xa.
Ôi! Học nên phải tĩnh, tài nên phải học. Không học, thì không rộng được tài, không tĩnh thì không thành được học. Lười biếng khinh nhờn thì chẳng thể biết cho tường. Hiểm hóc táo bạo thì chẳng thể sửa được tính.
Một năm một tuổi, mỗi tuổi một kém, rồi thành ra con người khô héo, dài thở vắn than trong chỗ xó nhà, bấy giờ mới hối thì còn sao kịp nữa..."
GIA CÁT LƯỢNG
GIẢI NGHĨA
- Quân tử: bực tài đức hơn người.
- Tĩnh: yên lặng, trong sạch
- Tu thân: sửa mình, bỏ nết xấu, tập tính tốt.
- Kiệm: đây chỉ nghĩa rộng là có tiết chế, không phóng phiếm
- Nuôi đức: gây nên những đức hạnh tốt.
- Đạm bạc: điềm tĩnh và ít lòng ham mê.
- Ninh tĩnh: im lặng không rối rít nóng nẩy.
- Gia Cát Lượng: người đời tam quốc, tự là Khổng Minh, trước ẩn ở Nam Dương, sau giúp Lưu Huyền Đức làm tướng, tri nước Thục, ông là người trí mưu, trung nghĩa có tiếng ở nước Tàu.
LỜI BÀN
Tóm lại cái ý của Khổng Minh dạy con đây, thì người quân tử cốt phải tu thân, phải dưỡng đức, vốn có tài lại cần phải học, cứ bình tĩnh mà tiến dần lên mỗi tuổi một hơn, chớ không chịu để luống tuổi khô héo mà không bổ ích gì cho đời.
Friday, July 21, 2023
Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống
Trấn Áp
Minh Sư hôn mê từ nhiều tuần lễ và ở trong tình trạng thập tử nhất sinh. Ngày kia, thình lình mở mắt ra, Minh Sư nhận thấy người đệ tử quý mến đang ngồi bên cạnh.
Minh Sư hỏi nhỏ nhẹ:
- Con không bao giờ rời thầy phải không?
- Không, thưa thầy. Con không thể nào rời Thầy được.
- Tại sao vậy?
- Vì thầy là ánh sáng đời con.
Minh Sư thở dài não nuột:
- Con ơi, có phải thầy làm lóe mắt con rồi không, nên con đành không nhận ra ánh sáng ở trong con?
Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân - Cùng, đạt bởi số
CÙNG, ĐẠT BỞI SỐ
Bắc Cung Tử hỏi Tây Môn Tử rằng:
- Tôi với bác cùng một đời mà người ta quí bác, cùng một họ mà người ta kính bác, cùng làm quan mà bác sang hơn tôi, cùng làm ruộng mà bác giàu hơn tôi, cùng đi buôn mà bác lắm lời hơn tôi. Tôi mặc, phải mặc áo cộc; ăn, phải ăn gạo hẩm; ở thì chỉ một túp nhà gianh, đi thì đi chân không. Bác thì mặc những gấm, vóc, ăn những thịt, gà, ở thì gác tía, lầu hồng, đi thì xe xe ngựa ngựa. Ở nhà, thì coi bác ra bộ nhạt nhẽo có bụng khinh tôi; trong triều, thì coi bác ra bộ nhơn nhơn có dáng khinh tôi. Bác với tôi chẳng hỏi han đến nhau, chẳng chơi bời với nhau đã mấy năm nay rồi, vậy thì bác tự cho là bác tài đức hơn tôi chăng?
Tây Môn Tử đáp:
- Tôi cũng không rõ có thật tôi hơn được bác không. Nhưng bác làm việc gì thì cũng vấp váp, tôi làm việc gì thì cũng hanh thản. Đó có phải là cái hiệu nghiệm tài đức hơn, kém nhau chăng?
Bác nói điều gì cũng bằng tôi, chẳng đáng thẹn lắm dư!
Bắc Cung Tử không biết nói sao nữa, ngậm ngùi giở về. Giữa đường gặp Đông Quách tiên sinh. Tiên sinh hỏi:
- Anh này đi đâu về? Coi mặt sao buồn thế?
Bắc Cung Tử thuật lại câu chuyện kia.
Tiên sinh bảo:
- Được, để ta gỡ khỏi xấu hổ cho.
Rồi tiên sinh cùng đi với Bắc Môn Tử đến nhà Tây Môn Tử hỏi rằng:
- Sao anh nói nhục Bắc Cung Tử tệ thế? Anh nói gì, kể lại tôi nghe.
Tây Môn Tử đáp:
- Hắn nói kể về họ hàng, đi làm quan, đi buôn, làm ruộng thì hắn cũng bằng như tôi mà sao giàu, nghèo, sang, hèn thì hắn lại khác tôi. Tôi có bảo rằng: Tôi cũng không chắc tôi tài đức hơn gì hắn, nhưng cứ so cái việc của hắn làm hay vấp váp, cái việc của tôi làm được hanh thản, thì tức là cái hiệu nghiệm hơn kém nhau mà hắn lại cứ nói việc gì cũng như tôi chẳng là xấu hổ ru?
- Đông Quách tiên sinh nói:
Anh nói hơn với kém chẳng qua là chỉ nói hơn kém bề ngoài, chớ ta mà nói hơn với kém thì lại khác. Bắc Cung Tử hơn anh về cái đức mà kém anh về cái số phận, còn anh thì số phận hơn Bắc Cung Tử nhưng đức lại kém. Anh gặp may mà đạt không phải anh có khôn gì. Bắc Cung Tử bị rủi mà cùng không phải có dại gì. Sự may rủi đó đều bởi giời cả không phải bởi người. Vậy mà anh dám hợm mình về số phận của anh, còn Bắc Cung Tử thì lại tủi về tài đức của mình, hai anh đều là không biết cái nhẽ tự nhiên cả.
- Tây Môn Tử nghe nói, chịu là phải, bảo rằng:
Thôi, xin tiên sinh, từ rầy tôi không dám nói vậy nữa.
Bắc Cung Tử cũng tỉnh ngộ ra. Khi về nhà, mặc cái áo vải cộc mà coi ấm áp như áo lông cừu, ăn cơm gạo hẩm mà coi ngon như gạo tám thơm, ở nhà gianh mà coi rộng như nhà ba từng, đi dép cỏ mà coi sung sướng như ngồi xe ngựa. Trọn đời lúc nào cũng vui sướng trong lòng, không biết cái vinh, cái nhục ở đâu nữa.
LIỆT TỬ
GIẢI NGHĨA
- Hanh thản: thông suốt bằng phẳng, không có gì trở ngại.
- Hiệu nghiệm: cái kết quả đủ làm chứng rằng thật.
- Đạt: làm nên, vẻ vang sung sướng.
- Cùng: không làm nên gì, khốn khó nghèo khổ.
- Tĩnh ngộ: đương mê muội mà hiểu rõ, rồi tự biết đã nhầm.
LỜI BÀN
Bắc Cung Tử hỏi Tây Môn Tử là có ý không phục Tây Môn Tử. Nghĩ đáng giận thật: Cái gì mình cũng bằng người ta mà sao lại chịu kém người ta? - Còn Tây Môn Tử đáp Bắc Cung Tử thế là lên mặt hơn người ta, tất là có cớ làm sao chứ? Thành một người cậy tài đức hơn mà bực mình, một người cậy mệnh vận hơn mà lên mặt. Ấy ở đời tài đức và mệnh vận thường vẫn không tương đương với nhau: có tài đức mà phải kém người, không tài đức mà được hơn người. Ai giải cho ra cái nhẽ ấy? Đông Quách tiên sinh, mà tức là tác giả cho rằng: Chẳng qua là do như số phận, mà số phận là do như giời định, người ta không thể sao cãi được. Thực hợp với câu cổ ngữ “May hơn khôn” của ta đó. Vậy ở đời hơn kém nhau là tại số phận cả. Nếu ta đã biết thế thì ta hơn về cái ưa may chớ vị tất đã hơn về cái tài đức. Còn ta mà kém người, ta cũng chăng nên phàn nàn, vì phàn nàn vô ích mà tâm ta không bao giờ được sướng.
Thursday, July 20, 2023
Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống
Đơn Độc
Có một đệ tử lúc nào cũng tìm kiếm những giải đáp từ Minh Sư.
Minh Sư bảo anh:
- Ở trong con có sẵn giải đáp cho mọi vấn nạn của mình, con chỉ cần biết cách tìm ra giải đáp ấy thôi.
Và một ngày, Minh Sư tuyên bố:
- Ở trong thế giới tâm thức, con không thể bước đi nhờ vào ánh sáng của ngọn đèn người khác. Con muốn mượn cây đèn của thầy. Thầy thấy tốt hơn hết là dạy con cách tự làm lấy cây đèn cho chính con.
Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân - Một câu đoán đúng
MỘT CÂU ĐOÁN TRÚNG
Ông Tử Sản nước Trịnh sang nước Trần về việc minh ước.
Khi về, ông tâu mọi việc với vua xong, ông có đem chuyện nước Trần nói với các quan rằng:
"Nước Trần thế nào rồi cũng mất, chẳng nên giao hiếu với nước ấy làm gì. Này họ chứa nhiều lương thực, họ sửa sang thành quách, họ chỉ cứ cậy hai điều ấy đủ làm yên nước mà chẳng thương gì đến nhân dân. Vua thì không có chí gì là độc lập, thái tử thì hèn yếu, các nhà đại gia thì xa xỉ dâm dật, các quan thì kiêu ngạo, tham tàn, chính quyền thì chia xé không ai chịu trách nhiệm. Như thế mà ở chen vào giữa các nước nhớn, thì tài nào mà còn được. Bất quá mười năm nữa, nước Trần thế nào cũng mất".
Sau quả nhiên nước Trần mất thật.
"TẢ TRUYỆN"
GIẢI NGHĨA
- Trịnh: tên một nước nhỏ đời Xuân Thu ở vào huyện Tân Trịnh tỉnh Hà Nam ngày nay.
- Trần: tên một nước nhỏ đời Xuân Thu, ở vào một phần đất phủ Khai phong (Hà Nam) và Bạc Châu (An Huy) ngày nay.
- Lương thực: thóc gạo của ăn
- Thành quách: đất hay gạch, đá đắp xây cao bao bọc, để phòng giữ một nơi nào; ở trong gọi là thảnh, ở ngoài gọi là quách.
- Độc lập: có quyền tự trị lấy, không bị người ngoài can thiệp đến.
- Thái tử: con cả vua, sau sẽ làm vua.
- Đại gia: nhà quan to.
- Tham tàn: muốn được không chán, và mất hết lòng lành.
- Trách nhiệm: sự nhận lấy, chịu lấy cái kết quả hay dở công việc đã làm.
LỜI BÀN
Trong một nước mà vua chẳng ra vua, quan không ra quan, dân cùng, tài tận chẳng ai nghĩ đến, chỉ cậy vào cái kho lương đầy, cái thành đất cao cùng những tờ minh ước của các nước lân bang thì tài nào mà còn được. Một nước như thế, thật là tự làm cho mình mất trước, rồi các nước ngoài mới làm cho mất sau vậy.
Wednesday, July 19, 2023
Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống
Bắt Chước
Sau khi đạt ngộ, Minh Sư bắt đầu sống giản dị, vì nhận thấy sống đơn giản thích hợp với sở thích của mình.
Minh Sư buồn cười khi biết đệ tử bắt chước mình, bắt đầu sống giản dị.
Minh Sư nói:
- Ích lợi gì đâu khi mô phỏng lối sống của thầy mà thiếu động cơ thúc đẩy như thầy. Hoặc chọn động cơ thúc đẩy của thầy mà thiếu cái quan điểm đã phát sinh ra động cơ đó?
Các đệ tử hiểu rõ hơn khi nghe Minh Sư nói:
- Một con dê mọc râu thì có trở thành một giáo sĩ Do Thái được chăng?
Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân - Phải biết phòng xa
PHẢI BIẾT PHÒNG XA
Ông Biển Thước đến yết kiến Hoàn hầu nước Tề, đứng ngắm một lát, tâu rằng:
- Vua có bệnh ở trong bì phu, không chữa, sợ sau nặng.
- Hoàn Hầu bảo: Ta vô bệnh.
Biển Thước đi ra.
Hoàn Hầu nói: - Thầy thuốc này lý tài lắm! Muốn chữa người khoẻ để lấy công.
Mười hôm sau, Biển Thước vào yết kiến Hoàn Hầu lại nói:
- Vua có bệnh ở gan ruột, không chữa mau, sau khó lòng.
Hoàn Hầu không giả nhời, lây làm không bằng lòng.
Biển Thước đi ra.
Cách mười hôm nữa, Biển Thước lại vào yết kiến Hoàn Hầu, vừa trông thấy, lùi chạy ra ngay.
Hoàn Hầu cho người gọi lại hỏi, vì cớ gì mà ra ngay như vậy.
Biển Thước tâu: - Bệnh ở bì phu còn châm trích được, bệnh ở gan ruột còn thuốc thang được, bệnh đã vào xương tuỷ, thì không tài nào chữa được nữa. Bây giờ bệnh nhà vua đã vào đến xương tuỷ, cho nên tôi không dám nói mà phải ra ngay.
Năm hôm sau, Hoàn Hầu phát bệnh, cho tìm Biển Thước, thì Biển Thước đã sang nước Tần rồi. Quả nhiên bệnh Hoàn Hầu không thầy nào chữa được nữa, Hoàn Hầu mất.
THANH LÊ TỬ
GIẢI NGHĨA
- Biển Thước: thầy thuốc hay có tiếng đời Xuân Thu.
- Bì phu: da, màng da.
- Lý tài: lập cách kiếm tiền.
- Châm trích: châm: kim nhể, trích: lửa đốt.
LỜI BÀN
Theo như y học ngày nay, thì ta không rõ có cái bệnh nào mà lại tuần tự nhi tiến trước ở bì phu, sau vào gan ruột, sau nữa vào đến cốt tuỷ như nhời Biển Thước nói không.
Nhưng ta chỉ hay phàm bệnh gì cũng vậy, lúc mới phát ra, biết mà chữa ngay thì còn dễ, chớ để lâu ngày, thì tất khó hơn hoặc có khi quá lắm, không sao chữa được nữa.
Suy rộng ý bài này ra, ta lại có thể lấy việc bệnh tật mà so với việc thân, việc nhà, việc nước, có nhẽ đều như thế cả. Nghĩa là bất kỳ việc gì, nếu đã gọi là hư hỏng, thì phải sớm biết phòng xa ngay đi, hoặc còn chữa chạy được, chớ nên để lâu ngày quá, đợi khi nước đã đến chân thì dù có muốn sao, cũng không kịp được nữa.
Tuesday, July 18, 2023
Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống
Nhân Quả
Mọi người kinh ngạc về một ẩn dụ rất hiện đại của Minh Sư:
- Đời sống chẳng khác gì một chiếc xe hơi.
Các đệ tử chờ giải thích trong yên lặng.
Cuối cùng Minh Sư bảo:
- Ồ, phải rồi. Người ta có thể dùng một chiếc xe hơi để vượt đèo cao.
Yên lặng một chút Minh Sư tiếp:
- Nhưng có rất nhiều người nằm trước xe cố tình để xe cán, sau đó đổ thừa chiếc xe hơi gây ra tai nạn.
Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân - Kéo lê đuôi mà đi
KÉO LÊ ĐUÔI MÀ ĐI
Trang Tử đang câu cá ở trên sông Bộc.
Vua Sở sai hai quan đại phu đến nói lót trước rằng ý vua muốn đem việc nước lại phiền.
Trang Tử không nhìn hai quan đại phu, cứ cầm cần câu cá mà nói rằng: - Ta nghe nước Sở có con thần qui chết đã ba nghìn năm mà vua còn quí, lấy khăn bọc cất vào hòm để trên miếu đường. Như con thần qui ấy chết mà để xương lại cho người ta quí hơn là sống mà kéo lê đuôi đi ở giữa đường quí hơn?
- Hai quan đại phu nói: Thà rằng sống mà kéo lê đuôi đi ở giữa đường còn hơn.
- Trang Tử bảo: Vậy xin mời hai ngài cứ về. Ta đây cũng sắp kéo lê đuôi mà đi ở giữa đường.
TRANG TỬ
GIẢI NGHĨA
- Bộc: một phân lưu của con sông chảy qua địa phận tĩnh Hà Nam
- Đại phu: tên một chức quan to đời cổ.
- Phiền: làm cho bận lòng phải lo nghĩ đến.
- Thần qui: con rùa thiêng. Rùa sở dĩ cho là con vật thiêng, là vì xưa người ta dùng để bói.
- Miếu đường: nơi thờ phụng tổ tiên nhà vua.
LỜI BÀN
Hiền như Trang Tử đã đi câu trên sông Bộc là muốn an nhàn không còn để thân bó buộc vào trong vòng danh lợi nữa. Sở Vương không hay còn cho người đến cầu. Trang Tử hỏi truyện con thần qui mà tức là để tỏ ý kiến rằng từ chối. Ôi! Bấy giờ nhân đời Chiến quốc, người ta đã có câu: "Chiến quốc chi sĩ tiện“ nghĩa là kẻ đời Chiến quốc là hèn hạ, và đáng khinh bỉ, cho nên Trang Tử không chịu ra cũng có nhẽ vậy. Lúc đời đang sôi nổi, đắm đuối vế quyền, về lợi, xâu xé tranh cướp nhau, xác người tuy còn, lòng người đã chết, thì ra chen với đời chỉ ô uế đến thân. Có đâu cao thượng bằng cầm cần câu, câu trên sông Bộc vậy.
Monday, July 17, 2023
Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống
Hoán Cải
Một nhóm đệ tử nóng lòng đi hành hương, Minh Sư bảo họ:
- Hãy mang quả mướp đắng này theo các con. Hãy nhớ nhúng nó vào những giòng sông thánh và mang nó vào mọi nơi linh thiêng.
Khi đệ tử trở về, trái mướp đắng được đem nấu chín làm món ăn nhiệm tích.
Sau khi nếm món ăn đó, bằng một giọng ranh mãnh Minh Sư nói:
- Lạ thật, nước thánh và những thánh địa không thể mang lại cho nó hương vị ngọt ngào!
Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân - Nhuộm Tơ
NHUỘM TƠ
Mặc Tử thấy người ta nhuộm tơ, ngẫm nghĩ than rằng:
"Nhuộm vào màu xanh thì hoá xanh, nhuộm vào màu vàng thì hoá vàng. Dúng vào màu nào thì biến ra màu ấy. Năm lần nhuộm, hoá ra năm sắc, cho nên nhuộm phải cẩn thận.
Không những tơ nhuộm như vậy. Người ta tiêm nhiễm nhau cũng thế, bạn với nhau hay thì hoá hay, bạn với kẻ dở thì hoá dở. Vinh hay nhục quan hệ ở những người bạn mình hay chơi.
MẶC TỬ
GIẢI NGHĨA
- Mặc Tử: người nước Lỗ đời Chiến quốc, họ Mặc, tên Định, làm quan đại phu nước Tống, xướng ra cái học thuyết "Kiêm ái".
- Nhuộm: làm cho chất gì đang có sắc này hoá ra có sắc khác.
- Than: thở dài và có ý thương.
- Tiêm nhiễm: tiêm: thấm thía, nhiễm: lây sang.
- Vinh: sự vẻ vang.
- Nhục: sự xấu xa tủi nhục.
- Quan hệ: can thiệp vương víu đến.
LỜI BÀN
Bài này ý tưởng không có gì là cao lạ. Chẳng qua cũng chỉ nói đến sự giao du làm cho người ta chóng giống tính những người mình hằng đi lai với. Nào "Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng, (hoặc: gần son thì đỏ) nào: "Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài', nào: "Mày bảo tao mày chơi với ai, tao sẽ bảo mày giống người ấy ". "Vợ giống tính chồng, đứa ở giống tông chủ nhà". "Ở nhà hàng mắm thì thối, ở nhà hàng hương thì thơm", có biết bao nhiêu câu do cái khôn ngoan của loài người đều công nhận một sự chân lý ấy cả. Sự chơi bời ở đời, gần người hay được hay, gần kẻ dở hóa dở cần là như thế, thánh hiền còn phải nghĩ đến, huống chi là ta, lúc muốn kết bè kết bạn với ai, chẳng nên cẩn thận mà kén chọn trước ru?
Sunday, July 16, 2023
Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống
Qui Ẩn
- Con có thể giúp đỡ thế giới nầy như thế nào?
Minh Sư đáp:
- Bằng cách tìm hiểu thế giới.
- Con sẽ tìm hiểu thế giới như thế nào?
- Bằng cách xa lánh thế giới.
- Như vậy con sẽ phục vụ nhân loại như thế nào?
- Bằng cách tìm hiểu chính con.
Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân
DÂN QUÍ NHẤT
Nước mà trông cậy để đứng vững được là nhờ ở ba điều: Một là: dân; hai là: xã tắc; ba là: vua.
Đem ba điều ây so sánh với nhau, dân suy không có thế đáng tôn, nhưng có hình đáng sợ thật là quí nhất.
Xã tắc là thần tuy phù hộ cho được khoẻ, được sống, nhưng cũng vì dân mà đặt ra, chẳng có thể bì với dân được, vậy xã tắc còn là thứ hai.
Vua tuy chúa tể cả thần, cả dân, nhưng kỳ thực cũng phải nhờ lòng dân có yêu mến, xã tắc có yên ổn, thì mới lâu dài được, thế thì vua ví với dân, với xã tắc, vua là khinh.
MẠNH TỬ
GIẢI NGHĨA
- Xã tắc: xã: thổ thần tức là Thần giữ đất; tắc; cốc thần, tức là Thần cho được mùa.
- Thế: quyền to; sức mạnh khiến cho người ta phải nể, phải sợ.
- Hình: hình tượng hiển hiện ai cũng biết.
- Phù hộ: che chở đỡ đần.
- Chúa tể: đứng đầu cai quản trông nom tất cả.
LỜI BÀN
Nước có Quân chủ, thì còn ai trọng bằng vua chúa. Tục chuộng Thần quyền, thì còn ai sợ bằng thần thánh. Một đàn dân ngu, tha hồ mà giày xéo! Nhưng có biết đâu dân chính là gốc của nước, có dân mới có xã tắc, có dân mới có vua. Nên đem so dân với vua, với xã tắc, thì dân là quí nhất, không thể khinh thường được. Ông Mạnh sinh vào đời cổ, quân chủ áp chế, mà thực đã hiểu rõ cái nhẽ tối tân của đời tối tân bây giờ, là đời dân quyền, dân chủ rất nên công bằng vậy.
Saturday, July 15, 2023
Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống
Diễn Đạt
Một văn hào viết về tôn giáo quan tâm đến những quan điểm của Minh Sư:
- Làm thế nào chúng ta khám phá được Thượng Đế?
Minh Sư trả lời sắc bén:
- Qua việc làm con tim trong trắng bằng thiền quán, chứ không phải bôi đen những trang giấy bằng những diễn từ đạo giáo.
Và quay sang các đệ tử trí thức, Minh Sư châm biếm:
- Hoặc làm cho không khí trở nên dày đặc bởi những cuộc tranh luận uyên bác.
Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân - Hỏi thăm dân
HỎI THĂM DÂN
Vua nước Tề sai sứ đem thơ sang hỏi thăm bà Uy Hậu nước Triệu.
Sang đến nơi, bà Uy Hậu chưa xem thơ, đã hỏi sứ giả rằng:
"Năm nay không mất mùa chứ? - Dân bình yên chứ? - Vua cũng mạnh khoẻ chứ?
- Sứ giả nghe hỏi, không bằng lòng, nói rằng:
Tôi vâng mệnh vua nước tôi sang sứ bên này, thái hậu không hỏi đến vua tôi, lại hỏi thăm mùa màng với dân sự trước, thế chẳng ra tôn trọng kẻ hèn hơn người sang dư?
- Uy Hậu bảo: Không phải. Nếu không có mùa màng thì lấy đâu có dân, không có dân thì lấy đâu có vua. Cho nên ta hỏi mùa màng và dân sự trước. Ai lại bỏ gốc mà hỏi ngọn bao giờ!"
Nói xong, Thái hậu lại hỏi luôn rằng:
"Chung Li Tử là sử sĩ bên ấy vẫn được bình yên đấy chứ? Người ấy có lương ăn cũng thế, không lương ăn cũng thế, có áo mặc cũng thế, không áo mặc cũng thế, ấy là người ta giúp vua mà nuôi dân đấy, sao đến bây giờ chưa triệu ra làm quan? - Cả Nghiệp Dương Tử bên ấy vẫn bình yên đấy chứ? Người ấy thương xót kẻ quan quả, chu tuất kẻ cô độc, chẩn tế kẻ khôn cùng, giúp đỡ kẻ túng bấn thế là người ta giúp vua để sinh tức cho dân, sao đến bây giờ còn chưa triệu ra làm quan? - Người con gái ở Bắc Cung tên là Anh Nhi Tử cũng vẫn bình yên đây chứ? Người ấy bỏ cả đồ trang sức đến già không lấy chồng để nuôi cha mẹ. Ấy là người ta làm gương cho dân bắt chước ăn ở với cha mẹ cho có hiếu, sao đến bây giờ vẫn chưa cho người ấy vào chầu? Nếu hai người tử sĩ ấy không được làm quan, một người con gái ấy không được vào chầu, thì làm vua nước Tề trị sao vạn dân được! - À mà còn thằng Tử Trọng ở Ô lăng vẫn còn đấy chứ? Người ấy trên không làm tôi vua, dưới không trị việc nhà, giữa không kết giao với ai. Thế là người ấy dạy dân làm điều vô dụng, sao đến bây giờ vẫn còn chưa giết đi?"
Thái hậu hỏi hết mây câu chuyện ây xong rồi, mới xem đến thư.
TRIỆU VĂN
GIẢI NGHĨA
- Tề: tên nước nhớn trong bảy nước thời Chiến quốc ở vào địa phận tỉnh Sơn Đông bây giờ.
- Uy hậu: mẹ vua Uy Vương bấy giờ bà có dự triều chính.
- Triệu: tên một nước nhớn thời Chiến quốc ở về phía nam tỉnh Trực Lệ, phía bắc tỉnh Sơn tây bây giờ.
- Sứ giả: người chịu mệnh lệnh của vua nước mình mà sang sính vấn nước khác.
- Mệnh: nhời người trên dặn bảo sai đi việc gì.
- Thái hậu: mẹ vua.
- Sử sĩ: Người hiền tài ẩn cư một chỗ.
- Quan quả: quan: người hoá vợ; quả: người hoá chồng.
- Chẩn tế: cứu giúp kẻ đói khó.
LỜI BÀN
Nước nào cũng vậy, chỉ cốt lấy dân làm gốc. Nếu dân không ra dân, thì còn gì là nước. Bà Uy hậu hỏi mấy câu như trong bài này, thực chỉ trọng một cái ý đó. Hỏi mùa màng là do dân nghèo, hỏi dân sự bình yên là do dân yếu, hỏi hai người sử sĩ, một người hiếu nữ là lo dân ngu, hỏi bỏ một đứa tiểu nhân là do dân hại. Thuỷ chung câu nào hỏi cũng trú trọng về dân, còn vua thì hỏi qua, thật là một tay hiểu thấu việc trị nước, ám hợp với cái ý tưởng của ông Mạnh là: "Dân vi quí, xã tắc thứ chi, quản vi khinh" vậy.
Friday, July 14, 2023
Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống
Vô Vi
- Con phải làm gì để được tỉnh thức?
- Không làm gì hết.
- Sao lại không?
- Vì không cần phải làm điều gì đó để đạt đến tỉnh thức. Tỉnh thức xảy tới tự nhiên.
- Vậy thì không bao giờ có thể đạt tới tỉnh thức?
- Ồ! Có chứ.
- Bằng cách nào?
- Bằng vô vi.
- Và người ta phải làm gì để đạt đến vô vi?
- Chúng ta làm cách nào để thiếp ngủ và tỉnh dậy?
Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân - Người kiếm củi được con hươu
NGƯỜI KIẾM CỦI ĐƯỢC CON HƯƠU
Một người nước Trịnh đi kiếm củi ngoài đồng thấy có con hươu lạc, đón đánh chết được ngay. Anh ta sợ người ngoài trông thấy, bèn vội vàng giấu xác hươu vào trong hào cạn, lấy lá chuối phủ lên, trong bụng mừng rỡ không biết thế nào mà kể.
Chợt một cái, anh ta lú ngay chố giấu hươu bèn cho ngay là chuyện chiêm bao. Lúc gánh củi về, anh ta đi đường, thờ thẫn thở than và cứ một mình lẩm bẩm kể câu chuyện ấy.
Có một người đi cạnh nghe thấy, cứ theo nhời kể mà tìm được hươu, đưa về, bảo vợ rằng:
"Lúc nãy anh kiếm củi mộng bắt được hươu mà không biết ở chỗ nào, bây giờ ta tìm được, thế thì hắn là kẻ mộng thật.”
Vợ nói: Hay là chính anh mộng thấy người kiếm củi bắt được hươu. Chớ làm gì có người kiếm củi thật. Bây giờ anh bắt được hươu thật, thế là mộng anh thật chăng.
Chồng bảo: “Đây ta cứ biết được hươu là được hươu cần gì phải biết rằng ta mộng hay hắn mộng nữa".
Anh kiếm củi về nhà, trong bụng tấm tức băn khoăn về việc mất hươu. Đêm hôm ấy nằm mộng thấy chỗ mình giấu hươu và thấy cả người bắt được hươu. Đến sáng cứ theo như mộng, rồi tìm ra được, mới đem lên quan sĩ sư kiện để đòi lại hươu.
Quan xử rằng:
"Mày trước thật là bắt được hươu lại hoảng lên cho là mộng, sau mày mộng tìm thấy hươu lại hoảng lên cho là thực. Còn thằng kia thật là lấy hươu mà tranh nhau với mày thì vợ nó lại tưởng là mộng được hươu của người ta chớ không ai bắt được hươu thật cả. Bây giờ rõ ràng là có con hươu đây, thôi chia đôi cho mỗi bên một nửa".
Cái án ấy sau tâu lên vua nước Trịnh.
Vua nói rằng: "Hừ! Quan án cũng lấy mộng mà xử cái kiện con hươu ư!" Rồi cho đòi thủ tướng đến hỏi. Thủ tướng tâu rằng:
Mộng cùng chẳng mộng tôi không thể phân biện được. Muốn phân biện mộng hay giác thì chỉ có ông Hoàng đế, ông Khổng Tử mà thôi. Bây giờ không có hai bực ấy, thì ai phân biệt ra được?
Thôi, xin cứ y như nhời xử đoán của quan sĩ sư là xong.
LIỆT TỬ
GIẢI NGHĨA
- Trịnh: nước nhỏ thời Xuân Thu, ở vào huyện Tân Trịnh một phần đất phủ Khai phong tỉnh Hả Nam ngày nay.
- Hào: vụng nước bọc chung quanh thành (chỗ lấy đất đắp thành mà thành vụng).
- Mộng: tức là chiêm bao, nghĩa là những công, chuyên hiện ra, hay tinh thẩn cảm giác điều gì trong lúc người ta ngủ.
- Sĩ sư: chức quan tra xét việc ngục tụng.
- Mộng thật: chiêm bao thế nào, sau có thật như thế.
- Hoảng: ù mờ không biết đích thật.
- Hoàng đế: một bực thánh đế đời cổ, thay vua Thần Nông cai trị nước Tàu.
- Khổng Tử: người nước Lỗ, về thời Xuân Thu, tên là Khâu, tự là Trọng Ni, ông tổ Nho học.
LỜI BÀN
Đánh chết được thật hươu lại đem giấu cẩn thận, vì quên mất chỗ giấu mà cho là mộng. Thế là thực mà hoá ra mộng. Lấy tranh hươu của người, đem về tận nhà, vì vợ không thấy người kiếm củi đâu, mà cho là thực. Ôi! Như thế thì chẳng ra sự mộng và sự thực không có gì để phân biệt tách bạch hẳn ra ư. Hay ở đời có lắm cái như thực mà là mộng cả, lại có lắm cái tưởng mộng mà là thực cả. Tác giả chính có ý muốn bày tỏ sự mộng, sự thực ở đời là như thế. Họ Thích còn cho cả cuộc đời là một giấc mộng nữa là.
Còn câu cuối bài, tác giả có ý bác ông Hoàng đế và ông Khổng Tử cứ như muốn giáo hoá người đời cho ở đời cái gì cũng là thực cả.
Tự xưa đến nay, ở đâu mà chẳng là thật, việc gì mà chẳng là chiêm bao, chẳng qua như truyện được hươu mất hươu, tìm thấy hươu, kiện nhau hươu. Nghĩ cho cùng, tưởng cũng đáng thương.