Tuesday, January 8, 2019

Điển Hay Tích Lạ

Không khom lưng vì 5 đấu gạo

Ý của câu thành ngữ này là chỉ người đạo đức thanh cao, không khom lưng quỳ gối trước cường quyền và cám dỗ.

Câu thành ngữ này có xuất xứ từ Tấn thư- truyện Đào Tiềm.

Đào-Tiềm còn gọi là Đào-Uyên-Minh, là một thi sĩ đồng quê nổi tiếng thời Đông-Tấn, ông đã sáng tác được khá nhiều bài thơ lấy phong cảnh thiên nhiên đồng quê và cuộc sống nông thôn làm bối cảnh.

Đào-Uyên-Minh là người thanh cao, không ham vinh hoa phú quý, nên đời sống hết sức kham khổ.

Mùa thu năm 405 công nguyên, Đào-Uyên-Minh sang làm huyện lệnh Bành-Trạch gần quê ông. Mùa đông năm ấy, thái thú quận đã cử Đốc-Bưu đến huyện Bành-Trạch để điều tra tình hình. Đốc-Bưu là một tên tiểu nhân thô tục và ngạo mạn, mới đặt chân tới huyện Bành-Trạch đã sức quan huyện đến hoạnh hoẹ ra oai với thiên hạ.

Đào-Uyên-Minh vốn chán ghét thói trịnh thượng hạch sách cấp trên bắt nạt cấp dưới, nhưng ngặt vì không thể từ chối được nên đành tất tưởi chạy ra để gặp Đốc-Bưu, các cộng sự của ông thấy vậy vội đuổi theo ngăn lại: "Đại nhân hãy khoan đã, ngài đến chào Đốc-Bưu mà mặc thường phục thế này thì còn ra thể thống gì, ngài hãy mau vào thay quan phục và thắt đai lưng tề chỉnh rồi hẵng đi, bằng không mà bị ông ta bắt bẻ thì tự chuốc vạ vào thân". Đào-Uyên-Minh nghe vậy càng thêm ngán ngẩm than rằng: "Tôi thật không thể khom lưng vì 5 đấu gạo". Nói xong, ông bèn đem dấu ấn đặt lên bàn, viết một lá đơn từ chức rồi rời huyện Bành-Trạch về quê.

Về sau, Đào-Uyên-Minh đã viết bài "Quy khứ lai từ" nổi tiếng để bày tỏ tâm trạng không chịu khom lưng trước quyền quý, đã từ chức về sống cuộc đời ẩn dật của mình. Ông làm quan huyện chỉ được hơn 80 ngày, vì bổng lộc quan huyện lúc bấy giờ mỗi tháng chỉ được cấp có 5 đấu gạo, nên ông mới nói câu: "Không khom lưng vì 5 đấu gạo" là thế.

Về sau, người ta thường dùng câu nói này để chỉ người phẩm hạnh thanh cao, không khom lưng quỳ gối trước cường quyền và cám dỗ .

No comments:

Post a Comment