BA ĐIỀU KHÓ HỌC
Thầy Tăng Tử nói với Đức Khổng Tử: Tôi biết thầy có ba điều, tôi học mãi mà chưa làm được.
Thầy:
-Thấy người ta có một điều phải mà quên cả trăm điều trái của người ta, thế là thầy dễ tính.
-Thấy người có điều gì phải, thì vui vẻ như là mình có, thế là thầy không ghen tị.
-Nghe thấy điều gì phải, nhất quyết làm rồi sau mới nói, thế là thầy chịu khó thực hành. Thầy là người dễ tính, là người không ghen tị, là người chịu khó, tôi học mãi ba điều ấy của thầy mà chưa thể làm được.
Thuyết Uyển
GIẢI NGHĨA
Thuyết Uyển: Bộ sách 21 quyển của Lưu Hướng đời Hán soạn, ghi chép những việc đạo đức đáng dạy người ta.
Tăng Tử: tức là Tăng Sâm, người thành thực và rất có hiếu, học trò giỏi của Đức Khổng Tử truyền được đạo đức Khổng Tử có thuật sách Hiếu Kinh và sách Đại Học. (Xin xem thêm Tăng Tử ở Phụ Lục C).
Khổng Tử: người nước Lỗ về thời Xuân Thu, tên là Khâu tự là Trọng Ni, ông tổ nho học. (Xin xem thêm Khổng Tử ở Phụ Lục C).
LỜI BÀN
Lấy một điều phải mà quên trăm điều trái, thế là có bụng khoan dung người ta, lại có ý gây cho người làm nên điều phải. Thấy người làm phải cũng vui như chính mình làm điều phải, thế là có lòng vô ngã muốn giục cho người phải ưa làm điều phải. Thấy điều phải làm ngay rồi mới nói, thế là vụ cái thực làm chớ không chỉ có một cái nói giỏi mà thôi. Ba điều này mới nghe tưởng dễ, mà làm thực khó!. Thói thường, 171 người đời chỉ hay bới xấu nhau, ghen tị nhau, nói giỏi mà làm càn, cho nên mới ghét bỏ nhau, lừa dối nhau, hãm hại nhau, đưa nhau đến tử vong mà không gỡ ra được.
No comments:
Post a Comment