“Tam nhân hành tất hữu ngã sư”: 3 người cùng đi ắt có người là thầy của ta
Nam đinh trong vương công quý tộc triều Chu đều được đưa đến trường công quốc gia gọi là “quan học” để tiếp thụ giáo dục. Khổng Tử tuy cũng là hậu duệ của “quân tử” (theo nghĩa quý tộc), nhưng tiên tổ là một chi trong con thứ (con của vợ thứ). Đến đời cha Khổng Tử, bậc quan cũng đã thấp rồi, phụ thân lại qua đời quá sớm, do đó Khổng Tử không có cơ hội bước vào trường quan học. Nhưng không có gì quan trọng cả, Khổng Tử tự học.
Vì không có bổng lộc thế tập, gia cảnh suy vi, sau khi trưởng thành, Khổng Tử có làm “ủy lại” – nhân viên quản lý kho tàng quốc gia, và cũng làm “thừa điền” – nhân viên chăn nuôi dê bò quốc gia.
Từ nhỏ, Khổng Tử thích học tập lễ nhạc; ông quan niệm “tam nhân hành, tất hữu ngã sư”, nghĩa là 3 người cùng đi thì trong đó ắt sẽ có người là thầy của mình. Khổng Tử hễ gặp người là học, đến tuổi khoảng 30, ông đã có danh tiếng lớn là người “tri lễ”, người am hiểu lễ nghi.
Khi Khổng Tử đã có đủ tư cách vào tông miếu nước Lỗ, hễ cái gì không hiểu ông liền hỏi, bởi vì đã “tri lễ” rồi vẫn phải học tập. Vì thế có người cho rằng Khổng Tử chưa hiểu biết về lễ, chê cười rằng: “Ai nói người trẻ tuổi đến từ Châu Ấp kia hiểu lễ? Anh ta đến tông miếu, cái gì cũng hỏi”.
Khổng Tử sau khi nghe được nói rằng: “Hỏi rõ tất cả chi tiết của lễ, đó chính là lễ đó”.
Những điển chương chế độ ghi chép trong Chu lễ là cực kỳ tinh vi, thậm chí rất phức tạp. Trọng tâm của nó là mọi người ai nấy giữ cái tâm mình, ai nấy yên với chức phận của mình, để đạt đến người khắp thiên hạ cùng thuận theo Trời và kính trọng đạo đức.
Trong xã hội, mỗi giai tầng có các tâm pháp, lễ nghi khác nhau cần phải tuân thủ. Ngoài những lễ tiết thường ngày ra, một người sẽ không thể hiểu rõ ràng rành mạch “lễ” ít sử dụng, nhưng Khổng Tử lại làm rõ thông thạo chúng. Khổng Tử không những là một nhà giáo dục mà còn là một người có học vấn lớn của nước Lỗ. Những năm cuối đời, Khổng Tử trở về định cư ở nước Lỗ; cho đến khi qua đời, ông là cố vấn quốc gia của Lỗ Ai Công.
No comments:
Post a Comment