Trước khi phán xét xin hãy lắng nghe
Từ lúc thành niên, tôi đã biết mình khác mọi người. Tôi không rung động trước bạn khác giới mà luôn có tình cảm với những người cùng giới tính. Tôi đã từng đau khổ và dằn vặt chính mình. Tự tôi đã ghê tởm tôi.
Nếu như mọi người có quyền mơ về một cuộc sống gia đình vợ chồng, con cái hạnh phúc, thì tôi ngay trong tiềm thức đã chẳng thể mơ. Tôi đã từng cố gắng quên đi những cảm xúc của chính mình để kết bạn với những cô gái - những mong đây chỉ là một giai đoạn trong cuộc sống và khi có bạn gái tôi sẽ trở thành người bình thường.
Nhưng thời gian trôi và tôi hiểu, không ai có thể sống trái với lòng mình. Rất nhiều người bạn của chúng tôi do bế tắc đã lấy vợ hay lấy chồng những mong có cuộc sống bình thường như bao người. Nhưng tất cả chỉ là đau khổ, đau khổ cho bản thân và đau khổ cho người thân yêu - những người vợ, người chồng và con cái đều không hạnh phúc.
Nếu như khát vọng được yêu thương, được sống đúng là chính mình là quyền rất cơ bản mà mỗi con người đều mưu cầu thì đối với chúng tôi - những người đồng tính - khát vọng này đau đáu mãnh liệt hơn nhiều. Thật đơn giản và đôi khi vô nghĩa khi tuyên bố “tôi là con trai” hay “tôi là con gái”, nhưng chẳng đơn giản và vô nghĩa chút nào khi tuyên bố “tôi là người đồng tính”.
Một câu hỏi lớn luôn đặt ra đối với mỗi chúng tôi: “Đồng tính là sự lựa chọn của mỗi cá nhân do ảnh hưởng của lối sống trụy lạc, hay sự lệch lạc bệnh lý của tâm lý, hay đây là một giới tính tự nhiên như các giới tính khác?”. Tự trong thâm tâm chúng tôi hiểu đồng tính là tự nhiên, chúng tôi sinh ra đã như vậy, nó tuyệt nhiên không là kết quả của một lựa chọn sống hay ảnh hưởng của các lối sống trụy lạc.
Là một trí thức, tôi đau khổ và đi tìm câu trả lời nghiêm túc trong khoa học. Và tôi ngỡ ngàng nhận ra các kết luận của y học, tâm lý học, xã hội học hiện đại đều khẳng định đồng tính là tự nhiên, không phải là một bệnh lý hay một kiểu thức thương tổn về tâm lý. Hầu hết chúng ta đã quá quen với chuyện xã hội chỉ có hai giới tính, quen đến mức không có chỗ cho sự khác biệt.
Thật sự kết quả nghiên cứu cho thấy xã hội tồn tại một cách tự nhiên nhiều hình thái giới tính khác nhau: nam, nữ, đồng tính nam, đồng tính nữ, “bi” (người cảm xúc với cả hai giới tính). Một điều duy nhất khác biệt là hai giới tính nam - nữ chiếm đa số và do những định kiến xã hội dẫn đến những người thuộc các nhóm thiểu số không dám thể hiện xu hướng giới tính thật của mình.
Khoa học đã khẳng định nhưng định kiến xã hội còn quá nặng nề, người đồng tính từ khi sinh ra đã chịu nhiều định kiến và thiếu công bằng của xã hội. Các phóng sự về người đồng tính hầu hết đều tiếp cận từ “mại dâm nam” hay các vụ giết nhau vì tình. Vâng, đây là tệ nạn, nhưng nó là tệ nạn của xã hội loài người nói chung chứ không phải tệ nạn do đồng tính mà ra. Quy kết không rõ nguyên nhân sẽ không thể đi đến giải pháp xã hội hiệu quả.
Một lần nữa, trước khi phán xét xin hãy lắng nghe và quan sát với trái tim yêu thương và chấp nhận sự khác biệt. Đồng tính không phải là sự lựa chọn, người đồng tính có thể là bất cứ ai trong số những người thân yêu của các bạn.
Chúng tôi là những người con, người anh, người chị, thậm chí người cha, người mẹ trong mỗi gia đình; chúng tôi là những đồng nghiệp thân thiết trong các công sở; chúng tôi là những công dân có trách nhiệm trong xã hội.
Chúng tôi là bác sĩ, kỹ sư, giảng viên, ca sĩ, diễn viên, công nhân, nông dân, sinh viên, nhà khoa học, nhà báo, nhà thơ... Thống kê của thế giới, tỉ lệ đồng tính trong dân số giao động từ 1-5%. Nếu lấy số trung bình thì với 80 triệu dân, cộng đồng người đồng tính của VN không dưới 2 triệu người. Đây là một cộng đồng lớn mà sự hiểu biết của xã hội sẽ có những tác động rất quan trọng.
Cuối cùng, tôi muốn nói với cha mẹ tôi, những người thân yêu và bạn bè tôi, xin đừng đau khổ mà hãy yêu thương và tự hào vì tôi được sống là chính mình. Tôi muốn nói với cộng đồng những người đồng tính nam cũng như nữ rằng hãy tự tin là chính mình và sống thật tốt, rằng mọi người rồi sẽ hiểu biết và đón nhận sự khác biệt dù sẽ có nhiều khó khăn ở buổi ban đầu.
(Trích Tuổi Trẻ 24/4/2004)
No comments:
Post a Comment