Tuesday, November 20, 2018

Truyện ngắn - Ðoạn Ðường Ðã Qua

Ðoạn Ðường Ðã Qua
Nguyễn Aí Lữ

Ngày ấy cả tỉnh Thanh Hóa có hai chiếc xe hơi, một của viên công sứ Pháp và một của ông Cả, người thanh niên đã biết lái xe từ năm mười lăm tuổi.  Vào những năm 30 của thế kỷ thứ 20, sau khi xe hơi xuất hiện ở Âu, Mỷ để thay thế những chiếc xe ngựa cũ kỹ chạy trên đường phố, thì ông Cả đả từng lái xe Peugeot mới tinh từ tỉnh Thanh ra Hà Nội mở đại lý bán giấm mang nhãn hiệu PEDOCA nổi tiếng của ông.
Ông cụ thân sinh ông Cả làm thông phán và trưởng ty rượu ở tỉnh.  Cụ có mấy người con thành đạt.  Có bà là nữ sĩ, lấy chồng luật sư, làm tri huyện, sau làm cách mạng.  Có bà lấy nhà giáo và là nhà thơ nổi tiếng.  Ông Cả và người em trai cũng làm thơ.  Đó là một gia đình thi nhân được nhiều người biết tiếng.
Năm 1946, chiến tranh Việt Pháp bùng nổ.  Ông Cả đưa gia đình tản cư từ Bến Thủy về Ba Bông gần rừng núi.  Ông mua đất lập trại, trồng lúa, trồng thuốc lá, nuôi gia súc.  Trại của ông nuôi một số người nghèo trong vùng vào cầy cấy và sản xuất thuốc lá Yên Hà.  Thuốc của ông thơm không thua thuốc lá Virginia của Mỹ, nhờ đất tốt và cách làm ra điếu thuốc tinh vi.  Công việc đều làm bằng tay, không bằng máy.  Thuốc vừa được phân phối đến đâu, hết đến đó.  Bạn của ông như Tổng Đốc Hồ Đắc Điềm rất ưa thuốc lá Yên Hà.  Tỉnh Ủy Thanh Hóa lúc ấy đã phải đặt đơn mua thuốc trước nhiều ngày mới có thuốc đãi khách.  Nếu quy trình sản xuất thuốc của ông được công nghệ hóa trong thời bình sẽ thành công trên thị trường trong nước.
Trại Ba Bông của ông hồi đó còn yên tĩnh.  Bạn bè từ Đa Bút cưỡi ngựa tới trại coi phim câm, vào rừng săn nai, hoẵng.  Ông tự chế máy chiếu và xử dụng ánh đèn pin xe đạp có người đạp để chiếu phim.  Bạn bè đi săn với ông có cái thú mạo hiểm giữa cảnh rừng núi âm u về đêm, và hồi hộp khi thấy đôi mắt con vật lóe sáng qua ánh đèn pin.  Con mồi được chở về bằng xe tải để cả trại ăn.  Mỗi mùa sim tím, đám trẻ trong vùng và mấy người con ông rủ nhau vào rừng hái sim.  Quả sim nhỏ bằng ngón tay, càng tím càng ngọt.  Mầu hoa sim tím đã là nguồn cảm hứng cho nhà thơ Hữu Loan, bạn gia đình ông Cả, làm bài thơ "Mầu Tím Hoa Sim" nổi tiếng; khóc người vợ trẻ chết trong kháng chiến.
Ở Ba Bông được vài năm, ông Cả đã phải đưa gia đình ra Hà Nội để tránh nạn đấu tố địa chủ.  Lúc đó Việt Minh cấm dân chúng đi ra vùng Pháp kiểm soát.  Ông Cả đã lén đưa gia đình đi từng đợt bằng thuyền ra biển, tới Phát Diệm rồi từ đó về Há Nội, một cuộc hành trình đầy gian nan.  Khi đi ông đã phải bỏ lại một hầm chôn đồ gốm rấr qúy gía, thuộc niên đại Nguyên, thế kỷ thứ 13.  Ở triều đại nhà Nguyên, có những người dân Trung Hoa di cư qua Thanh Hóa lập nghiệp đem theo kỹ thuật làm đồ gốm với men xanh ngọc, làm phong phú thêm kỹ thuật làm đồ gốm cổ truyền của người dân Thanh Hóa.  Nói đến gốm Thanh Hóa, người ta vẫn thường nhắc đến gốm Đa Bút đã có lịch sử trên 6 ngàn năm nay, ở vào thời kỳ đồ đá mới.  Trải qua các thời đại thịnh vượng Lý, Trần, Hậu Lê, gốm Việt Nam trong đó có gốm Thanh Hóa đã có men ngọc, nâu, lam, với hoa văn đa dạng: hoa, lá, mây, nước, rồng, phượng.
Đồ gốm của ông Cả là sản phẩm kết hợp gốm của người Trung Hoa thời nhà Nguyên với gốm bản xứ Thanh Hóa nên rất có giá trị nghệ thuật.  Nếu những cổ vật ấy đã lọt vào tay những người ít chú ý đến giá trị của nó thì là điều đáng tiếc.
Ở Hà Nội được ít lâu, ông Cả cảm thấy cuộc sống bấp bênh.  Bảo Đại, một ông vua thoái vị, đã trở về nước làm quốc trưởng nhưng vẫn là công cụ của Pháp.  Tình hình đang bất lợi cho Pháp về quân sự lẫn chính trị tại Việt Nam, trước cao trào đòi độc lập của các nước nhược tiểu.  Nếu kéo dài cuộc sống tạm bợ tại Hà Hội, Ông Cả cũng vẫn không yên tâm bỏ công sức để làm một công việc lâu bền.  Những chất xám đang được thu hút vào miền Nam, trí thức đang được động viên vào quân đội để chống Việt Minh.  Đất nước đang ở hai chiến tuyến rõ rệt.
Năm 1954, ông Cả đã mua vé tàu thủy đưa cả gia đình vào Saigon, trước khi có cuộc di cư vĩ đại của một triệu người dân miền Bắc vào miền đất tự do.  Khi đứng trên boong tầu nhìn lại thành phố Hải Phòng đang xa khỏi nhãn tuyến, ông Cả cảm thấy lòng se buồn vì biết sẽ không có ngày trở lại quê cũ.  Những cái tên Bến Thủy, Ba Bông, Khâm Thiên, Chùa Vua, những địa danh mà ông và gia đình ông đã từng cư ngụ đang mờ dần, mờ dần theo từng hải lý trên biển đông dạt dào sóng vỗ.
Vào tới đất Saigon, gia đình ông Cả và những người di cư từ miền Bắc cảm thấy nhẹ nhõm, không còn lo sợ cho cuộc sống.  Khí hậu hai mùa mưa nắng dễ thở hơn, con người sống tự do hơn.  Ở Tân Định được ít lâu, ông Cả đưa gia đình về đường Lê Văn Duyệt cư ngụ.  Ông đã không chịu vào làm việc cho chính quyền theo lời mời, mà chỉ muốn kinh doanh và đầu tư văn hóa cho giới trẻ.
Ông Cả đã làm nhiều công việc, từ việc dạy tiếng Pháp, mua chiếc tàu đi đánh cá biển, đến việc làm đại lý xe gắn máy.  Nhưng việc làm báo là điều ông thích thú hơn cả.
Nghĩ đến thiếu nhi đang thiếu sách báo lành mạnh để đọc.  Ông Cả nảy ra ý kiến làm một tờ báo cho trẻ em.  Thiếu nhi đang cần có món ăn tinh thần vui tươi, bổ ích, thúc đẩy óc khám phá, sáng tạo.  Thiếu nhi cũng cần có tinh thần tự nguyện theo nếp sống hướng đạo.  Thiếu nhi phải xa những thị hiếu thấp hèn của sách báo thương mại.  Thế là chỉ trong thời gian ngắn, ông Cả đã cộng tác với mấy nhà văn xuất bản tờ Tuổi Trẻ, hàng tuần đem lại nguồn vui cho thiếu nhi ở khắp mọi nơi.  Thỉnh thoảng ông còn tổ chức cắm trại cho các em ở ngoài thành phố, để các em sống gần thiên nhiên và vui choi tập thể.
Nhiều lúc trong nhà kẹt tiền, gặp bạn bè, nhà văn, nhà báo trong đó có Chu Tử, Lê Văn Trương, Nguyễn Nhu Í, hỏi mượn tiền, ông Cả vẫn xoay xở giúp đỡ họ tiền bạc mà không hề mong nhận lại.
Tờ tuần báo Tuổi Trẻ đã vạch hướng đi cho những tờ báo thiếu nhi khác ra đời, mở rộng khu vườn văn hóa của thanh thiếu niên, mặc dù vẫn còn ít cỏ dại vì thị hiếu thương mại.
Sau đó ông nhận làm chủ nhiệm nhật báo Tiếng Dân, noi theo tôn chỉ tờ Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng bênh vực người dân thấp cổ bé miệng dưới thời Pháp thuộc.  Sau loạt bài của ký giả Hồ Nam vạch những bê bối của bệnh viện Từ Dũ, ông Cả bị truy tố ra tòa.  Dưới thời của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, báo chí bị kiểm duyệt và truy tố khi có thái độ chống chính quyền.  Trước tòa, ông đã nhận hết trách nhiệm về mình và ký gỉa Hồ Nam mà ông không chịu khai tên người ký gỉa này để bảo vệ bí mật nghề nghiệp nhà báo.  Ông đã thẳng thắn đứng về phía nhân dân, bênh vực quyền lợi của những sản phụ và vạch những thiếu sót của những người có trách nhiệm.  Tòa đã tha bổng ông sau khi nghe những lời biện hộ của ông.
Tờ báo Tiếng Dân tuy được chính quyền bảo trợ nhưng nó đã không phục tùng chính quyền, ngược lại nó đã thẳng thắn phê phán chính quyền về nhiều mặt dân sinh, dân quyền.
Lúc ông Cả thôi làm báo Tiếng Dân, các tiếng nói đối lập vươn lên, chế độ ông Diệm bắt đầu lung lay.  Phong trào Phật Giáo chống chính phủ, các đảng phái quốc gia chống chế độ gia đình trị, cuối cùng một nhóm tướng lãnh đã lật đổ ông Diệm dưới sự chỉ đạo của người Mỹ.
Cuộc chiến Quốc Cộng vẫn gia tăng cường độ, sự hiện diện của quân nhân Mỹ ngày càng đông.  Việt Nam đã trở thành một bàn cờ quốc tế, một cuộc chiến ý thức hệ.
Cũng như nhiều gia đình dã phải tham gia cuộc chiến, các con trai của ông Cả đều gia nhập sĩ quan, lính chiến, chiến đấu ngoài mặt trận.  Có người là giáo sư đại học đã phải lên đường nhập ngũ, làm nhiệm vụ người trai thời loạn.  Các cô gái cũng lấy chồng sĩ quan, cũng lao đao trong cơn khói lửa mịt mờ.
Ðêm qua ông Cả thức trắng, bà Cả cũng vậy.  Hai ông bà bàn về việc đi lãnh xác cậu con trai nhỏ nhất tử trận ở Chơn Thành.  Gia đình có cả thảy mười một người con vừa trai vừa gái, vắng mặt một người con như thiếu hẳn một khúc ruột.  Nghe mẹ sắp đi lên Chơn Thành một mình, mấy cô con gái vô cùng lo lắng.  Có cô gàn mẹ: Mẹ đi lên đó nguy hiểm lắm.  Lỡ có chuyện gì thì sao?
Cứ nghĩ đến đường xá xa xôi, hiểm trở, và gặp Việt Cộng nơi hẻo lánh thì ai cũng sợ.  Nhất là phụ nữ.  Nhưng bà Cả quả quyết: - Các con cứ yên tâm.  Việc này chỉ có mẹ làm được thôi.  Đàn ông, con gái không làm được đâu.
Cuối cùng cả nhà đồng ý để bà Cả đi.  Bà đã nhận lãnh công việc với tất cả tấm lòng của người mẹ.  Một lần sanh con, một lần đi lãnh xác con về.  Trong nỗi xót xa có cả niềm tự hào của một người mẹ.  Bà nhớ lời người xưa đã từng nói "Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi."  Trong cuộc chiến xưa nay đã mấy ai đã trở về?  Đời trai chưa được sưởi ấm với hương lửa đã trở thành cát bụi.  Thật chí tình với non sông, với đồng đội, với những người đã cùng chung một mảnh đất đã nuôi sống bao đời.  Khó mà quên nổi cậu con trai chỉ thích hút một điếu thuốc, uống một ly nước chanh trong những lúc khát khao.  Con người ấy, nay đã vĩnh viễn là kỷ niệm của gia đình.
Ông Cả ngậm ngùi nhớ cậu con.  Cậu đã để lại một khoảng trống trong tâm hồn ông.  Mang hình ảnh ông vào đời, cậu ít nói, bẽn lẽn.  Mỗi lần về phép, cậu chạy đi thăm mỗi nhà một chút, vui đùa với các cháu, gặp lại bạn bè, trao đổi vài câu chuyện, thế là hết những giờ hạnh phúc của một người lính.  Cậu như quên bản thân mình.  Nhưng cậu gan lì.  Một lần bị địch bắt, cậu đã vượt khỏi trại giam ở Chương Thiện.  Tính gan lì nổi lên trong lần hành quân cuối cùng ở Chơn Thành.  Mặc dù đã có hiệp định đình chiến năm 1973, Việt Cộng vẫn mở các cuộc hành quân lấn đất giành dân.  Với chiếc máy truyền tin đeo gọn trên lưng, cậu đã theo sát Đại Úy Đắc, đại đội trưởng, băng qua khu ruộng, cố giành lại từng tấc đất.  Lúc người chỉ huy gục ngã vì lằn đạn của địch, cậu đã một mình xông lên, cầm khẩu tiểu liên nhắm vào đám bộ đội phía trước rồi mới chịu ngã gục.
Câu chuyện mà đồng đội của cậu kể lại làm cho ông Cả càng thêm ngậm ngùi.  Ông nôn nóng vì mình không thể làm được công việc của bà Cả.  Chiến tranh như một cơn lốc đã lôi cuốn gia đình ông nhập cuộc.  Mỗi người đảm đương một việc hợp với thiên chức của mình, và ông tin bà Cả có thể chu toàn công việc gia đình đã giao phó.
Mới năm giờ sáng, bà Cả đã thức dậy để sửa soạn cuộc hành trình.  Con cái đã thức dậy để phụ giúp mẹ.  Bà mặc bộ bà ba đen, bôi lem mặt để biến mình thành một bà nhà quê, đầu đội chiếc nón lá.  Sau đó bà thuê xích lô ra bến xe đò để lên Bình Dương.  Giữa đám hành khách đông đảo ngồi trong xe, giữa những tiếng cười nói ồn ào, đâu có ai hiểu được nỗi u uẩn của bà lúc bấy giờ.
Tới thị xã Bình Dương, ba Cả thuê người đi xe gắn máy chở bà lên quận lỵ Chơn Thanh.  Đường đi mỗi lúc một hoang vắng, mấp mô, mặt đường loang lổ vết bom đạn.  Tới quận lỵ, bà gặp ông Thiếu Tá tiểu đoàn trưởng thuộc Sư Đoàn 5 Bộ Binh, tiểu đoàn mà con bà đã phục vụ.  Ông ta trao cho bà chiếc poncho, loại áo mưa chui đầu rộng như tấm mền để đựng hài cốt rồi chỉ cho bà đường đi vào khu vực mà Việt Cộng đã lấn chiếm.  Ông nhắc bà ra chợ thuê một người Thượng để bốc mộ và mua rượu để rửa hài cốt.  Một lát sau, bà Cả mang chiếc poncho, người Thượng da ngăm đen mang cuốc, dao, chậu và bình nylon đựng rượu, rời khỏi trạm kiểm soát của ta, đi vào con đường do Việt Cộng kiểm soát.  Trời bỗng âm u.  Bỗng bà phập phồng lo sợ khi trông thấy mấy gã bộ đội nhô mình ra khỏi hố cá nhân hai bên đường.  Một gã dõng dạc hỏi bà:
- Bác đi đâu đấy?
Bà Cả đáp:
- Tôi có chuyện muốn gặp cấp chỉ huy của các anh.
Hắn gạn hỏi:
- Bác có chuyện gi?
- Tôi vào lãnh xác con tôi.
Một gã bộ đội đưa bà tới chiếc lều có một người nằm võng mặc bà ba đen.  Sau khi nghe gã bộ đội báo cáo, viên chỉ huy liền hỏi bà:
- Bác cho biết tên anh ấy.
- Trần Anh Vỹ.
Viên chỉ huy lật cuốn sổ tìm ra tên con bà.  Hắn trao lại tấm thẻ bài và chiếc ví của con bà.  Rồi hắn hạ giọng nói:
- Bác nhận lại những di vật của anh Vỹ.  Anh ấy ngoan cường lắm.  Chúng cháu nói anh Vỹ bỏ súng nhưng anh ấy vẫn cứ bắn làm bên cháu mất mấy người.
Bà Cả xúc động nghe hắn kể lại phút quyết liệt nhất của con mình.  Trong giọng đay nghiến của hắn có cả giọng nể nang.  Lúc một liên lạc viên tới, hắn bảo bà:
- Bây giờ bác theo anh bộ đội ra ruộng tìm mộ anh Vỹ.
Bà Cả đi sau gã bộ đội, theo sau là người Thượng mang đồ lề.  Trời đổ mưa.  Gã bộ đội bảo bà lội xuống ruộng theo hắn để tránh mìn gài trên bờ.  Tới một thửa ruộng khô bỏ hoang, bà trông thấy nhiều nấm mộ không tên tuổi, đắp đất sơ sài.  Bà hoang mang không biết mộ con mình nằm ở đâu.  Khi gã bộ đội chỉ vào mộ con bà, bất ngờ bà thấy ngón tay út cong lòi ra bên sườn mộ.  Đúng là ngón tay có tật của con bà hiện ra.  Một sự khôn thiêng nào đó đã giúp bà nhận ra mộ con lúc đó.
Bà Cả nói với gã bộ đội để cho bà bốc mộ, hắn đồng ý.  Sau đó người Thượng lấy cuốc cào đất ra.  Sau vài tháng mưa nắng, quần áo, da thịt cậu con đã rữa hết, chỉ còn một chút thịt da bám vào xương và chiếc dây lưng nhà binh còn nguyên.  Người Thượng đổ rượu ra chiếc chậu bằng nylon để rửa từng đốt xương rồi bỏ vào chiếc poncho trước khi buộc túm lại.  Y lại bụi cây chặt một khúc cây để bà và y khiêng gói hài cốt về trạm kiểm soát của ta.  Một lát sau có chiếc xe jeep của tiểu đoàn ra đón bà về quận lỵ.  Chiều hôm đó, bà và gói hài cốt của cậu con được chiếc trực thăng đưa về Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa, nơi đây đội chung sự làm công việc ướp lạnh và tẩm liệm để chuẩn bị lễ an táng theo truyền thống quân đội.
Nắng chiều đã tắt.  Bóng hoàng hôn phủ một nỗi buồn man mác xuống sườn đồi chi chít những nấm mộ trắng.  Qua tiếng thông reo vi vút, bà như nghe được tiếng thì thầm của một thế giới xa xăm, một thế giới tiếc thương vời vợi.  Lúc lên xe nhà binh để trở về nhà, bà còn ngoảnh lại nhìn quả đồi tử sĩ từ từ khuất sau những hàng cây xanh thẫm.
Mấy hôm sau, khi lá cờ vàng ba sọc đỏ được phủ lên chiếc quan tài của cậu con, khi tiếng kèn và tiếng súng tiễn bịệt nổ lên trong không khí trang nghiêm, ông bà Cả và gia đình mới an tâm tiễn con về nơi an giấc ngàn thu.
Sau đám tang con ở nghĩa trang, vợ chồng ông Cả đã xin một lễ cầu siêu cho con ở chùa Bửu Đà đường Lê Văn Duyệt.  Trong khói hương nghi ngút, ông Cả đã khóc con bằng một bài thơ dài.  Di ảnh của con cũng đã được đặt vĩnh viễn tại chùa, để linh hồn cậu được nương bóng Phật mà bay bổng lên cõi niết bàn.  Buổi tối hôm ấy, cơm nước xong, cả đại gia đình quây quần ở nhà ông Cả, trên tấm chiếu rộng, trên cả nền gạch đã được lau bóng để xem cầu cơ.  Ngồi ở giữa chiếu, cô cháu gái mới bẩy tuổi đặt một ngón tay trên đồng xu.  Mùi khói nhang thơm phảng phất đâu đây.  Có tiếng mời cậu về nói chuyện với gia đình.  Một lát sau, đồng xu dưới ngón tay cô cháu gái bắt đầu di động trên tấm giấy trắng tinh, rất chậm.  Theo nét đi của đồng xu.  Rõ ràng mấy chữ "nước chanh, điếu thuốc" đã hiện lên đầy đủ khiến cả nhà kinh ngạc.  Đây là một điều huyền bí bởi cô cháu gái chẳng hề biết đến thói quen cố hữu của người cậu.
Thế rồi một ly nước chanh và một điếu thuốc thơm bốc khói được đặt cạnh bàn cơ.  Tối hôm ấy cậu con trai hiện về nói dăm ba câu chuyện vui với gia đình như khi còn sống; làm cho vơi bớt nỗi buồn của những người thân.  Hình như linh hồn cậu còn quấn quít với dương thế, ở một nơi chốn nào đó, vụt hiện về trong chốc lát rồi lại mất tăm như hình với bóng, như sương khói mông lung huyền ảo.
Mặc dầu đã ngoài tuổi trung niên, ông Cả vẫn dậy sớm từ năm giờ sàng theo thói quen mỗi ngày.  Ăn sáng xong, ông lái xe hơi từ nhà vào Chợ Lớn để bắt đầu một ngày làm việc.  Con đường Hồng Thập Tự thẳng tắp hai hàng cây cao mát mẻ đã trở nên thân thuộc với ông, đó là con đường đi thẳng tới hãng bia BGI, nơi đặt cơ sở sản xuất sữa đậu nành VINASOY của ông.  Một mình ông quản lý công việc hành chánh và kỹ thuật.  Dây chuyền vẫn chạy đều mỗi ngày, sản phẩm được khách hàng ưa chuộng.  Người con rể đi công tác ở Singapore đem về vài chai sữa đậu nành để so sánh, ông Cả thử chất lượng rồi nói:
- Sữa của mình ngon hơn.
Đậu nành của mình tốt.  Quy trình phát triển không phải tìm ở đâu xa mà từ đất, từ hai bàn tay và tim óc, tất cả đều là vàng.  Thêm vốn, thêm máy móc, quy trình ấy sẽ cất cánh bay xa, qua Lào và Cam Bốt.  Đó là điều ông dự tính.  Mỗi khi thấy người đi đường, bác xích lô, cô học trò ghé vào một xe bán nước giải khát bên đường, rồi cầm lên chai sữa đậu nành của ông, niềm hứng khởi với công việc lại thôi thúc ông.  Các công nhân cũng có cái vui với công việc và máy móc không khi nào ngơi.  Thiên tài là ở sự suy nghĩ và làm việc.
Đương lúc ông Cả mải miết với công việc thì thời cuộc đầu năm 1975 ngày một bi đát.  Ông không ngờ nó suy sụp mau chóng hơn cả tình hình năm 1954, khi người dân miền Bắc còn có thời gian để di cư vào Nam.  Khúc phim của hơn hai chục năm về trước được chiếu lại trong tâm khảm ông, trong cùng một lịch sử chua xót.  Ông ngậm ngùi cho thân phận người dân trước dòng nghịch lũ.  Ông không nao núng và vẫn đến nhà máy làm việc mỗi ngày.  Có điều lạ là ngay hôm Cộng Sản tràn vào Saigon, ông thấy những người công nhân làm việc cho nhà máy lộ vẻ lo âu.  Ông thoáng hiểu những lo âu của họ trước một tương lai đầy bấp bênh, khi họ mất công việc đã từng nuôi sống gia đình họ.  Buổi trưa hôm đó, ông họp với ban giám đốc, vét số tiền còn lại để trả lương cho công nhân.  Những két sữa đậu nành nhập kho chưa kịp tiêu thụ cũng đã được phân phát cho các công nhân, trước khi họ về nhà.
Sáng hôm sau ông đến nhà máy để chờ cuộc bàn giao.  Đống máy móc nằm im lìm như chịu tang.  Mới hôm nào, máy móc còn chạy đều vì tình hình chưa ngã ngũ, nhưng hôm nay nó đã tê liệt hẳn.  Ông có cảm tưởng hai tay mình như bị bó chặt khi phải rời công việc mà mình đã để bao tâm huyết vào đó.  Cô kế toán đã sắp xếp xong sổ sách, giấy tờ trên bàn.  Ông cảm thấy thời gian như ngừng trôi và một nỗi buồn man mác xâm chiếm tâm hồn ông.  Niềm vui cuối cùng của ông trong việc mỗi ngày và trong sự sáng tạo theo sở thích nay đã không còn.
Sau khi bàn giao nhà máy và vật liệu cho những cán bộ Cộng Sản từ miền Bắc vào tiếp thu, họ đã khẩn khoản mời ông ở lại chức vụ cũ song ông nhất quyết từ chối.
Sum họp với gia đình ở Mỹ được vài năm, ông Cả đã phải vào bệnh viện Alexian Brothers ở San Jose nằm vì bệnh của tuổi già.  Có lúc nhìn qua cửa sổ thấy lá phong bay theo gió, dẫy núi xanh xanh ở cuối trời, ông cảm thấy bâng khuâng nhớ quê hương, nhớ đàn con đang phải ngược xuôi trên các nẻo đường ở xứ người.  Một đoạn đường, một cuộc đời, một tâm sự.  Đoạn đường đó đã dừng lại trong đêm cuối cùng ở dưỡng đường Winchester, sau khi ông Cả gặp mặt những người thân yêu lần cuối.
Người ta vẫn nhớ ông Cả là nhà thơ, nhà báo Trọng Lộc.
nguồn: hoidautieng.com

No comments:

Post a Comment