Tôi "làm" nhà văn
Chung Mốc
Hồi còn đi học tiểu học và trung học đệ nhất cấp, tôi thích nhất môn Việt văn. Những bài thi hàng tháng và lục cá nguyệt tôi thường được điểm cao và thầy giáo hay giữ lại để đọc cho cả lớp nghe. Lúc đó mặt tôi đỏ bừng, mũi phổng lên vì sung sướng trước ánh mắt thèm thuồng và ganh tị của bạn bè chung quanh.
Thầy đọc xong nhìn tôi ý nhị. Cả lớp lốp bốp vỗ tay. Hay quá!
Không hay sao được vì nếu tả cảnh ngày khai trường thì thế nào cũng phải mở đầu: Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và giá lạnh." Tả một cơn mưa thì: "Bên hiên nhà giọt nước theo mái gianh nhỏ xuống lanh tanh trên chiếc chậu sành màu vàng đục." Tả buổi bình minh phải có: "Ánh nắng xuyên qua kẽ lá gãy khúc trên những thân cây." Tả khu vườn dĩ nhiên có đoạn: "Từng chùm rễ xoắn vào nhau như những con giun đất tranh nhau chui xuống để tránh ánh mặt trời." Nói chung là tôi đã thuổng những câu văn kia từ những cuốn tiểu thuyết về cho riêng mình!
Thầy giáo cũng biết, nhưng thầy thông cảm vì thời ấy nơi quê tôi học trò mấy khi có cuốn sách mà đọc. Mãi đến cuối năm, thầy mới nhẹ nhàng đề vào vở của tôi:
"Cám ơn em đã rất chịu khó đọc sách giùm các bạn."
Trời ơi, tôi mắc cở quá. Cũng may là thầy tôi không nói thẳng ra là tôi "Đạo văn"!
Em xin cảm ơn thầy.
Vậy mà thói quen xấu đó khó bỏ khi tôi đã lớn. Lúc nào tôi cũng "ngơ ngác" như Lưu trọng Lư; bâng khuâng cùng Xuân Diệu!
Học hành thì lơ đãng, bởi là học trò nhưng bút sách chẳng cầm tay, có tâm sự đi nói cùng cây cỏ (Hồ Dzếnh).
Còn đối với con gái thì lạ chưa, cứ nhìn thấy em nào xinh xinh là tôi cũng cho là mình yêu say đắm. Em là thôn nữ đã có Nguyễn Bính tỏ tình dùm tôi; nàng kiêu sa đã có Đông Hồ, Vũ Hoàng Chương ve vãn. Khi bị từ chối tôi lại xưng "ta" của Huy Cận cho thêm phần xa cách.
Như vậy văn thi sĩ là thần tượng, là ân nhân của tôi. Trời ơi sao lại có những người giỏi giang đến thế, nhưng tôi vẫn hy vọng có ngày được cùng mâm cùng chiếu với họ, bởi vì cũng có nhiều người khen tôi có tài văn chương.
Tôi không từ chối, vì khiêm tốn quá sẽ trở thành kiêu ngạo!
Tôi quyết định phải viết văn, làm thơ để lưu danh hậu thế.
Một người bạn làm việc ở phòng Thông tin Văn hoá Huyện - Rất hay vênh váo với tài viết những bản tin láo khoét, thường hay lên mặt dạy đời - nay nghe ý định cao cả của tôi, nó hất hàm trịch thượng:
- Thôi được, ra quán ngoài kia làm mấy vại bia, tao sẽ cho mày vài đề tài để trắc nghiệm văn chương, chính tao sẽ là những bậc thang để mày bước lên diễn đàn văn học.
Tôi đã ở thế cỡi lưng cọp nên đành hùng dũng bước đi mà lòng thì hơi xao xuyến.
Sau khi nốc một hớp bia lớn, nó chỉ tay ra phía ngã tư:
- Hãy tả thằng cha công an giao thông kia đi!
Tôi bối rối vì công an giao thông thì báo chí thỉnh thoảng vẫn “đặt vấn đề”, còn người dân thì ai cũng muốn… tránh xa - cho dù chỉ có "vài con sâu làm rầu nồi canh." Khó là khó vậy, nhưng tôi cũng cố gắng nặn ra:
"Công an có bộ áo vàng
"Trời trưa nắng gắt giữa đàng cầm cây
"Thằng kia! Phải tội vào đây!”
"Phạt mày một triệu từ nay phải chừa!"
Bạn tôi gật gù:
- Niêm luật tạm được, nhưng thơ lục bát là thơ bình dân ai làm chẳng được, mày phải làm thơ bác học một tí chứ. Nói đoạn, nó chỉ một ông bụng bự đầu hói khoác tay một em xinh như mộng vừa từ trên xe hơi bước xuống. Chưa đầy năm giây đồng hồ, tôi hất mặt:
"Ô kìa ông nhớn lái xe con
"Tay ôm bồ nhí hãy còn non
"Chắc ông trên đường đi công tác
"Tiện ghé nhà hàng uống mấy lon”
Lúc này có lẽ đã chếnh choáng hơi men nên nó khoát tay lè nhè:
- Không có gì đặc sắc, nhưng thôi vì tình bạn nên tao tạm nhận mày làm cộng tác viên của tờ “Tin nội bộ” phát hành hàng tháng. Khởi đầu mày hãy viết về đề tài giáo dục.
Suốt một tháng sau đó, tôi cần mẫn gò lưng cắm cúi viết - Phải nói là nhả ngọc phun châu - mới đúng.
Từ những bài học vỡ lòng như công cha nghĩa mẹ; rồi nỗi khổ nhọc nuôi cho con khôn lớn; ăn học, quần áo, sách vở tốn hao; rồi dựng vợ gả chồng... Toàn là những lời hay ý đẹp như thế mà thằng bạn của tôi nỡ lòng nhét tuốt xuống mấy trang cuối, nơi chuyên đăng cáo phó, chúc mừng; may lắm thì cũng chỉ ở những trang Kế hoạch hoá gia đình hay quảng cáo thuốc lác, mồng gà hoa khế, trĩ nội trĩ ngoại... mà thôi.
Tôi cũng mừng vì dẫu sao thì bài cũng đã được đăng. Vạn sự khởi đầu nan mà lị.
Để ra dáng nhà văn, tôi bắt đầu để tóc dài, không cạo râu đánh răng, mỗi tháng chỉ tắm một lần và mồm thì lúc nào cũng phun khói mù mịt như khói tàu. Từ đây những công việc hàng ngày đã chuyển hết sang vai vợ tôi, để tôi chú tâm la cà đây đó mà phục vụ văn hoá nghệ thuật.
Cho đến một ngày định mệnh kia, một ngày u ám đã làm tôi vỡ mộng và cú sốc này đã làm thui chột một tài năng "chưa có tiếng nhưng đã có tuổi" của tôi:
Số là hôm tôi đi thực tế ở mảng "Tệ nạn xã hội" - Lãnh vực này tôi rất khoái xâm nhập - trở về, lòng đầy hứng khởi để viết bài, thì ô kìa, thư phòng của tôi đã được dọn dẹp sạch sẽ, không còn dấu vết gì là nơi làm việc của một đại văn hào và bà vợ tôi gương mặt hình sự ngồi đó!
Nàng châm hẩm hỏi:
- Anh đi đâu về đó?
- Thì… đi tìm cảm hứng cho nguồn sáng tạo.
Một câu trả lời cũ rích nên nàng vẫn lạnh lùng:
- Thôi đủ rồi! Mẹ con tôi không thể chịu đựng được nữa! Anh đừng tự huyễn hoặc mình để làm quá nhiều người phải đau khổ. Anh tưởng tôi không biết đọc sách, không biết so sánh hay sao? Văn chương của anh chỉ là thứ của học trò tập làm văn! Anh nghe cho rõ đây: Chỉ có những người bệnh tật mới viết ra những áng văn hay. Ông Tư Mã Thiên bị cung hình mới viết được bộ sử Trung Quốc. Anh muốn giống ông hả?
Tôi ấp úng rồi nhăn răng ra cười cầu tài:
- Em biết thừa ra rồi mà còn hỏi?
Vợ tôi tiếp tục:
- Bà Hồ Xuân Hương thì xí gái, phải làm vợ nhỏ người ta mà cũng chỉ để lại cho người đời vài bài thanh thanh tục tục. Ông Tản Đà phải vuốt mũi cho đỏ lên như quả cà chua mới viết được bài Thề Non Nước hay như thế. Rồi Hàn Mặc Tử bị cùi. Đặng Thế Phong ho lao ... Những nhà văn còn lại thì nghèo rớt mùng tơi!
Nói đoạn, nàng phập tay xuống rất mạnh như muốn chặt một sự gì:
- Tôi nhất quyết không muốn làm vợ một người nghèo và bệnh hoạn. Anh hiểu chưa?
Nàng chì chiết thêm:
- Anh kiếm cớ đi vào những nơi ăn chơi sa đoạ, cố tình dính vào Si-đa để có tuyệt phẩm để đời phải không? Trời ơi văn chương thi phú hại người nhiều quá rồi mà sao anh chưa mở mắt ra? Lý Bạch dở điên dở khùng. Tú Xương nát rượu, cờ bạc, trai gái làm khổ vợ con. Ông Nguyễn Công Trứ đã già rồi còn giở chứng… 73 tuổi còn đòi cưới hầu non…
Tôi vội chống chế:
- Ông ta cưới nàng hầu khi còn trẻ và đang làm Lại Bộ Thị Lang mà.
Vợ tôi vặc lại:
- Vậy khi gặp Thị Lộ ông ta mấy mươi? Câu: “Tân nhân dục vấn lang niên kỷ. Ngũ thập niên tiền nhị thập tam” ở đâu mà ra? Khi ấy ông ta mới hơn ba mươi à? Các ông nhà văn nhà báo không chứng nọ thì tật kia, ông nào hiền nhất thì cũng đi mây về gió với nàng tiên nâu.
Rồi bà ấy còn hàm hồ tuyên án:
- Nhà văn nhà báo đều nghèo rớt nên hám tiền và hèn nhát lắm! Lúc hứng sảng thì múa bút chống tệ nạn và tham nhũng, đụng phải cớm cộc nó dúi cho tí tiền hay doạ cho đàn em xin tí huyết thì co vòi như đỉa phải vôi. Đối với hạng nhà giàu, trọc phú nó có làm bậy cũng xun xoe , bởi vì nó đã cho ăn nhậu ngập mặt, đi tắm hơi thư giãn mấy phùa rồi, mở miệng mắc quai! Thật là đáng xấu hổ!
Đến lúc này thì tôi cảm thấy xấu hổ thật, ước gì nền nhà lót gạch tàu kia nứt một khe ra cho tôi chui xuống. Bao nhiêu thần tượng của tôi nàng đạp đổ tất cả, lại còn bôi nhọ và phàm tục hết. Than ôi!
Trước cơn thịnh nộ của vợ, tôi bị nhấn chìm như nạn nhân sóng thần tsunami. Cái mác nhà văn bong sơn lộ ra đầy lở lói rỉ sét. .
"Thôi là hết chia ly từ đây." Tôi ư ử hát và đành trở về làm một anh nông dân cơ giới - Có giấy khen đàng hoàng - Mỗi tối bên ánh đèn, tôi thường ngồi kể chuyện xưa, chuyện nay cho lũ trẻ nghe. Mong rằng những mẩu chuyện đông tây kim cổ kia, có vài phần lợi ích cho tuổi nhỏ.
Nhìn những ánh mắt như chim non ngồi ngước mỏ lên nghe, tôi nhớ tới câu than của vị linh mục nhà thờ giáo xứ tôi:
- Thanh thiếu niên cứ kéo tới đầy nhà anh mà hấng chuyện, còn tôi dạy giáo lý, thánh kinh ở nhà thờ lại chẳng được mấy ai.
Chung Mốc
No comments:
Post a Comment