ĐẦY THÌ ĐỔ
Đức Khổng Tử vào xem miếu Hoàn Công nước Lỗ, có một cái lọ đứng nghiêng. Ngài hỏi người coi miếu. Người ây nói rằng:
“Đó là một vật quí của nhà vua thường để bên chỗ ngồi chơi để làm gương”.
Đức Khổng Tử nói: "Ta nghe nhà vua có vật quí để lảm gương, vật đó bỏ không thì đứng nghiêng, đỏ nước vừa vặn thì đứng ngay, mà đầy quá thì lại đổ, có lẽ là vật này chăng".
Ngài bèn sai học trò đổ nước vào. Quả nhiên, nước đổ vừa, thì lọ đứng ngay; nước đổ đầy, thì lọ đổ; bỏ không, thì lọ lại đứng nghiêng. Ngài chép miệng than rằng:
"Hỡi ôi! Ở đời chẳng cái gì đầy mà không đổ.
Thầy Tăng Tử nói: Dám hỏi có cách gìn giữ cho đầy mà không đổ không?
Ngài nói: Thông minh thánh trí nên giữ bằng cách ngu độn; công lao to hơn thiên hạ nên giữ bằng cách khiêm cung; sức khoẻ hơn đời nên giữ bằng tính nhút nhát; giàu có bốn bể nên giữ bằng thói nhún nhường. Đó là cách đổ bớt đi để giữ cho khỏi đổ".
TUÂN TỬ
GIẢI NGHĨA
- Miếu: nơi thờ thần hay thờ tổ tiên nhà vua.
- Để làm gương: trông thấy mà tu tỉnh tính chất.
- Thông minh thánh trí: thông: nghe hiểu ngay; minh: tròng biết ngay; thánh: bậc việc gì cũng biết; trí: bậc khôn ngoan tuyệt vời.
- Ngu độn: ngu: mờ mịt không có trí khôn; độn: cùn, nhụt, chậm chạp không được linh lợi.
- Khiêm cung: nhún nhường, kính trọng.
- Giàu có bốn bể: làm vua có tất cả thiên hạ,
LỜI BÀN
Bài này cốt ý dạy người ta phải hạn chế tính dục thì mới giữ được mực trung dung. Cái gì cũng vậy, cho cả đến tài năng, đức hạnh, nếu đem lên quá độ thì cũng hoá dở. Bất cập dở đã đành, nhưng thái quá cũng không hay. Phải thích trung thi mới là cái kế vạn toàn được.
No comments:
Post a Comment