CŨNG LÀ ĂN TRỘM
Họ Quốc ở nước Tề rất giàu. Họ Hướng ở nước Tống rất nghèo. Hướng bèn sang nước Tề hỏi Quốc cách làm giàu.
Quốc bảo:
-Ta chỉ khéo ăn trộm thôi. Thoạt đầu ta ăn trộm một năm thì đủ dùng, hai năm thì thừa ăn, ba năm thì giàu to, tự đó trở đi tài sản ta có đến cả làng, cả tỉnh.
Hướng nghe nói, mừng lắm, nhưng khốn chỉ hiểu câu chuyện ăn trộm, chớ không hiểu cái lối ăn trộm ra làm sao.
Lúc về, bèn trèo tường, khoét ngạch, phàm cái gì mắt trông thấy, tay cầm được là cũng lấy tất.
Hướng đi ăn trộm chưa được bao lâu, bị bắt quả tang, thành phải tội, cả bao nhiêu của cải lúc trước khó nhọc kiếm ra cũng đều bị tịch thu hết. Bấy giờ Hướng cho Quốc là đánh lừa mình, đến tận nơi trách.
Quốc hỏi:
-Anh ăn trộm thế nào chứ?
Hướng bèn thuật lại cung cách ăn trộm cho Quốc nghe.
Quốc nói:
-Chết thật! Cái lối của anh ăn trộm sai lầm đến như thế kia ư! Này để tôi bảo rõ cho mà biết. Trời có thời tiết, đất có hoa lợi. Ta ăn trộm thời của trời, lợi của đất, sự thuận hòa của mưa gió, những sản vật của non sông, để ta cấy lúa trồng cây, xây tường, làm nhà, trên cạn thì ta ăn trộm giống chim muông, dười nước thì ta ăn trộm loài tôm cá. Những cái ấy không có cái gì là không phải của ăn trộm cả. Này lùa mạ, đất cát, cây cối, chim muông, cá, ba ba đều là của trời sinh ra cả há có phải của ta đâu. Song ta ăn trộm của trời, nên không có tai vạ gì. Còn như vàng, ngọc, châu, báu, thóc, lúa, của cải đều là người ta làm kiếm ra mới có, há có phải là của trời đâu. Nên anh ăn trộm những của ấy mà phải tội là phải lắm, anh còn trách gì ai nữa.
Hướng nghe nói càng nghi hoặc cho là Quốc lại nói dối mình lần nữa, bèn qua nhà Đông Quách tiên sinh đem câu chuyện lại hỏi.
Đông Quách tiên sinh nói:
-Chính cả cái thân anh cũng là của ăn trộm nữa, nghĩa là trộm cái khí âm, khí dương mà hòa hợp lại thành cái đời, mới có cái xác anh, huống chi ngoại vật, cái gì mà chẳng là của ăn trộm hay sao. Người ta mà cái gì cũng nhận là của mình có, đều là lầm cả.
Liệt Tử
GIẢI NGHĨA
Liệt Tử: sách của a Liệt Ngữ Khấu hay người truyền học thuyết của Liệt Ngữ Khấu soạn ra, có tám quyển, sau nhà Đường, nhà Tống đặt tên là Sung Hư Chân Kinh, hay Sung Hu chí đức chân kinh.
Tống: Một nước chư hầu thời Xuân Thu, sau bị nước Tề lấy mất, ở vào huyện Thuợng Khưu tỉnh Hà Nam bây giờ.
Tề: một nước chư hầu lớn, thời Xuân Thu Chiến Quốc, ở vào địa phận tỉnh Sơn Đông bây giờ.
Đông Quách tiên sinh: một nhà ẩn sĩ đời Xuân Thu.
Ngoại vật: các vật ngoài cái thân ta.
LỜI BÀN
Tác giả làm bài này cốt bày tỏ cái ý rằng: Cách làm giàu không phải ở sự bon chen tranh cướp nhỏ nhen những cái của người ta làm ra, nhưng ở sự biết lợi dụng những vật của trời đất sinh ra. Chiếm của của riêng của người đã kiếm được, mà làm giàu cho mình, thế là không chính đáng, thế tức là ăn cắp, ăn trộm, ăn cướp có pháp luật trừng trị, có công lý bắt phải bồi thường lại. Chớ lấy của chung của trời đất, biết lợi dụng những sản vật, thiên nhiên, tuy không phải của mình mà lấy thì khác gì ăn trộm, nhưng trộm cái kho vô tận của tạo hóa, chẳng những không ai buộc được tội, mà người ta lại còn phải phục, phải chịu là tài giỏi khéo lấy nữa. Muôn vật ở đời không phải là của riêng của một ai, hay một loài nào, nhưng của công của cả mọi người, ai khôn thì biết lợi dụng, ai hèn thì chịu bó tay.
Còn cái ý tác giả cho chính thân mình cũng không phải là của mình lại cao hơn một bậc nữa. Quả vậy cái xác thịt của mình, đến cả cái tâm hồn của mình, nào có phải tự mình làm nên đâu hay chẳng qua cũng chỉ là tứ đại (địa, thủy, hỏa, phong) hợp lại rồi tan đi mà thế thường vẫn cho là "Ngã".
No comments:
Post a Comment