MỘT CÁCH ĐỂ LẠI CHO CON CHÁU
Bàng Công tính điềm đạm, không mấy khi bước chân tới chốn tỉnh thành. Hai vợ chồng ở nhà làm ăn và thường kính nhau như khách vậy.
Một hôm Lưu Biểu tìm đến chơi. Bàng Công đang cày dưới ruộng, bỏ cày lên bờ nói chuyện, còn vợ con vẫn cứ ở dưới đồng.
Lưu Biểu thấy thế, hỏi rằng:
- Sao tiên sinh khổ thân cày cuốc, chẳng chịu ra kiếm chút quan lộc, sau này lấy gì để lại cho con cháu?
Bàng Công nói:
- Người đời ai cũng lấy “nguy” để lại cho con cháu, duy chỉ tôi là lấy “an” để cho con cháu mà thôi. Cách ấy để lại cho con cháu, tuy khác nhau, nhưng thực thì đàng nào cũng gọi là để cả.
Lưu Biểu nghe nói, than thở rồi đi.
Hậu Hán Thư
GIẢI NGHĨA
Hậu Hán Thư: là một trong những tác phẩm lịch sử chính thức của Trung Quốc do Phạm Diệp biên soạn vào thế kỷ thứ 5, sử dụng một số cuốn sách sử và văn bản trước đó làm nguồn thông tin. Nó bao quát giai đoạn lịch sử Đông Hán từ năm 25 đến năm 220.
Bàng Công: tức là Bàng Đức Công, người hiền ở đất Tương Dương, đời Đông Hán không chịu ra làm quan vào ẩn núi Lộc Môn, hái thuốc và làm ruộng kiếm ăn với vợ con.
Lưu Biểu: người đất Cao Bình đời Đông Hán, làm thứ sử ở Kinh Châu có bụng yêu dân, trọng người tài giỏi.
No comments:
Post a Comment