Monday, April 19, 2021

Cổ học tinh hoa

 Lấy nhu khắc cương – Bài học giá trị của người thầy dành do Lão Tử

Để hiểu rõ hơn về câu nói ấy, chúng ta hãy cùng đến với câu chuyện giữa Lão Tử và người thầy của mình.

Tương truyền rằng, một trong những nhân vật chính yếu của Triết học Trung Quốc chính là Lão Tử. Một trong những vị sư phụ thời thơ ấu của ông là Thường Tung. 

Đến khi Lão Tử lớn lên, sư phụ Thường Tung cũng đã già nua theo năm tháng. Một hôm, Lão Tử đến thăm thầy của mình khi ông ốm nặng và sắp lìa thế gian.

Bên giường bệnh, người thầy Thường Tung hỏi Lão Tử: “Cái lưỡi của ta có còn không?”

Lão Tử thấy câu hỏi có chút lạ lùng, bèn đáp: “Đương nhiên rồi ạ, nếu lưỡi không còn, làm sao sư phụ có thể nói chuyện được?”

Sư phụ Thường Tung lại hỏi tiếp: “Vậy răng của ta còn không?”.

Lão Tử lắc đầu: “Thầy đã có tuổi rồi, răng đã rụng hết.”

Thường Tung đáp rằng: “Con thấy đó, cái lưỡi thì mềm nhưng nó vẫn còn; cái răng thì cứng nhưng lại dễ rụng đi. Vạn sự vạn vật trên thế gian này, chẳng phải đều như vậy hay sao?”

Vậy mới nói, một người muốn thành công thì nhất định phải có đức hạnh, cần phải nhẫn nhịn và bao dung.  

Sau cuộc trò chuyện ngày hôm đó, Lão Tử trở về suy ngẫm và nhận ra nhiều bài học thấu đáo. 

Ông đã viết lại lời dạy trong “Đạo đức kinh” truyền cho hậu thế như sau: “Trên đời này không gì mềm yếu hơn nước, thế mà lại công phá được tất cả những gì cứng rắn. Chẳng gì hơn được nước, chẳng gì thay thế được nước. Lấy mềm thắng cứng, lấy nhu thắng cương, thiên hạ ai cũng biết thế, mà mấy ai làm được”.

Cứng cáp và mềm dẻo cũng là sự khác biệt giữa cây bàng và liễu. Khi một trận bão lớn đổ ập vào đất liền, nhà cửa cây cối đều bị tàn phá ghê gớm, không gãy thì cũng sập. Cây bàng lớn cũng ngã đổ chỉ còn mỗi gốc trơ trọi. Chỉ có duy nhất cây liễu mỏng ven hồ vẫn sống sót. Nhánh liễu mềm dẻo lúc nào cũng đung đưa dù chỉ một cơn gió nhẹ thoáng qua; tưởng như vô cùng yếu ớt nhưng thực chất lại ẩn chứa sức sống ngoan cường. 

Nó không phải giống loài vững chắc nhất, thẳng tắp nhất, hay vươn cao vươn xa nhất; nhưng nó luôn có thể chống chọi với rất nhiều gió táp mưa sa của cuộc đời, nhờ bản tính mềm dẻo trời cho của mình.

Đó chính là một cảnh giới, một loại mỹ đức, một thái độ sinh tồn, một bản lĩnh trong ứng xử, và cũng chính là đại trí tuệ của một kiếp nhân sinh. 

Sự dẻo dai mềm mại có thể mang tới thành công trong sự nghiệp; giúp cuộc sống hài hòa, cuộc đời vui thú; nâng cao đạo đức, hoàn thiện nhân phẩm; xây dựng mối quan hệ xã giao càng ổn định và bền chặt hơn.

Sư phụ Thường Tung chỉ dạy cho Lão Tử các quy tắc nghi thức nhà Chu, và nhấn mạnh đức khiêm tốn rộng lượng, nhưng Lão Tử đã ngộ ra một pháp lý cao hơn: Đạo (Đạo của tự nhiên và vũ trụ) có thể len ​​lỏi vào nhận thức của con người như một dòng nước, nhẹ nhàng tẩy rửa và cảm hóa nhân tâm bằng những đạo lý làm người cao đẹp.


No comments:

Post a Comment