Friday, April 30, 2021
Truyện ngắn
Đọc sách
Tại một ngôi chùa trên núi, có một vị sư phụ đều thức dậy sớm ngồi vào bàn để đọc kinh, sách. Dù những cuốn sách này đã cũ kỹ.
Tiểu hòa thượng bên cạnh sư phụ thấy vậy, cũng cố gắng bắt chước sư phụ mình đọc sách. Một ngày cậu hỏi sư phụ:
“Thưa sư phụ, con đã cố gắng đọc những quyển sách như sư phụ nhưng vẫn không thể hiểu nó. Có những đoạn con hiểu, nhưng khi gấp sách lại thì quên nó ngay. Vậy đọc sách có lợi ích gì ?”.
Vị sư phụ liền đứng dậy, lấy hết than trong giỏ đựng than rồi đặt vào lò và nói:
“Con hãy mang giỏ đựng than này ra ngoài sông và mang nước về giúp ta nhé!”.
Vị tiểu hòa thượng làm theo lời dặn, nhưng toàn bộ nước chảy ra hết trước khi cậu quay về đến nhà.
Sư phụ liền cười và nói: “Lần sau con cần đi nhanh hơn nữa”
Rồi ông đưa lại cho cậu bé cái giỏ để đi lấy giỏ nước khác. Lần này, chú tiểu chạy nhanh hơn, nhưng cái giỏ đã trống rỗng khi cậu về đến nhà. Thở không ra hơi, cậu nói với sư phụ:
“Chúng ta không thể đựng nước trong cái giỏ này được”, và cậu định đi lấy cái xô để chứa nước.
Vị sư phụ liền nói: “Ta không muốn đựng nước trong chiếc xô mà là trong chiếc giỏ kia. Con có thể làm được điều này, do con chưa cố gắng hết sức đấy thôi”.
Vị sư phụ lại đưa cái giỏ và bảo cậu bé ra ngoài sông lấy nước lần nữa. Mặc dù cậu biết điều đó không thể nhưng không muốn cãi lời sư phụ, cậu cố chạy nhanh hết sức, nước vẫn chảy hết ra ngoài giỏ trước khi cậu về đến nhà.
Tiểu sư phụ nói: “Sư phụ nhìn này, thật là vô ích!”.
“Con nghĩ nó vô ích? Hãy nhìn vào chiếc giỏ kia!”, vị sư phụ nói.
Chú tiểu liền nhìn vào chiếc giỏ và lần đầu tiên cậu nhận thấy rằng chiếc giỏ trông thật khác. Thay vì một chiếc giỏ đựng than cũ kỹ và bẩn, nó lại trông sạch sẽ.
“Đó là tất cả những gì xảy ra khi con đọc sách. Có thể con không hiểu hoặc không nhớ mọi thứ, nhưng khi đọc, sách sẽ làm thay đổi bên trong tâm hồn của con, như nước đã làm sạch giỏ than vậy"
Sưu tầm!
Cổ học tinh hoa
YÊU NÊN TỐT GHÉT NÊN XẤU
Trước, vua nước Vệ rất yêu Di Tử Hà. Cái phép nước Vệ, ai đi trộm xe của vua, thì phải tội chặt chân. Mẹ Di Tử Hà đau nặng. Đêm khuya có người đến gọi, Di Tử Hà vội vàng lấy xe vua ra đi. Vua nghe thấy, khen rằng:
"Có hiếu thật! Vì hết lòng với mẹ, mà quên cả tội chặt chân."
Lại một hôm, Di Tử Hà, theo vua đi chơi ở ngoài vườn, đang ăn quả đào thấy ngọt còn một nửa, đưa cho Vua ăn. Vua nói:
"Yêu ta thật! Của đang ngon miệng mà biết để nhường ta."
Về sau, vua không có lòng yêu Di Tử Hà như trước nữa. Một hôm phạm lỗi, vua giận nói rằng:
"Di Tử Hà trước dám thiện tiện lấy xe của ta đi. Lại một bận dám cho ta ăn quả đào thừa. Thực mang tội với ta đã lâu ngày."
Nói xong bắt đem trị tội.
Ôi! Di Tử Hà ăn ở với vua trước sau cũng như vậy, thế mà trước vua khen, sau vua bắt tội, là chỗ tại khi yêu khi ghét khác nhau mà thôi. Lúc được vua yêu, chính đáng tội thì lại hóa công thần; lúc phải vua ghét, chính không đáng tội thì lại hóa ra sơ; cho nên người muốn can ngăn, đàm luận với vua điều gì, thì trước phải xem xét cái lòng vua yêu hay vua ghét tính thế nào rồi hãy nói.
Hàn Phi Tử
GIẢI NGHĨA
Hàn Phi Tử: công tử nước Hàn, học trò Tuân Tử chuyên về bình danh pháp luật, nước Hàn không dùng, sang ở nước Tần, được đại dụng, nhưng sau bị kẻ gièm pha, rồi tự tử.
Sách của Hàn Phi Tử có 50 thiên, đặt tên Hàn Tử. Nhà Tống sau thêm chữ Phi để khỏi lầm lẫn với Hàn Dũ.
Vệ: Tên một nước thời Xuân Thu ở vào vùng tỉnh Trực Lệ và Hà Nam bây giờ.
Di Tử Hà: người thời Xuân Thu, làm quan đại phu nước Vệ.
Chặt chân: một thứ hình trong năm hạng trọng hình đời cổ. (2)
Thiện tiện: chính mình không được làm như vậy mà cứ làm liều. (2)
Trị tội: đem luật hình ra mà trừng trị kẻ phạm phép. (2) Thân: gần, đằm thắm, quý hóa.
(2)
Sơ: xa, hững hờ, ghét bỏ. (2)
Đàm luận: nói năng, bàn bạc. (2)
LỜI BÀN
Sự yêu, ghét thường làm cho người ta mờ đi không rõ hẳn được cái giá trị của người được yêu hay bị ghét ra thế nào. Không nói gì yêu người này, ghét người nọ, cũng chỉ là một người ấy, lúc yêu cho ra thế này, lúc ghét cho ra thế kia. Cái thói thường: yêu thì nên tốt, ghét thì nên xấu, khen chanh thì chanh ngọt, chê hồng thì hồng chua. Trong bụng đã thế, thì cư xử chắc cũng theo như thế, lúc yêu hậu bao nhiêu, thì đến lúc ghét lại bạc bấy nhiêu, yêu nhau cau sáu bổ ba, ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười. Lại chẳng những
yêu ghét riêng một người ấy, thường yêu ghét đến cả những sự hay những người có can thiệp đến người ấy, yêu nhau yêu cả tông chi, ghét nhau ghét cả đường đi lối về. Sự yêu, ghét làm cho ta thiên và nhẩm như thế, cho nên ta muốn cho công bình, khi yêu khi ghét phải nên rõ cái giá trị của người được yêu hay bị ghét, biết chỗ phải cũng phải biết chỗ trái, biết chỗ trái cũng phải biết chỗ phải cho người ta mới được.
Mỗi ngày một câu chuyện thiền
Trung Gian
Một khách hành hương hỏi một đệ tử:
- Tại sao bạn cần tới Thiền Sư?
Đệ tử trả lời:
- Để được sưởi ấm như nước cần tới một cái ấm để làm trung gian giữa nó với lửa.
Truyện cười trong ngày
Tại sao khi hôn lại mở mắt
Có đôi bạn sinh viên đang ngồi công viên tâm sự.
* C: Anh ơi! Tại sao, khi “kiss” (hôn) người con trai lại mở mắt, như anh vừa rồi?
* H: Ôi! Em không biết à? Tại vì anh … còn phải trông cái “xe đạp”…
Thursday, April 29, 2021
Truyện ngắn
CÂU CHUYỆN CUỘC SỐNG
Hôm nay trời mưa vừa học xong ra đi ăn phở, đang ngồi ăn thì nghe có tiếng gọi của thằng nhóc.
- Chú ơi, bán con ly trà đá.
Để ý thấy nó lấy trong túi ra 7k, 2k trả ly trà đá còn 5k bỏ túi. Trời còn mưa nó ngồi bên vệ đường đục mưa, dáng người ốm với ánh nhìn nhút nhát.
Anh bán phở ra hỏi chuyện, mới biết nhóc nó quê ở An Giang Ngồi hỏi chuyện nó kể:
- Ba con mất lâu, mẹ lên đây đi làm (Long Thành) cũng hơn 1 năm, mà từ lúc mẹ đi đến giờ không có về, tết hay giỗ ba cũng vậy. Con có đứa em nữa, 2 anh em ở với ngoại.
Ở nhà, con đi làm phụ ráp tủ cho người ta, kiếm thêm tiền phụ ngoại nuôi nhỏ em đi học.
- Thế em bao nhiêu tuổi?
- Dạ con 14 còn nhỏ em 10 tuổi đang học lớp 4.
- Thế nay em lên đây làm gì?
- Dạ ngoại con mất, con lên đây tìm mẹ.
- Thế em không có số điện thoại của mẹ hả?
- Dạ có, nhưng mà từ tết giờ số đó không liên lạc được. Lúc trước mẹ nói làm ở Long Thành nên con vô đó tìm mà không tìm ra.
Hết tiền nên con đi bộ từ Long Thành về đây, định mua ly trà đá uống nghỉ mệt rồi đi bộ ra bến xe miền Tây tìm xe xin về nhờ.
Thấy nó đói, anh chủ gọi vào làm cho nó bát phở. Nhìn dáng vẻ nó như kiệt sức do đói và phải đi khá xa... Ăn xong anh chủ hỏi:
- Thế giờ tính sao?
- Dạ, giờ con đi bộ ra bến xe xin đi nhờ xe về.
- Không, ý anh hỏi mày: ba mất, mẹ giờ tìm không thấy. Ngoại cũng mất giờ 2 anh em tính sao?
- Con gửi em rồi lên đây tìm mẹ, giờ không thấy con phải về coi nó, còn cho nó đi học nữa.
Nó nói thêm: Con làm lương tháng 2 triệu rưỡi, giờ con cỡ nào cũng lo cho nó, không cho nó nghỉ học. Con trai không học thì được chứ con gái phải đi học mới tốt. Con thấy rồi!
Trong lúc chờ nó nghỉ mệt, tôi nói với anh anh chủ quán để em chở nó ra bến xe mua vé cho nó về. Rồi quay sang bảo nó:
- Anh chở cho mày ra bến xe mua vé cho mày về. Nó vui mừng gật đầu.
Tôi đưa nó ra bến xe, khi buớc ra về anh chủ quán dúi vào túi cho nó thêm 80k. Và bảo tôi, em đưa nó ra bến xe lo cho nó về giúp anh.
Nó không quên cúi đầu cảm ơn anh chủ quán
- Con cảm ơn chú!
Cuộc sống thế đấy. Có những phận người từ nhỏ luôn thiếu thốn và thua thiệt so với những bạn cùng lứa, dù cha mất, mẹ bỏ đi nhưng trong suy nghĩ họ vẫn cố gắng sống, cố gắng vươn lên.
Vươn lên trên hoàn cảnh lẫn cả cách suy nghĩ, bằng cách nào đó họ có thể hy sinh và làm tròn trách nhiệm để lo cho gia đình giống như nhóc này.
Cơn mưa chiều ở Sài Gòn tuy lạnh nhưng vẫn ấm lòng...
ST
Cổ học tinh hoa
CŨNG LÀ ĂN TRỘM
Họ Quốc ở nước Tề rất giàu. Họ Hướng ở nước Tống rất nghèo. Hướng bèn sang nước Tề hỏi Quốc cách làm giàu.
Quốc bảo:
-Ta chỉ khéo ăn trộm thôi. Thoạt đầu ta ăn trộm một năm thì đủ dùng, hai năm thì thừa ăn, ba năm thì giàu to, tự đó trở đi tài sản ta có đến cả làng, cả tỉnh.
Hướng nghe nói, mừng lắm, nhưng khốn chỉ hiểu câu chuyện ăn trộm, chớ không hiểu cái lối ăn trộm ra làm sao.
Lúc về, bèn trèo tường, khoét ngạch, phàm cái gì mắt trông thấy, tay cầm được là cũng lấy tất.
Hướng đi ăn trộm chưa được bao lâu, bị bắt quả tang, thành phải tội, cả bao nhiêu của cải lúc trước khó nhọc kiếm ra cũng đều bị tịch thu hết.
Bấy giờ Hướng cho Quốc là đánh lừa mình, đến tận nơi trách.
Quốc hỏi:
-Anh ăn trộm thế nào chứ?
Hướng bèn thuật lại cung cách ăn trộm cho Quốc nghe.
Quốc nói:
-Chết thật! Cái lối của anh ăn trộm sai lầm đến như thế kia ư! Này để tôi bảo rõ cho mà biết. Trời có thời tiết, đất có hoa lợi. Ta ăn trộm thời của trời, lợi của đất, sự thuận hòa của mưa gió, những sản vật của non sông, để ta cấy lúa trồng cây, xây tường, làm nhà, trên cạn thì ta ăn trộm giống chim muông, dười nước thì ta ăn trộm loài tôm cá. Những cái ấy không có cái gì là không phải của ăn trộm cả. Này lùa mạ, đất cát, cây cối, chim muông, cá, ba ba đều là của trời sinh ra cả há có phải của ta đâu. Song ta ăn trộm của trời, nên không có tai vạ gì.
Còn như vàng, ngọc, châu, báu, thóc, lúa, của cải đều là người ta làm kiếm ra mới có, há có phải là của trời đâu. Nên anh ăn trộm những của ấy mà phải tội là phải lắm, anh còn trách gì ai nữa.
Hướng nghe nói càng nghi hoặc cho là Quốc lại nói dối mình lần nữa, bèn qua nhà Đông Quách tiên sinh đem câu chuyện lại hỏi.
Đông Quách tiên sinh nói:
-Chính cả cái thân anh cũng là của ăn trộm nữa, nghĩa là trộm cái khí âm, khí dương mà hòa hợp lại thành cái đời, mới có cái xác anh, huống chi ngoại vật, cái gì mà chẳng là của ăn trộm hay sao. Người ta mà cái gì cũng nhận là của mình có, đều là lầm cả.
Liệt Tử
GIẢI NGHĨA
Liệt Tử: sách của Liệt Ngữ Khấu hay người truyền học thuyết của Liệt Ngữ Khấu soạn ra, có tám quyển, sau nhà Đường, nhà Tống đặt tên là Sung Hư Chân Kinh, hay Sung Hu chí đức chân kinh.
Tống: Một nước chư hầu thời Xuân Thu, sau bị nước Tề lấy mất, ở vào huyện Thuợng Khưu tỉnh Hà Nam bây giờ.
Tề: một nước chư hầu lớn, thời Xuân Thu Chiến Quốc, ở vào địa phận tỉnh Sơn Đông bây giờ.
Đông Quách tiên sinh: một nhà ẩn sĩ đời Xuân Thu.
Ngoại vật: các vật ngoài cái thân ta.
LỜI BÀN
Tác giả làm bài này cốt bày tỏ cái ý rằng: Cách làm giàu không phải ở sự bon chen tranh cướp nhỏ nhen những cái của người ta làm ra, nhưng ở sự biết lợi dụng những vật của trời đất sinh ra. Chiếm của của riêng của người đã kiếm được, mà làm giàu cho mình, thế là không chính đáng, thế tức là ăn cắp, ăn trộm, ăn cướp có pháp luật trừng trị, có công lý bắt phải bồi thường lại. Chớ lấy của chung của trời đất, biết lợi dụng những sản vật, thiên nhiên, tuy không phải của mình mà lấy thì khác gì ăn trộm, nhưng trộm cái kho vô tận của tạo hóa, chẳng những không ai buộc được tội, mà người ta lại còn phải phục, phải chịu là tài giỏi khéo lấy nữa. Muôn vật ở đời không phải là của riêng của một ai, hay một loài nào, nhưng của công của cả mọi người, ai khôn thì biết lợi dụng, ai hèn thì chịu bó tay.
Còn cái ý tác giả cho chính thân mình cũng không phải là của mình lại cao hơn một bậc nữa. Quả vậy cái xác thịt của mình, đến cả cái tâm hồn của mình, nào có phải tự mình làm nên đâu hay chẳng qua cũng chỉ là tứ đại (địa, thủy, hỏa, phong) hợp lại rồi tan đi mà thế thường vẫn cho là "Ngã".
Mỗi ngày một câu chuyện thiền
Tiến Hóa
Ngày hôm sau Thiền Sư bảo:
- Trời hỡi! Đi thì dễ hơn dừng lại.
Các đệ tử muốn biết tại sao.
- Vì ngày nào các con còn bước đi để đạt tới một mục đích, thì các con còn có thể bám víu vào một ước mơ. Khi dừng lại, các con phải đối diện với thực tế.
Các đệ tử lúng túng hỏi:
- Làm thế nào các con có thể thay đổi được nếu không có mục tiêu hay những điều ước mơ?
- Thay đổi thực sự là thay đổi không do ý muốn. Hãy đối diện với thực tế và sự thay đổi thực sự hiện ra.
Truyện cười trong ngày
Tôi không ngủ
Khi một nhóm phụ nữ bước lên xe điện tất cả các ghế đều có người rồi. Người bán vé nhận thấy một người đàn ông hình như đang ngủ, sợ rằng ông này không xuống được đúng điểm đỗ bèn nói với ông ta:
* Dậy đi ông.
* Ông này phản đối: Tôi có ngủ đâu mà gọi.
* Ông không ngủ mà lại nhắm mắt!
* Tôi biết chứ, tôi ghét nhìn phụ nữ phải đứng trong xe điện đầy người như thế này.
Wednesday, April 28, 2021
Truyện ngắn
THIỆN HAY ÁC?
Có một vị hòa thượng và một anh bán thịt là bạn thân với nhau. Vị hòa thượng ngày nào cũng phải dậy sớm tụng kinh, còn anh bán thịt ngày nào cũng phải dậy sớm để giết lợn. Để không bị dậy muộn ảnh hưởng đến công việc, họ bèn hứa mỗi sáng thức dậy cùng nhau gọi đối phương dậy.
Nhiều năm sau, vị hòa thượng và anh bán thịt đều chết. Anh bán thịt được lên thiên đường, còn hòa thượng thì bị đày xuống địa ngục.
Thì ra:
Anh bán thịt ngày nào cũng làm việc thiện, gọi hòa thượng dậy tụng kinh. Còn vị hòa thượng, ngày nào cũng gọi anh bán thịt dậy để sát sinh…
Những chuyện mà bạn làm, có thể bạn nghĩ là đúng nhưng chưa chắc là vậy.
Cổ học tinh hoa
TỰ TỈNH
Người ta, tối đến, trước khi đi ngủ thử kiểm xét xem trong một ngày: Ăn ở với cha mẹ đã hết lòng chưa?
Đối đãi với kẻ dưới đã hay thể tất chưa?
Xử với anh em đã hay thỏa thuận chưa?
Đối với vợ con đã hay yêu quý chưa?
Chơi với bạn bè đã hay tránh kẻ dở, gần người hiền chưa?
Nói ra câu gì, đã hay không thẹn với lương tâm chưa?
Làm công việc gì, đã hay không trái với công lý chưa?
Đãi người ngoài đã hay không thất lễ chưa?
Hết thảy việc gì, việc gì cũng nghĩ để xử cho chu đáo, ngõ hầu mới xứng đáng làm người mà không xấu hổ.
Từ Mi Vân
LỜI BÀN
Bài Tự Tỉnh của Mi Vân đây cũng tương tự như bài Kiểm soát lương tâm của Franklin. Trong bài nói thiệp liệp đủ cả trong nhà thì cha mẹ vợ con, anh em, tôi tớ, ngoài thì bạn bè, thiên hạ kịp đến cả câu nói việc làm. Nghĩa là đủ cả mọi hạng người mình giao tiếp hàng ngày, mình có bổn phận phải giữ cho trọn vẹn cùng những việc suy nghĩ, nói năng, hành động nữa. Nếu trước khi đi ngủ, ai ai cũng chịu kiểm soát lại lương tâm mình như thế cả, để sửa đổi lại tính mình cho hay hơn lên, thì lo chi đời hiếm người tốt mà xã hội mỗi ngày không một bước gần đến nhân đạo, nhân loại mỗi ngày không tiến mãi đến hạnh phúc được.
Mỗi ngày một câu chuyện thiền
Thiên Tài
Một nhà văn đến tu viện để xin viết một quyển sách về Thiền Sư. Ông ta hỏi:
- Người ta đồn Ngài là một thiên tài, có phải vậy không?
Thiền Sư đáp với vẻ khiêm tốn:
- Có thể là như vậy.
- Điều gì làm cho một người trở thành thiên tài?
- Khả năng nhận biết.
- Nhận biết điều gì?
- Con bướm ở trong ổ kén; con chim phượng hoàng ở trong cái trứng; và vị thánh nhân ở trong một người phàm phu tục tử.
Truyện cười trong ngày
CON CHÓ!
Một phụ nữ trẻ đi ngang qua phố chợt để ý đến một đám tang rất kỳ lạ. Hai chiếc quan tài màu đen nối đuôi cách nhau khoảng 15m. Ngay theo sau cỗ quan tài thứ hai là một goá phụ mặc đồ tang đi cạnh một con chó chăn cừu trông rất hung dữ. Góa phụ và con chó này đang dẫn đầu một đoàn người phía sau khoảng 200 người toàn là phụ nữ.
Không thể ngăn nổi trí tò mò, người phụ nữ xáp lại bên góa phụ và hỏi: “Tôi biết đây là lúc không nên hỏi, nhưng tôi chưa bao giờ nhìn thấy một đám tang kỳ lạ như thế này. Bà có thể cho tôi biết đám tang này là của ai không ạ ?”
– Quan tài thứ nhất là của chồng tôi
– Ðiều gì đã xảy ra với ông nhà ạ ?
– Con chó của tôi đã tấn công và giết chết anh ấy – Góa phụ thở dài trả lời.
– Thế quan tài thứ hai là của ai ?
– Của mẹ chồng tôi. Bà ấy đang cố kéo chồng tôi ra thì con chó quay sang tấn công bà ấy.
Sau một hồi im lặng ra vẻ cảm thông, người phụ nữ trẻ chợt lên tiếng:
– Bà có thể cho tôi mượn con chó không ạ ?
Nghe vậy phía dưới chợt nhao nhao:
– Xếp hàng đi cưng !
Tuesday, April 27, 2021
Truyện ngắn
CÂU CHUYỆN VỀ BỘ ẤM TRÀ QUÝ.
(Có được tri kỷ trên đời mới là điều đáng giá nhất)
Trong cuộc đời, có được một người bạn tri kỷ đã là quá đủ. Loại tình cảm này, không tác động vào thế giới mỗi người, chỉ đồng hành vô hình, mang theo cùng tiếng nói từ con tim…
Ngày xưa có một phú ông rất thích thưởng trà, phàm là người đến nhà dùng trà, dù là người nghèo hay giàu thì ông ta đều sẽ phân cho hạ nhân chiêu đãi.
Một hôm nọ, có một tên ăn mày rách rưới đứng trước cửa nhà phú ông, không xin cơm, chỉ nói đến xin bát nước trà. Hạ nhân cho hắn vào nhà, đun trà cho hắn.
Tên ăn mày nhìn nhìn rồi nói: “Trà này không ngon”.
Hạ nhân nhìn hắn lấy làm lạ rồi đổi một bát trà ngon khác.
Tên ăn mày ngửi ngửi, nói: “Trà này ngon, nhưng nước vẫn chưa được, phải dùng nước suối trong”.
Hạ nhân nhìn ra hắn cũng có chút hiểu biết, liền đi lấy nước suối cất trữ từ sáng sớm ra để pha trà.
Tên ăn mày nhấp thử một ngụm, nói: “Nước rất tốt, nhưng củi sao trà không được, củi phải dùng củi sau danh sơn. Bởi vì củi phía trước núi đón nắng nên chất củi xốp, còn sau núi chất củi chắc cứng”.
Hạ nhân cuối cùng nhận định người này tinh thông trà đạo, liền dùng loại củi tốt pha lại trà, rồi mời lão gia ra tiếp. Sau khi trà được mang lên, phú ông và tên ăn mày đối ẩm một bát.
Tên ăn mày nói: “Ừm, bát trà lần này, nước, củi, lửa đều tốt, chỉ có ấm pha trà không ổn”.
Phú ông nói: “Đây là ấm pha tốt nhất của ta”.
Tên ăn mày lắc đầu, từ trong áo cẩn thận lấy ra một ấm trà bằng đất sét tử sa, yêu cầu hạ nhân dùng chiếc bình này để pha lại trà. Phú ông vừa nhấp thử mùi vị quả nhiên không tầm thường, lập tức chắp tay thi lễ với tên ăn mày: “Ta xin mua lại chiếc ấm tử sa này, bao nhiêu cũng được”.
Nhưng tên ăn mày cũng rất thích chiếc ấm tử sa, nhất định không muốn bán, tên ăn mày dứt khoát trả lời: “Không được, chiếc ấm này là cuộc sống của ta, ta không thể bán”. Tên ăn mày vội vàng rót trà ra, cất lại chiếc ấm.
Phú ông vội vã ngăn lại, nói: “Ta đổi một nửa gia sản để lấy chiếc ấm của ngươi”.
Tên ăn mày không tin, vẫn bước tiếp. Phú ông nôn nóng, nói: “Ta đổi toàn bộ tài sản để lấy chiếc ấm của ngươi”.
Tên ăn mày nghe vậy không tự chủ mỉm cười, nói: “Nếu không phải tôi tiếc chiếc ấm này thì cũng không lâm vào bước đường như hôm nay”. Nói xong tên ăn mày quay người bỏ đi.
Phú ông sốt ruột nói: “Như này đi, ấm là của ngươi, ngươi hãy ở lại nhà ta, ta ăn gì ngươi ăn đó, nhưng có một điều kiện, chính là ngày nào cũng phải cho ta nhìn chiếc ấm, thế nào”. Phú ông quá thích chiếc ấm rồi vì vậy trong lúc cấp bách nghĩ ra cách đó.
Tên ăn mày cũng vì miếng ăn qua ngày mà túng quẫn, chuyện tốt như vậy sao lại không đồng ý nhỉ? Vậy là hắn vui vẻ đồng ý yêu cầu của phú ông.
Cứ như vậy, tên ăn mày ở lại nhà phú ông, ăn cùng ở cùng phú ông, hai người ngày ngày nâng niu chiếc ấm trà, chia sẻ với nhau, thưởng trà ẩm rượu, vô cùng ăn ý. Cứ thể hơn mười năm qua đi hai người trở thành hai lão già tri kỷ thấu hiểu nhau.
Thời gian trôi đi, phú ông và tên ăn mày cũng dần già đi, lúc này người ta nhận ra người bạn ăn mày lớn tuổi hơn phú ông.
Một hôm phú ông mới nói với người bạn ăn mày của mình: “Ông không có con cháu nối dõi, không có ai kế thừa chiếc ấm trà, không bằng sau khi ông đi, để tôi giúp ông bảo quản, ông thấy thế nào?”.
Lão ăn mày rưng rưng đồng ý. Không lâu sau, lão ăn mày thật sự ra đi, phú ông cũng được như mong muốn có được chiếc ấm tử sa.
Vừa mới đầu, phú ông chìm trong cảm giác vui sướng có được chiếc ấm tử sa, cho đến một ngày, lúc phú ông đang ngắm nghía trên dưới trước sau chiếc ấm đột nhiên cảm thấy như thiếu thứ gì đó, lúc này trước mắt ông hiện lên hình ảnh ngày trước cùng ông ăn mày vui vẻ thưởng trà. Hiểu rõ tất cả rồi, lão phú ông lạnh lùng ném mạnh chiếc ấm xuống đất…
***
Câu chuyện kết thúc, kết cục có lẽ khiến người ta không ngờ được. Theo thời gian, có rất nhiều thứ cũng đổi thay, tình nghĩa giữa phú ông và tên ăn mày đã vượt qua cái giá trị ban đầu của ấm trà, thứ dù có tốt đến đâu nếu không có ai cùng thưởng thức thì cũng mất đi ý nghĩa của nó, thứ đáng giá đến đâu cũng không đáng giá bằng tri kỷ. Hãy nghĩ về cuộc đời mình, thứ gì mới là quan trọng nhất trong cuộc đời bạn? Có lẽ chính là người cùng bạn giao tâm thưởng trà!
Trong cuộc sống có được một người bạn tri kỷ là quá đủ! Đây là điều mà bao người từng trải đúc kết được. Tình tri kỷ, như một thứ ấm áp không lời, một sự đồng hành vô hình.
Tri kỷ thật sự, là hiểu, là thân thiết, là đồng điệu. Giống như một chén trà xanh, chan chát mà thấm vào tận trong tim. Có những khi chỉ cần một cái ôm, một ánh mắt, là hiểu tất cả mà không cần dùng đến lời nói.
Tri kỷ, không cần che đậy, cũng không cần giải thích, tự nó đã hiểu, tự nó cảm nhận. Không cần dốc hết sức, cũng không cần chuẩn bị, tự nó sẽ đem đến niềm vui, tự nó sẽ như ý thơ. Cuộc sống có một loại tình cảm, không tác động vào thế giới mỗi người, chỉ đồng hành trong tâm hồn; không trở ngại cuộc sống mỗi người, chỉ mang cùng tiếng nói từ con tim.
ST.
Cổ học tinh hoa
QUAN TÀI CON
Tại chùa Tô Châu có một nhà sư tên gọi Viên Thủ Trung tu hành đắc đạo.
Nhà sư thường bày trên án thư, trước chỗ ngồi, một cái quan tài con bằng gỗ bách đàn, dài độ ba tấc, có một cái nắp đậy, mở được. Khách đến chơi trông thấy, cười nói rằng:
-Người chế ra cái này dùng để làm gì?
Nhà sư nói:
-Người ta sống tất có chết, mà chết thì vào ngay cái này. Ta thực lấy làm lạ, người đời ai ai cũng chỉ biết có phú quý, công danh, tài sắc, thị hiếu, lo buồn, vất vả suốt đời, chẳng biết đến cái chết là gì. Như ta đây mỗi khi có việc không được như ý, ta cầm lấy cái này mà ngắm xem, là tức khắc, trong tâm ta được yên ổn mà muôn nghìn sự tư lự đều lâng lâng sạch như không. Cái quan tài con này đủ thay lời huấn, lời giới của bậc nghiêm sự, bài trâm, bài minh treo bên chỗ ngồi vậy.
Mai Hiên Bút Ký
GIẢI NGHĨA
Tô Châu: huyện Ngô thuộc về tỉnh Giang Tô bây giờ.
Bạch đàn: thứ gỗ rắn và thơm, dùng làm đồ đạc dùng làm hương thắp
Mỗi ngày một câu chuyện thiền
Sáng Tạo
- Hành động nào cao quí nhất mà người ta có thể làm được?
- Tọa thiền.
Nhưng hiếm khi thấy Minh Sư tọa thiền. Thiền Sư không ngừng làm việc lặt vặt trong nhà hay ngoài đồng, tiếp khách hoặc viết sách và còn đảm đương sổ sách kế toán cho tu viện.
- Nhưng tại sao thầy lại giết thời gian bằng cách làm việc?
- Khi làm việc là muốn nói không thể ngồi để thiền định.
Truyện cười trong ngày
Điều bí mật
Lính cũ dạy bảo lính mới:
– Cậu có biết một người lính dũng cảm khác một người lính thận trọng ở điểm nào không?
– Tớ không biết – lính mới nhún vai.
– Người lính dũng cảm dám công khai nói to lên với trung sĩ của mình tất cả những gì mình nghĩ về ông ta.
– Thế còn người lính thận trọng?
– Thì cũng nói những điều ấy, nhưng nói qua điện thoại.
Monday, April 26, 2021
Truyện ngắn
MỐI NHÂN DUYÊN KỲ LẠ
Có một bác sĩ rất nổi tiếng tên là Stephen đang trên đường tới dự một hội nghị về y tế, nơi ông sẽ được trao tặng một phần thưởng quan trọng cho những nghiên cứu và cống hiến xuất sắc của ông trong thời gian qua. Bác sĩ Stephen rất háo hức mong chờ sự kiện này và muốn đến đó càng nhanh càng tốt.
Tuy nhiên, sau khi máy bay cất cánh được một tiếng đồng hồ thì phi công thông báo rằng máy bay gặp sự cố nên họ sẽ phải hạ cánh khẩn cấp ở sân bay gần nhất. Bác sĩ Stephen sợ rằng mình sẽ không thể đến dự hội nghị kịp thời gian.
Ông đến hỏi nhân viên của hãng hàng không về chuyến bay tiếp theo tới địa điểm diễn ra hội nghị thì được biết trong 10 tiếng nữa sẽ không có chuyến bay nào cả, nhưng gợi ý rằng ông có thể thuê một chiếc ô tô và lái tới đó, vì từ thành phố này tới đó chỉ mất 3 tiếng lái xe mà thôi.
Chẳng còn cách nào khác, ông thuê một chiếc ô tô và bắt đầu hành trình của mình. Tuy nhiên, ngay khi ông ngồi vào xe, thời tiết đột ngột chuyển biến xấu và một cơn bão lớn đang dần kéo đến. Mưa to khiến việc lái xe trở nên vô cùng khó khăn và vị bác sĩ tài giỏi đã bỏ qua một đoạn rẽ cần thiết.
Sau 2 tiếng lái xe nữa, ông biết mình đã lạc đường. Mưa ngày càng nặng hạt, lại đang ở trên một con đường xa lạ, ông cảm thấy rất đói và mệt mỏi. Ông nhìn xung quanh, tìm kiếm dấu hiệu các nhà dân quanh đó rồi dừng xe trước một căn hộ nhỏ.
Ông gõ cửa, một người phụ nữ lớn tuổi mở cửa. Ông giải thích qua loa về tình hình của mình, và hỏi người phụ nữ xem có điện thoại không để ông gọi nhờ.
Người phụ nữ nói rằng ở đây không có điện, và bà cũng không có điện thoại, nhưng vẫn muốn mời ông vào nhà để ăn uống chút gì đó ấm áp. Vừa đói, vừa mệt, vị bác sĩ chấp nhận lời mời tử tế của bà lão. Bà lấy cho ông một ít thức ăn và trà nóng rồi lịch sự xin phép để tiếp tục việc cầu nguyện của mình.
Ngồi trên ghế nhấp trà, vị bác sĩ quan sát bà lão dưới ánh nến mờ ảo. Ông thấy bà đang cầu nguyện bên cạnh một chiếc nôi nhỏ. Linh tính cộng với thói quen làm việc khiến ông đi đến gần, hỏi bà lão xem có cần giúp đỡ gì không. Bà lão mỉm cười và nói, mọi lời cầu nguyện của mình đều đã được Chúa đáp lại, duy chỉ có một điều thì chưa, có lẽ vì niềm tin của bà chưa đủ chăng?
Vị bác sĩ dè dặt hỏi lại: "Nếu bà không phiền, liệu có thể cho tôi biết bà đang cầu nguyện điều gì không?"
Bà lão đáp lời: "Đứa trẻ trong chiếc nôi này là cháu trai của tôi. Nó mắc một bệnh ung thư hiếm gặp, và tất cả các bác sĩ mà chúng tôi từng gặp đều không thể chữa trị cho nó. Người ta nói với tôi có một bác sĩ chuyên chữa dạng ung thư này, nhưng tôi không đủ tiền để đến gặp ông ấy, vì ông ấy ở cách đây rất xa".
Rồi bà lão cho vị bác sĩ biết rằng, vì mình không thể tới gặp bác sĩ kia, nên bà chẳng còn cách nào khác là cầu nguyện mong cho cháu mình có thể gặp được bác sĩ Stephen để được tai qua nạn khỏi.
Sau khi nghe bà lão nói thế, bác sĩ Stephen đã không cầm được nước mắt. Ông nói: "Chúa trời mới tuyệt vời làm sao, Ngài không những đã trả lời bà, mà còn đưa bác sĩ Stephen tới tận nhà bà để có thể chữa trị cho cháu trai của bà đấy. Tôi chính là bác sĩ Stephen đây".
Bà lão ngước lên nhìn, dường như không thể tin nổi vào điều kỳ diệu đang diễn ra. Nước mắt cũng lã chã rơi trên đôi gò má nhăn nheo của bà.
Đây chỉ là sự trùng hợp tình cờ hay là sự sắp đặt diệu kỳ của tạo hóa? Hay chính niềm tin mãnh liệt vào cuộc đời và lòng tốt của con người đã giúp họ có được mối nhân duyên cùng sự kết nối tuyệt vời này.
Cổ học tinh hoa
CÁCH BIẾT LÒNG NGƯỜI
Lòng người ta nham hiểm hơn núi sông, khó biết hơn là biết trời.
Trời thì hằng năm có xuân hạ thu đông, hàng ngày còn có buổi sáng, buổi tối, ta do đấy
mà biết được.
Đến như người ta thì có kẻ ngoài rõ như cẩn hậu mà trong thật kiêu căng, có kẻ trông rõ thật tài giỏi mà ngoài coi ra ngu độn, có kẻ ngoài rõ như vững vàng, thư thái mà trong cuống rối nóng nảy. Tâm tính bên trong, diện mạo bên ngoài trái nhau khó lường như thế. Cho nên quân tử dùng người cho ở xa để xem lòng trung, cho ở gần để xem lòng kính, sai làm nhiều việc để xem cái tài, hỏi lúc vội vàng để xem cái trí, hẹn cho ngặt ngày để xem có tín, ủy cho tiền của để xem có nhân, giao cho việc nguy biến để xem có tiết, cho đánh chén say sưa để xem cử chỉ, cho ở chỗ phiền tạp để xem thần sắc. Xem người đại khái như vậy, thì họa mới có thể biết được người. Trang Tử
GIẢI NGHĨA
Trang Tử: sách của Trang Chu soạn đến đời Đường gọi là Nam Hoa Chân kinh. Trang Tử, học đạo Lão Tử, sau người ta vẫn xưng Lão Tử với Trang Tử là tổ của Đạo gia.
LỜI BÀN
Khéo thật! Người ta chỉ cách nhau một làn da, mà ai đã chắc biết được ai! Sông còn dò, núi còn đo được, vì nó biểu hiện ra ngoài,chớ lòng người ẩn phục bên trong, lấy gì mà cân nhắc, lấy gì mà lường xét. Cho nên ta chỉ trông thấy bề ngoài, thì ta chớ vội đã tin bên trong. Trong, ngoài thường khi trái hẳn nhau. Ta phải để tâm nhận cho kỹ, ta phải biết cách xem cho tường. Đoạn dưới bài này, tác giả chính bảo cho ta cái cách ấy, là cái cách biết được người thế nào là trung, tín, là tài, trí, nhân, tiết.v.v.. Cái cách ấy kể cũng không khó, chỉ cốt phải đưa người ta hẳn vào việc làm hay khiến người ta làm trái lại sự thực để dò biết sự thực.
Mỗi ngày một câu chuyện thiền
Đơn Độc
Có một đệ tử lúc nào cũng tìm kiếm những giải đáp từ Thiền Sư.
Thiền Sư bảo anh:
- Ở trong con có sẵn giải đáp cho mọi vấn nạn của mình, con chỉ cần biết cách tìm ra giải đáp ấy thôi.
Và một ngày, Thiền Sư tuyên bố:
- Ở trong thế giới tâm thức, con không thể bước đi nhờ vào ánh sáng của ngọn đèn người khác. Con muốn mượn cây đèn của thầy. Thầy thấy tốt hơn hết là dạy con cách tự làm lấy cây đèn cho chính con.
Truyện cười trong ngày
Chớ bao giờ xin đi chơi tối kiểu này
Con gái xin mẹ:
– Tối nay cho con đi sinh nhật một người bạn nhé!
– Thôi ở nhà đi, mẹ lo lắm
– Kìa mẹ, con có còn là trẻ con nữa đâu, con 17 tuổi rồi mà.
– Ừ, không còn trẻ con nữa mẹ mới lo
– Đừng lo mẹ ạ, ở đấy toàn bạn quen thôi, người lạ không ai hôn con đâu mà mẹ lo – Con gái trấn an mẹ.
Sunday, April 25, 2021
Truyện ngắn
NỖI ĐAU BỎ LẠI
Sáng nào cũng thấy thằng nhỏ cầm cái lon đứng chầu chực trước quán ăn. Tôi để mắt theo dõi thì hễ thấy thực khách vừa kêu tính tiền thì thằng bé chạy vào nhìn vào những cái tô, nếu còn thức ăn dư mứa thì nó vội vã trút vào cái lon rồi chạy ra ngoài đứng ngóng tiếp.
Khi cái lon gần đầy thì nó biến mất, chập sau thấy nó lại có mặt thập thò trước quán tiếp tục. Bàn tôi ngồi thì đứa bé không bao giờ quan tâm tới, vì mỗi sáng tôi chỉ đủ tiền uống 1 ly xây chừng vì tôi cũng nghèo cải tạo mới về sáng nhịn đói ngồi uống cà phê đen như một cái thú hay một cái tật không bỏ được.
Cứ thế, mà hơn một năm tôi mới quen được và tìm hiểu chút ít về hoàn cảnh gia đình của đứa bé. Tôi cố tình làm quen với thằng bé nhờ hôm ấy trời mưa, thằng bé đứng nép vào trong quán. Thằng bé đứng nép vào ngày càng sâu hơn trong quán vì mưa ngày càng lớn chỉ cách tôi chừng độ nửa thước. Tôi vói tay kéo nó ngồi xuống bàn và hỏi nó có thích uống cà phê không?
Thằng bé lắc đầu lia lịa và nói không uống. Tôi hỏi nó làm gì ngày nào cũng ra đây? và hiện sống với ai? Thằng bé như đoán được rằng: tôi chỉ là người khách ghiền cà phê nặng nên hàng ngày đóng đô ở đây nên nó cũng trả lời nhanh nhẹn rằng:
– “Con sống với ba má con, Ba con đi làm xa còn Má con đi phụ buôn bán ở ngoài chợ ..”
Tôi hỏi tiếp:
– “Còn con có đi học không ?”
Thằng bé nói:
– “Con không có đi học .. Con ở nhà phụ với má nuôi heo ..”.
Đó là lý do để nói lên sự hiện diện hằng ngày của nó nơi quán ăn nầy. Nghe thằng bé nói như thế, tôi nói với chị chủ quán ăn giúp cho nó lấy những cơm và thức ăn thừa, và cũng từ đó nó không còn đứng lúp ló ngoài cửa quán nửa. Và nhờ tánh tình hiền hậu thật thà chị chủ quán cho nó vô phụ dọn bàn đề lấy thức ăn dư mang về và cho nó ăn uống để phụ việc. Từ đó tôi và nó gần gũi nhau hơn và thân với nhau lắm.
Có lần thằng bé hỏi tôi:
– “Chú làm nghề gì vậy hả chú?”
Tôi chỉ trả lời ngắn gọn là “Chú đang làm thinh.”.
Đúng vậy mới cải tạo về mà, vợ con thì đã theo bên ngoại vượt biển hết rồi, nghe đâu đã định cư bên Úc, nay về ở với mẹ già ngày một buổi cà phê hai bửa cơm độn qua ngày. Thời gian ngột ngạt chậm chạp trôi qua, may mắn vợ chồng tôi đã bắt liên lạc được với nhau. Thế là những bữa cơm không còn ăn độn khoai củ hay bo bo nữa nhưng vẫn quen cử sáng cà phê quán gần nhà.
Không biết chị chủ quán có bỏ bùa mê hay tôi ghiền chổ ngồi mà không bữa nào vắng tôi. Một hôm, tôi đề nghị theo thằng bé về nhà nó chơi cho biết vì nó nói ở cũng gần không xa lắm. Thấy nó do dự và tỏ vẻ sợ sệt, tôi biết ngay nó đang dấu diếm điều gì. Thương nó lắm, tôi dúi tiền cho nó hoài. Mấy hôm sau tôi lẳng lặng đi theo nó khi nó mang cơm và thức ăn dư về nhà buổi trưa. Khi thấy nó lủi vô một cái chòi nhỏ xíu thì tôi thật sự không ngờ.
Đứng dưới gốc cây Gòn cách nhà nó không xa tôi thầm nghĩ, nhà chút xíu như vậy gia đình 3 người ở thì chỗ đâu mà nuôi heo. Tôi đang đứng suy nghĩ đốt cũng hết mấy điếu thuốc thì thằng nhỏ lục tục xách lon xách nồi đi ra quán để thu dọn thức ăn buổi chiều. Đợi thằng bé đi khuất tôi lò mò đến nơi mà hồi nãy nó vào. Đến đó mới nhìn rõ thì thật ra đâu có phải là nhà, một lõm trống được che dựng lên bằng những phế liệu đủ loại muốn chui vào phải khom mọp xuống.
Nghe thấy có tiếng chân dừng lại, có tiếng đàn bà vọng ra hỏi. Tôi trả lời là đi kiếm thằng Tuất, thì nghe giọng đàn ông cho biết nó vừa đi khỏi rồi, và hỏi tôi là ai, mời tôi vào .. Vừa khom người chui vào tôi mới thật sự không ngờ những gì hiển hiện trước mắt tôi.
Người đàn ông hốc hác cụt hai giò tuổi cũng trạc tôi nhưng trông yếu đuối, lam lũ và khắc khổ lắm. Một người đàn bà bệnh hoạn xác xơ cả hai đang ăn những thức ăn thừa mà thằng bé vừa mới đem về. Vừa bàng hoàng, vừa cảm động vừa xót xa, nước mắt tôi bất chợt tuôn rơi mặc dù tôi cố nén ..
Từ đó, tôi hiểu rõ về người phế binh sức tàn lực kiệt sống bên người vợ thủy chung tần tảo nuôi chồng bao năm nay giờ mang bịnh ác tính nặng nề thật đau xót. Tôi móc hết tiền trong túi biếu tặng và cáo lui. Về đến nhà tôi vẫn mãi ám ảnh hoàn cảnh bi thương của gia đình thằng bé mà tôi bỏ cơm nguyên cả ngày luôn.
Sáng hôm sau ra uống cà phê, thằng bé gặp tôi nó lấm lét không dám nhìn tôi vì nó đã biết trưa hôm qua tôi có tới nhà nó. Nó thì tỏ vẻ sợ tôi, nhưng tôi thực sự vừa thương vừa nể phục nó nhiều lắm. Tôi kêu nó lại và nói nhỏ với nó tại sao không cho tôi biết. Tội nghiệp nó cúi đầu im lặng làm lòng tôi thêm nỗi xót xa. Có khách kêu trả tiền, như có cơ hội né tránh tôi nó chạy đi dọn bàn và tiếp tục công việc thu dọn thức ăn. Hèn gì sau nầy nó để thức ăn dư phân loại đàng hoàng lắm.
Tội nghiệp hoàn cảnh của thằng bé mới mấy tuổi đầu mà vất vả nuôi cha mẹ theo khả năng chỉ tới đó. Cha là một phế binh cũ trước 75 cụt hai chân, mẹ thì bị bệnh gan nặng bụng phình trướng to khủng khiếp và cặp chân sưng vù lên đi đứng thật khó khăn, nước da thì vàng mét như nghệ. Thằng bé là lao động chánh trong gia đình, nó có hiếu lắm. Từ đó tôi thường cho tiền đứa bé mua bánh mì cơm gạo về nuôi cha mẹ.
Vợ tôi làm thủ tục bảo lãnh tôi sang Úc. Ngày tôi đi tôi đau xót phải để lại hai nỗi buồn đó là để mẹ và em gái lại quê nhà và không còn cơ hội giúp đỡ thằng bé nữa. Sang Úc định cư, tôi sống tại tiểu bang Victoria mấy năm đầu tôi hết sức cơ cực vì phải vật lộn với cuộc sống mới nơi đất mới và đối với tôi tất cả đều mới mẻ và xa lạ quá. Từ ngôn ngữ đến thời tiết đã làm tôi lao đao không ít. Thỉnh thoảng tôi gởi tiền về nuôi mẹ và em gái không quên dặn em gái tôi chuyển cho thằng bé chút ít gọi là chút tình phương xa.
Mấy năm sau tôi về thăm gia đình, tôi có ghé tìm thằng bé thì nó không còn lấy thức ăn trong quán đó nữa. Tôi mới kể rõ hoàn cảnh thằng bé cho chị chủ quán biết. Chị chủ quán đôi mắt đỏ hoe trách tôi sao không cho chị biết sớm để chị tìm cách giúp gia đình nó. Tôi chỉ bào chữa rằng tại thằng bé muốn giấu không cho ai biết! Tôi ghé vội qua nhà thằng bé thì mới hay mẹ nó đã qua đời vì căn bệnh ung thư gan.
Chỉ còn chèo queo một mình ba nó ở trần nằm một góc trông hết sức thương tâm. Hỏi thăm thì mới biết nó đã xin được việc làm đi phụ hồ kiếm tiền về nuôi cha. Chúa nhật tôi tới tìm thằng bé, chỉ mới có mấy năm mà nó đã cao lớn thành thanh niên rất đẹp trai duy chỉ đen đúa vì phơi nắng để kiếm đồng tiền. Tôi dẫn nó trở ra quán cà phê cũ, thấy nó hơi ái ngại, tôi trấn an là bà chủ quán tốt lắm tại không biết được hoàn cảnh gia đình nó.
Ra đến quán ăn chị chủ quán năn nỉ nó về làm với chị, dọn dẹp và bưng thức ăn cho khách nhẹ nhàng hơn đi phụ hồ và chị sẽ trả lương như đang lãnh bên phụ hồ, tối về thức ăn thường bán không hết chị cho đem về nhà dùng khỏi phải mua hay đi chợ. Lần đầu tiên tôi thấy nó khóc, chị chủ quán cũng khóc theo làm tôi phải đứng dậy bỏ ra ngoài để khỏi phải rơi nước mắt vì chịu không nỗi.
Thằng Tuất vừa khóc vừa nói: “Sao ai cũng tốt với gia đình con hết đó, nhưng vì con đang làm phụ hồ cho anh Năm, anh ấy cũng tốt lắm giúp đỡ gia đình con nhiều lắm, sáng nào cũng mua cho ba con gói xôi hay bánh mì trước khi tụi con đi làm. Con cũng mang ơn ảnh nhiều nên con không thể nghỉ được, con xin lỗi! ..”.
Không biết thằng Tuất nó nói thật hay nó ái ngại khi quay về chỗ mà ngày nào cũng cầm cái lon chầu chực trút đồ ăn dư về nuôi cha mẹ. Phải thông cảm nó, phải hiểu cho nó, phải cho nó có cái hiện tại và tương lai tốt hơn, đẹp hơn ngày trước. Chị chủ quán vừa gạt nước mắt vừa nói “Bất cứ lúc nào con cần đến cô thì con đừng ngại, cho cô biết nhé ...”.
Đời này cũng còn có những hoàn cảnh bi đát ít ai biết đến, và cũng có những đứa con xứng đáng như thằng Tuất. Ngày về lại Úc, tôi đến biếu hai cha con nó hai triệu đồng, thấy nó và ba nó mừng lắm tôi cũng vui lây. Không biết phải giúp gia đình nó như thế nào, tôi chụp hình ba nó, photocopy giấy tờ ba nó đem về Úc gởi cho Hội cứu trợ thương phế binh bị quên lãng trụ sở ở Sydney.
Mấy tháng sau nhận được thư ba thằng Tuất viết qua, ông quá vui mừng khi được Hội bên Úc giúp đỡ gởi tiền về, ông cho biết suốt bao nhiêu năm qua lần đầu tiên ông thấy được niềm hạnh phúc khi cuộc đời phế binh của ông còn có người nhớ đến. Không biết ông ấy vui bao nhiêu mà chính tôi cũng hết sức vui mừng khi thực hiện một việc làm đem niềm vui đến cho những người phế binh sống hết sức đói nghèo bên quê mẹ.
Cổ học tinh hoa
THỰC HỌC
Hết thảy mọi việc, việc gì cũng có tình hình thực sự. Làm thì làm thực sự, chớ vụ hư danh.
Hết thảy câu nói, câu gì cũng có điểm mầu nhiệm. Nói thì nói cho ra nói, chớ có vọng ngôn.
Hết thảy mọi vật, mỗi vật có một lý rất phải. Nếu không hiểu rõ lý ấy, thì nhận xét dễ sai lầm mà thành mê muội.
Hết thảy mọi người, mỗi người, ta có một cách để cư xử đối phó, nếu không biết xử thì dễ sinh ra bất hòa, rồi chán ghét nhau.
Người ta đi học cần cái gì, chỉ cần học làm cho có sự thật, học nói cho khỏi vọng ngôn, học biết mọi vật cho tinh, học xử với mọi người cho phải...Học chỉ học thế thôi. Không chỗ nào không phải là chỗ học, không lúc nào không phải là lúc học, không tâm niệm nào không phải là tâm niệm để học. Cố học cho được hiểu trọn vẹn, chớ hiểu dở dang, cố học cho kỳ được, học cho đến nơi đến chốn, chớ có tự mãn tự túc. Thế mới đáng gọi là người học giả.
Khuyết Danh
LỜI BÀN
Thực học là lối học thực tế, học cho mở mang trí thức, học cho dầy dặn năng lực, để thành tài để ra người, để làm người hữu dụng: Nhỏ thì hữu dụng cho xã hội, to thì hữu dụng cho quốc gia, cho thiên hạ.
Thực học trái người với lối học hư văn là lối tục học, phù hoa khinh bạc, lòe đời, nịnh đời, chỉ tổ tự hại và hại tha, tuyệt không có gì là hữu dụng cả. Thế cho nên người đi học thì nhiều, người hữu dụng thì ít; đời mới than phiền: “hiếm nhân tài!”.
Mỗi ngày một câu chuyện thiền
Đối Lập
Một người có đầu óc canh tân cảm thấy chán nản vì hay bị chỉ trích. Thiền Sư bảo ông ta:
- Bạn hãy lắng nghe những lời nói của người chỉ trích. Người ấy tiết lộ những điều mà bạn bè che giấu bạn.
Nhưng Thiền Sư cũng nói:
- Bạn đừng ngã lòng vì những điều mà người chỉ trích nói. Không bao giờ có ai dựng tượng để tôn vinh một người chỉ trích. Những bức tượng chỉ được tạc cho những người bị chỉ trích.
Truyện cười trong ngày
“Bố ơi!”
Có 2 vợ chồng sinh được 1 đứa con trai rất kháu khỉnh. Tuy nhiên đến tận 2 tuổi nó vẫn chưa biết nói.
Dù cả nhà cố gắng tập nói nhưng thằng bé cũng chỉ kêu vài tiếng ú ớ.
Rồi đến năm 3 tuổi.. rồi 4 tuổi... nó vẫn chẳng nói được câu nào.
Phải đến lần sinh nhật thứ 5 thằng bé mới nói được 1 câu: "Ông Ngoại"!.
Khỏi phải nói cả gia đình sướng đến phát điên, mở tiệc ăn mừng tưng bừng. Nhưng đến ngày hôm sau thì ông ngoại thằng bé qua đời...
Thế rồi nó lại rơi vào im lặng suốt 1 tháng.
Sau 1 tháng đó thằng bé lại bật ra được 1 câu nữa: "Bà Ngoại".
Sáng hôm sau bà ngoại thằng bé qua đời.
Rồi nó lại rơi vào im lặng. Cả nhà bắt đầu thấy lo sợ...
Thế rồi ngày đó cũng đến, thằng bé cất tiếng gọi: “Bố ơi!”.
Người bố buồn chán, ăn một bữa cơm ngon cuối cùng trong đời rồi lên giường nằm chờ trời sáng, đợi cái chết. Đợi lâu quá ông ta ngủ quên mất.
Sáng sớm hôm sau ông ta bị đánh thức bởi tiếng kêu khóc thảm thiết từ bên nhà hàng xóm.
Ông hàng xóm đã qua đời !!!
Saturday, April 24, 2021
Truyện ngắn
HÃY KHÓC!
Sau khi bố tôi mất được ba năm, ông ấy đã đến nhà tôi. So với người cha của tôi, ông ấy tầm thường đến nỗi chẳng có ưu điểm gì đáng để nói đến.
Nhưng mà, người mẹ ngoài 50 tuổi của tôi cần có một người bầu bạn, mà yêu cầu của người già đã ngoài 50 đối với một nửa kia chỉ cần phẩm cách tốt là được rồi.
Về mặt này ông ấy có đủ điều kiện, bởi ông là người tốt nổi tiếng gần xa, là người thật thà chất phác. Cái hôm gặp gỡ lần đầu tiên với mẹ tôi, ông rất bối rối.
Bởi ông biết rất rõ rằng mọi phương diện của mình đều không có ưu thế: nhà thì chật hẹp, tiền lương thì ít, ông chỉ là một công nhân phổ thông nghỉ hưu, hơn nữa nhà của cậu con trai vừa mới kết hôn cũng cần đến sự giúp đỡ của ông.
Thật lòng, mẹ tôi cũng chỉ vì nể mặt người mai mối nên mới quyết định đến gặp ông ấy. Và cuối cùng, mẹ đã có thiện cảm với ông ấy bởi tài nghệ nấu nướng của ông.
Sau khi gặp mặt, ông ấy nói: "Bà Hồng này, tôi biết điều kiện của bà rất tốt, không thiếu gì cả, thật tôi không có gì đáng để gửi tặng bà. Nhưng dù thế nào, chúng ta hãy thử quen nhau xem sao, chiều nay bà hãy ở lại nhà tôi dùng bữa cơm đạm bạc nhé!".
Tấm lòng chân thành của ông khiến mẹ tôi không nỡ từ chối, bà đã ở lại. Ông không để bà động tay đến, thoáng chốc đã làm một bát canh với bốn loại rau, đặc biệt là món bí ngô nấu thịt, mẹ tôi đã ăn ngon đến không nỡ đặt đũa xuống.
Trước khi đi, ông đã nói với mẹ tôi rằng: "Sau này nếu như muốn ăn nữa, thì hãy đến đây. Nhà tôi tuy không khá giả lắm, nhưng chiêu đãi món bí ngô thì không tốn công phí sức chút nào".
Về sau, mẹ tôi lần lượt gặp thêm vài người lão niên khác nữa, tuy điều kiện của mọi người mẹ gặp đều tốt hơn ông ấy, nhưng cuối cùng mẹ tôi vẫn chọn ông.
Lí do thật ra cũng được xem là ích kỷ, bà ấy đã phục vụ và chăm sóc ba tôi hơn nửa đời người rồi, lần này bà muốn một lần được người ta chăm sóc lại.
Cứ như vậy, ông ấy và mẹ tôi đã đến với nhau…
Hôm đó, ông ấy, mẹ tôi, thêm tôi nữa, còn có gia đình ba người của con trai ông cùng dùng một bữa cơm với nhau.
Tôi đặc biệt sắp xếp bữa cơm này trong một khách sạn năm sao sang trọng, bên ngoài thì là bày tỏ sự tôn trọng đối với ông, thật ra là thông qua đó tôi thể hiện đẳng cấp của mình.
Khi rời khỏi khách sạn, ông nhẹ nhàng nói với tôi: "Từ nay chúng ta đã là người nhà với nhau rồi, là hai bố con đấy! Sau này nếu con muốn mời bố ăn cơm thì chỉ việc đi đến những quán ăn bên đường là được rồi, ở đó bố sẽ ăn được thoải mái hơn, lòng không bị đau và cũng không thấy tiếc tiền".
Chính tình cảm chân thành của ông đã làm tổn thương cái tâm hư vinh giả dối của tôi, khiến tôi cảm thấy đấu trí với một người thật thà, giống như một người lớn lấy kẹo để dụ dỗ một đứa con nít vậy, thật là vô sỉ chẳng còn gì để nói nữa.
Ông ấy đã chăm lo cho mẹ tôi rất tốt, bà ấy mỗi lần gặp tôi đều bảo cần phải giảm cân, đó là một giọng điệu hạnh phúc.
Ông ấy nấu ăn thật sự rất ngon. Một lần nọ, khi cùng ăn cơm với mọi người, tôi không nhịn được nói với vợ rằng: "Lần sau khi chú Phúc làm cơm, em hãy ở bên cạnh mà học hỏi một chút".
Tôi thấy sắc mặt của vợ vốn không hề có phần muốn học, trái lại còn có mấy phần tức giận.
Ông vội vàng đứng ra giải vây, ông nói: "Một đời này của bố đều không làm được gì tốt cả, chỉ có chút tài nghệ làm được mấy món ăn, các con đều là những người làm chuyện đại sự, tuyệt đối đừng có học theo ta, nếu như muốn ăn, thì hãy đến đây, đến bất cứ lúc nào cũng được. Nấu ăn, sợ nhất là món ăn mình làm ra không có người ăn".
Hôm chúng tôi ra về, ông ấy đã gói rất nhiều đồ do chính tay ông làm bảo chúng tôi mang về, vừa cầm lấy tay tôi vừa nói: "Đừng có khen cơm bố nấu ngon nữa, nói thật lòng, hễ có người nói đến ưu điểm này thì bố thấy ngại lắm. Một người đàn ông chỉ biết nấu ăn, còn những phương diện khác thì lại không làm được trò trống gì cả, đây đâu thể nói là ưu điểm được".
Trên đường về nhà, tôi đã kể lại cho vợ nghe những lời này của ông. Cô ấy nói: "Người như ông ta, trời sinh là số phải phục vụ người ta, trời sinh chính là bằng lòng cúi đầu đến sát mặt đất. Mẹ chúng ta có phúc khí, già rồi còn làm một hoàng thái hậu".
Tôi vừa lái xe, vừa dùng mắt liếc nhìn vợ, cảm nhận sự khinh thường của vợ đối với ông ấy, trong lòng lại không biện giải gì cho ông. Rốt cuộc, ông trước sau vẫn là một người ngoài mà.
Hôm tôi dọn sang nhà mới, ông ấy và mẹ đã đến giúp tôi cúng đất đai gia trạch cho chúng tôi. Ông đã làm theo tập tục một cách cẩn thận, kỹ càng, đâu vào đấy. Nhưng, đến lúc ăn cơm, ông lại không xuất hiện trên ghế dành cho bề trên, tìm khắp nơi đều không thấy ông ấy, gọi điện thoại cho ông, cũng ở trong tình trạng khóa máy.
Dường như đã tính toán kỹ thời gian, khi khách khứa đi hết cả, ông đã quay trở lại, cẩn thận dọn dẹp đống bát đĩa bừa bộn đó, đem những đồ ăn còn thừa lại đựng trong hộp cơm mà ông đã chuẩn bị sẵn, để mang về nhà ăn.
Mẹ không mong ông làm như vậy, cảm thấy tủi thân cho ông, ông nhỏ tiếng nói thầm với bà rằng: "Buổi tối anh sẽ nấu cơm mới cho em, những cái này anh sẽ tự ăn hết".
Mẹ nói: "Làm gì mà ngày nào cũng phải ăn cơm thừa rau thừa như vậy chứ? Anh có biết rằng em thấy anh làm như vậy, trong lòng rất khó chịu hay không?".
Ông ấy an ủi mẹ tôi rằng: "Em tuyệt đối đừng thấy khó chịu, để anh nhìn thấy lãng phí như vậy, trong lòng anh mới không dễ chịu. Tiền của Khôi (tên của tôi) đều rất vất vả mà đánh đổi lấy, chúng ta không giúp con nó được gì cả, vậy thì hãy gắng sức tiết kiệm thay cho nó".
Lời của ông khiến mẹ tôi day dứt, sau đó bà ấy quyết định nói với tôi. Nghe mẹ nói thay cho ông ấy trong điện thoại, cảm giác trong lòng tôi lúc ấy rất phức tạp, đồng thời cũng cảm thấy rất xấu hổ. Dần dần, thiện cảm đối với ông ấy mỗi lúc một nhiều hơn.
Ông ấy âm thầm làm rất nhiều chuyện cho chúng tôi: thay ống nước bị hư trong nhà, mỗi ngày đưa cháu đến nhà trẻ và rước cháu về nhà, khi mẹ nằm viện ông ấy đã không ngủ không nghỉ mà chăm sóc bà, mãi đến sau khi xuất viện mới nói với chúng tôi.
Chỉ là không ngờ có một ngày, ông cũng ngã bệnh, hơn nữa bệnh còn rất nghiêm trọng. Trên đường ông ấy đưa con của tôi đến nhà trẻ thì đột nhiên ngã xuống – bệnh tai biến mạch máu não, bán thân bất toại mà nằm trên giường.
Tôi và con trai của ông ấy, ban đầu đều rất tích cực đối với việc trị liệu của ông, chúng tôi mong ông mau chóng khỏe lại, vẫn có thể chịu mệt nhọc vất vả mà phục vụ cho chúng tôi giống như trước đây.
Nhưng mà, ông đã không bao giờ đứng dậy được nữa. Trước đây ông lúc nào cũng mỉm cười, không ngờ giờ đây đã biến thành yếu ớt như vậy, lúc nào cũng chảy nước mắt.
Mẹ chăm sóc cho ông, ông khóc; chúng tôi đẩy xe lăn dẫn ông đi chơi vùng ngoại ô, ông khóc; nhiều lần nằm viện, nhìn thấy tiền tiêu đi như nước; ông khóc.
Một ngày, ông đã dùng con dao cạo râu ra sức cắt cổ tay của mình. Cấp cứu trong suốt 5 giờ đồng hồ, ông mới từ cõi chết trở về, rất mệt mỏi, cũng rất tuyệt vọng.
Điều thật sự không ngờ rằng, người đầu tiên bỏ ông ấy đi lại chính là con trai của ông. Con trai của ông rất ít khi đến thăm ông, sau này còn không ló mặt đến một lần. Mỗi lần gọi điện thoại, anh ta đều nói rằng mình đang đi công tác, trở về sẽ ghé thăm ông.
Điều khiến tôi không ngờ hơn nữa, mẹ tôi vào lúc này cũng đề xuất với tôi rằng bà muốn chia tay với ông. Hai người vốn dĩ chưa đăng ký, chỉ là chuyện vỗ mạnh một cái mỗi người mỗi ngả.
Mẹ nói với tôi rằng: "Mẹ đã già rồi, không lo nổi cho ông ấy. Mẹ không giúp được gì cho con cả, nhưng cũng không thể mang một người cha tàn phế về, làm liên lụy con được". Đây chính là hiện thực tàn nhẫn.
Tôi không muốn để mẹ tôi làm người ác, thế là tôi đành phải nhẫn tâm đóng vai kẻ ác, quyết định tự mình đến nói ra chuyện chia tay này.
Tôi nói với ông, vẫn đang nằm trên giường bệnh rằng: "Chú Phúc, mẹ con bệnh rồi". Nước mắt của ông lại tuôn trào ra như mưa. Tôi gắng sức nói tiếp những lời tàn nhẫn: "Chú biết đấy, mẹ con cũng đã có tuổi rồi. Những ngày này, bà ấy đối với chú như thế nào, chú cũng đã thấy rồi".
Chú tiếp tục chảy nước mắt gật đầu. Tôi lại nói tiếp: "Chú Phúc, chúng con còn phải đi làm, mẹ con sức khỏe lại không tốt. Chú xem như vậy có được không, sau khi xuất viện, chú hãy về nhà của chú, con sẽ thuê một bảo mẫu cho chú. Đương nhiên, tiền sẽ do con trả, con cũng sẽ thường xuyên đến thăm chú".
Khi nói đến đây, chú không khóc nữa. Chú gật đầu liên hồi, nói một cách cảm kích: "Nếu được như vậy thì tốt quá, nếu được như vậy thật đúng là tốt quá. Không cần mời bảo mẫu, thật sự không cần…".
Tôi bước ra khuôn viên của bệnh viện mà chảy nước mắt, không rõ đó là cảm giác nhẹ nhõm sau khi được giải thoát, hay là trong lòng có nỗi day dứt không nói thành lời.
Tôi thuê một bảo mẫu cho ông ấy, trả trước chi phí trong một năm. Sau đó, tôi đến nhà ông ấy, thuê công nhân tu sửa lại nhà của ông một chút, tôi đã cố gắng trọn nhân trọn nghĩa. Không phải vì ông, chỉ vì an ủi nỗi bất an trong lòng. Cái ngày ông ấy xuất viện trở về nhà, tôi không đến đón, mà bảo tài xế trong đơn vị đến đón ông.
Tài xế sau khi trở về đã nói với tôi rằng: "Chú Phúc nhờ tôi nói tiếng cảm ơn với anh, còn bảo rằng ngay cả con trai ruột của chú, cũng không làm được như vậy".
Những lời này, đã an ủi tôi ít nhiều, khiến tôi nhẹ nhõm phần nào, nhưng loại an ủi này vốn không duy trì được bao lâu.
Ngày Tết không có ông ấy ở nhà, chúng tôi cảm thấy có chút buồn tẻ, không còn một người bằng lòng vùi đầu vào trong nhà bếp, làm đủ các loại món ăn cho chúng tôi.
Chúng tôi ngồi ăn cơm tất niên trong khách sạn năm sao, nhưng lại không cảm nhận được cái hương vị nồng ấm của ngày Tết nữa. Con trai trên đường về nhà nói: "Con muốn ăn món cá chép do ông nội làm".
Vợ tôi nháy mắt ra hiệu cho con trai đừng nói nữa, nhưng con lại càng dữ dội hơn: "Tại sao mọi người không để ông nội về nhà đón Tết, mọi người thật đúng là xấu xa mà!".
Vợ tôi tức giận giáng cho con trai một cái bạt tai thật mạnh. Nhưng cái bạt tai đó như là đang đánh vào mặt tôi vậy, khắp mặt sưng lên đau đớn. Một câu nói của con trai, khiến cho điều chúng tôi tự thấy an ủi đều đã sụp đổ tan tành.
Tôi nhìn qua kính chiếu hậu, nhìn thấy đôi mắt của mẹ cũng đang đỏ hoe. Đó là ngày 30 Tết buồn biết mấy. Tôi thấy rất nhớ năm ngoái, năm mà ông ấy vẫn còn ở nhà chúng tôi, một gia đình ấm cúng hạnh phúc, được xây dựng trong sự lặng lẽ của một người.
Không biết giờ này, chú Phúc đang đón tết với ai? Liệu có nhớ đến chúng tôi chăng? Liệu có vì sự vô tâm của chúng tôi mà cảm thấy tủi thân?
Sau khi đón giao thừa xong, tôi lái xe đi đến chỗ của chú Phúc. Ông ấy bước những bước chân tập tễnh ra mở cửa cho tôi, nhìn thấy tôi, miệng thì nở nụ cười, nhưng mắt lại đẫm lệ.
Đi vào ngôi nhà lạnh lẽo của ông, nước mắt của tôi cũng không thể ngăn lại. Tôi cầm điện thoại lên gọi cho con trai của ông ấy, sau khi mắng cho anh ta một trận, bắt đầu đồ xôi và kho nồi thịt kho cho ông.
Bảo mẫu đã về nhà đón Tết, trong tủ lạnh đã chuẩn bị sẵn điểm tâm đủ cho ông ấy dùng đến ngày 15, trong lòng tôi cũng thầm trách mẹ.
Những nắm xôi nóng hổi cuối cùng đã giúp nhà ông ấy có được một chút không khí ấm cúng của ngày Tết. Chúng tôi cứ ăn một miếng, nước mắt lại rơi lã chã.
Buổi sáng tinh mơ của ngày mùng một, tôi lảo đảo rời khỏi căn nhà của ông, tôi uống rượu. Tôi đậu xe ngay dưới lầu của nhà ông ấy, một mình đi trên con đường lạnh tanh, trong lòng đầy thê lương.
Điện thoại reo lên, là vợ gọi đến: "Anh ở đâu vậy hả?".
Tôi phát hỏa: "Tôi đang ở trong nhà của một ông lão cô độc, nghe rõ chưa hả? Chúng ta là loại người gì vậy hả? Khi ông ấy có thể đi lại được, chúng ta lợi dụng người ta; bây giờ ông không cử động được nữa, chúng ta lại gửi trả về. Lương tâm chúng ta phải chăng đã bị chó tha mất rồi, vậy mà còn đòi học theo người ta nói nhân nghĩa đạo đức, tôi khinh!".
Ở trên đường cái, tôi mắng chửi bản thân mình thật tệ hại, mắng đủ rồi, mắng mệt rồi, tôi không chút do dự mà chạy trở lại, cõng ông ấy trên lưng rồi đi ra bên ngoài. Ông giãy giụa, hỏi tôi: "Con làm vậy là sao?".
Tôi lấy giọng điệu chắc nịch mà nói với ông rằng: "Về nhà".
Ông ấy đã trở về. Người cảm thấy vui nhất là con trai tôi. Nó vừa ôm vừa hôn ông, luôn miệng đòi ăn món cá chép, đòi ăn món mỳ bò, muốn làm thẻ siêu nhân.
Vợ lôi tôi vào trong phòng, hỏi tôi: "Anh điên rồi sao? Ngay đến cả con trai ông ta còn không lo cho ông ta, anh dẫn ông ta về nhà làm gì vậy?".
Tôi không còn nổi nóng nữa, ôn hòa nhã nhặn nói với cô ấy: "Con trai ông ấy làm chuyện không đúng, đó là chuyện của anh ta, không nên lấy đó làm cái cớ để chúng ta bỏ rơi ông ấy.
Anh không yêu cầu em phải xem ông ấy như bố chồng của mình, nhưng mà, nếu như em yêu anh, nếu như em biết nghĩ cho anh, thì hãy xem ông ấy như người nhà, bởi trong lòng của anh, ông ấy chính là người nhà, chính là người thân, bỏ rơi ông ấy thì rất dễ dàng, nhưng không giấu được nỗi day dứt trong tâm. Anh muốn tâm mình được thanh thản một chút, chỉ đơn giản vậy thôi".
Cùng một lời này, khi nói với mẹ, bà nước mắt như mưa, nắm chặt lấy tay tôi nói rằng: "Con trai à, mẹ thật không ngờ con lại có tình có nghĩa như vậy".
Tôi nói: "Mẹ, mẹ yên tâm đi. Nói hơi khó nghe một chút, cho dù sau này có một ngày, mẹ mà đi trước chú ấy, con cũng sẽ phụng dưỡng chú ấy đến cuối đời, với thu nhập của con hiện giờ, nuôi chú ấy nào là chuyện khó gì? Thêm một người thân, thì có gì không tốt chứ?".
Một lúc sau, con trai tôi đi vào xin tôi: "Bố ơi, đừng có gửi ông nội về đâu nữa. Sau này, con sẽ chăm sóc ông ấy. Sau này bố già rồi, con cũng chăm sóc bố mà!".
Tôi ôm con trai vào lòng, trống ngực đập thình thịch, thật may là vẫn chưa quá muộn, còn may chưa để lại một ấn tượng bất hiếu trong lòng của con.
"Ông nội mà, chính là để cho chúng ta yêu thương, sao lại gửi đi được nữa!".
Tôi mở miệng nói đùa với con trai, để củng cố niềm tin vững chắc cho nó.
Cổ học tinh hoa
BỆNH MÊ
Nước Tần có con nhà học Bàng, lúc nhỏ thông minh khôn ngoan sớm, đến lúc lớn tự nhiên mắc phải bệnh mê; nghe hát cho là khóc, trông trắng hóa ra đen, ngửi thơm cho là thối, ăn ngọt cho là đắng. Tính hạnh anh dở mà cứ cho là phải, bao nhiêu những cái anh ta nghĩ đến, trời, đất, bốn phương, nước, lửa, nực, rét, không cái gì là không đảo ngược sai lầm cả.
Có người bảo cha anh rằng:
Bậc quân tử nước Lỗ có lắm thuật, nhiều nghề họa may chữa được chăng, sao không đưa đi mà hỏi.
Người cha sang nước Lỗ. Khi qua nước Tần gặp ông Lão Đam, nhân nói chuyện chứng bệnh của con.
Lão Đam nói:
Nhà ngươi há biết được cái bệnh mê của con nhà ngươi đâu. Nay thiên hạ ai ai cũng ù ờ phải trái, mờ mịt, về lợi hại, kẻ mắc phải bệnh mê như con nhà ngươi rất nhiều, chẳng có ai tỉnh cả.
Vả lại, một mình mê không đủ làm lụy một nhà, một nhà mê không đủ làm lụy một nước, một nước mê không đủ làm lụy cả thiên hạ. Thiên hạ ai ai cũng mê cả, thì còn ai làm lụy ai được nữa.
Giả sử thiên hạ ai cũng mê như con nhà ngươi mà chỉ nhà ngươi muốn chữa bệnh mê, thế thì chính nhà ngươi lại hóa ra mê mất. Ở đời những sự thương, vui, lẽ phải trái, những cái mắt trông, tai nghe, mồm nếm, mũi ngửi, ai nấy là người chắc cứ cho như thế mới là phải. Này ngay như lời nói ta đây, vị tất đã khỏi mê, huống chí người quân tử nước Lỗ lại là người quá ư mê, thì chữa sao được bệnh mê của người. Nhà ngươi đem bao nhiêu tiền đi tìm thầy chữa chạy, chẳng bằng nghe ta trở về ngay còn hơn.
Liệt Tử
GIẢI NGHĨA
Liệt Tử: sách của Liệt Ngữ Khấu hay người truyền học thuyết của Liệt Ngữ Khấu soạn ra, có tám quyển, sau nhà Đường, nhà Tống đặt tên là Sung Hư Chân Kinh, hay Sung Hu chí đức chân kinh.
Tần: tên nước mạnh nhất thời Xuân Thu-Chiến Quốc (ở vào tỉnh Thiểm Tây bây giờ) đến đời Thủy Hoàng, nước Tần chiếm được cả sáu nước mà nhất thống thiên hạ. Quân tử nước Lỗ: tức là ám chỉ Đức Khổng Tử.
Lỗ: tên một nước nhỏ, có tự đời nhà Chu sau phải nước Sở diệt mất, ở vào phủ Duyên Châu và Bĩ tức tỉnh Sơn Đông ngày nay.
Lắm thuật nhiều nghề: lắm cách nhiều lối Lão Đam: tức Lão Tử, họ Lý tên Nhi, người Xuân Thu có làm sách Đạo đức kinh, tổ đạo
LỜI BÀN
Bài ngày cũng như bài trên có ý chê Đức Khổng Tử, bác hẳn cái nếp đã thành ở đời, xưa nay ai nấy, tự lúc biết đời cũng cứ cho như thế mới là phải. Nhưng xét đến nơi, cái nếp ấy chẳng qua cũng chỉ là ước định mà thôi. Ấy là không nói ở đời lắm kẻ lợi dụng cái nếp ấy làm điều giả dối để ngu hoặc người ta, lắm khi đến nỗi chỉ còn có danh mà không có thực. Giả sử bây giờ ta thử đổi cái trắng là đen, cái đen là trắng, cái ngọt là đắng, cái đắng là ngọt, nếu lâu ngày quen nếp đi, thì tất thiên hạ lại cho thế mới là thuận mà chính như bây giờ là nghịch vậy. Ôi! Cái thanh, sắc, khứu, vị rõ rệt như thế, người đời cho ngược hẳn lại được, thì cái nhân tâm, thế đạo là cái vô hình, vô trạng người đời há lại không dám ngược lại hay sao! Này những đời loạn, càn dỡ thì cho là tòng quyền, hà hiếp thì gọi là bênh vực, cái phận trên dưới không phân minh, đến cả cha con cũng bình đẳng, cái mối luân thường đã rối loạn, đến cả vợ chồng cũng tự do, mà cứ càng ngày càng đắm đuối mãi vào, thì có gọi đời là tỉnh được hay không! Hay chính là mê, mê quá không biết nữa vậy. Bệnh mê thực làm hại người ta, hầu hết cả một nước, cả loại người như điên, như cuồng, ai chữa cho khỏi, mà ai là kẻ có cách chữa được khỏi. Than ôi biết làm thế nào?
Mỗi ngày một câu chuyện thiền
Sáng Suốt
Các đệ tử hăng say tranh cãi về nguyên nhân đau khổ của nhân loại.
Người này bảo là do tính ích kỷ. Người kia thì nói là do ảo tưởng. Kẻ khác thì cho là không biết phân biệt giữa hiện thực và không hiện thực.
Khi được hỏi ý kiến, Thiền Sư trả lời:
- Mọi đau khổ đến từ việc con người không thể ngồi một mình trong yên lặng.
Truyện cười trong ngày
Khôn như lợn
Mèo và lợn là đôi bạn tốt của nhau.
Một ngày, mèo chẳng may bị rơi xuống một cái hố lớn. Lợn chạy khắp nơi tìm được một cuộn dây thừng, thế nhưng cuối cùng nó lại quẳng cả cuộn xuống dưới. Mèo buồn bực nói:
– Cậu ném hết xuống thế này thì làm sao thì kéo mình lên đây?
Lợn cuống quýt hỏi:
– Nếu khôn thì phải làm thế nào đây?
Mèo đáp:
– Cậu nên cầm một đầu của sợi dây chứ!
Lợn nghe thấy thế liền nhảy xuống hố, cầm một đầu sợi dây nói:
– Như thế này là được rồi đúng không?
Friday, April 23, 2021
Truyện ngắn
CON CHÓ MỰC CỦA NGOẠI....!
Hồi đó khu vực này còn hoang vu trống vắng, ông bà Ngoại tôi từ miền Tây lên đây lập nghiệp, tiếng là gần Saigon nhưng ở đây có đủ ruộng lúa, vườn tược và cả sông ngòi. Nhà tôi gần xóm Ụ tàu kế bên Cầu Ông Lãnh. Chiều thứ bảy nào tôi cũng đạp xe xuống khu Cù lao Nguyễn Kiệu thăm ông bà Ngoại sẵn tắm sông, câu cá, bắt cua ...tối chủ nhật chạy lên để sáng thứ hai đi học. Nhà ông Ngoại có đủ ba gian, mái ngói rêu phong, sân vườn rộng rãi. Lúc bấy giờ các cậu dì đã lập gia đình và ở ra riêng mỗi người ở mỗi phương, khi nào có giỗ chạp hay tết nhất, lễ lạt mới được gặp lại nhau...
Thấy cảnh nhà quạnh quẽ đìu hiu nên tôi xin cho ông bà Ngoại một con cún con mới ra tháng, mình mẩy nó đen tuyền từ đầu tới chân trừ đôi mắt trắng dã .Ông Ngoại đặt tên nó là con Mực nghĩa là đen như lọ nồi, hàng ngày bà ngoại chắt nước cơm pha loãng đường cho nó uống, ông ngoại thì xin một ít thức ăn thừa ở mấy hàng quán hủ tiếu, nhờ vậy mà nó mập ú na ú nần , bốn chân chắc nịch như bốn chân trụ giường , nó lớn nhanh như thổi... Ông bà Ngoại vui lắm....!
Từ ngày có con Mực cảnh nhà thật vui tươi, mỗi khi ông Ngoại đi đâu về là nó quẩy đuôi chồm lên hí sủa vang trời. Nó lè lưỡi đỏ lòm liếm tay chân ông. Thương nhất là mỗi khi ông Ngoại nằm thiêm thiếp nó nằm kế bên như canh gác, ai mà đến gần nó gầm gừ như muốn táp. Mấy con chuột cống cũng e dè không dám tự tung tự tác như trước nữa. Nó săn chuột không thua gì mèo, nội nó gầm gừ thôi là đám chuột nhắt chạy khiếp vía....!
Mấy hôm rồi có đám trộm vặt ở đâu đó vô trong miệt này định làm ăn , nhưng khi nhìn thấy con mực tụi nó hơi nhợn. Người ta nói chúa sủa là chó không cắn. Nhưng con mực nhà tôi nó không sủa mà chỉ gầm gừ thôi đủ làm ai đó hơi khiếp sợ. Nhất là khi nó trợn cặp mắt trắng dã nhìn trân trân đủ làm cho đối phương khiếp vía. Chiều nào ông ngoại cũng ra hàng quán hủ tiếu xin cho nó một ít xí quách thừa cho nó gặm. Lúc ông ngồi xuống cho nó ăn rồi vuốt đầu như hai người bạn .Ông thường bật radio nghe tin thời sự nó ngồi kế bên quẩy đuôi như đồng cảm với ông...
Một buổi chiều trời vừa sẩm tối vài giọt mưa rào lất phất lơ phơ, sợ mưa lớn sẽ làm dột chái bếp. Ông Ngoại ra sau nhà kê cái ghế lấy dây buộc lại mấy bẹ lá dừa khô. Bỗng nhiên, một cơn gió thổi qua ông thấy choáng chóng mặt rồi buông tay ngã xuống đầu đập xuống đất bất tỉnh, con Mực thấy thế lao ra sủa inh trời, nó dùng miệng ngoạm chân ông kéo vô trong nhà. Bà Ngoại nghe tiếng sủa của con Mực vội chạy ra phía sau thấy ông ngoại nằm sấp ngửa, bà hô hoán hàng xóm xúm nhau kêu xe chở ông vô bệnh viện. Các bác sĩ cho biết ông bị đứt mạch máu não khả năng cứu sống rất thấp và khuyên đưa về nhà lo hậu sự....!
Hôm đám tang ông Ngoại con Mực nằm buồn thiêm thiếp, nó không ăn uống, thỉnh thoảng nó tru lên liên hồi ai nhìn cũng xót xa. Sau đám tang không thấy nó nữa, không biết nó đi đâu... Chiều hôm qua bà Ngoại ra mộ thắp nén nhang cho ông Ngoại chợt thấy nó nằm bẹp dí bên mộ phần.Tội nghiệp nó buồn không ăn uống nên gầy trơ xương. Tôi cúi xuống vuốt ve năn nỉ nó mới chịu theo tôi vô nhà...
Ông Ngoại mất rồi mấy cậu dì khuyên bà Ngoại bán nhà về ở chung nhưng bà ngoại dứt khoát không chịu, bà bảo còn mồ mả ông Ngoại và đất đai hương hỏa bà phải ở lại giữ gìn .Bây giờ đây niềm vui còn lại là con Mực, nó cũng buồn lắm từ ngày ông mất nó hay ra phần mộ ông mà nằm kế bên, ai cũng nói nó sống có tình nghĩa hơn một số người đang thở gấp...!
Rồi một ngày nọ bà Ngoại vì đau buồn mà thành bệnh tật, các cậu dì xúm lại lo thuốc thang nhưng tâm bệnh thì khó mà chữa trị, lúc gần mất bà có ý nguyện được chôn chung gần mộ kế bên ông Ngoại. Con mực nhìn thấy bà nằm nhắm mắt nó tru lên liên hồi rồi bỏ đi mất dạng...!
Thể theo di nguyện của bà được chôn cất kế bên mộ phần ông Ngoại. Ba ngày sau mọi người ra thắp nhang mộ phần bà Ngoại thì bắt gặp con Mực nằm giữa hai nấm mồ, mắt nó nhắm nghiền, hơi thở thoi thóp. Tôi chạy đến ôm nó vào lòng, nơi khóe mắt có những giọt nước long lanh. Nghe mọi người gần đó kể lại, trước khi nằm xuống giữa hai ngôi mộ nó tru lên thê thảm...! Nó lấy chân bươi quào bên mộ phần ông Ngoại đến rướm máu rồi nằm bẹp xuống đất thở thoi thóp. Một con vật nuôi sống hiếu nghĩa cho tới lúc cuối đời nhắm mắt xuôi tay...!
Bài sưu tầm
Cổ học tinh hoa
TRỌNG NGHĨA KHINH TÀI
Ông Phạm Trọng Yêm, người nhà Tống, làm quan đến Tể Tường mà vẫn nghèo suốt đời, tính ông trọng nghĩa, khinh tài, thích làm việc bố thí nhất là đối với người trong họ, lại càng hậu lắm. Ông để dành lương bổng, mua được một thửa đất làm nghĩa trang để lấy hoa lợi cứu người nghèo khó trong họ. Phàm việc tang tóc, cưới xin của chúng, ông đều lo liệu giúp đỡ cho hết. Con ông là Thuần Nhân, đức tính cũng như ông. Lúc ông làm quan ở Khai Phong, để dành được năm trăm thùng thóc, sai Thuần Nhân đem về quê. Thuần Nhân đi đến Đan Dương gặp người bạn cũ của cha là Thạch Man Khanh, nhà đã cùng quẫn, chẳng may gặp ba cái tang một lúc, Thuần Nhân giúp cho cả năm trăm thùng thóc. Hai con gái Man Khanh lớn tuổi mà chưa gả bán xây dựng, không chỗ nương tựa. Nhân Thuần cho nốt cả cái thuyền.
Đến lúc về nhà cha hỏi:
- Con đi có gặp ai không?
Thuần Nhân thưa: - Con đi đến Đan Dương có gặp Thạch Man Khanh nhà nghèo khổ, lại gặp lúc liền ba cái tang, hai con gái lớn không có gì để gây dựng, con có tự tiện cho cả năm trăm thùng thóc mà còn chưa đủ.
Ông bảo: - Thế sao con không cho nốt cả cái thuyền?
Thuần Nhân thưa: - Con cũng đã cho cả cái thuyền rồi.
Ông khen phải, rồi nói: - Cứ như thế mới đáng là con ta.
Phạm Trọng Yêm Truyện
GIẢI NGHĨA
Phạm Trọng Yêm: bực danh thần nhà Tống, có chí to gánh vác việc đời, lo thì lo trước khi thiên hạ lo, vui thì sau khi thiên hạ vui.
Tống: Một nước chư hầu thời Xuân Thu, sau bị nước Tề lấy mất, ở vào huyện Thuợng Khưu tỉnh Hà Nam bây giờ.
Trọng nghĩa: lấy điều phải làm trọng mà hết sức làm.
Khinh tài: cho của cải là thường, không để cho của lấn được nghĩa.
LỜI BÀN
Làm quan đến bậc tể tướng mà nhà vẫn nghèo, thế là thanh liêm đáng trọng. Để dành được đồng nào lại đem bố thí cho kẻ nghèo khổ, thế là nhân đức, đáng trọng hơn nữa. Có năm trăm hộc thóc cho cả thế là thương người, đáng phục. Còn chiếc thuyền mình đi cũng cho nốt, thế là quên mình đáng phục hơn nữa. Rõ ràng cha nào, con nấy; hai cha con ông Phạm Trọng Yêm thật là có lòng nhân ái, hiểu thấu cái nghĩa cứu kẻ khốn cùng, giúp người tai nạn là việc vui lòng nhất ở đời. Cho nên ta có câu:
Sướng gì hơn sướng làm lành,
Cho bao nhiêu của để dành bấy nhiêu.