Âm nhạc với người cao tuổi: Hồi phục trí nhớ, giảm bớt đau buồn.
Âm nhạc có tác dụng tích cực đối với sức khỏe của người cao tuổi. Các nhà trị liệu đã dùng âm nhạc như một liệu pháp giúp người cao tuổi giảm căng thẳng, đau buồn và hồi phục trí nhớ.
Nhà trị liệu âm nhạc người Mỹ Snyder Cowan cho rằng hiện tượng “sự đồng nhịp” (entrainment) do âm nhạc tạo ra mang lại rất nhiều lợi ích sức khỏe cho bệnh nhân. Người nghe sẽ có nhịp sinh học đồng bộ với loại âm nhạc họ hay nghe. Sự đồng nhịp mang đến nguồn sức mạnh hết sức thần kỳ, chỉ cần lắng nghe các giai điệu, người ta có thể đạt được trạng thái thư giãn, thoải mái về thể chất và tinh thần.
Anh nói: “Loại trị liệu này là một quá trình sử dụng âm nhạc có chủ ý, mục đích mang lại sự thay đổi cụ thể cho bệnh nhân; dù đó là sự thay đổi về trị liệu, cảm xúc hay tinh thần”.
Nghe nhạc còn hiệu quả hơn uống thuốc
Liệu pháp âm nhạc đã được áp dụng đối với các bệnh nhân ở bệnh viện và các trung tâm phục hồi sức khỏe. Đặc biệt nó có thể giúp người cao tuổi thuyên giảm các bệnh mãn tính hoặc bệnh Alzheimer (dạng phổ biến nhất của Hội chứng suy giảm trí nhớ).
Snyder-Cowan nhớ lại: “Tôi đã nhiều lần chứng kiến sức mạnh của âm nhạc. Nó có ý nghĩa rất lớn đối với người cao tuổi. Ai cũng biết là phương pháp trị liệu âm nhạc giúp người mắc bệnh mất trí nhớ dễ dàng đi lại, tiến bộ trong giao tiếp và tương tác với môi trường xung quanh”.
Âm nhạc đặc biệt có lợi cho những người mắc phải chứng mất trí nhớ. Bệnh nhân mắc bệnh này hầu như không thể nhớ lại những việc trong quá khứ hoặc tên người quen. Tuy nhiên, âm nhạc có thể giúp họ dễ dàng nhớ lại những ký ức của mình.
Đôi khi, âm nhạc còn có tác dụng mạnh mẽ hơn kê toa, bốc thuốc và các bài tập vật lý trị liệu. Nghiên cứu về những người sống sót sau đột quỵ tại Phần Lan phát hiện rằng, khi họ nghe loại nhạc yêu thích trong giai đoạn hồi phục sức khỏe, họ đã lấy lại khả năng nhận thức từ ngữ và giao tiếp. So sánh với những người bị đột quỵ có thói quen nghe máy đọc sách hoặc không nghe gì, cho thấy người có thói quen nghe nhạc vài giờ mỗi ngày lấy lại kỹ năng ngôn ngữ nhanh hơn. Người thích nghe nhạc ít bị các di chứng thường gặp sau đột quỵ là trầm cảm và nhầm lẫn.
Các nhà nghiên cứu ở Đức phát hiện, khi nghe nhạc cổ điển, nồng độ hormone cortisol (hormone chống căng thẳng) ở những người hồi phục sau phẫu thuật hở tim giảm xuống thấp hơn. Âm nhạc cũng giúp giải tỏa căng thẳng, giúp bệnh nhân bình tĩnh trước ca phẫu thuật, đôi lúc còn hiệu quả hơn so với uống thuốc chống lo âu.
Âm nhạc giúp giảm bớt đau buồn
Ở các phương Tây, tùy thuộc vào nhu cầu và mong muốn riêng của người cao tuổi và gia đình, nhà trị liệu âm nhạc có thể tổng hợp các bài hát có ý nghĩa đặc biệt vào một đĩa CD. Đĩa CD này được xem như món quà mà người sắp ra đi tặng cho người thân của họ. Nhà trị liệu âm nhạc còn có thể sáng tác một bài hát về cuộc đời của người sắp ra đi hay chơi những bản nhạc truyền cảm để giảm bớt nỗi đau thể xác và tâm hồn khi họ rời khỏi thế giới này.
Các chuyên gia trị liệu âm nhạc sẽ quan sát bệnh nhân tỉ mỉ để điều chỉnh âm nhạc sao cho phù hợp với trạng thái của bệnh nhân, giúp bệnh nhân giảm đau, thở sâu hơn và dễ ngủ hơn.
Trị liệu bằng âm nhạc tại nhà
Nếu tiếp xúc với âm nhạc thường xuyên, bạn và người thân có thể hưởng những lợi ích trị liệu do âm nhạc mang lại. Để có thể chăm sóc cho người thân bị bệnh được tốt hơn, hoặc phục hồi sức khỏe và tâm trạng của bản thân, sau đây là một vài gợi ý mà bạn có thể áp dụng tại nhà:
Hãy học chơi một loại nhạc cụ nào đó, vì không giống như nghe các bài hát trên đĩa CD, tự đánh các bản nhạc sẽ đem lại trải nghiệm tuyệt vời hơn nhiều.
Để giúp người thân lấy lại ký ức, hãy cho họ nghe những bản nhạc phổ biến khi họ 20 hay 30 tuổi.
Khi nghe đúng loại nhạc mình thích thì lại càng có tác dụng trị liệu hơn. Do đó hãy chọn những bản nhạc mà bạn hoặc người thân thích nghe.
Theo Aging Care
No comments:
Post a Comment